Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Chủ Nhật, 29/03/2015, 20:38 (GMT+7)
Nghệ thuật đánh giặc của dân quân tự vệ là di sản vô giá trong kho tàng Nghệ thuật Quân sự Việt Nam

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dân tộc ta phải chống lại kẻ thù có quân số đông, tiềm lực quân sự mạnh, được tổ chức chuyên nghiệp và chính quy. Để chiến thắng những đội quân xâm lược nhà nghề đó, dân tộc Việt Nam đã tiến hành cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, kết hợp chặt phương thức chiến tranh chính quy với chiến tranh nhân dân địa phương. Trong các cuộc đấu tranh đó, lực lượng dân quân tự vệ đã chiến đấu anh dũng và sáng tạo, góp phần to lớn vào những chiến thắng chung của dân tộc, xây dựng nên một truyền thống vẻ vang, trở thành một di sản vô giá trong nền Nghệ thuật Quân sự Việt Nam. Di sản đó được thể hiện ở những nội dung sau:

Một là, góp phần cùng với quân và dân cả nước đánh thắng hai kẻ thù hung bạo của thời đại, làm cho chúng sớm bị sa lầy, cơ sở bị triệt phá, tinh thần bị căng thẳng và không tìm ra phương sách đối phó có hiệu quả; lực lượng dân quân tự vệ đã cùng với lực lượng bộ đội địa phương tạo thế, tạo lực cho bộ đội chủ lực giáng những đòn đánh quyết định để giành thắng lợi to lớn trên mặt trận đấu tranh quân sự.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng ta đã đánh giá đúng điểm mạnh của ta là ở các vùng nông thôn và chỗ yếu nhất của địch cũng chính là ở các nơi đó, khâu yếu nhất của chúng là bộ máy kìm kẹp quần chúng ở cơ sở. Ta đã lấy chỗ mạnh của ta, đánh vào vùng yếu, khâu yếu của địch, giành thế đứng chân vững chắc ở các vùng nông thôn, tạo nên một hình thái chiến tranh da báo (cài xen chiến lược) vô cùng hiểm hóc. Thế trận đó đã hạn chế những điểm mạnh cơ bản và sở trường của địch là khả năng cơ động, sức mạnh hỏa lực và đánh phân tuyến. Thế trận đó còn từng bước phá tan chính quyền bù nhìn, do địch dựng lên làm chỗ dựa từ bên trong cho lực lượng xâm lược từ bên ngoài. Quân địch đã bị thế trận chiến tranh nhân dân của ta phân tán về binh lực, suy giảm về sức mạnh, lâm vào thế bị động đối phó. Trong cuốn Đông Dương hấp hối, Na-va, viên đại tướng bại trận người Pháp - Tổng Tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương khi đó đã ngán ngẩm: “Nhìn vào tấm bản đồ người xem thấy chi chít những chấm đỏ và ông ta gọi đó là tấm bản đồ lên sởi1. Bệnh sởi đó chính là những căn cứ kháng chiến lớn nhỏ do ta tạo nên. Trong cuốn, chiến tranh nhân dân địa phương trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) đã nhận định: “Ở Việt Nam, vào mùa khô 1967, Mỹ có hơn 50 vạn quân, nhưng chỉ có thể tập trung vào đòn tiến công chiến lược nhằm tiêu diệt quân giải phóng không quá 5 vạn quân, chiếm 9% trong tổng số lực lượng2. Chiến tranh nhân dân địa phương đã phát huy được sức mạnh tổng hợp để chiến thắng kẻ thù xâm lược. Trong chống chiến tranh phá hoại của địch, bảo vệ hậu phương lớn - miền Bắc xã hội chủ nghĩa, các lực lượng dân quân tự vệ đã cùng với các lực lượng, ban, ngành đẩy mạnh sản xuất, phục vụ chiến đấu và chiến đấu; đã bắn rơi nhiều máy bay, bắn chìm nhiều tàu chiến địch, bắt sống và tiêu diệt nhiều toán, nhóm biệt kích, giữ vững trật tự trị an ở cơ sở, bảo vệ nhân dân, bảo đảm giao thông, kết hợp đánh địch với chủ động sơ tán phòng tránh, khắc phục hậu quả chiến tranh, chi viện cho tiền tuyến lớn - miền Nam, góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc. 

