Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 28/04/2014, 22:05 (GMT+7)
Nghệ thuật tác chiến pháo binh trong trận "Quyết chiến chiến lược"

Tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết luận: “Pháo binh ta tuy nhỏ nhưng đã có một tác dụng lớn”[1]. Đây là sự ghi nhận vai trò quan trọng của Pháo binh trong Chiến dịch; đồng thời, đánh dấu bước phát triển vượt bậc về nghệ thuật tác chiến của Bộ đội Pháo binh.

Pháo binh đồng loạt khai hỏa trong Chiến dịch (Ảnh tư liệu)

Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương do quân Pháp lập nên, nhằm bảo vệ vùng Tây Bắc và Thượng Lào. Cách hậu phương ta từ 500 - 700 km, đường cơ động, vận chuyển hết sức khó khăn do địa hình rừng núi hiểm trở,… Vì thế, địch đã cho rằng, ta không thể đưa pháo cỡ lớn lên chiến trường này.

Nằm trong đội hình của Đại đoàn 351 (công binh và pháo binh), lực lượng Pháo binh (LLPB) tham gia Chiến dịch gồm: 01 trung đoàn pháo lựu 105 mm, 01 trung đoàn sơn pháo 75, 05 tiểu đoàn súng cối,... Đồng thời, các đại đoàn bộ binh cũng được trang bị súng cối. Tổng cộng ta có 261 khẩu pháo, cối các loại. Trên cơ sở quyết tâm chiến lược, công tác chuẩn bị đưa pháo vào chiến đấu được chủ động tiến hành sớm. Để đưa các loại pháo mới có tầm bắn xa, uy lực lớn lên Điện Biên Phủ, như: lựu pháo 105 mm, hỏa tiễn H6, ĐKZ 75 mm, Bộ đội Pháo binh cùng với công binh, bộ binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã vượt qua mọi khó khăn, hy sinh, gian khổ, làm hàng trăm ki-lô-mét đường, kéo pháo vào trận địa, biến khó khăn thành lợi thế để đánh địch. Qua 56 ngày đêm chiến đấu, LLPB đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là hỏa lực mặt đất chủ yếu chế áp, tiêu diệt các trận địa pháo binh địch, khống chế sân bay, phá hoại sở chỉ huy, kho tàng, triệt đường tiếp tế và chi viện cho bộ binh thắt chặt vòng vây, tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu bước phát triển vượt bậc về nghệ thuật tác chiến của Quân đội ta, trong đó có pháo binh. LLPB đã chủ động, sáng tạo giải quyết thành công nhiều vấn đề về tổ chức, chuẩn bị, thực hành tác chiến. Điều đó được thể hiện rõ nét trên một số vấn đề cơ bản sau:

Một là, tạo lập thế trận pháo binh liên hoàn, hiểm hóc, vững chắc, chuyển hóa linh hoạt phù hợp với Quyết tâm chiến dịch. Đây không chỉ là thành công nổi bật về nghệ thuật tác chiến pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, mà còn là bài học về quán triệt, thực hiện nghiêm quyết tâm chiến dịch của LLPB. Việc thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” thực sự là một thử thách lớn đối với LLPB. Để đưa các khẩu trọng pháo nặng hàng tấn vào đã khó, nay kéo pháo ra lại càng khó hơn. Song, với ý chí quyết tâm và lòng dũng cảm, Bộ đội Pháo binh đã cùng với các lực lượng khác của Chiến dịch kiên quyết khắc phục khó khăn, vượt mọi trở ngại, đưa pháo lên các sườn núi cao bao quanh tập đoàn cứ điểm, hình thành thế vây hãm địch ngay từ đầu và trong suốt quá trình Chiến dịch, tạo nên bất ngờ đối với quân Pháp. Các loại pháo đều bố trí theo nguyên tắc “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”, đảm bảo tập trung trên hướng, khu vực, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, vừa có hỏa lực đánh địch trên các hướng khác, hình thành thế trận pháo binh hiểm hóc, vững chắc, có chiều sâu, bổ trợ lẫn nhau, phát huy cao nhất hiệu quả chiến đấu của từng loại pháo.

Không chỉ tạo lập thế trận vững chắc ngay từ đầu, mà trong suốt quá trình chiến đấu, LLPB luôn tích cực cơ động, chuyển hóa thế trận phù hợp với thế trận chiến dịch, bảo đảm chi viện hỏa lực chính xác, kịp thời cho bộ binh chiến đấu. Ngay sau khi kết thúc đợt 1, để chuẩn bị cho đợt 2 Chiến dịch, ta đã nhanh chóng điều chỉnh, bố trí lại đội hình chiến đấu pháo binh. Trung đoàn Pháo binh 45 đã di chuyển hơn 50% số trận địa, đài quan sát, đưa vào các điểm cao trong các cứ điểm đã chiếm được ở đợt 1; chuyển một số đơn vị sơn pháo 75 mm, cối 120 mm và cối 82 mm vừa tham gia tiến công địch ở Đồi Độc Lập sang phối thuộc cho các đơn vị tiến công dãy đồi phía đông; sử dụng các đại đội ĐKZ cơ động chi viện trực tiếp cho các trung đoàn bộ binh.

