Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 26/05/2022, 08:21 (GMT+7)
Phát huy giá trị văn hóa quân sự trong xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại

Văn hóa quân sự là một bộ phận của nền văn hóa dân tộc, là tổng thể các giá trị vật chất và tinh thần được hình thành, phát triển gắn liền với quá trình xây dựng, trưởng thành, phát triển của Quân đội. Phát huy các giá trị văn hóa quân sự, khơi dậy sức mạnh nội lực của cán bộ, chiến sĩ hướng vào hoàn thành các mục tiêu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại là yêu cầu vừa cấp bách, vừa lâu dài.

Là một bộ phận của nền văn hóa Việt Nam, văn hóa quân sự được hình thành và bồi đắp qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc. Trong thời đại Hồ Chí Minh, ngay từ khi Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập, văn hóa quân sự đã được bổ sung thêm những giá trị mới kết tinh từ thực tiễn hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân. Những giá trị đó phản ánh bản chất, truyền thống vẻ vang của Quân đội ta - một quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân Việt Nam, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân.

Quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa quan điểm, đường lối văn hóa của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa trong Quân đội; được cụ thể hóa thông qua các chỉ thị, hướng dẫn thực hiện về công tác xây dựng văn hóa nói chung, xây dựng văn hóa quân sự nói riêng. Nhờ đó, các giá trị văn hóa quân sự đã góp phần phát huy nhân tố con người, là gốc rễ, nền tảng xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, giữ vững bản chất cách mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam và định hướng dẫn dắt quá trình xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Tuy nhiên, việc quan tâm, chăm lo phát huy các giá trị văn hóa quân sự ở một số cơ quan, đơn vị còn những hạn chế nhất định, chưa theo kịp sự phát triển chung của đất nước và thời đại.

Vì vậy, để tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa quân sự, khơi dậy sức mạnh nội lực của cán bộ, chiến sĩ hướng vào hoàn thành các mục tiêu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, phạm vi bài viết xin trao đổi một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, thực tiễn về văn hóa quân sự và vận dụng những giá trị văn hóa quân sự trong xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đây là giải pháp quan trọng nhằm cung cấp các luận cứ, luận chứng khoa học cho phát huy các giá trị văn hóa quân sự trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Bởi, bản thân văn hóa luôn có sự kế thừa, tiếp thu và phát triển; văn hóa quân sự Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật chung ấy. Các giá trị văn hóa quân sự được kết tinh từ lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông, được bồi đắp thêm những giá trị mới trong đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay, nhất là sự bổ sung, phát triển trong quá trình xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; sự tác động của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Do vậy, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn về văn hóa quân sự. Qua đó, bổ sung những giá trị văn hóa mới vào hệ giá trị văn hóa quân sự Việt Nam phù hợp với xu thế phát triển của thời đại; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm sâu sắc thêm những nội dung về lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, môi trường văn hóa quân sự, nghệ thuật quân sự, tinh thần, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, trên cơ sở những chuẩn mực đã được xác lập, như: “Kiên định vững vàng, động cơ trong sáng, trách nhiệm cao, hành động đẹp; đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh, thực sự cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; có tri thức khoa học, trình độ quân sự, năng lực, phương pháp, tác phong công tác và sức khỏe tốt; dân chủ, kỷ luật tự giác, nghiêm minh; đoàn kết, tôn trọng, gắn bó máu thịt với Nhân dân, có tinh thần quốc tế trong sáng”1, cần bổ sung những chuẩn mực mới của “Bộ đội Cụ Hồ” cho phù hợp.

Hai là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục làm lan tỏa các giá trị văn hóa quân sự trong đời sống chính trị, tinh thần ở các đơn vị. Đây là giải pháp cơ bản để cán bộ, chiến sĩ Quân đội kế thừa, tiếp thu và thấm nhuần những giá trị văn hóa quân sự Việt Nam. Do vậy, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị phải coi giáo dục giá trị văn hóa quân sự là một nội dung trọng tâm của công tác giáo dục chính trị; từ đó, xây dựng và thực hiện các kế hoạch, chương trình giáo dục thống nhất, đồng bộ, đảm bảo cả diện rộng và chiều sâu. Trong đó, xác định rõ những giá trị văn hóa quân sự căn bản đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại để đưa vào giáo dục, rèn luyện bộ đội; nội dung phải đảm bảo tính kế thừa các giá trị văn hóa từ truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc và đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nội dung giáo dục giá trị văn hóa quân sự phải được đưa vào trong chương trình đào tạo của các học viện, nhà trường Quân đội; chương trình giáo dục chính trị hằng năm cho các đối tượng ở đơn vị cơ sở. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị cần tích cực đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với trình độ nhận thức, thị hiếu thẩm mỹ,... của cán bộ, chiến sĩ hiện nay. Đồng thời, phát huy tốt công năng của các thiết chế văn hóa chuyên nghiệp và thiết chế văn hóa cơ sở trong tuyên truyền, giáo dục các giá trị văn hóa quân sự. Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần tích cực tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ tham quan các bảo tàng, nhà truyền thống, di tích lịch sử,… từ đó bồi dưỡng các giá trị văn hóa quân sự một cách trực quan, sinh động. Để đạt hiệu quả cao, cần tăng cường ứng dụng các nền tảng số, internet trong tuyên truyền, giáo dục giá trị văn hóa quân sự cho bộ đội và nhân dân.