Các hoạt động của chiến tranh nhân dân địa phương đã làm cho bộ máy chỉ đạo chiến tranh của địch phải lúng túng, không tìm được phương cách đối phó. Buộc chúng phải tập trung lực lượng để đánh những đòn quyết định và phân tán lực lượng để kìm kẹp nhân dân, bảo vệ ấp chiến lược, các căn cứ, kho tàng, sân bay, bến cảng, sở chỉ huy, hệ thống phòng ngự, giao thông và các mục tiêu trọng yếu khác. Khi đề cập đến chiến tranh nhân dân địa phương ở Việt Nam, nhiều chính khách Mỹ đã phải thừa nhận rằng, họ đang phải đối đầu với một cuộc chiến tranh thần thánh, phải đối phó với lực lượng kháng chiến vô hình. Viên tướng Taylo đã phải thốt lên rằng “Không nên can thiệp vào một cuộc nổi loạn đã phát triển thành chiến tranh du kích3. Chiến tranh nhân dân địa phương của ta được phát triển trên cả ba vùng chiến lược, tạo thế xen kẽ, các mục tiêu trọng yếu của địch bị áp sát và uy hiếp liên tục. Trong hậu phương địch xuất đã hiện nhiều căn cứ kháng chiến, vùng lõm, làm cho địch bị sa lầy, bị đánh cả trước mặt và sau lưng, buộc phải tiến hành một cuộc chiến tranh lâu dài, không thực hiện được ý định của chúng. Thế uy hiếp của chiến tranh nhân dân địa phương ở khắp nơi đã tạo nên sự thu hút lực lượng, làm phân tán quân địch, tạo điều kiện để bộ đội chủ lực tác chiến tập trung của. Tổng kết về chiến tranh nhân dân địa phương trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) nêu rõ: “chiến tranh nhân dân địa phương đã tạo điều kiện cho chủ lực ta tập trung được gần 100% lực lượng để đánh địch, nhưng chủ lực của địch lại bị phân tán đến 80%”4.       

Phát huy khả năng sáng tạo và sức mạnh to lớn của chủ nghĩa yêu nước trong quần chúng nhân dân trong quá trình thực hiện những nhiệm vụ cách mạng, các lực lượng dân quân tự vệ đã sử dụng mọi loại vũ khí, như: gậy gộc, dao mác, cuốc thuổng, gươm giáo, chông, mìn, cạm bẫy, các loại vũ khí tự tạo và vũ khí lấy được của địch... đánh địch mọi lúc, mọi nơi; mỗi người dân là một chiến sĩ, dư luận trên thế giới đã ca ngợi: “ở Việt Nam, ra ngõ gặp anh hùng”.

Hai là, góp phần phát triển nền Nghệ thuật Quân sự Việt Nam sáng tạo, độc đáo và đạt trình độ cao.