Hai là, tập trung ưu thế LLPB chi viện cho bộ binh đánh chắc thắng, tiêu diệt từng cứ điểm, tiến tới tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm địch. Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm mạnh, bố trí thành 08 cụm cứ điểm, với 49 cứ điểm, hệ thống hỏa lực mạnh, công sự, vật cản vững chắc, hoàn chỉnh. Riêng pháo binh, địch có 126 khẩu, bao gồm pháo 155 mm, lựu pháo 105 mm, cối 120 mm,... Ngoài ra, địch còn hỏa lực của xe tăng, không quân chi viện. Để đánh thắng, đòi hỏi ta phải tạo được ưu thế hơn hẳn địch, cả về lực lượng và thế trận, nhất là hỏa lực. Ngay từ đầu Chiến dịch, ta đã huy động, sử dụng 229 khẩu pháo, cối các loại, đến cuối đợt 2 và cả đợt 3 Chiến dịch số lượng này đã tăng lên 261 khẩu.

Tuy nhiên, xét về số lượng, pháo binh ta hơn địch (tỷ lệ là 2,1/1), nhưng địch có nhiều pháo lớn hơn ta (chủ yếu là pháo lựu 105 mm và pháo lựu 155 mm, có tầm bắn xa, uy lực lớn). Bởi vậy, để tạo ưu thế áp đảo về hỏa lực, giải quyết mâu thuẫn giữa số lượng, chất lượng pháo, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã sử dụng LLPB tập trung vào hướng, khu vực tiến công chủ yếu, trận then chốt, then chốt quyết định. Điển hình như: trong trận tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam - trận then chốt mở đầu Chiến dịch, ta đã huy động 100% pháo xe kéo, hơn 70% sơn pháo và 80% súng cối 120 mm, tạo ưu thế hỏa lực lớn gấp 10 lần địch. Trên hướng Mường Thanh - hướng chủ yếu, ta đã tập trung hơn 200 khẩu pháo, cối các loại. Mỗi đại đoàn bộ binh đã tạo được mật độ pháo từ 70 đến 80 khẩu trên một hướng, hoặc từ 50 khẩu, sau tăng lên đến 160 khẩu các loại (khi tổng công kích) cho 01 km2 mục tiêu.

Cùng với đó, trong từng nhiệm vụ, trận đánh ta đã biết lựa chọn và tập trung pháo binh vào những mục tiêu chủ yếu, thời cơ quan trọng, nâng cao hiệu quả hỏa lực. Trong đợt 1 Chiến dịch, ta đã dùng 06 đại đội pháo lựu 105 mm, 02 đại đội sơn pháo 75 mm và 03 đại đội cối 120 mm tập kích bất ngờ, mãnh liệt vào tất cả các trận địa pháo binh địch ở trung tâm Mường Thanh và Hồng Cúm. Trong đợt 2 Chiến dịch, ngay từ đầu ta đã tập trung hoả lực của 03 đại đội pháo lựu 105 mm đánh đòn phủ đầu vào 02 trận địa pháo nguy hại nhất của địch ở Điểm cao 203 và 210; tập trung hoả lực của 02 đại đội pháo lựu để chế áp địch ở Điểm cao 203B, 01 đại đội pháo lựu đánh trận địa pháo và tiểu đoàn dù ngụy ở Điểm cao 210, làm cả 02 trận địa pháo binh địch đã bị tê liệt không hoạt động được trong đêm 30-3 và ngày 01-4-1954. Về đạn, tuy có khó khăn nhưng có trận ta cũng đã tập trung tới 4.000 quả đạn pháo, cối các loại.

Việc tập trung hoả lực chủ yếu của pháo binh vào những hướng, nhiệm vụ chủ yếu, mục tiêu chủ yếu, thời cơ quan trọng của Chiến dịch, đã làm tê liệt hoàn toàn pháo binh địch, chi viện cho bộ binh đánh tiêu diệt gọn từng cứ điểm và giảm thương vong cho bộ đội ta. Như vậy, từ chỗ ta chỉ sử dụng khẩu đội, trung đội pháo mang vác đánh độc lập, chi viện cho các trận chiến đấu nhỏ, lẻ, tiến đến sử dụng tập trung nhiều trung đoàn, tiểu đoàn pháo xe kéo, hiệp đồng với các đại đoàn bộ binh đánh tiêu diệt lớn quân địch, điều đó đã khẳng định sự phát triển vượt bậc về nghệ thuật sử dụng pháo binh, cả về quy mô lực lượng và nghệ thuật sử dụng pháo binh.

