Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Tư, 09/05/2018, 15:34 (GMT+7)
Nhiệm vụ lao động sản xuất của Quân đội – nhìn từ góc độ lợi ích quốc gia

Tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là một chức năng cơ bản, nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa chiến lược lâu dài, thể hiện sâu sắc bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam; đồng thời, thể hiện ý thức, trách nhiệm chính trị của Quân đội trong quán triệt, thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua, xuất hiện dư luận khác nhau, cả đồng tình ủng hộ, cũng như còn phân vân và cả trái chiều liên quan tới chức năng, nhiệm vụ này của Quân đội.

Sở dĩ có tình trạng đó là do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan; trong đó, một phần do công tác nghiên cứu khoa học về chuyên ngành kinh tế quân sự ở nước ta chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn, chưa kịp thời cung cấp thông tin, đề xuất luận cứ khoa học phục vụ cho công tác tham mưu, hoạch định chủ trương, giải pháp tổ chức thực hiện, cũng như góp phần thống nhất nhận thức, định hướng dư luận. Vì vậy, lý giải thấu đáo vấn đề này cả về lý luận và thực tiễn là vấn đề quan trọng, cấp thiết, nhất là góp phần cung cấp cơ sở khoa học giúp định hướng phát triển dài hạn cho các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng - một bộ phận quan trọng trong đội hình các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế.

Nếu nghiên cứu sâu có thể thấy, thuật ngữ “quân đội làm kinh tế” mà chúng ta quen sử dụng chỉ là một nội hàm chi tiết trong tổng thể lớn hơn về quan điểm “kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng” của Đảng. Trước hết, cần khẳng định: đây không phải là vấn đề đặc thù chỉ có ở Việt Nam, mà hầu hết các quốc gia trên thế giới khi đặt ra mục tiêu xây dựng sức mạnh tổng hợp của quốc gia đều đề cao các giải pháp để thực hiện quan điểm này. Về mặt ngôn từ và thuật ngữ, mỗi quốc gia có thể sử dụng khẩu hiệu hoặc cách thể hiện khác nhau, nhưng về bản chất là hoàn toàn giống nhau. Ngay các tiêu chí đánh giá, so sánh sức mạnh tổng hợp về quân sự giữa các quốc gia mà giới nghiên cứu quốc tế thường tham khảo (ví dụ: chỉ số GFP – Global Fire Power) người ta cũng tổng hợp trong đó hàng trăm thông số về quân sự và kinh tế của mỗi nước. Sức mạnh tổng hợp đó được đánh giá không chỉ bởi những thực lực có sẵn trong thời bình, mà còn bao gồm cả khả năng huy động tối đa từ nội lực của nền kinh tế khi có chiến tranh. Tùy từng giai đoạn phát triển, thực lực quốc gia và bối cảnh quốc tế, mỗi nước có thể ưu tiên nhiều hơn cho yếu tố này hay yếu tố khác. Song, do xuất phát từ lợi ích lâu dài, các nước đều xác định tầm quan trọng chiến lược của quan điểm: kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng.

Hơn thế nữa, lợi ích của việc kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng còn xuất phát từ thực tiễn khách quan là, trong nội lực của bất kỳ quốc gia nào cũng tồn tại các yếu tố lưỡng dụng, bao gồm những tiềm lực vật thể và phi vật thể vừa có thể phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế, vừa có thể phục vụ cho  sức mạnh quân sự, quốc phòng tuỳ theo yêu cầu trong thời bình hay thời chiến. Lợi ích này thu được nhiều hay ít tuỳ thuộc vào hiệu quả và cách thức mà mỗi quốc gia quy hoạch, định hướng phát triển, tạo nguồn, phân bổ nguồn lực và khai thác sử dụng tổng thể nội lực lưỡng dụng đó của mình. Điều này rõ ràng phải dựa vào nền tảng tư duy, tầm nhìn, thể chế chính trị, hệ thống pháp luật, mô hình và chính sách kinh tế, đường lối quốc phòng, an ninh, học thuyết và nghệ thuật quân sự, v.v. Dù phương thức và biện pháp kết hợp có thể khác nhau, nhưng có một điểm chung là: ở bất cứ nước nào thì sự kết hợp này cũng phải được thực hiện đồng thời từ cả hai phía và tại cả 2 khu vực: quân sự và dân sự. Nguyên nhân cơ bản là vì các thành tố lưỡng dụng trong nội lực của quốc gia nào cũng hiện diện ở cả khu vực kinh tế dân sinh và bên trong cơ cấu của các lực lượng vũ trang.

