Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Tư, 20/07/2022, 08:03 (GMT+7)
Nghệ thuật lập thế, tạo lực đánh trận then chốt trong chiến dịch phản công quy mô vừa

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), chiến dịch phản công có thể được vận dụng phổ biến ngay từ đầu và suốt quá trình chiến tranh, ở các quy mô, với nhiều trận then chốt chiến dịch. Để trận then chốt trong chiến dịch phản công giành thắng lợi, đòi hỏi tư lệnh và cơ quan chiến dịch phải chú trọng nhiều yếu tố; trong đó, lập thế, tạo lực là vấn đề cốt lõi, cần được nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn.  

Trong chiến tranh giải phóng, Quân đội ta mở nhiều chiến dịch phản công giành thắng lợi. Điển hình là Chiến dịch phản công Việt Bắc - Thu Đông (1947); Chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Gian xơn - Xi ty (1967); Chiến dịch phản công Đường 9 Nam Lào (1971), v.v. Nghệ thuật lập thế, tạo lực đánh trận then chốt trong chiến dịch phản công được tư lệnh và cơ quan chiến dịch nghiên cứu vận dụng thành công, để lại nhiều bài học quý, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nếu xảy ra, đối tượng tác chiến chiến dịch đang ở trạng thái tiến công, có ưu thế về trinh sát, hỏa lực, khả năng cơ động, tác chiến điện tử và tác chiến không gian mạng, làm cho hoạt động tác chiến chiến dịch nói chung, trận then chốt nói riêng diễn biến khẩn trương, phức tạp, khó lường. Vì vậy, để trận then chốt giành thắng lợi, cùng với các yếu tố khác, chiến dịch phải khẩn trương lập thế, tạo lực có lợi cho ta, bất lợi cho địch. Điều này xuất phát bởi mấy lý do sau: Thứ nhất, trong chiến dịch phản công, mục đích của trận then chốt chiến dịch nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực, phương tiện chủ yếu, quan trọng của địch, tạo điều kiện thúc đẩy chiến dịch phát triển, hoàn thành nhiệm vụ của một đợt hoặc kết thúc chiến dịch trong thế có lợi. Nếu lập thế, tạo lực tốt thì sức mạnh chiến đấu của các lực lượng tham gia trận đánh được nâng cao, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của trận then chốt đặt ra. Thứ hai, mục đích của lập thế đánh trận then chốt này nhằm tạo thế có lợi cho ta, gây bất lợi, bất ngờ, suy yếu cho địch. Điều đó cũng có nghĩa, thế trận đó phải phù hợp với thế của chiến dịch, vững chắc, hiểm hóc và chuyển hóa linh hoạt. Quá trình lập thế đánh trận then chốt là quá trình làm cho thế của ta mạnh lên, thế của địch yếu đi, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng tham gia trận đánh phát huy sức mạnh chiến đấu, tiến công tiêu diệt địch, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. Thứ ba, muốn tạo lực mạnh đánh trận then chốt thắng lợi, chiến dịch phải có nghệ thuật tạo thế. Khi có thế tốt sẽ tác động tích cực trở lại đến lực, làm cho lực mạnh lên gấp bội. Nếu cả thế và lực mạnh thì sức chiến đấu được nâng lên, tạo khả năng đánh thắng quân địch trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Thứ tư, về tương quan so sánh lực lượng trong chiến tranh, địch thường có ưu thế hơn ta cả về hỏa lực và xung lực, nhưng để tạo chuyển biến có lợi đánh thắng các trận then chốt, ta đã tập trung ưu thế hơn địch ở từng trận, từng khu vực tác chiến; kết hợp chặt chẽ giữa lập thế ta đi đôi với phá thế địch, bằng cách sử dụng lực lượng hợp lý, bố trí ở khu vực địa hình có lợi, có thế đánh, càng đánh càng đẩy địch vào thế bất lợi.

Từ những đặc điểm trên cho thấy, nghệ thuật lập thế, tạo lực đánh trận then chốt của chiến dịch phản công trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc gồm nhiều nội dung; trong đó, cần tập trung nghiên cứu một số vấn đề chủ yếu sau:

