Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Ba, 22/03/2016, 09:57 (GMT+7)
Những thách thức từ an ninh phi truyền thống và biện pháp phòng, chống

Chưa bao giờ nhân loại phải đối phó với nhiều mối hiểm họa, thách thức như hiện nay. Trong đó, thách thức an ninh phi truyền thống đang trở thành một trong những mối thách thức gay gắt nhất, không thể xem thường. Vì thế, việc hợp tác nghiên cứu dự báo, chủ động có biện pháp phòng, chống là vấn đề cấp thiết đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, vấn đề an ninh phi truyền thống được nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới đề cập, nghiên cứu. Đặc biệt, sau sự kiện khủng bố ngày 11-9-2001 ở nước Mỹ, vấn đề an ninh phi truyền thống đã vượt ra khỏi phạm vi an ninh của một quốc gia, dân tộc và trở thành mối quan ngại mang tính toàn cầu. Cho đến nay, mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu và nhiều khái niệm về an ninh phi truyền thống được đưa ra, nhưng vẫn chưa có sự thống nhất về nội hàm. Cho nên, các quốc gia thường dựa vào cách xác định, đánh giá của Liên hợp quốc làm quy chuẩn. Theo đó, an ninh phi truyền thống gồm 7 lĩnh vực chủ yếu là: kinh tế, lương thực, sức khỏe, môi trường, con người, xã hội, chính trị và văn hóa. Bên cạnh đó, có một số quan điểm cho rằng, nó được biểu hiện trên 5 lĩnh vực cơ bản là: kinh tế, môi trường, xã hội, chính trị và văn hóa. Có quan điểm khác lại khẳng định nó gồm 6 nhóm chính là: ô nhiễm môi trường, tình trạng thiếu hụt tài nguyên, tội phạm xuyên quốc gia, nạn khủng bố, dịch bệnh và thảm họa thiên tai. Điều dễ nhận thấy, các quan điểm trên tuy không hoàn toàn thống nhất về phạm vi quy chuẩn (lĩnh vực), nhưng đều có điểm chung là, an ninh phi truyền thống không phải là an ninh quân sự, mà là an ninh tổng hợp (có thể do con người gián tiếp gây ra) tác động xấu tới các lĩnh vực của đời sống xã hội và đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn vong của con người ở một quốc gia, khu vực hoặc trên toàn thế giới. Các mối đe dọa từ an ninh phi truyền thống biểu hiện ở mức độ hủy hoại, tàn phá của nó đối với cuộc sống của con người, của cộng đồng, thậm chí còn làm nảy sinh các vấn đề liên quan đến an ninh truyền thống. Những thảm họa thiên tai, như: động đất, sóng thần, bão lụt, dịch bệnh, hay sự cạn kiệt về tài nguyên thiên nhiên,… vẫn đang xảy ra với xu hướng ngày càng gia tăng và biến động rất khó lường đang là thách thức lớn đối với lĩnh vực khoa học, kỹ thuật cũng như khả năng của con người. Vấn đề về khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao hay khủng hoảng tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực là những lĩnh vực quan trọng đang đe dọa trực tiếp tới mọi quốc gia và thực sự là thách thức, sự kiểm nghiệm năng lực lãnh đạo, điều hành của các chính phủ và tổ chức quốc tế, đứng đầu là Liên hợp quốc. Như vậy, tác động của an ninh phi truyền thống là một trong những nguyên nhân chủ yếu tạo ra bất ổn, rối loạn về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở các quốc gia, khu vực và thế giới. Trong điều kiện hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng như hiện nay, các mối đe dọa về an ninh phi truyền thống sẽ tác động trên các lĩnh vực, với tốc độ lan truyền nhanh, hậu quả lớn và rất khó lường. Thực tế cho thấy, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 được bắt đầu từ nước Mỹ đã nhanh chóng lan rộng khắp toàn cầu, làm cho nền kinh tế, tài chính thế giới rơi vào tình trạng suy thoái, khủng hoảng trầm trọng kéo dài, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh chính trị và đời sống xã hội ở các quốc gia trên toàn thế giới.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển, có vị trí địa lý đặc thù, nằm trên dải khí hậu xích đạo nhiệt đới, nên chịu tác động rất nặng nề từ an ninh phi truyền thống, nhất là những mối hiểm họa từ thiên tai, bão lụt, sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, các loại dịch bệnh (SARS, cúm gia cầm H5N1, AIDS…). Cùng với đó, những vấn đề về buôn lậu, vận chuyển trái phép vũ khí, ma túy, cướp biển, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, khủng bố, nhập cư và di cư trái pháp luật, ô nhiễm môi trường,… đã và đang tác động mạnh mẽ đến an ninh của Việt Nam.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, bên cạnh thời cơ, thuận lợi, chúng ta cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó có thách thức từ an ninh phi truyền thống trên các lĩnh vực. Trong lĩnh vực kinh tế, tác động xấu từ những hiểm họa của an ninh phi truyền thống làm cho nền kinh tế nước ta suy thoái, kém phát triển, gây ra những hệ lụy nguy hiểm, khó lường. Trong đó, biến đổi khí hậu làm cho nhiệt độ tăng, nước biển dâng,… là nguyên nhân, “thủ phạm” gây nên các trận bão, lũ lớn, phá hoại mùa màng và các công trình giao thông, công trình xã hội, cơ sở sản xuất, làm ô nhiễm môi trường, dịch bệnh,… chúng ta phải tốn kém nhiều tiền của để khắc phục. Cũng do biến đổi khí hậu, các địa bàn ven biển, nhất là khu vực thành phố Hồ Chí Minh, mực nước biển dâng cao, diện tích canh tác, trồng trọt bị xâm mặn, ảnh hưởng lớn đến thu hẹp mục tiêu, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, thời tiết nhiều nơi, nhất là khu vực miền Trung, thường xuyên nắng nóng, hạn hán kéo dài, dẫn đến khan hiếm nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất, làm cho mùa màng thất thu, đe dọa đến an ninh lương thực. Tóm lại, tác động của an ninh phi truyền thống trong lĩnh vực kinh tế để lại hậu quả rất nặng nề, nó làm cho giá cả các mặt hàng của đất nước ngày một leo thang, nhân dân lao động phải đối mặt với nạn thất nghiệp, đói nghèo, tham nhũng, tội phạm, dịch bệnh tràn lan, môi trường ô nhiễm,... nhà nước phải chi phí lớn về ngân sách để khắc phục.