Trong khu vực kinh tế dân sinh, tiềm lực lưỡng dụng cả về nhân lực, vật lực là rất to lớn và có ý nghĩa quyết định việc xây dựng sức mạnh tổng hợp của mỗi quốc gia. Không có bất cứ quốc gia nào lại giới hạn nhiệm vụ quốc phòng của nền kinh tế chỉ trong phạm vi bảo đảm nguồn ngân sách cho quốc phòng. Dù đi theo thể chế tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa thì trong các văn bản pháp luật của các nước đều có các quy định về trách nhiệm cho các thể chế nhà nước, các tổ chức pháp nhân, doanh nghiệp và cả cá nhân từng công dân phải có nghĩa vụ đóng góp cho các lợi ích quốc gia về quốc phòng, an ninh, bao gồm cả đóng góp, huy động tài sản, tri thức, thành tựu nghiên cứu, sản xuất, dịch vụ, đào tạo,... đến đóng góp trực tiếp vào việc tham gia chế tạo vũ khí cung cấp cho các lực lượng vũ trang. Chính vì vậy, trong học thuyết quân sự cũng như hệ thống luật pháp của các nước, kể cả ở Việt Nam đều có nội dung đề cập tới chuẩn bị động viên trong thời bình và động viên kinh tế, động viên công nghiệp trong thời chiến.

Trong khu vực quân sự cũng có rất nhiều yếu tố lưỡng dụng có thể và cần phải huy động để phục vụ cho mục đích dân sinh. Dù cách thức và luật pháp có thể có các quy định khác nhau, nhưng trên thế giới không có quốc gia nào không cho phép bác sĩ quân y hay bệnh viện quân y khám, chữa bệnh cho người dân; không có quốc gia nào không huy động lực lượng công binh xây dựng hạ tầng giao thông và các công trình đặc biệt (có sử dụng công nghệ xây dựng tương tự như các công trình phòng thủ), nhất là trong các tình huống khẩn cấp và tại các khu vực đặc biệt khó khăn; không có sân bay quân sự nào được xây dựng mà không tính tới các lợi ích phục vụ vận tải hàng không dân sự khi cần thiết. Đồng thời, hoạt động khắc phục, giảm nhẹ thiên tai, cứu trợ nhân đạo,... cũng ngày càng phát triển thành một trong những chức năng chủ chốt của các lực lượng vũ trang; thông tin từ các hệ thống ra-đa quân sự của không quân hay hải quân cũng đều được kết nối để phục vụ chung cho kiểm soát không lưu, cảnh giới lãnh hải, dự báo thời tiết, cứu hộ ngư dân, v.v. Đặc biệt, sau các cuộc chiến tranh, kể cả sau chiến tranh Lạnh hoặc sau khi kết thúc các tình huống khủng hoảng,... không quốc gia nào không tính tới việc huy động binh lính tham gia giúp dân khôi phục đời sống, phát triển hạ tầng kinh tế. Điều bình thường vẫn diễn ra ở cả các nước nghèo và các nước giàu là việc chuyển giao các quân cảng, doanh trại quân đội, sân bay quân sự sang sử dụng vì mục đích dân sự, cũng tương tự như các hình thức trưng dụng đất đai, hạ tầng của khu vực doanh nghiệp hay cá nhân để phục vụ cho mục đích quân sự khi có yêu cầu.

