Chủ Nhật, 24/11/2024, 01:51 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ mô phỏng tác chiến trong huấn luyện là nội dung quan trọng, cấp thiết, đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu. Đây là lĩnh vực có đặc thù cao, nên cần được nghiên cứu, lựa chọn kỹ lưỡng.
Mô phỏng là công nghệ tạo ra những mô hình hoạt động giống như các sự vật, hiện tượng diễn ra trong thực tế. Trong lĩnh vực tác chiến, là các mô hình, thiết bị, phần mềm mô tả gần đúng hoạt động của con người gắn với hoạt động của vũ khí, trang bị trong tác chiến; điều khiển các tiến trình chiến đấu của hai bên trong thực tế. Cốt lõi là sử dụng kỹ thuật máy tính điện tử để mô tả các số liệu, hoạt động của cả con người và vũ khí, trang bị, địa hình, địa vật, thời tiết bằng phương pháp mô hình hóa; diễn tả quá trình, quy trình, tình huống tác chiến của các bên bằng hình ảnh, video, âm thanh. Sử dụng công nghệ mô phỏng giúp tạo ra môi trường thực tế ảo, đưa bộ đội sát với thực tế chiến đấu để huấn luyện, rèn luyện kỹ năng, bản lĩnh… hoặc giải quyết những vấn đề quân sự khác, như: nghiên cứu nghệ thuật, kỹ thuật quân sự; đánh giá kết quả huấn luyện chiến đấu, huấn luyện chỉ huy-tham mưu tác chiến, v.v.
Công nghệ mô phỏng cho phép huấn luyện dưới nhiều hình thức, từ đơn giản đến phức tạp, từ phân đoạn thể đến tổng hợp, từ cá nhân đến đơn vị. Trong diễn tập, sự trợ giúp của máy tính tạo ra môi trường chiến đấu ảo bao gồm đầy đủ các lực lượng, phương tiện, vũ khí, trang bị,... cho phép đạo diễn có thể thay đổi, điều chỉnh, bổ sung nội dung, tình huống cho bộ phận tập ở tất cả các khâu, thời điểm nhằm đạt mục tiêu đề ra. Do đó, huấn luyện bằng thiết bị mô phỏng bảo đảm sát thực tế chiến đấu hơn, mô tả đầy đủ hoạt động của con người, vũ khí, trang bị; làm bộc lộ rõ những khiếm khuyết của người chỉ huy, cơ quan trong tổ chức, sử dụng lực lượng và đánh giá được hiệu quả chiến đấu của bộ đội, vũ khí, trang bị, nhất là công tác chuẩn bị cho các hoạt động quân sự trên quy mô lớn. Đặc biệt là tạo dựng các hành động quân sự không thể thử nghiệm được vì lý do kinh phí, an toàn và môi trường. Công nghệ mô phỏng còn được dùng phục vụ nghiên cứu, chế tạo vũ khí, trang bị mới; nghiên cứu chiến thuật quân sự và hành vi của con người trong chiến tranh.
Nhiều năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã có nhiều biện pháp sáng tạo, nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu. Tuy nhiên, trình độ làm chủ vũ khí, trang bị mới còn hạn chế; đổi mới tổ chức phương pháp, nội dung, chương trình huấn luyện, giáo dục, đào tạo có đơn vị chưa đáp ứng sự phát triển của tình hình; áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý, điều hành, thực hành huấn luyện còn ít, hiệu quả chưa cao, v.v. Nghị Quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo chỉ rõ 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục hạn chế huấn luyện; trong đó, cần đầu tư nguồn lực, tích cực, chủ động hợp tác với các đơn vị khoa học trong và ngoài nước để nghiên cứu cải tiến, sản xuất, mua sắm và ứng dụng các thiết bị mô phỏng, mô hình học cụ chất lượng cao phục vụ huấn luyện; xây dựng các trung tâm huấn luyện mô phỏng ở các cấp.
