Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 24/03/2014, 14:59 (GMT+7)
Nghệ thuật chuyển hóa thế trận chiến dịch phản công trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Chiến dịch phản công là một loại hình chiến dịch cơ bản của Quân đội ta. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), nó có thể diễn ra ngay từ đầu, trong thế trận chiến tranh nhân dân phát triển, với tính biến động rất cao. Để chiến dịch phản công giành thắng lợi, cùng với các yếu tố khác, việc chuyển hóa thế trận cần được nghiên cứu, phát triển cả về lý luận và thực tiễn.

Về thực chất, chiến dịch phản công (CDPC) là hình thức tác chiến dùng hành động tiến công (là chủ yếu) để đánh quân địch đang ở trạng thái tiến công, nên có tính biến động rất cao so với các loại hình chiến dịch khác. Đặc biệt, trong điều kiện mới của cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), đối tượng địch tiến công luôn chủ động về nhiều mặt; sử dụng rộng rãi vũ khí công nghệ cao; vận dụng linh hoạt các hình thức, thủ đoạn tác chiến; có khả năng chuyển hóa thế trận và hướng tiến công nhanh, tạo đột biến lớn trong chiều sâu phòng ngự của đối phương,… Vì thế, nghiên cứu, phát triển nghệ thuật tác chiến CDPC có vị trí và ý nghĩa rất quan trọng trong chiến tranh BVTQ; trong đó, nghiên cứu việc tạo lập thế trận nói chung, chuyển hóa thế trận chiến dịch nói riêng trở thành vấn đề có tính quy luật - nội dung quan trọng của phương pháp tác chiến CDPC.

Thực tiễn tác chiến CDPC trong các cuộc kháng chiến trước đây và qua nghiên cứu các cuộc chiến tranh cục bộ trên thế giới gần đây cho thấy, về bản chất, nghệ thuật chuyển hóa thế trận CDPC là tổng thể cách thức, biện pháp của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chiến dịch cùng cơ quan và các đơn vị trong điều chỉnh, bổ sung về tổ chức sử dụng, bố trí triển khai lực lượng, phương tiện của chiến dịch; phối hợp chặt chẽ với các khu vực phòng thủ địa phương tích cực phá thế địch, hình thành thế trận mới, có lợi nhất bảo đảm cho ta giành và giữ quyền chủ động, tạo sức mạnh tổng hợp đánh thắng địch, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Về yêu cầu, việc chuyển hóa thế trận CDPC trước hết, phải giữ được sự ổn định thế trận chung của chiến dịch; đồng thời, tạo được thế nghi binh, lừa dụ, điều động địch, buộc chúng phải bị động đối phó theo ý định chiến dịch, mà thực chất là thế trận ta đã tạo ra, hình thành thế và thời cơ mới, có lợi nhất để tiến công tiêu diệt địch. Tuy nhiên, trong điều kiện tác chiến hiện đại, việc lừa dụ, điều động địch không dễ dàng. Thực tiễn chiến trường cho thấy, phải đến trước lúc địch thực hành tiến công một thời gian nhất định, ta mới có thể phán đoán chính xác ý định, quy mô sử dụng lực lượng, hướng tiến công và các biện pháp tác chiến của chúng. Vì vậy, để thực hiện tốt yêu cầu chuyển hóa thế trận, Bộ Tư lệnh và cơ quan tham mưu chiến dịch phải phân tích, dự kiến được các tình huống có thể xảy ra cả trong quá trình tổ chức và thực hành chiến dịch. Trên cơ sở đó, kịp thời điều chỉnh phương án tác chiến, tổ chức sử dụng, bố trí lực lượng, tạo và nắm thời cơ để cơ động lực lượng vào các khu vực trọng yếu nhằm tăng thêm áp lực đối với địch,... Đây thực sự là quá trình đấu trí căng thẳng giữa ta và địch, đòi hỏi Tư lệnh, cơ quan và các đơn vị chiến dịch phải luôn nắm vững tình hình mọi mặt, nhất là diễn biến về địch, nhạy bén trong phát hiện thời cơ, tổ chức chuẩn bị tác chiến và cơ động nhanh, sử dụng lực lượng dự bị kịp thời, đúng lúc và hiệu quả, v.v.