1. Xây dựng thế trận tiến công vững chắc, hiểm hóc, chuyển hóa linh hoạt. Đối tượng tác chiến của trận then chốt trong chiến dịch phản công ở trạng thái tiến công, sử dụng vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử và tác chiến không gian mạng rộng rãi; quá trình tiến công bị lực lượng vũ trang địa phương trong khu vực phòng thủ ngăn chặn, chia cắt, có bộ phận tạm dừng, bộ phận tiếp tục tiến công, v.v. Đối với chiến dịch, việc lập thế, tạo lực đánh trận then chốt tiêu diệt địch cơ động đường bộ và đổ bộ đường không diễn ra trên địa bàn rộng, nhiều lực lượng tham gia, công tác chuẩn bị tác chiến khẩn trương, lượng vật chất, trang bị kỹ thuật sử dụng lớn, cơ động lực lượng triển khai đội hình tiến công khó khăn. Do đó, để lập thế, tạo lực đánh trận then chốt thắng lợi, chiến dịch phải dựa vào thế trận khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận tiến công sắc, hiểm, linh hoạt, nhằm chi viện, hỗ trợ, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng để đánh thắng địch. Mặt khác, chiến dịch phản công diễn ra trong thế tác chiến phòng thủ quân khu, mà nền tảng là các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố. Vì vậy, ngay từ thời bình, ta đã xây dựng kế hoạch tác chiến, dự kiến quyết tâm, chuẩn bị trước một bước về lực lượng, phương tiện, thiết bị chiến trường. Khi chiến tranh xảy ra, chiến dịch có điều kiện tận dụng các yếu tố thuận lợi đó để xây dựng thế trận sắc, hiểm, linh hoạt. Để chuyển hóa linh hoạt thế trận, tư lệnh và cơ quan chiến dịch phải nghiên cứu nắm chắc tình hình mọi mặt, bố trí lực lượng cài xen với địch, vận dụng sáng tạo các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, thực hiện đánh sâu, hiểm, rộng khắp; đồng thời, triệt để tận dụng các yếu tố có lợi, nhất là địa hình để xây dựng hệ thống công sự, trận địa, mạng đường cơ động,... nhanh chóng, kịp thời, bí mật. Hơn nữa, việc lập thế, tạo lực đánh trận then chốt chiến dịch phản công không chỉ diễn ra trong tổ chức chuẩn bị chiến dịch hay một trận then chốt mà suốt quá trình tác chiến; trong điều kiện thế và lực của ta và địch có sự vận động biến đổi không ngừng. Khi đánh thắng trận then chốt mở đầu, ta đã chuyển hóa một bước thế trận, tiêu diệt một bộ phận quân địch làm cho thế trận của chúng bị phá vỡ, suy yếu. Tuy nhiên, địch cũng tìm mọi biện pháp để chuyển hóa, khôi phục thế trận, giành lại thế chủ động. Vì vậy, để lập thế, tạo lực đánh thắng các trận then chốt tiếp theo, chiến dịch phải dự kiến chính xác khả năng, thủ đoạn tác chiến của địch, tích cực, chủ động chuẩn bị thế trận, sao cho có thể chuyển hóa linh hoạt khi tình hình địch, ta và địa hình thay đổi.

2. Tổ chức, sử dụng, bố trí lực lượng và thiết bị chiến trường. Trong chiến dịch phản công, để lập thế, tạo lực đánh thắng trận then chốt thì tổ chức, sử dụng, bố trí lực lượng phải phát huy tối đa sức mạnh chiến đấu của ta, khoét sâu điểm yếu của địch, buộc chúng phải hành động theo cách đánh của ta trong thế bất lợi. Trong điều kiện tác chiến mới, mặc dù lực lượng, vũ khí, trang bị, nghệ thuật tác chiến chiến dịch có sự phát triển, nhưng để lập thế, tạo lực đánh trận then chốt thắng lợi, việc tổ chức, sử dụng lực lượng phải quán triệt quan điểm “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều”, tập trung lực lượng vào hướng, khu vực, mục tiêu chủ yếu, thời cơ quyết định. Đây vừa là nguyên tắc, vừa là quy luật để giành thắng lợi trong các trận then chốt của chiến dịch phản công. Giai đoạn tổ chức chuẩn bị tác chiến, chiến dịch phải nghiên cứu, đánh giá tình hình khách quan, toàn diện, cụ thể; trên  cơ sở đó, tổ chức, sử dụng, bố trí lực lượng phù hợp, tạo ưu thế hơn hẳn địch cả về xung lực và hỏa lực trên từng hướng, khu vực, mục tiêu tiến công. Trong chiến dịch phản công quy mô vừa, tùy theo đối tượng tác chiến trong từng trận then chốt để tổ chức, sử dụng, bố trí lực lượng phù hợp. Thông thường, chiến dịch sử dụng từ 01 sư đoàn đến 01 sư đoàn bộ binh tăng cường, kết hợp với lực lượng tại chỗ để thực hiện trận then chốt tiêu diệt địch cơ động đường bộ, đổ bộ đường không hoặc co cụm. Khu vực bố trí chiến đấu, triển khai đội hình tiến công, chiến dịch cần nghiên cứu kỹ, lựa chọn nơi địa hình có giá trị chiến thuật, chiến dịch, giữ bí mật ý định tác chiến, hạn chế khả năng trinh sát phát hiện, đánh phá, ngăn chặn của địch, đồng thời thuận tiện cho cơ động lực lượng, triển khai đội hình tiến công.