Thực hiện điều đó, Bộ Quốc phòng đã kết hợp giữa sản xuất và nhập ngoại các thiết bị mô phỏng để huấn luyện: kỹ thuật chiến đấu bộ binh, sử dụng vũ khí, trang bị; chiến thuật phân đội tăng - thiết giáp, không quân chiến thuật, chiến dịch hải quân1,... trang bị cho một số học viện, nhà trường. Việc sử dụng công nghệ mô phỏng tạo nên những giờ học trực quan, sinh động giúp học viên nâng cao kỹ năng, tâm lý trong sử dụng vũ khí, trang bị; bước đầu thử nghiệm được một số tình huống chiến thuật. Tuy nhiên, các nghiên cứu, ứng dụng còn đơn lẻ, sơ khai, không đồng bộ; mới mô phỏng được một bước, một khâu của huấn luyện chiến đấu; phục vụ một phần công tác nghiên cứu, giảng dạy, chưa tiếp cận đến phân đội, đơn vị huấn luyện. Cán bộ, nhân viên khai thác năng lực còn hạn chế; việc sửa chữa, bảo hành, bảo trì phụ thuộc lớn vào nước ngoài; thông số kỹ thuật vũ khí, trang bị, địa hình, thời tiết của phần mềm mô phỏng nhập ngoại có nội dung không phù hợp với Việt Nam, v.v.
Để đẩy mạnh triển khai và nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ mô phỏng trong huấn luyện chiến đấu, việc nghiên cứu, lựa chọn công nghệ phù hợp có ý nghĩa quyết định tới công tác quy hoạch ứng dụng công nghệ này trong Quân đội. Hiện nay, trên thế giới phổ biến sử dụng các công nghệ mô phỏng thực binh, mô phỏng chỉ huy - tham mưu, mô phỏng ảo và mô phỏng tích hợp để huấn luyện sử dụng vũ khí, trang bị, hoạt động chiến đấu ở các cấp và diễn tập. Mô phỏng thực binh (live simulation) là mô hình cho phép người lính, phân đội sử dụng vũ khí, trang bị được biên chế, thực hành huấn luyện trong môi trường sát thực tế. Các thiết bị cảm biến thu laze gắn trên đầu, thân của người lính, quanh vũ khí, phương tiện, mục tiêu sẽ xác định trạng thái bị bắn trúng và tạo ra hiệu ứng: nổ, sát thương, phá hủy mục tiêu,... như trong chiến đấu; giúp rèn luyện người lính các yếu lĩnh kỹ - chiến thuật chiến đấu cá nhân và hiệp đồng chiến đấu cấp phân đội trên thực địa. Mô phỏng ảo (virtual simulation) dùng huấn luyện thực hành trên các hệ thống mô phỏng có đầy đủ các tính năng của vũ khí, trang bị thật, như: bắn súng, pháo của bộ binh, xe tăng; phóng, điều khiển tên lửa; lái máy bay,... cho phép bộ đội rèn luyện kỹ năng sử dụng vũ khí, trang bị trong thực hiện nhiệm vụ; khi kết nối các hệ thống này với nhau sẽ huấn luyện được nhiều hình thức hiệp đồng chiến đấu. Mô phỏng chỉ huy - tham mưu (constructive simulation) là cách mà toàn bộ lực lượng: con người, vũ khí, trang bị đều được mô phỏng trên máy tính - lực lượng ảo. Người tập theo vị trí, chức trách thực hiện một chuỗi các hoạt động: thu thập thông tin, tổ chức sử dụng lực lượng; phát, thu hồi, sửa đổi mệnh lệnh; giao nhiệm vụ chiến đấu cho các cấp; tham mưu, hiệp đồng,... cho các phân đội (lực lượng ảo) thực hiện nhiệm vụ. Phần mềm mô phỏng phản hồi các thông tin: quá trình thực hiện nhiệm vụ, trạng thái chiến đấu, lực lượng, trang bị tiêu hao,... đầy đủ, chính xác, giúp người chỉ huy - cơ quan rèn luyện kỹ năng, năng lực chỉ huy - tham mưu trong chiến đấu. Mô phỏng tích hợp (live-virtual-constructive simulation) là việc kết nối, tích hợp các hình thức mô phỏng với nhau để huấn luyện hiệp đồng tác chiến nhiều cấp, nhiều lực lượng; ở mọi quy mô, hình thức tác chiến.
