Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Ba, 16/06/2015, 10:01 (GMT+7)
Nghiên cứu một số vấn đề về tác chiến mạng góp phần bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, chiến tranh mạng đã, đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền an ninh toàn cầu. Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” của Đảng ta cũng đã chỉ rõ: “Phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả với các nguy cơ xung đột,... chiến tranh mạng” trong mọi tình huống. Vì thế, việc nghiên cứu về tác chiến mạng là vấn đề đặt ra cấp thiết.      

Tác chiến mạng là các hoạt động nhằm phá vỡ tổ chức thông tin, ngăn cản truy cập và cung cấp dữ liệu, làm suy giảm khả năng hoặc phá hủy thông tin lưu trong mạng máy tính cũng như hệ thống mạng máy tính của đối phương; đồng thời, bảo vệ các yếu tố đó bên mình. Mặc dù đây là loại hình tác chiến mới, nhưng đã được áp dụng rộng rãi và trở thành mối đe dọa an ninh của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Để chủ động đối phó có hiệu quả với loại hình tác chiến này, cần nghiên cứu một cách cơ bản làm cơ sở để chuẩn bị lực lượng, xây dựng thế trận, triển khai công tác bảo đảm, sẵn sàng đối phó thắng lợi với các tình huống phức tạp có thể xảy ra. Nghiên cứu tác chiến mạng, bước đầu có thể tập trung vào những nội dung cơ bản sau:

1. Đối tượng, mục đích và phương thức, thủ đoạn tác chiến mạng của đối phương.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, mặc dù không gian tác chiến mạng không giới hạn, đối tượng khó nhận biết; nhưng vẫn có cơ sở để dự báo trước đối tượng, mục đích và phương thức, thủ đoạn tác chiến của chúng. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 140 quốc gia có khả năng thực hiện cuộc tiến công mạng; trong đó, phải kể đến các nước có tiềm lực về kinh tế, khoa học - công nghệ quân sự. Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích đánh giá tình hình, có thể dự báo đối tượng có khả năng và có thể tiến hành cuộc tiến công mạng đối với nước ta khi điều kiện cho phép là các thế lực thù địch nước ngoài, có âm mưu và hành động gây bạo loạn lật đổ chế độ, xâm lấn chủ quyền lãnh thổ nước ta. Trong đó, đối tượng trực tiếp có thể là lực lượng chuyên trách của một quốc gia hoặc nhiều quốc gia (liên minh), thực hiện tiến công mạng theo đợt trong chiến tranh xâm lược hoặc xung đột nhằm xâm lấn lãnh thổ trên biển, đất liền.

Về mục đích, chiến tranh mạng nhằm gây nhiễu loạn, gián đoạn, giảm khả năng điều khiển, kiểm soát và lấy cắp, phá hủy thông tin lưu trong máy tính và mạng máy tính; cũng như phá hoại máy tính và mạng máy tính của ta; đồng thời, bảo vệ máy tính và mạng máy tính của chúng. Từ đó, làm suy yếu tiềm lực, sức mạnh các mặt về: chính trị - tinh thần, quân sự, kinh tế,... của ta; dẫn đến khủng hoảng, rồi sụp đổ nền tảng chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, thực hiện mục đích chiến tranh của chúng.

Về phương thức, thủ đoạn, đối phương có thể sử dụng lực lượng tác chiến mạng chuyên môn hoặc cá nhân, nhóm tin tặc có trình độ cao cùng hệ thống máy tính, tổ chức thành lực lượng thống nhất, liên kết với nhau và triển khai trên không gian mạng để tiến hành tác chiến bằng hình thức tiến công, phòng thủ mạng. Tiến công mạng là các hoạt động xâm nhập, kiểm soát, tập kích, phá hoại mạng và lấy cắp thông tin, v.v. Cụ thể là, chúng sẽ dùng các thủ đoạn công kích “mềm” (thông qua các vi-rút, chương trình chặn bắt (Sniffer), “Hắc-cơ”) kết hợp với thủ đoạn phá hoại “cứng” (“chíp phá rối”, phá huỷ), v.v. Với phòng thủ mạng, chúng sẽ dùng các thủ đoạn phát hiện, ngăn chặn các cuộc tiến công, xâm nhập từ ngoài vào mạng máy tính, bảo vệ thông tin, cơ sở dữ liệu, chương trình phần mềm, thiết bị, cơ sở hạ tầng mạng của chúng; khôi phục hoạt động của mạng trước các đợt tiến công của đối phương, thực hiện biện pháp thiết kế, giám sát an toàn và báo động trên mạng, v.v. Cùng với các phương thức, thủ đoạn trên, chúng có thể sử dụng các đòn tiến công quân sự (tiến công cứng) nhằm phá hủy hệ thống thông tin, hệ thống mạng, nguồn nhân lực tác chiến mạng của ta. Đồng thời, chúng có thể gây xung đột vũ trang trên biển, đảo, biên giới; hoặc tạo ra “biến động chính trị”, bạo loạn lật đổ, “cách mạng sắc mầu”, tiến hành khủng bố, phá hoại và kết hợp với các hình thái chiến tranh kinh tế, tài chính, thương mại, chiến tranh quân sự có sử dụng vũ khí công nghệ cao.