Cùng với đó, thiết bị chiến trường phải bảo đảm thuận tiện cơ động lực lượng, triển khai đội hình tiến công, chuyển hóa thế trận linh hoạt, tạo thời cơ đánh trận then chốt thuận lợi, có thể tiến công địch từ nhiều hướng, ngay từ đầu và suốt quá trình chiến dịch. Trong thời bình, khi xây dựng các tuyến đường, tạo không gian cho phát triển kinh tế - xã hội, cần phải tính đến các tình huống phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng khi chiến tranh xảy ra. Mạng đường cơ động bảo đảm cho chiến dịch nói chung, trận then chốt nói riêng phải dự kiến, chuẩn bị trước một bước, gồm đường dọc, đường ngang và đường nhánh vào khu vực tạm dừng, tuyến triển khai tiến công, phát triển chiến đấu; trong đó, cần chú trọng bảo đảm đường cơ động cho các phương tiện cơ giới.

3. Xác định hướng, khu vực, mục tiêu của trận then chốt. Chúng ta biết, chiến dịch phản công được mở khi địch đang ở trạng thái tiến công và về cơ bản, chúng vẫn giữ quyền chủ động trên chiến trường, nên việc xác định hướng, khu vực, mục tiêu của trận then chốt chiến dịch là nội dung khó, nhưng rất quan trọng để lập thế, tạo lực đánh trận then chốt thắng lợi. Để làm được điều đó, chiến dịch cần phân tích, đánh giá tình hình mọi mặt cụ thể, tỉ mỉ; dự kiến sát, đúng ý định, âm mưu, thủ đoạn, đường, hướng tiến công của địch. Thực tiễn trong Chiến dịch phản công Đường 9 Nam Lào năm 1971, qua phân tích, đánh giá tình hình, ta đã nhận định hướng tiến công Tây Nguyên, Nam Quân khu 4 của địch là hướng nghi binh, hướng tiến công theo Đường 9 là hướng chủ yếu. Do đó, chiến dịch đã chủ động lập thế, tạo lực, xác định hướng, khu vực, mục tiêu đánh trận then chốt để tổ chức chuẩn bị và thực hành tác chiến giành thắng lợi.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, việc xác định chính xác hướng, khu vực, mục tiêu tiến công trận then chốt của chiến dịch phản công sẽ gặp nhiều khó khăn, phức tạp do phương thức tác chiến, khả năng cơ động, trình độ vũ khí, trang bị,... của địch đã có nhiều phát triển. Điều đó, đòi hỏi tư lệnh và cơ quan chiến dịch phải có tư duy nhạy bén; nghiên cứu, đánh giá chính xác tình hình, nhất là tình hình địch; kết hợp chặt chẽ các biện pháp tác chiến: tạo thế, nghi binh, giữ bí mật, bất ngờ về ý định tác chiến của ta. Quá trình tác chiến, phải nắm chắc đối tượng tác chiến, phán đoán chính xác âm mưu, thủ đoạn, khả năng tiến công,… của địch để xác định hướng, khu vực, mục tiêu trận then chốt tiếp theo.

4. Tổ chức cơ động lực lượng nhanh, bí mật, đúng thời cơ và quyết tâm tác chiến trong trận then chốt chiến dịch. Đây là biện pháp quan trọng nhằm triển khai nhanh đội hình, hình thành thế trận tiến công có lợi, đúng thời cơ; quá trình cơ động lực lượng là quá trình tạo thế, hình thành thế bao vây, chia cắt địch. Tuy nhiên, đối tượng tác chiến trong trận then chốt có phương tiện trinh sát hiện đại, hỏa lực mạnh, tác chiến điện tử rộng rãi, nên khi tạo thế cơ động lực lượng, triển khai đội hình đánh trận then chốt, cần có sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng chiến dịch với lực lượng vũ trang trong khu vực tác chiến; tạo thế cài xen, bao vây, kìm giữ địch ở các mục tiêu liên quan; tiến công tiêu diệt lực lượng cảnh giới, biệt kích, thám báo, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng đánh trận then chốt cơ động vào triển khai đội hình tiến công đúng thời cơ. Để thực hiện điều đó, chiến dịch cần hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng tại chỗ, chỉ huy lực lượng tạo thế cơ động vào chiếm lĩnh địa hình có giá trị ngăn chặn địch; đồng thời, nắm bắt thời cơ, cơ động lực lượng tiếp cận, thực hành tiến công mục tiêu nhanh. Trên các hướng tiến công, tận dụng kết quả chiến đấu tạo thế, các lực lượng tham gia trận then chốt vừa cơ động tiếp cận mục tiêu, vừa tạo thế triển khai đội hình, nổ súng tiến công, vây ép địch, đẩy chúng vào thế bị động, lúng túng đối phó.

Với sự phát triển mới cả về tổ chức, biên chế, trang bị và phương pháp tác chiến của ta và địch trong chiến tranh hiện đại, việc đánh thắng địch trong các trận then chốt của chiến dịch phản công phụ thuộc vào nhiều yếu tố; trong đó có nghệ thuật lập thế, tạo lực. Vì vậy, vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu, góp phần bổ sung, phát triển lý luận nghệ thuật chiến dịch phản công, đáp ứng yêu cầu, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Thiếu tướng, TS. Đ MINH XƯƠNG, Giám đốc Học viện Lục quân

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.