Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Tư, 17/10/2012, 15:19 (GMT+7)
Nhân tố không gian, thời gian trong chiến tranh hiện đại

Trong lịch sử chiến tranh1 thế giới, bất kể thời kỳ cổ đại, trung đại, cận đại hay hiện đại, bất kể loại hình chiến tranh xâm lược hay bảo vệ tổ quốc, nhân tố không gian, thời gian luôn được các bên tham chiến coi trọng sử dụng nhằm đạt được mục đích đề ra. Và theo đó, chúng là những thành phần cơ bản cấu thành nghệ thuật quân sự. Nghiên cứu sâu những nhân tố đó cả về lý luận lẫn thực tiễn để vận dụng phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc là vấn đề rất cần thiết.

1- Khái quát về không gian, thời gian và nhân tố không gian, thời gian trong chiến tranh. Không gian là một trong những hình thức phổ biến của bất cứ tồn tại nào. Trong thế giới vật chất, không có thực tại ngoài không gian. Bất cứ vật thể nào, dù nhỏ hay lớn cũng đều tồn tại trong không gian ba chiều: dài, rộng, cao (sâu). Trong chiến tranh, không gian là điều kiện (môi trường) để hai bên đối địch giải quyết các mâu thuẫn của chiến tranh. Không gian chiến tranh được thể hiện cụ thể ở quy mô, phạm vi của các hoạt động tác chiến (đấu tranh vũ trang). Nói cách khác, hai bên tham chiến phải tiến hành các hoạt động quân sự trong phạm vi đấu tranh vũ trang nhất định, trực tiếp là trong một hay một số môi trường tác chiến nào đó.

Thời gian là hình thức phổ biến của sự tồn tại vật chất. Thuộc tính cơ bản của thời gian là luôn trôi về phía trước. Trong chiến tranh, đặc biệt là trong đấu tranh vũ trang, thời gian có vai trò đặc biệt quan trọng. Thời gian là điều kiện cần thiết để hai bên đối địch chuẩn bị, tiến hành chiến tranh và thực hành các hoạt động tác chiến. Nói cụ thể hơn, thời gian là lực lượng cho hai bên đối địch tranh đoạt quyền chủ động, nhân sức mạnh của mình lên.

Trong chiến tranh hiện đại, việc sử dụng không gian, thời gian lại càng là vấn đề quan trọng bởi chúng liên quan trực tiếp đến kết cục của cuộc chiến tranh.

alt
Ảnh minh họa
 

2- Xu hướng mở rộng không gian, rút ngắn thời gian trong chiến tranh hiện đại. Trước kia, các cuộc chiến tranh phần lớn diễn ra trên bộ và một phần trên mặt nước. Trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương do thực dân Pháp tiến hành, không gian chiến tranh diễn ra trên cả ba nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia; trong đó, không gian chiến tranh chủ yếu diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam, chiến trường Việt Nam là chiến trường chính. Trong cuộc chiến tranh này, không gian tác chiến trong các chiến dịch đối đầu giữa ta và quân Pháp được thể hiện bằng chính diện, chiều sâu trên mặt đất với cự ly mỗi chiều khoảng vài chục ki-lô-mét. Quân Pháp còn tiến hành hoạt động tác chiến trên không, trên biển, song môi trường tác chiến đó chưa trở thành không gian tác chiến thường xuyên giữa hai bên.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, phạm vi cuộc chiến tranh diễn ra trên toàn bộ Bán đảo Đông Dương; miền Nam Việt Nam vẫn là chiến trường chính, song việc đối đầu giữa quân, dân ta với quân Mỹ - ngụy đã có sự mở rộng về không gian tác chiến. Ngoài tác chiến trên bộ, ta và địch còn đối đầu trên không, trên biển. Sự mở rộng không gian tác chiến đáng kể nhất thể hiện trong chiến dịch phòng không năm 1972 (Mỹ gọi là cuộc tập kích bằng không quân chiến lược, mang tên “cuộc hành quân Lai-nơ-bếch-cơ II”). Không gian tác chiến của chiến dịch này có chính diện và chiều sâu trên mặt đất lên tới hàng trăm ki-lô-mét, độ cao lên tới hàng chục ki-lô-mét, ta và địch cùng đồng thời đối đầu trên mặt đất, trên không và trên biển. Tuy vậy, nhìn toàn bộ cuộc chiến tranh thì không gian tác chiến giữa ta và địch vẫn diễn ra trên bộ là chủ yếu.

Trong những thập niên cuối của thế kỷ XX, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực quân sự có sự phát triển vượt bậc, mà hệ quả của nó là sự ra đời thế hệ vũ khí mới – vũ khí công nghệ cao (VKCNC). Nhiều loại VKCNC đã được sử dụng trong các cuộc chiến tranh gần đây, và đó là nguyên nhân làm không gian chiến tranh và tác chiến được mở rộng cả trên bộ, trên biển, đại dương, trên không, trên vũ trụ và trong điện từ trường, với chính diện và chiều sâu trên mặt đất, mặt nước lên đến hàng nghìn ki-lô-mét và chiều cao lên tới hàng trăm ki-lô-mét.

Nếu như không gian chiến tranh, tác chiến được mở rộng, thì thời gian chiến tranh và tác chiến giảm rất nhiều so với trước đây. Cuộc chiến tranh vùng Vịnh Pếch-xích năm 1991 chỉ diễn ra 42 ngày; cuộc chiến tranh do Mỹ và NATO tiến hành chống Nam Tư năm 1999 với một chiến dịch duy nhất - chiến dịch “Sức mạnh đồng minh” chỉ dài 78 ngày; cuộc chiến tranh do Mỹ và đồng minh tiến hành chống I-rắc năm 2003 dài 21 ngày. Thời gian tác chiến chiến dịch cũng được rút ngắn. Chiến dịch “Con cáo sa mạc” do Mỹ - Anh tiến hành ở I-rắc năm 1998 dài 73 giờ; chiến dịch “Thanh gươm sa mạc” do Mỹ và liên quân tiến hành ở I-rắc năm 2003 là 100 giờ. Trong khi đó, các cuộc chiến tranh trước đây thường kéo dài hàng năm, thậm chí hàng thập kỷ. Chẳng hạn, cuộc chiến tranh Triều Tiên kéo dài 3 năm; cuộc đối đầu giữa Việt Nam và thực dân Pháp diễn ra trong 9 năm; cuộc đối đầu giữa Việt Nam và đế quốc Mỹ kéo dài tới 21 năm. Tương tự, thời gian tác chiến của các chiến dịch quân sự thường cũng diễn ra khá dài, như: chiến dịch Plây-me năm 1965 (địch gọi là chiến dịch I-a-đrăng) kéo dài 38 ngày; cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ti năm 1967 (là chiến dịch quân sự của Mỹ - ngụy) kéo dài 52 ngày; chiến dịch phòng không năm 1972 của ta đánh bại “cuộc hành quân Lai-nơ-bếch-cơ II” của Mỹ kéo dài 12 ngày. Nếu làm một phép so sánh thì thời gian trung bình của một cuộc chiến tranh trong khoảng hai thập kỷ gần đây đã giảm khoảng 40 lần so với các cuộc chiến tranh trong những năm 1950, 1960, 1970 của thế kỷ XX. 

Từ thực tiễn trên có thể thấy, không gian chiến tranh và tác chiến đã và đang được mở rộng đến mức gần như không hạn chế; còn thời gian của cuộc chiến tranh chỉ còn tính bằng tháng, thậm chí bằng tuần; thời gian tác chiến chiến dịch chỉ tính bằng giờ. Trong tương lai, thời gian của cuộc chiến tranh, tác chiến có xu hướng ngắn hơn nữa, và không loại trừ, có thể có cuộc chiến tranh chỉ diễn ra trong vòng vài giờ đồng hồ.

3- Tác động của các nhân tố không gian, thời gian đến việc chuẩn bị và tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Sự mở rộng không gian tác chiến đã làm xóa nhòa các khái niệm tiền tuyến và hậu phương, tiến công và phòng ngự, vùng bị địch kiểm soát và vùng tự do. Việc không gian tác chiến được mở rộng làm cho bên tiến công có nhiều sự lựa chọn, đánh từ nhiều chiều, nhiều hướng vào mục tiêu và tạo áp lực rất lớn lên đối phương. Ngược lại, bên bị tiến công đồng thời phải đối phó từ nhiều chiều, nhiều hướng. Kẻ xâm lược hoàn toàn có thể tiến công quân sự vào một nước khác từ biển, đại dương, trên không, trên vũ trụ mà không cần đưa quân vào lãnh thổ nước đó. Tác chiến trên bộ giữa hai lực lượng đối địch ngày càng giảm, thay vào đó, tiến công đường không và chống tiến công đường không ngày càng trở thành loại hình tác chiến phổ biến. Mặt khác, thời gian tác chiến giảm đi rất nhiều so với trước khiến cho các bên đối địch, nhất là bên bị tiến công, không còn nhiều thời gian làm công tác chuẩn bị chiến tranh. Diễn biến các chiến dịch, trận đánh diễn ra quá ngắn cũng làm cho việc nắm thời cơ, tận dụng thời cơ để giành quyền chủ động và chiến đấu trở nên vô cùng khó khăn. Nói cách khác, trong tác chiến hiện đại, vai trò của nhân tố thời gian càng lớn hơn bao giờ hết.