Trong tổng thể các yếu tố cấu thành nội lực lưỡng dụng của quốc gia, phần có “hàm lượng lưỡng dụng” cao nhất chính là ngành công nghiêp quốc phòng. Vì thế, mọi chủ trương, chính sách, cơ chế quản lý, mô hình tổ chức công nghiệp quốc phòng của các quốc gia đều chú trọng tới việc phát huy tối đa hiệu quả lưỡng dụng của nó bằng các biện pháp kết hợp đồng thời cả 2 chiều: quốc phòng với kinh tế và kinh tế với quốc phòng. Tính lưỡng dụng của công nghiệp quốc phòng thể hiện trên nhiều mặt: năng lực công nghệ, đội ngũ, hạ tầng, sản phẩm, thị trường, sự chi phối đồng thời của các quy luật kinh tế và quy luật quân sự trong hoạt động ở cả thời bình và thời chiến. Đặc biệt, trong thời bình, các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng dù chức năng chủ yếu là nghiên cứu, chế tạo, sửa chữa vũ khí, nhưng hoạt động làm kinh tế là điều kiện để sinh tồn, phát triển và để phát huy tối đa thế mạnh lưỡng dụng của mình. Dù mô hình tổ chức nằm bên trong hay bên ngoài bộ quốc phòng, dù thuộc sở hữu tư nhân hay sở hữu nhà nước,... thì các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng ở các nước trên thế giới vẫn phải luôn thực hiện đồng thời cả 2 nhiệm vụ nêu trên và phải có giải pháp kết hợp tối ưu, hiệu quả cả 2 lợi ích song hành đó. Liệu trong lĩnh vực đặc thù này có thể tách bạch rạch ròi các lợi ích kinh tế và quân sự được không? Chắc chắn là không thể và cũng không có quốc gia nào biết tính toán lợi ích lại có thể nghĩ ra một lệnh cấm các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng không được tham gia hoạt động kinh tế. Trái lại, đây là tiềm năng vô cùng to lớn và đòi hỏi phải có các chính sách mạnh mẽ để khuyến khích và phát triển. Hãy thử quan sát và nghiên cứu các lĩnh vực hoạt động và khu vực thị trường của các tập đoàn công nghiệp quốc phòng hàng đầu trên thế giới: Từ Airbus của Châu Âu cho đến Boeing của Mỹ, từ Mitsubishi của Nhật cho tới Norinco của Trung quốc, từ hãng Sukhoi của Nga tới IAI của Israel và các công ty công nghiệp quốc phòng của nhiều nước thuộc thế giới thứ ba khác, trong mục tiêu phát triển và cơ cấu nghành nghề của họ đều có các sản phẩm quân sự và dân sự, đều sử dụng các thành tựu công nghệ lưỡng dụng (Dual-Use Technology) để chế tạo vũ khí và chế tạo hàng dân dụng. Theo dõi doanh thu của các tập đoàn công nghiệp quốc phòng nêu trên, chúng ta sẽ thấy rõ sự biến động thường xuyên của tỷ trọng phần sản phẩm quân sự và sản phẩm dân sự. Chế độ kiểm soát, bảo mật, chính sách về thuế, tài chính,... có thể áp dụng khác nhau cho sản phẩm dân sự hay quân sự, nhưng bất cứ thành tựu công nghệ lưỡng dụng nào nếu góp phần tạo ra thế hệ máy bay, ra-đa quân sự mới cũng sẽ được ứng dụng cho các sản phẩm dân sự tương đương. Vì thế, việc định nghĩa thuật ngữ “công nghệ lưỡng dụng” thường có vị trí “chìa khoá” trong các văn bản luật pháp quốc tế, các chế tài kiểm soát, hạn chế mua bán vũ khí và chuyển giao công nghệ quân sự.