Đối với lĩnh vực chính trị - tinh thần, tác động của an ninh phi truyền thống làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và chính quyền các cấp, nhất là trong việc thực hiện các chủ trương, quyết sách về phát triển kinh tế - xã hội, gây tâm lý nhân dân hoang mang, hoài nghi, thiếu niềm tin đối với chế độ. Về văn hóa - xã hội, xu thế mở cửa hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay là điều kiện cho các luồng tư tưởng, văn hóa khác nhau của nước ngoài du nhập vào nước ta. Vì thế, chúng ta phải chịu tác động không nhỏ từ thứ văn hóa, đạo đức, lối sống độc hại, không lành mạnh du nhập từ nước ngoài; thậm chí làm lệch chuẩn về tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống của giới trẻ và biến dạng bản sắc văn hóa truyền thống nghìn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam.

Về lĩnh vực quốc phòng - an ninh, những tác động từ các hiểm họa của an ninh phi truyền thống đã ảnh hưởng lớn đến nguồn lực tăng cường quốc phòng - an ninh, trực tiếp là xây dựng lực lượng, thế trận, các công trình phòng thủ và các mặt bảo đảm cho hoạt động của lực lượng vũ trang thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, bảo vệ Tổ quốc trong thời bình, hoạt động tác chiến khi đất nước có chiến tranh, xung đột. Mặt khác, trong điều kiện bùng phát của công nghệ thông tin, truyền thông, đang xuất hiện một loại tội phạm mới rất nguy hiểm, đe dọa trực tiếp tới quốc phòng - an ninh quốc gia, đó là: tội phạm an ninh mạng, tội phạm công nghệ cao. Các đối tượng này tìm cách đánh cắp các thông tin mật về an ninh quốc gia, về quân sự, quốc phòng, đối ngoại của đất nước, gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế của ta đối với các quốc gia, khu vực. Thậm chí, tội phạm an ninh mạng có thể sử dụng những loại vi-rút độc hại để phá hủy, làm tê liệt hệ thống máy tính, trung tâm chỉ huy, điều hành, gây ảnh hưởng lớn đến công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong hệ thống máy tính nối mạng ở các cơ quan, đơn vị trọng yếu. Đặc biệt, một số quốc gia phát triển còn sử dụng lực lượng “tình báo mạng”, ngoài việc xâm nhập đánh cắp thông tin còn có thể tiến hành tác chiến mạng, tác chiến điện tử khi cần thiết.

Từ nghiên cứu trên cho thấy, những thách thức từ an ninh phi truyền thống đối với nước ta xuất phát từ các nguyên nhân bên trong và bên ngoài, cả chủ quan và khách quan, tác động xấu đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta. Để giải quyết và ứng phó hiệu quả với tác động của an ninh phi truyền thống, bảo vệ an ninh quốc gia, chúng ta phải có những giải pháp đồng bộ, cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; trong đó, cần tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau:

Một là, quán triệt quan điểm của Đảng về giữ vững sự ổn định và phát triển đất nước tạo nền tảng vững chắc để phòng, chống hiệu quả những thách thức, tác hại từ an ninh phi truyền thống. Có các biện pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe cho nhân dân, tăng cường quốc phòng - an ninh, v.v.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an ninh phi truyền thống, nhất là những mối đe dọa và tính chất nguy hiểm, khó lường của nó đối với các lĩnh vực đời sống xã hội. Trên cơ sở đó, nâng cao cảnh giác, xác định tốt trách nhiệm của cá nhân, tổ chức và của toàn xã hội để có biện pháp phòng, chống hiệu quả.

Ba là, tích cực mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, các tổ chức trong khu vực và quốc tế để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp chặt chẽ, kịp thời, tạo nguồn lực và sức mạnh tổng hợp để đối phó có hiệu quả với những thách thức từ an ninh phi truyền thống, nhất là vấn đề về thảm họa thiên tai do biến đổi khí hậu, khủng bố, nạn cướp biển, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển đảo, dịch bệnh cùng các thảm họa về môi trường, v.v. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác, phối hợp với các nước và tổ chức quốc tế, cơ quan an ninh, nhằm thiết lập hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế hợp tác với các nước trong khu vực và quốc tế. Đặc biệt là, cần tăng cường hợp tác với các nước ASEAN để phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên, bảo đảm an ninh biển, cùng với các chương trình, kế hoạch và cơ chế phù hợp.

Vấn đề an ninh phi truyền thống là một nội dung quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Vì thế, đối phó với những thách thức từ an ninh phi truyền thống vừa là yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc, vừa là điều kiện quan trọng để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Quá trình thực hiện nhiệm vụ này, đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ và nỗ lực của toàn xã hội, sự quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân, với những giải pháp phù hợp và hiệu quả.

Đại tá, TS. QUÁCH XUÂN ĐÀ, Viện Chiến lược Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.