Công nghệ mô phỏng cho phép giải quyết “mục tiêu kép”, bảo đảm “sát thực tế chiến đấu” - cơ sở để phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc” đạt hiệu quả cao. Ở phương diện bảo đảm, công nghệ mô phỏng chính là thao trường, vật chất, vũ khí, trang bị ảo; có quan hệ tương hỗ với hệ thống vật chất huấn luyện hiện nay. Đây là giải pháp bù đắp những thiếu sót trong huấn luyện ngoài thực địa với giá rẻ; giảm phần lớn công sức chuẩn bị, vật chất cho hoạt động huấn luyện, diễn tập truyền thống (100% sử dụng con người, vũ khí, trang bị). Ở mục tiêu chất lượng huấn luyện, giúp người chỉ huy các cấp thực hành trước những nội dung cần thiết, còn yếu, thiếu trước khi ra thực tế; không phải cắt xén nội dung, kế hoạch do biến động thao trường, thời tiết; có thể tùy chọn quy mô, hình thức, tần suất, không gian, địa hình huấn luyện; đặc biệt là tạo sự đối kháng trong diễn tập,... là những ưu điểm mà phương pháp huấn luyện truyền thống khó thực hiện.
Không gian tác chiến thật vẫn mang lại hiệu quả cao nhất, mặc dù hệ thống vật chất huấn luyện truyền thống được đầu tư lớn để xây dựng, sản xuất, cải tiến, sửa chữa, bảo đảm kỹ thuật; nhưng, vẫn thiếu, đầu tư dàn trải, chưa đáp ứng được nhu cầu huấn luyện theo địa lý, ngành, quân chủng, binh chủng. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay và tương lai, đầu tư mở rộng thao trường hoàn toàn không khả thi; nhiều vũ khí, trang bị mới không đủ cơ số để huấn luyện. Thay vào đó là việc sử dụng cả ba loại hình mô phỏng trên gắn với củng cố, tái cấu trúc sử dụng hiệu quả hệ thống thao trường, bãi tập hiện có là yêu cầu tất yếu để nâng chất lượng huấn luyện chiến đấu lên tầm cao mới. Không thể tuyệt đối hóa việc huấn luyện bằng phương pháp mô phỏng hay truyền thống; vì mô phỏng chỉ giúp cán bộ, chiến sĩ thuần thục nội dung, động tác trước khi huấn luyện, diễn tập thực binh trên thao trường - khâu then chốt đánh giá quá trình huấn luyện. Do đó, cần kết hợp hài hòa 02 hình thức và có lộ trình đầu tư đúng, tránh lãng phí hệ thống vật chất huấn luyện đã được đầu tư.