Ba là, vận dụng cách đánh linh hoạt, sáng tạo, phát huy sức mạnh hỏa lực của mỗi loại pháo. Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch tác chiến hiệp đồng binh chủng, có quy mô lớn nhất của bộ đội ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Quán triệt phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, nắm chắc nhiệm vụ được giao, LLPB đã vận dụng linh hoạt cách đánh độc lập và đánh hiệp đồng, kết hợp đánh gần với đánh xa, đánh bất ngờ, đánh liên tục, đánh dồn dập, đánh kéo dài bằng nhiều loại hỏa lực khác nhau, gây cho địch nhiều tổn thất, cả vật chất và tinh thần.

Theo cách đánh của Chiến dịch: bao vây, tiến công trận địa, đột phá, đánh bóc vỏ từ ngoài vào trong, tiêu diệt từng cứ điểm, củng cố khu đã chiếm, phát triển tiến công để tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm, pháo binh chiến dịch đã mở đầu bằng trận tập kích hỏa lực chuẩn bị mang tên “Sấm rền”, tập trung chế áp Phân khu Trung tâm, các sân bay, trận địa pháo và kho tàng của địch, tạo điều kiện cho pháo binh đi cùng của các đại đoàn, trung đoàn cơ động vào chiếm lĩnh trận địa. Khi kết thúc hỏa lực chuẩn bị, pháo đi cùng của các đơn vị mới khai hỏa để chi viện cho bộ binh thực hành xung phong đánh chiếm mục tiêu nên đã bảo toàn được LLPB và tạo ra yếu tố bất ngờ trên các hướng, mũi tiến công. Với lối đánh này, hỏa lực pháo binh luôn theo sát đội hình chiến đấu bộ binh, chi viện đạt hiệu quả cao.

Trong quá trình tác chiến, ta đã sử dụng pháo bắn ngắm gián tiếp tham gia bắn ngắm trực tiếp. Việc đưa pháo lựu 105 mm “lên cao, vào gần, bắn thẳng” đã nâng mức chính xác, phát huy uy lực lớn của pháo, đạn, gây cho địch bất ngờ và bất lực trước hỏa lực của pháo binh ta. Bên cạnh đó, pháo binh chiến dịch đã tích cực, chủ động hiệp đồng với cao xạ đánh khống chế sân bay, triệt đường tiếp tế duy nhất của địch; sử dụng pháo binh tập trung với hoả lực mạnh, mật độ lớn, thời gian ngắn, nhanh chóng sát thương lớn quân địch bộc lộ ngoài công sự khi chúng thực hành phản kích. Điển hình là trận phản kích của tiểu đoàn dù và tiểu đoàn lê dương từ Trung tâm Mường Thanh ra đồi A1 và C1, đã bị 03 đại đội pháo lựu, cùng sơn pháo 75 mm ta bắn sát thương, tiêu diệt số lượng lớn sinh lực, phương tiện chiến đấu địch.

Vận dụng cách đánh linh hoạt, sáng tạo, kết hợp chặt chẽ các loại pháo và các lực lượng tham gia Chiến dịch đã phát huy mọi tính năng, kỹ chiến thuật của mỗi loại pháo, cối; hình thành cách đánh hiệp đồng và độc lập của Bộ đội Pháo binh, làm cơ sở để vận dụng, phát triển trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sáu mươi năm đã qua đi, nhưng tầm vóc lịch sử và những bài học về nghệ thuật tác chiến pháo binh rút ra từ Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển trong điều kiện mới của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng Pháo binh đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Binh chủng vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu. Cùng với đó, Binh chủng chú trọng tham mưu cho Bộ Quốc phòng xây dựng LLPB ba thứ quân có chất lượng cao, số lượng hợp lý; xây dựng thế trận pháo binh hiểm hóc, vững chắc trong từng khu vực phòng thủ, hướng chiến lược, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tổng kết, nghiên cứu phát triển lý luận về nghệ thuật tác chiến pháo binh trên cơ sở kinh nghiệm trong hai cuộc kháng chiến, trong đó có kinh nghiệm tác chiến pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, phù hợp với điều kiện mới. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo cho Bộ đội Pháo binh giỏi tác chiến độc lập và tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, xứng đáng là hỏa lực mặt đất chủ yếu của Lục quân.

 

Thiếu tướng NGUYỄN VĂN CÔN

Tư lệnh Binh chủng Pháo binh

_______________

[1] Bộ Quốc phòng - Tỉnh ủy Điện Biên, Chiến thắng Điện Biên Phủ sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, Nxb QĐND, H. 2014, tr. 198.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.