2. Một số vấn đề đặt ra đối với tác chiến mạng của ta.

Để chủ động đối phó có hiệu quả với chiến tranh mạng, cần khẳng định tác chiến mạng là một loại hình tác chiến mới trong nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Vì thế, trong tác chiến mạng, phải quán triệt, vận dụng sáng tạo đường lối, phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân của Đảng. Đồng thời, cần nắm vững tư tưởng chỉ đạo: thường xuyên cảnh giác, phát hiện kịp thời; phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp; sử dụng lực lượng tập trung; phòng thủ chủ động; phản công, tiến công kiên quyết, có lựa chọn; khắc phục hậu quả nhanh, kết hợp chặt chẽ các hình thức tác chiến và đấu tranh. Theo đó, tác chiến mạng có thể được phân chia thành ba bộ phận: tác chiến mạng cấp chiến lược, chiến dịch và chiến thuật; với hai hình thức tác chiến cơ bản là phòng thủ và tiến công. Tuy nhiên, tùy theo quy mô, tính chất, mức độ tiến công, phòng thủ trên không gian mạng của chúng mà có phương án sử dụng lực lượng cho phù hợp. Thông thường, lấy hiệu quả của tác chiến mạng làm căn cứ chủ yếu để xác định cấp độ tác chiến.

Trên cơ sở dự báo đúng đối tượng, âm mưu thủ đoạn và phương thức tiến hành tác chiến mạng của đối phương, cần xác định rõ mục tiêu và phương thức tác chiến mạng của ta. Về mục tiêu tác chiến, đó là: bảo vệ vững chắc hệ thống thông tin, nguồn thông tin và bảo đảm sự hoạt động ổn định của hệ thống này; qua đó, bảo vệ tiềm lực, sức mạnh về chính trị - tinh thần, kinh tế, tài chính, quốc phòng, an ninh,... của đất nước. Khi có điều kiện, có thể phá hủy một phần hệ thống, làm gián đoạn các hoạt động thu thập, xử lý thông tin, chỉ huy, điều khiển; gây khó khăn cho hoạt động nền kinh tế, tài chính, quân sự,… của địch. Để thực hiện mục tiêu trên, phương thức tác chiến có thể sử dụng lực lượng tác chiến mạng chuyên môn của một số bộ, ngành, kết hợp chặt chẽ các hoạt động tiến công và phòng thủ (bảo vệ, chống đối phương tiến công) trên mạng. Trong điều kiện trình độ về trang bị công nghệ quân sự của ta hiện nay thì hoạt động phòng thủ là chủ yếu, nhưng cũng không xem nhẹ hoạt động tiến công. Về lực lượng tác chiến mạng, lấy các đơn vị tác chiến mạng của Quân đội, Công an làm nòng cốt; huy động, liên kết hệ thống máy tính thống nhất, được triển khai bí mật trên các khu vực, hình thành thế trận tác chiến có lợi trên không gian mạng để kịp thời hành động. Theo đó, khi phát hiện đối phương tiến công mạng, cần kịp thời thông báo, báo động cho các lực lượng tiến hành biện pháp phòng, chống, bảo vệ thông tin, hệ thống thông tin và các mặt hoạt động của ta. Kịp thời đánh giá tác động, thiệt hại do đối phương gây ra; đồng thời, tiến hành các biện pháp phòng thủ bảo vệ mạng, bảo vệ các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành đất nước, bảo vệ cơ sở tín dụng, ngân hàng, năng lượng,... duy trì mọi hoạt động bình thường của xã hội. Khi có điều kiện, tập trung lực lượng, phương tiện tiến hành chiến dịch, đợt hoạt động tác chiến mạng; thực hiện các đòn phản công, “đánh” vào các mục tiêu nguy hại, trọng yếu; xâm nhập vào mạng đối phương để phá hoại, gây tắc nghẽn; thu thập thông tin; thực hiện công kích “mềm”, kết hợp với phá hoại “cứng”, v.v. Trong chiến dịch phòng thủ mạng, phải sử dụng các biện pháp phát hiện, ngăn chặn các cuộc xâm nhập vào mạng máy tính, bảo vệ thông tin, cơ sở dữ liệu, các chương trình phần mềm, thiết bị, cơ sở hạ tầng mạng; khôi phục hoạt động mạng trước các đợt tiến công của địch; thực hiện các biện pháp thiết kế, giám sát an toàn, báo động và kỹ thuật phòng thủ bảo vệ mạng khác,… bảo vệ tổ chức thông tin và hoạt động thông tin của ta. Cùng với phương thức, biện pháp phòng thủ, tiến công mạng, khi cần thiết có thể thực hiện đòn tiến công quân sự của lực lượng đặc biệt tinh nhuệ,… nhằm phá hủy hệ thống thông tin, hệ thống mạng, lực lượng tác chiến mạng của địch. Kết hợp chặt chẽ với các biện pháp đấu tranh trên mặt trận an ninh, quân sự, chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, văn hóa, xã hội,… làm thất bại âm mưu, hành động bạo loạn lật đổ, xung đột vũ trang trên biển, đảo, biên giới và các thủ đoạn bao vây, cấm vận, phá hoại kinh tế, chiến tranh tâm lý,... của địch.