Do khó khăn về vốn, nhân lực, kỹ thuật mô phỏng tác chiến, bảo đảm kỹ thuật và sức tiếp thu công nghệ mới; rất cần sự thận trọng trong xác định lộ trình đầu tư về tỷ trọng, quy mô sử dụng công nghệ mô phỏng và phân cấp quản lý, sử dụng. Các hệ thống mô phỏng thực binh, mô phỏng ảo chỉ phục vụ yếu tố kỹ thuật trong huấn luyện chiến đấu nên cho phép đấu thầu, mua sắm rộng rãi. Hệ thống mô phỏng chỉ huy - tham mưu nặng về huấn luyện chiến thuật, chứa thông tin bí mật quân sự, rất cần giao cho các đơn vị có đủ tin cậy về mọi mặt, nhất là quan điểm chính trị để nghiên cứu, phát triển dựa trên công nghệ nền của nước ngoài. Trong lộ trình đầu tư, ưu tiên cho các đơn vị: giáo dục, đào tạo; lực lượng được biên chế vũ khí, trang bị hiện đại rồi đến các lực lượng khác. Trong đó, xây dựng: Trung tâm huấn luyện kỹ, chiến thuật chuyên ngành với đầy đủ hệ thống mô phỏng huấn luyện sử dụng vũ khí, trang bị; huấn luyện chiến thuật binh chủng hợp thành, chiến thuật chuyên ngành ở các học viện, nhà trường đào tạo sĩ quan phân đội; Trung tâm huấn luyện mô phỏng chỉ huy - tham mưu các cấp ở Học viện Lục quân, Học viện Quốc phòng. Đối với các đơn vị chủ lực, xây dựng: Phòng huấn luyện mô phỏng chuyên ngành cho cấp tiểu đoàn, Phòng huấn luyện mô phỏng chỉ huy - tham mưu chiến thuật, chiến dịch cho trung đoàn, sư đoàn; Phòng huấn luyện mô phỏng chỉ huy - tham mưu chiến dịch, chiến lược ở cấp quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh chủng. Các Trung tâm, phòng học này được kết nối với nhau theo chuẩn phân tán, đi kèm với các giải pháp bảo mật, an toàn thông tin, cho phép huấn luyện, diễn tập nhiều nội dung, hình thức, nhiều cấp, nhiều lực lượng.
Đào tạo nhân lực là vấn đề quan trọng để phát huy tốt hiệu quả của công nghệ. Vì thế, cần tập trung các nhà khoa học liên ngành (nghệ thuật quân sự, công nghệ thông tin, cơ yếu,...) để xây dựng: phần mềm mô phỏng tác chiến, phương thức truyền số liệu, bảo mật thông tin. Đồng thời, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quân sự, nhân viên kỹ thuật phục vụ khai thác, bảo đảm kỹ thuật cho hệ thống để không phát sinh tổ chức, biên chế mới. Quá trình khai thác, chuyển giao được kết hợp với tập huấn, hướng dẫn rộng rãi đến từng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị được dự kiến đưa vào huấn luyện mô phỏng. Ứng dụng và phát triển Công nghệ mô phỏng cần bảo đảm đồng bộ về kỹ thuật, trang thiết bị, công nghệ và con người. Về kỹ thuật, đồng bộ các thành phần trang, thiết bị phù hợp với trình độ khoa học quân sự; phần mềm phản ánh đầy đủ các hình thái chiến thuật; thông tin bí mật, kịp thời, độ tin cậy cao; có tính mở, sẵn sàng kết nối được với mạng khác, v.v. Về con người, phải có kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin, mô phỏng; có trình độ chuyên sâu tương ứng theo chức trách; đủ kỹ năng, kỹ xảo về sử dụng phương tiện, v.v.
Ứng dụng Công nghệ mô phỏng là tất yếu, là hướng đi nhanh, bền vững trong quá trình nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu, xây dựng Quân đội chính quy, tinh nhuệ và hiện đại, cần được sớm nghiên cứu và áp dụng.
Thiếu tướng, PGS, TS. LÊ KỲ NAM và Thượng tá, TS. NGUYỄN TRUNG KIÊN
Học viện Kỹ thuật Quân sự ___________
1 - Như: hệ thống mô phỏng huấn luyện bắn súng bộ binh; lái, bắn súng trên xe BMP-1, T-54, T55, T-90; bắn pháo; lái xe ô tô quân sự; khai thác tàu Gepard, tàu 1241 và các máy bắn tập MBT-03, v.v.
công nghệ mô phỏng,huấn luyện chiến đấu
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc