Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Sáu, 10/04/2020, 07:19 (GMT+7)
Nghệ thuật vận dụng yếu tố thời gian và không gian trong chiến tranh

Chiến tranh là cuộc đọ sức quyết liệt (cả trí và lực) giữa hai bên hoặc nhiều bên tham chiến, bên nào mạnh hơn bên đó sẽ giành chiến thắng - đó là quy luật. Đương nhiên, sức mạnh ở đây là sức mạnh tổng hợp được cấu thành từ nhiều yếu tố, trong đó có việc vận dụng linh hoạt, hiệu quả yếu tố thời gian và không gian trong tác chiến.

Thời gian và không gian tồn tại khách quan và là những yếu tố quan trọng của nghệ thuật quân sự. Nếu vận dụng nó một cách hiệu quả sẽ tạo nên sức mạnh chiến đấu lớn, lực lượng nhỏ có thể chuyển hoá thành lớn, yếu thành mạnh, bại chuyển thành thắng. Vì thế, những nhà “cầm quân” của các bên đối chiến luôn coi trọng, khai thác, phát huy hai yếu tố này trong quá trình tác chiến ở cả phạm vi chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật.

Về yếu tố thời gian. Trong một cuộc chiến, một chiến dịch, một trận đánh, tức là ở mọi cấp: chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, thời gian là một hằng số được xác định cụ thể trong kế hoạch tác chiến. Thời gian tiến hành chiến tranh ngắn hay dài, nhanh hay chậm tùy thuộc vào ý định, kế hoạch tác chiến của mỗi bên và kế hoạch đó lại dựa trên cơ sở thực lực, mà trực tiếp là sức mạnh quân sự. Thực tiễn các cuộc chiến tranh cho thấy, bên tiến công (gây chiến tranh xâm lược) thường nắm quyền chủ động ban đầu về thời gian (mở đầu chiến tranh) và muốn đánh nhanh, thắng nhanh, sớm kết thúc chiến tranh trong thời gian ngắn nhất có thể. Ngược lại, bên bị tiến công (bị xâm lược) lại thường chủ trương kéo dài thời gian chiến tranh để có điều kiện chuẩn bị lực lượng, chuyển hoá thế trận và các hoạt động khác liên quan; đồng thời, nhằm gây khó khăn cho đối phương về các mặt bảo đảm tác chiến, nhất là công tác hậu cần - kỹ thuật, vũ khí, trang bị, chính trị - tinh thần, v.v. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954) của quân và dân ta, địch chủ trương đánh nhanh, thắng nhanh, nhưng ta đã trường kỳ kháng chiến, không cho chúng thực hiện ý định đó, buộc phải đánh kéo dài thời gian, kế hoạch bị phá sản và kết cục thất bại. Cần nói thêm, thời kỳ đầu, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bước đi rất chiến lược, thể hiện tài thao lược về nghệ thuật sử dụng thời gian, thông qua việc ký Hiệp định Sơ bộ 06/3 với Pháp. Sở dĩ ký Hiệp định đó là nhằm tránh cùng lúc phải đối đầu với nhiều kẻ thù và để trì hoãn chiến tranh, tạo điều kiện cho quân và dân ta có thêm thời gian chuẩn bị kháng chiến. Tương tự như vậy, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta cũng đã kéo dài 21 năm (1954 - 1975), đánh bại ba chiến lược chiến tranh (Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh cục bộ, Việt Nam hoá chiến tranh) và hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc nước ta, tiến tới kết thúc toàn thắng bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Như vậy, có thể thấy cả hai cuộc kháng chiến, chúng ta đều thực hiện chủ trương đánh lâu dài - trường kỳ kháng chiến. Nhưng khi thời cơ chiến lược xuất hiện hoặc do ta tạo ra thì nhanh chóng kết thúc chiến tranh trong thời gian ngắn nhất, có lợi nhất bằng trận quyết chiến chiến lược.

Việc vận dụng yếu tố thời gian trong chiến tranh của dân tộc ta, cũng như Đảng ta rất “quyền biến”, linh hoạt, không theo một khuôn mẫu cố định, diễn ra trong thời gian ngắn hay dài tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể, so sánh lực lượng giữa ta và địch để có quyết định phù hợp, có lợi nhất. Thêm nữa, cần thấy một đặc điểm nổi bật là đối với chiến tranh giải phóng thì thời gian chiến tranh thường kéo dài, còn với chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thì thời gian lại thường ngắn, thậm chí rất ngắn. Cuộc kháng chiến chống quân Minh do Lê Lợi lãnh đạo ở thế kỷ XV (chiến tranh giải phóng) diễn ra trong 10 năm (1418 - 1428), trong khi Chiến thắng Bạch Đằng (năm 938 chống quân Nam Hán do Ngô Quyền lãnh đạo và cuộc chiến chống Tống lần thứ Nhất (năm 981) do Lê Hoàn lãnh đạo (chiến tranh bảo vệ Tổ quốc) lại diễn ra trong thời gian cực ngắn, chỉ với một trận quyết chiến chiến lược kết thúc chiến tranh, đó là những minh chứng điển hình. Nét đặc sắc của nghệ thuật vận dụng yếu tố thời gian được thể hiện ở chỗ chúng ta không chỉ giỏi “kháng chiến trường kỳ”, mà còn rất giỏi “đánh nhanh, thắng nhanh” hay còn gọi là đánh thần tốc, làm cho kẻ địch bị bất ngờ, trở tay không kịp, thất bại nhanh chóng. Cuộc đại phá 28 vạn quân Thanh trong trận quyết chiến chiến lược Ngọc Hồi - Đống Đa mùa Xuân 1789 và trận chiến Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1785 đánh bại 5 vạn quân Xiêm của Quang Trung, cũng như cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng là minh chứng nổi bật về cách đánh thần tốc, táo bạo.

Thực tiễn trên khẳng định, vận dụng yếu tố thời gian là việc không thể thiếu trong chiến tranh và nó trở thành một trong những nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam cần được tiếp tục gìn giữ, nghiên cứu, phát triển lên một tầm cao mới.

Về yếu tố không gian. Trong chiến tranh, việc mở rộng hay thu hẹp không gian tác chiến để đạt được ý định, kế hoạch chiến lược là vấn đề rất quan trọng, thuộc nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, nghệ thuật tác chiến chiến lược, chiến dịch. Chủ trương mở rộng hoặc thu hẹp không gian chiến tranh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là khả năng, thực lực quân sự của bên tiến công. Có thể nói, đây là cuộc đọ trí quyết liệt giữa hai bên, bên nào vận dụng tốt yếu tố không gian sẽ tạo được lợi thế lớn về cục diện chiến lược để giành thắng lợi và ngược lại sẽ có kết quả tương ứng. Tuy nhiên, việc mở rộng hay thu hẹp không gian chiến tranh không hoàn toàn phụ thuộc vào bên tiến công (xâm lược), cho dù ban đầu nắm quyền chủ động chiến tranh, mà còn phụ thuộc vào hành động ứng biến của đối phương (bị xâm lược). Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, với thực lực quân sự hơn hẳn, thực dân Pháp có ý định bình định nước ta trong thời gian ngắn, nhưng ta đã thực hiện đường lối kháng chiến trường kỳ và không cho chúng đạt được mục đích. Tiếp đó, chúng vạch ra Kế hoạch Nava, hòng tập trung lực lượng dự bị chiến lược, gồm những đơn vị tinh nhuệ tại chiến trường chính Bắc Bộ để nắm quyền chủ động chiến lược, dễ bề tổ chức các đòn đánh tập trung, nhưng ta đã liên tiếp mở các chiến dịch trên chiến trường cả nước và hạ Lào, buộc chúng phải phân tán lực lượng chiến lược chi viện cho các hướng và lâm vào thế bị động. Vì thế, Kế hoạch Nava bị phá sản rồi từng bước dẫn tới thất bại tại Điện Biên Phủ, kết thúc chiến tranh. Điều đó cho thấy, tầm nhìn chiến lược, nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh tài tình của Đảng, trong đó có nghệ thuật vận dụng không gian tác chiến để từng bước chuyển hoá thế và lực, tiến tới giành thắng lợi quyết định.

Nghệ thuật vận dụng không gian chiến tranh, không gian tác chiến, nhất là tác chiến chiến dịch được Đảng ta tiếp tục kế thừa, thực hiện hiệu quả trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đế quốc Mỹ với bản chất hiếu chiến đã tiến hành nhiều chiến lược chiến tranh, thực hiện leo thang chiến tranh, mở rộng không gian chiến tranh ra miền Bắc nước ta. Nhưng quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã không cho chúng thực hiện được mưu đồ đó bằng cách kiên định thực hiện hai chiến lược cách mạng: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và Cách mạng Dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam; theo đó, miền Bắc được xây dựng trở thành hậu phương lớn và miền Nam là tiền tuyến lớn. Điều đó có nghĩa xét về mặt không gian chiến tranh chúng ta nắm quyền chủ động - chủ yếu ở miền Nam (chiến trường miền Nam, hậu phương miền Bắc). Cho dù đế quốc Mỹ có liều lĩnh, cố sức mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, nhưng cũng chỉ giới hạn bằng không quân và hải quân, kể cả có huy động cả lực lượng không quân chiến lược (máy bay B52) cũng vẫn nhận kết cục thảm bại bằng trận “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972, buộc phải xuống thang chiến tranh, trở lại bàn đàm phán để ký Hiệp định Paris (27/01/1973).

Với đường lối chiến tranh nhân dân đầy sáng tạo, Đảng ta đã huy động được sức mạnh lớn nhất của cả nước cho chiến tranh, thực hiện toàn dân đánh giặc, cả nước đánh giặc, đánh liên tục, rộng khắp, nhưng rộng khắp có nghĩa là trên toàn lãnh thổ và cả nước chứ không phải là đánh giặc trên cả nước. Đó là chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng, thể hiện sâu sắc tầm cao trí tuệ, nghệ thuật chỉ đạo chiến lược tài tình qua việc vận dụng yếu tố không gian trong chiến tranh.

Yếu tố thời gian và không gian trong chiến tranh có mối quan hệ tương tác, gắn chặt với nhau và được vận dụng có hiệu quả trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Nó được kết hợp với những yếu tố khác, như: thế, lực, thời, mưu,… trở thành nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Bởi thế, cần được tiếp tục kế thừa, phát huy vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Thiếu tướng NGUYỄN MẠNH HÙNG

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.