Trên đây là những đặc điểm của các nhân tố không gian và thời gian trong chiến tranh và tác chiến. Từ việc nghiên cứu chúng, rõ ràng, để giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), chúng ta phải quan tâm đến rất nhiều vần đề.

Trước hết, chúng ta cần thấy thời gian của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc sẽ ngắn hơn rất nhiều so với các cuộc chiến tranh giải phóng. Vì thế, trong một số văn bản của ta có ghi “năm đầu chiến tranh” là vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu. Ghi như thế, mặc nhiên chúng ta thừa nhận chiến tranh sẽ diễn ra trong nhiều năm. Nên chăng, chúng ta ghi là “giai đoạn đầu chiến tranh” là hợp lý hơn. Điều này rất quan trọng vì nó thể hiện sự linh hoạt, đặc biệt là nó làm cho lực lượng vũ trang và nhân dân thấy được đặc điểm của chiến tranh, tác chiến hiện đại và vấn đề thời gian sẽ có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Việc xác định “giai đoạn đầu chiến tranh” diễn ra trong bao lâu là vô cùng khó khăn, song qua mấy cuộc chiến tranh gần đây, chúng ta hoàn toàn có thể dự báo (xác định) một cách tương đối để làm cơ sở cho việc tính toán nhu cầu cho các giai đoạn của cuộc chiến tranh, cũng như cho việc xây dựng các kế hoạch chuẩn bị và tiến hành chiến tranh, tác chiến.

Thứ hai, phải đẩy mạnh việc nghiên cứu, phát triển phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân trong điều kiện mới; trong đó, phát triển mạnh lực lượng phòng không 3 thứ quân; mở rộng hệ thống đường cơ động, khu sơ tán ban đầu, khu sơ tán tiếp theo, căn cứ chiến đấu, hình thành mạng lưới (các trạm quan trắc, các chốt, trận địa,...) đánh tên lửa hành trình và các phương tiện bay của địch theo địa bàn đảm nhiệm trong từng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố).

Thứ ba, từng bước đổi mới nội dung huấn luyện chiến đấu, từ huấn luyện nhằm đối phó với một cuộc chiến tranh thông thường (sử dụng hệ vũ khí như trước đây) sang huấn luyện nhằm đối phó với một cuộc chiến tranh sử dụng VKCNC, trước hết là các vấn đề: cơ động, ngụy trang và tổ chức đánh trả các đòn tiến công đường không của địch. Đổi mới nội dung huấn luyện phải đi đôi với đổi mới phương pháp huấn luyện, hạn chế tối đa phương pháp chuẩn bị lần lượt; thay vào đó là phương pháp chuẩn bị đồng thời, đặc biệt là tăng cường ứng dụng các thành tựu về khoa học và công nghệ vào các quá trình huấn luyện để đảm bảo rút ngắn tối đa thời gian chuẩn bị tiến hành chiến tranh, tác chiến.

Thứ tư, cần tìm các biện pháp làm phá sản ý định sử dụng không gian, thời gian của địch. Thực tế là, khi xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều chủ trương “đánh nhanh, thắng nhanh”, cùng với việc chọn không gian, chiến trường tác chiến có lợi cho chúng, bất lợi cho ta. Song, vì sức ta có hạn, ta chủ trương “trường kỳ kháng chiến”, và với chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, ta đã buộc địch phải đánh lâu dài, khiến các chiến lược quân sự của Pháp và Mỹ đều lần lượt bị phá sản. Về không gian tác chiến cũng vậy. Chẳng những ta không bị cuốn theo địa bàn tác chiến mà chúng muốn (địa bàn đồng bằng, đô thị là một ví dụ), mà trong nhiều trường hợp ta còn thu hút quân Pháp, quân Mỹ tới khu vực, địa bàn ta có sở trường để tiêu diệt. Việc “kéo” quân Pháp lên lòng chảo Điện Biên Phủ năm 1954, “nhử” quân Mỹ vào thung lũng I-a-đrăng năm 1965, “điều” quân ngụy tới khu vực Phước An, Nông Trại, Thị xã Buôn Ma Thuột năm 1975…, là những ví dụ điển hình. Đó là những bài học về nghệ thuật sử dụng nhân tố không gian, thời gian trong tác chiến rất có giá trị, đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

ĐỨC LÊ

                  

1 - Bài viết chỉ đề cập đến đấu tranh vũ trang - đặc trưng cơ bản của chiến tranh.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.