Nền Nghệ thuật Quân sự Việt Nam là nghệ thuật toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Vì thế, nghệ thuật quân sự không những chỉ đạo hoạt động tác chiến của lực lượng vũ trang, mà còn chỉ đạo hoạt động quân sự của đông đảo quần chúng nhân dân tham gia đánh giặc. Chiến tranh nhân dân của ta được tiến hành bằng hai chân, ba mũi, trên cả ba vùng chiến lược, đó là điểm sáng tạo nổi bật của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Đảng ta. Sự sáng tạo đó đã đưa cách mạng Việt Nam vượt qua các thử thách, lần lượt đánh thắng các biện pháp và các chiến lược quân sự của kẻ thù. Nền Nghệ thuật Quân sự Việt Nam đã chỉ đạo các hoạt động kháng chiến của quân và dân ta, tạo nên những hình thái chiến tranh độc đáo. Khi bàn về vấn đề này, đồng chí Trường Chinh đã viết: “chiến tranh nhân dân của ta diễn ra dưới nhiều hình thái phong phú: chiến tranh cài răng lược, chiến tranh độn thổ, chiến tranh không mặt trận, chiến tranh bao vây, chiến tranh tiêu thổ...”5, khi có những hình thái chiến tranh khác thường, nghệ thuật quân sự cũng đã giải quyết các vấn đề khác thường. Đó là cả nước là chiến trường, mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi làng xã, khu phố là một pháo đài, mỗi chi bộ đảng là một bộ tham mưu, tiến hành một cuộc chiến tranh không quy ước. Quân và dân ta dùng lối đánh du kích, đánh địch ngay tại địa phương, các sào huyệt của kẻ thù, thực hiện “lai vô ảnh, khứ vô tung”. Chiến tranh du kích của ta đã phát huy vai trò và tác dụng to lớn trong việc sát thương, tiêu hao rộng rãi, tiêu diệt nhỏ quân địch, gây cho chúng những tổn thất và khó khăn, hãm chân những binh đoàn cơ động của địch và trở thành mối lo thường xuyên của chúng. Nhờ có chiến tranh nhân dân, ta đã phân tán và giam chân khối cơ động chiến lược của quân Pháp, góp phần quan trọng tạo nên thế trận có lợi và ưu thế áp đảo cho lực lượng ta ở Điện Biên Phủ. Trong sách Tổng kết tác chiến chiến lược trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975), đã nhận định: “chín phần mười trong tổng số 84 tiểu đoàn cơ động chiến lược của Na-va đã bị phân tán trên các hướng, trước khi trận đánh ở Điện Biên Phủ nổ ra”6.

Xuất phát từ thực tiễn khi địch tiến công, nếu ta không kiên quyết giữ đất, giữ dân, thì chẳng mấy chốc ta sẽ không còn đất đứng chân, không còn sức người, sức của để kiên trì kháng chiến. Vì thế, việc bám đất, bám dân, bảo vệ cơ sở kháng chiến trong mọi điều kiện là vấn đề có tính sống còn đối với ta. Các đội du kích của ta đã xung kích đảm nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến lược đó. Cuộc chiến tranh ở Việt Nam là cuộc chiến giành dân và trong cuộc chiến đó, chúng ta là người chiến thắng. Đó là sự khác biệt giữa chiến tranh du kích của ta với chiến tranh du kích của các nước khác. Trong điều kiện lực lượng chủ lực của ta còn non trẻ, chỉ có thể dùng chiến tranh du kích để tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch, vừa đánh, vừa học hỏi, bồi dưỡng và xây dựng lực lượng, không chờ chủ lực lớn mạnh mới tiến công, mà sử dụng thế tiến công của chiến tranh du kích làm ruỗng nát hậu phương địch, chuyển hóa thế trận chiến lược, biến hậu phương địch, thành tiền phương của ta. Đó là nghệ thuật tiến công của chiến tranh nhân dân trong điều kiện lực lượng ta chưa mạnh, thể hiện nét đặc sắc trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta, làm nên một nền Nghệ thuật Quân sự Việt Nam với sự phát triển độc đáo, sáng tạo.   

Bằng thực tiễn chiến đấu phong phú, các lực lượng dân quân tự vệ đã làm nên một nghệ thuật đánh giặc độc đáo của mình với những đặc điểm chính nổi bật: tính quần chúng sâu rộng, tính toàn diện cao (mọi người có thể tham gia đánh giặc, đánh giặc bằng mọi thứ vũ khí), vì mục đích mang tính xã hội sâu sắc; hình thức tổ chức, hoạt động phong phú, đa dạng và có tính vùng miền; liên tục và trực tiếp cọ sát với địch; tính sáng tạo và hiệu quả của quần chúng được phát huy; luôn gắn chặt với cơ sở, với phương châm “một tấc không đi, một ly không rời”, “dân bám đất, Đảng bám dân, du kích (quân) bám địch”; quán triệt tư tưởng tiến công trong phương thức hoạt động, đặc biệt là trong thực hiện cách đánh; có mối quan hệ chặt chẽ với bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực; quy mô tổ chức và tác chiến nhỏ, rộng khắp; công tác tổ chức, chỉ huy và bảo đảm đơn giản, tại chỗ... Nghệ thuật đó đã tạo ra một di sản vô giá trong nền Nghệ thuật Quân sự Việt Nam, với những bài học kinh nghiệm quý sau:

Thứ nhất, quán triệt sâu sắc những quan điểm cơ bản trong đường lối quân sự của Đảng về chiến tranh nhân dân và về lực lượng dân quân tự vệ   

Giá trị của đường lối đúng trước tiên được thể hiện ở việc xác định mục tiêu, chủ thể của cuộc cách mạng và phương thức tiến hành. Mục tiêu của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Chủ thể của cuộc cách mạng ở nước ta là các tầng lớp nhân dân, mà nòng cốt là công, nông, binh và tầng lớp trí thức. Đường lối đúng thể hiện sự thống nhất giữa mục đích chính trị của chiến tranh với mục tiêu của cách mạng, xử lý hài hòa vấn đề dân tộc và giai cấp; là ngọn cờ tập hợp, đoàn kết và phát triển lực lượng... Đó là những vấn đề rất quan trọng của bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trên con đường xây dựng, bảo vệ và phát triển của mình.

Con đường đấu tranh cách mạng ở Việt Nam là bằng sức mạnh bạo lực cách mạng của quần chúng nhân dân. Tính chất của hai cuộc chiến tranh vừa qua vừa là các cuộc chiến tranh giải phóng, vừa là những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Các lực lượng vũ trang của ta ở những thời kỳ đầu của các cuộc chiến tranh đều là những đơn vị nhỏ bé, với trang bị thô sơ, nên về xây dựng lực lượng ta đã tuân theo quy luật từ không tới có, từ nhỏ đến lớn. Trong các hoạt động tác chiến chúng ta đã đi từ chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy và sau đó là kết hợp cả hai phương thức chiến tranh chiến tranh du kích (sau này được thống nhất gọi là chiến tranh nhân dân địa phương) và chiến tranh chính quy. Để đánh thắng kẻ thù, chúng ta phải trường kỳ kháng chiến, giành thắng lợi từng bước, tập trung đánh thắng nỗ lực cao nhất của địch, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn, không mơ hồ ảo tưởng, mất cảnh giác đối với bản chất của kẻ thù.

Quan niệm của chúng ta về sức mạnh đó là sức mạnh tổng hợp, được hình thành từ nhiều nhân tố: chế độ kinh tế - chính trị của đất nước; truyền thống của dân tộc; nghệ thuật lãnh đạo, điều hành chiến tranh; khả năng trang bị và sức chiến đấu của quân đội; trình độ nắm và vận dụng nghệ thuật quân sự; tinh thần, ý chí chiến đấu của quân và dân ta; vai trò của hậu phương; sự phối hợp giữa các lĩnh vực đấu tranh; sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại... Do vậy, Đảng ta luôn tiến hành nhiều biện pháp để tạo sức mạnh tổng hợp, trong đó đã chú trọng phát huy nhân tố chính trị tinh thần - ưu thế tuyệt đối của ta trước kẻ thù để giành thắng lợi.    

Xây dựng lực lượng vũ trang nhiều thứ quân làm lực lượng nòng cốt cho sự nghiệp toàn dân đánh giặc. Đây là một trong những nội dung về nghệ thuật chỉ đạo, điều hành chiến tranh của Đảng ta. Trong đó, lực lượng dân quân tự vệ là một trong các thành phần không thể thiếu được của các lực lượng vũ trang cách mạng do Đảng tổ chức và lãnh đạo.

Lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông, khi có điều kiện và thời cơ kiên quyết tập trung lực lượng và nỗ lực cao nhất để giành thắng lợi quyết định ở chiến trường do ta lựa chọn vừa là một nội dung quan trọng trong tư tưởng Quân sự Việt Nam, vừa là một trong những nội dung đặc sắc của Nghệ thuật Quân sự Việt Nam.