Tiềm lực lưỡng dụng nằm trong các lực lượng vũ trang cũng là tài sản quốc gia và sẽ vô cùng lãng phí (nhất là trong điều kiện thời bình) nếu biệt lập hoàn toàn việc khai thác sử dụng chỉ cho riêng mục đích quân sự. Tuy nhiên, phương thức, giải pháp, trình tự kết hợp lợi ích hai chiều như thế nào còn tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện, thể chế chính trị, môi trường pháp luật và cách tính toán hiệu quả lợi ích của mỗi quốc gia. Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, nhất là kể từ sau năm 1975, việc đẩy mạnh hoạt động tham gia lao động sản xuất, làm kinh tế của Quân đội là sự lựa chọn đúng đắn, hiệu quả nhất để phát huy và chuyển đổi các nguồn lực lưỡng dụng có trong lực lượng vũ trang nhân dân vào việc trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Không ai có thể phủ nhận những lợi ích to lớn và lâu dài mà chủ trương này đem lại. Hàng vạn, thậm chí hàng chục vạn quân nhân sau chiến tranh đã chuyển sang thực hiện nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế, đóng góp to lớn vào sự thành công của các đại công trường, các công trình thế kỷ trên mọi miền Tổ quốc, làm cho hạ tầng kinh tế, xã hội nhanh chóng được khôi phục, phát triển. Các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng bắt đầu từ việc tham gia sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu thiết yếu nhất của dân sinh trong những năm tháng thiếu thốn sau chiến tranh đã từng bước vươn lên, làm chủ công nghệ cao, hội nhập thị trường trong nước và quốc tế, tạo việc làm cho hàng chục vạn người lao động và đóng góp cho ngân sách nhà nước, ngân sách các địa phương nơi đóng quân hàng nghìn tỷ đồng một năm, v.v.

Có thể khi nghiên cứu tư liệu nước ngoài, chúng ta thường rất khó tìm kiếm thông tin về kinh nghiệm và thực tiễn liên quan tới “quân đội làm kinh tế”. Nhưng nếu mở rộng thêm chủ đề về công nghệ lưỡng dụng, về sự kết hợp lợi ích 2 chiều giữa quốc phòng với kinh tế trong quy hoạch, thu hút, phân bổ và khai thác sử dụng các yếu tố lưỡng dụng trong tổng thể nội lực để xây dựng sức mạnh tổng hợp của mỗi quốc gia thì chúng ta sẽ thấy đây là vấn đề được các nước trên thế giới hết sức quan tâm, tổ chức nghiên cứu sâu rộng, tổng thể, toàn diện và luôn đặt ở vị trí gắn với tầm nhìn chiến lược lâu dài. Bởi vậy, khi viện dẫn kinh nghiệm một số nước trong quá trình cải cách, điều chỉnh về thể chế đã thực hiện việc dân sự hóa hoặc tư nhân hóa các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quốc phòng, chúng ta cần đánh giá khách quan, đúng bản chất của các hiện tượng có liên quan. Thực chất, đây không phải là việc từ bỏ chủ trương kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng mà chỉ là những biện pháp cụ thể để tái cơ cấu tiềm lực kinh tế - quốc phòng, mà trước hết là để thực hiện nguyên tắc các đơn vị thường trực sẵn sàng chiến đấu trong lực lượng vũ trang không tham gia hoạt động doanh nghiệp. Đây cũng chính là chủ trương mà Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng đề ra từ rất sớm, đã và đang chỉ đạo quyết liệt để thực hiện theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để góp phần thực hiện tốt chủ trương đó, công tác thông tin, tuyên truyền cần tích cực, chủ động, hiệu quả hơn để dư luận hiểu rõ một thực tế khách quan là, các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng đã từ rất lâu không còn là những đơn vị bao cấp, chưa bao giờ là “vùng cấm” khép kín biệt lập và đặc quyền, đặc lợi. Nghiên cứu, chế tạo vũ khí là lĩnh vực lao động đòi hỏi trình độ cao, đặc biệt khó khăn, nguy hiểm, độc hại, nhưng các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng vẫn phải tuân thủ nguyên tắc hạch toán kinh doanh, tự chịu trách nhiệm và bình đẳng trước pháp luật như nhiều ngành công nghiệp khác.

Như vậy, nhiệm vụ tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội phải được xem xét thấu đáo, đánh giá, nhận định toàn diện, tổng thể, khách quan, khoa học, có tính xây dựng; phải hiểu rõ hoàn cảnh lịch sử, điều kiện đặc thù riêng của Việt Nam, gắn với những lợi ích chiến lược của đất nước để có định hướng và giải pháp đúng đắn cho cả bước đi trước mắt, lâu dài.

Thiếu tướng, PGS, TS. ĐOÀN HÙNG MINH, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.