Ba là, phát huy các giá trị văn hóa quân sự trong xây dựng “thế trận lòng dân”, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và cả hệ thống chính trị góp phần hiện đại hóa Quân đội. Đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân trên tinh thần “quân - dân như cá với nước” chính là một giá trị văn hóa cao đẹp của Quân đội ta. Mặt khác, để góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, bản thân Quân đội phải được xây dựng thực sự cách mạng, chính quy, tinh nhuệ,… giữ gìn và phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”. Chỉ có như vậy, thì những giá trị văn hóa quân sự được kết tinh trong từng cán bộ, chiến sĩ mới được phát huy, được nhân dân tin yêu, quý mến và khi đó mới có thể tuyên truyền, vận động nhân dân thành công. Theo đó, các đơn vị cần giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương kết hợp với làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh, tác phong quân nhân cách mạng cho bộ đội. Cán bộ, chiến sĩ Quân đội phải có động cơ trong sáng, bản lĩnh vững vàng, trách nhiệm cao; đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh; trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; thực hành dân chủ, kỷ luật tự giác, nghiêm minh; đoàn kết nội bộ, đoàn kết gắn bó máu thịt với nhân dân và đoàn kết quốc tế. Bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, các đơn vị phải tổ chức hiệu quả các hoạt động giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, phòng chống, ứng phó hiệu quả các thảm họa thiên tai và đại dịch Covid-19, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Bởi, chỉ có thông qua hoạt động thực tiễn, cán bộ, chiến sĩ sẽ tự rèn luyện để trưởng thành, đồng thời hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” được phát huy, tỏa sáng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Quân đội, với Đảng; xây dựng mối đoàn kết gắn bó giữa Đảng với nhân dân, Quân đội với nhân dân. Qua đó huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và cả hệ thống chính trị, tận dụng các nguồn lực để hiện đại hóa Quân đội.

Bốn là, tiếp tục đổi mới công tác văn hóa, văn nghệ trong Quân đội. Đây là giải pháp nhằm khắc phục sự tụt hậu về văn hóa quân sự so với sự phát triển của xã hội, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần của bộ đội. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 847-NQ/QUTW, ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới; các quan điểm, chủ trương, phương hướng của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam thời kỳ mới. Trên cơ sở đó, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động văn hóa, văn nghệ theo hướng khoa học, cập nhật, ngày càng hiện đại; vừa đảm bảo sự nhạy cảm cao về chính trị, bám sát các hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, học tập, công tác,… của Quân đội, vừa linh hoạt, sáng tạo, phát huy cao độ phẩm chất, năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ và các lực lượng thực hiện nhiệm vụ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ hiện nay. Trong quá trình tiến hành, các cấp cần tăng cường chỉ đạo thực hiện hiệu quả Quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa trong Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đặc biệt coi trọng phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với hiện đại hóa hình thức thể hiện, nâng cao tính hấp dẫn, tính thuyết phục, đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động của các nhà hát, đoàn nghệ thuật, bảo tàng, thư viện, các thiết chế văn hóa cơ sở trong Quân đội. Các thiết chế này cần phát huy tính năng động chủ quan, đổi mới sáng tạo trong việc tiếp cận các công nghệ mới, như: 5G, trí tuệ nhân tạo AI, các nền tảng số,… để vừa nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, vừa mang sản phẩm đó đến nhiều hơn với bộ đội và nhân dân. Cùng với đó, cần tích cực động viên, khích lệ, tập hợp các tác giả trong và ngoài Quân đội tham gia sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài chiến tranh cách mạng cũng như mang đậm hơi thở cuộc sống, học tập, rèn luyện, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, tham gia phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và đại dịch Covid-19 của bộ đội hiện nay. Đồng thời, xây dựng các chính sách thu hút nhân tài trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật vào hoạt động trong Quân đội; chú trọng phát hiện những cán bộ, chiến sĩ có khả năng trong hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng để đào tạo, bồi dưỡng trở thành những văn nghệ sĩ Quân đội chuyên nghiệp.

Đại tá, TS. ĐINH QUỐC TRIỆU, Chủ nhiệm Chính trị Trường Sĩ quan Chính trị
_______________

1 - Báo cáo chính trị của Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2015 - 2020 tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, H. 2020, tr. 26.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.