Thứ hai, phát huy động lực và tinh thần yêu nước của những người chủ đất nước, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân địa phương vững mạnh

Lòng yêu nước của nhân dân ta, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói là một truyền thống cực kỳ quí báu. Lòng yêu nước đó đã hun đúc nên tinh thần quyết chiến, quyết thắng, biết đánh, biết thắng của quân và dân ta. Người nói: “Lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân ta là một lực lượng vô cùng to lớn không ai thắng nổi. Nhờ lực lượng ấy mà tổ tiên ta đã đánh thắng quân Nguyên, Minh để giữ vững quyền tự do, tự chủ. Nhờ lực lượng đó mà chúng ta làm cách mạng thành công, giành được độc lập. Nhờ lực lượng ấy mà quân và dân ta vượt qua mọi khó khăn, một lòng đánh tan quân xâm lược”7. Cách mạng đã giải phóng mọi tầng lớp nhân dân, từ thân phận của những kiếp người nô lệ bước lên địa vị là người chủ thật sự của đất nước. Vì vậy, nhân dân ta càng yêu quí Tổ quốc mình, càng thiết tha với độc lập, tự do nên càng ra sức góp sức người, sức của cho kháng chiến và sẵn sàng chiến đấu hy sinh quên mình. Có thể nói khi được giải phóng khỏi kiếp đời nô lệ, sức mạnh và sự sáng tạo trong quần chúng nhân dân cũng được giải phóng và trở thành một nguồn lực vô tận để tạo thành sức mạnh, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Thế trận ở từng làng xã chiến đấu được hình thành; lực lượng du kích, dân quân, tự vệ ở cơ sở từng bước được củng cố, mở rộng “có thời kỳ chiếm tỷ trọng gần 12% số dân ở miền Bắc”8, và được trang bị những vũ khí thích hợp; hệ thống lãnh đạo, chỉ huy được tăng cường; cách đánh cũng chú trọng được huấn luyện... làm cho các lực lượng dân quân tự vệ vừa được mở rộng về số lượng, vừa được nâng dần về chất lượng.     

Thứ ba, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và vai trò tham mưu của các cơ quan quân sự địa phương

Trong hai cuộc kháng chiến vừa qua, Đảng ta đã luôn bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện đối với lực lượng dân quân tự vệ. Đó là nguyên nhân cơ bản nhất để lực lượng này lớn mạnh, trung thành, lập được nhiều chiến công và xác lập được vai trò quan trọng trong thành phần các lực lượng vũ trang nhiều thứ quân của ta. Thực chất của việc giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng là không ngừng củng cố và tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện của các cấp ủy đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ thuộc quyền. Các đảng viên của Đảng, dù trên cương vị là lãnh đạo, chỉ huy hay là đội viên trong lực lượng này, đã luôn đi đầu chiến đấu và hy sinh dũng cảm. Đó là những tấm gương, là nhân cốt trong xây dựng và hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ. Mỗi khi cách mạng chuyển giai đoạn, khi địch thay đổi biện pháp thủ đoạn đối phó hay mỗi khi cách mạng gặp khó khăn, vấp ngã... Đảng ta đã thể hiện bản lĩnh của một đảng lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm, đã đấu tranh thẳng thắn, chân tình, mổ xẻ các vấn đề một cách tường tận... nhằm tìm ra nguyên nhân, thống nhất và nâng cao nhận thức trong Đảng, trong đó có các vấn đề thuộc về lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng dân quân tự vệ, để cách mạng tiếp tục tiến lên và giành những thắng lợi to lớn hơn.  

Đảng cũng luôn chú ý xây dựng, củng cố chính quyền các cấp, trong đó, đặc biệt coi trọng cấp cơ sở để các tổ chức này phát huy vai trò và hiệu quả về quản lý, điều hành đối với lực lượng dân quân tự vệ. Đảng quan tâm xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ các cấp tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, có năng lực trong tổ chức, lãnh đạo chỉ huy. Thực hiện tốt cơ chế cấp ủy lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành, cơ quan quân sự làm tham mưu, người chỉ huy quân sự chỉ huy thống nhất các lực lượng vũ trang thuộc quyền. 