Để nâng cao hiệu quả tác chiến mạng, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống, cần coi trọng việc giáo dục nâng cao nhận thức về nguy cơ, hậu quả chiến tranh mạng; xác định rõ trách nhiệm, xây dựng ý thức cảnh giác; giữ gìn bí mật, kỷ luật trong sử dụng máy tính, phương tiện truyền tin cho nhân dân, lực lượng vũ trang và hệ thống chính trị; sẵn sàng tham gia đối phó với chiến tranh mạng. Tiếp tục đầu tư nghiên cứu, làm rõ phương thức, thủ đoạn, đặc điểm chiến tranh mạng; hoàn thiện lý luận về tác chiến mạng, sớm đưa vào giáo dục ở các nhà trường trong và ngoài Quân đội; nâng cao năng lực đấu tranh cho các lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách của các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội. Tập trung nghiên cứu, ban hành Điều lệ tác chiến, hệ thống quy tắc bảo mật mạng, công tác bảo đảm cho tác chiến mạng, cách thức xử trí tình huống khi bị đối phương tiến công mạng,… tạo cơ sở pháp lý xây dựng lực lượng, huấn luyện chiến thuật, kỹ thuật tác chiến mạng, tiến hành các mặt công tác chuẩn bị, sẵn sàng đối phó với chiến tranh mạng nếu xảy ra. Về lâu dài, cần xây dựng chiến lược phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, để phát triển lực lượng tác chiến mạng chuyên trách, coi đó là một “binh chủng” tác chiến đặc biệt không thể thiếu của Quân đội và nền quốc phòng toàn dân, đủ sức đấu tranh trong cả thời bình và thời chiến. Chủ động, tự lực phát triển hệ thống trang bị, phương tiện kỹ thuật, nhất là hệ thống máy tính, các phương tiện thông tin dùng trong các cơ quan cơ mật, trọng yếu của ta; hạn chế sử dụng trang, thiết bị của nước ngoài để tăng cường khả năng bảo mật. Có kế hoạch động viên, tổ chức sử dụng các nguồn nhân lực và trang, thiết bị của nền kinh tế quốc dân, của toàn dân sẵn sàng tham gia đối phó với cuộc tiến công mạng hay chiến tranh mạng của địch. Triển khai xây dựng bộ tham mưu tác chiến mạng, nòng cốt là Cục Công nghệ thông tin, Cục Tác chiến điện tử,... hình thành bộ máy lãnh đạo, quản lý, chỉ huy, điều hành thống nhất, tạo thành một binh chủng tác chiến mạng đủ mạnh để đối phó với các thủ đoạn chiến tranh mạng, không để bị động, bất ngờ. Thường xuyên huấn luyện, diễn tập, nâng cao trình độ tác chiến mạng, năng lực hiệp đồng giữa các lực lượng, sẵn sàng tham gia tác chiến, đấu tranh mạng có hiệu quả.

Tác chiến mạng là vấn đề mới, là cuộc đấu tranh của các nguồn nhân lực chất lượng cao, diễn ra đa dạng, phức tạp và có vai trò rất quan trọng. Vì thế, lý luận và thực tiễn tác chiến mạng rất cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung, phát triển, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá NGUYỄN ĐỒNG THỤY

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.