Thứ tư, tổ chức lực lượng hợp lý, coi trọng chất lượng chính trị và công tác huấn luyện, có trang bị phù hợp, gắn chặt với các nhiệm vụ của địa phương, cơ sở

Trong tổ chức lực lượng vũ trang nhiều thứ quân, mỗi thứ quân có vai trò chiến lược nhất định. Nói về vai trò của lực lượng dân quân tự vệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Dân quân, tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận địch nhân hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã”9. Đây là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh và đánh địch ở cơ sở. Lực lượng này cần được xây dựng với một tỉ lệ hợp lý và phù hợp với các điều kiện ở mọi cơ sở.

Trong cả hai cuộc kháng chiến, Đảng đã xây dựng lực lượng dân quân tự vệ toàn diện, dựa trên cơ sở xây dựng lực lượng chính trị vững chắc, trong đó đặc biệt quan tâm xây dựng về mặt chính trị, coi đó là nguyên tắc quan trọng nhất trong xây dựng lực lượng này. Cùng với xây dựng lực lượng, Đảng cũng quan tâm giải quyết các vấn đề về biên chế, trang bị và huấn luyện để không ngừng nâng cao trình độ và khả năng chiến đấu cho lực lượng dân quân tự vệ. Trong huấn luyện, Đảng đã chỉ đạo huấn luyện toàn diện, trong đó cách đánh là nội dung quan trọng nhất. Tùy thuộc vào địa bàn cùng những điều kiện cụ thể khác để huấn luyện những cách đánh cụ thể cho các lực lượng dân quân tự vệ ở từng khu vực, từng địa bàn khác nhau.    

Thứ năm, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng

Chiến tranh nhân dân địa phương có vai trò to lớn trong việc tiêu hao tiêu diệt địch, phân tán, chia cắt, căng kéo địch, đánh phá hậu phương địch... nhưng với quy mô tổ chức lực lượng và tác chiến không lớn, trình độ trang bị, huấn luyện có hạn nên không đủ sức để giáng những đòn tiến công tiêu diệt lớn quân địch, do đó không thể giải quyết được chiến tranh. Chiến tranh càng phát triển, mục tiêu nhiệm vụ giải phóng đất đai và tiêu diệt địch càng lớn. Muốn vậy, phải đẩy mạnh và phát huy vai trò của chiến tranh chính quy, thực hành những đòn đánh quyết định, tiêu diệt chiến lược quân địch, thay đổi cục diện chiến trường và chiến tranh để kết thúc chiến tranh. Đó là sự nhận thức đúng của Đảng ta về mối quan hệ biện chứng về chức năng, nhiệm vụ giữa các thành phần trong các lực lượng vũ trang cách mạng nhiều thứ quân của ta. Trên tinh thần đó, các lực lượng dân quân tự vệ đã nỗ lực hết mình, làm tròn chức năng, nhiệm vụ của mình khi hiệp đồng công tác và chiến đấu cùng các lực lượng khác. Nhờ nhận thức đúng quy luật phát triển của chiến tranh cách mạng ở Việt Nam, Đảng ta đã thúc đẩy chiến tranh du kích phát triển, tiến lên chiến tranh chính quy, tác chiến của chiến tranh nhân dân địa phương tạo điều kiện cho tác chiến của các binh đoàn chủ lực đảm nhiệm vai trò quyết định trong chiến tranh.  

Thượng tướng, PGS, TS. VÕ TIẾN TRUNG, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng
_____________________

1, 2, 3, 4 - Chiến tranh nhân dân địa phương trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Nxb QĐND, H. 1996, tr. 265, 166, 167.

5- Trường Chinh - Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, Tập 2, Nxb Sự thật, H. 1975, tr.67.

6- Tổng kết tác chiến chiến lược trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1954), Nxb QĐND, H. 2005, tr.815, 699.

7- Tổng cục chính trị, Vấn đề tạo lực, lập thế, tranh thời trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb QĐND, H. 2001, tr.93.

8- Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945 - 1975, thắng lợi và bài học, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 247.

9- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr.158.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.