Về nội dung chuyển hóa thế trận CDPC bao gồm việc điều chỉnh, bổ sung Quyết tâm Chiến dịch (đã được dự kiến từ thời bình) và vận dụng nó vào khu vực, địa bàn cụ thể khi ta mở CDPC. Quá trình này, được thực hiện thường xuyên, liên tục cả trong giai đoạn tổ chức và thực hành chiến dịch. Trong giai đoạn chuẩn bị chiến dịch, việc chuyển hóa thế trận chủ yếu là điều chỉnh tổ chức sử dụng, bố trí lực lượng cho phù hợp với thực tế dự báo địch trên chiến trường để điều chỉnh phương án tác chiến cho phù hợp với thực tiễn. Đối với giai đoạn thực hành chiến dịch, do tính chất biến động về địch rất cao, nên việc chuyển hóa thế trận diễn ra khẩn trương, liên tục, quyết liệt và được thể hiện tập trung ở một số nội dung cơ bản sau:

1. Chuyển hóa thế trận trong tạo thế, nghi binh và cơ động triển khai lực lượng chiến dịch. Đây là giai đoạn rất quan trọng, bởi địch đã bộc lộ lực lượng và ý đồ tiến công trên từng hướng (mũi), nhưng đó cũng chỉ là bước đầu và diễn biến về địch lúc này có thể đúng, gần đúng hoặc chưa đúng với phương án ta đã dự kiến. Vì vậy, chiến dịch cần căn cứ vào tình hình cụ thể, sử dụng lực lượng thích hợp, bảo đảm đủ sức đánh địch tạo thế, giữ thế và chuyển hóa thế theo hướng có lợi nhất. Lúc này, việc chuyển hóa thế trận theo phương án đã xác định phụ thuộc rất lớn vào kết quả cơ động lực lượng chiến dịch và có thể thực hiện trong hai điều kiện. Thứ nhất, CDPC đã có sự chuẩn bị ngay trong quá trình tác chiến phòng thủ, phòng ngự. Theo đó, các lực lượng của CDPC đã được bố trí, đứng chân sẵn ở các vị trí tập kết trên các hướng, có điều kiện thuận lợi trong việc cơ động vào triển khai theo phương án phản công đã được xác định. Thứ hai, trong điều kiện gấp, các đơn vị chủ lực cơ động có thể được đưa thẳng vào khu vực tập kết hoặc vị trí triển khai chiến đấu để hình thành thế trận theo phương án phản công đã được điều chỉnh. Tùy theo tình hình cụ thể và yêu cầu tác chiến, có thể đưa đơn vị làm nhiệm vụ gấp vào trước, đơn vị làm nhiệm vụ tiếp theo vào sau, nhưng cần ưu tiên các đơn vị trên hướng chủ yếu và các chốt trọng điểm của chiến dịch. Cùng với việc cơ động lực lượng, các đơn vị làm nhiệm vụ tạo thế cần vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu, như: đánh cài xen kẽ, bao vây, chia cắt…, hoặc có thể chuyển hóa từ tiến công sang phòng ngự để chốt giữ các bàn đạp, kìm chân địch, hạn chế và làm giảm tốc độ tiến công của chúng khiến cho chúng suy yếu, mất dần quyền chủ động, dẫn tới mắc sai lầm và rơi vào thế trận ta bày sẵn. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa tạo thế, chuyển hóa thế với tích cực phá thế liên kết trong đội hình tiến công của địch, nhất là phá liên kết giữa lực lượng địch trên không và mặt đất, giữa bộ binh, xe tăng với pháo binh, giữa các hướng tiến công nhằm tạo thế và thời cơ có lợi để các lực lượng chiến dịch tiêu diệt gọn từng bộ phận quân địch, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.

2. Tích cực chuyển hóa thế trận chiến dịch, giành thắng lợi từ trận đánh mở đầu. Mở đầu CDPC là hoạt động tác chiến có ý nghĩa quyết định đến việc giành quyền chủ động và sự phát triển của cả chiến dịch nên cần bảo đảm chắc thắng và tạo được điều kiện và thời cơ có lợi nhất. Do vậy, yêu cầu cốt lõi đặt ra cho mở đầu chiến dịch là phải có biện pháp chuyển hóa thế trận, giành quyền chủ động từ địch, phá vỡ một bước ý định tiến công của chúng, buộc địch phải tạm ngừng hoặc giảm hẳn nhịp độ tiến công, tạo điều kiện để chiến dịch tổ chức và thực hiện các trận đánh tiếp theo. Căn cứ vào điều kiện cụ thể, mở đầu CDPC có thể được tiến hành bằng một trận hoặc một số trận đánh với các quy mô, hình thức thích hợp; thậm chí trong một số trường hợp nhất định trận then chốt, then chốt quyết định của chiến dịch được tổ chức ngay từ mở đầu chiến dịch. Tuy nhiên, dù vận dụng cách nào thì việc chuyển hóa thế trận cũng phải triệt để tận dụng thế trận của khu vực phòng thủ địa phương; phải trên cơ sở nắm và phán đoán chính xác âm mưu, ý đồ, hướng tiến công cùng các biện pháp tác chiến của địch để điều chỉnh phương án, tổ chức sử dụng, bố trí lực lượng, phương tiện chiến dịch phù hợp. Trường hợp lực lượng địch tiến công đang rất mạnh, hình thành nhiều hướng (mũi) tiến vào mục tiêu trọng yếu của ta, nhưng có nhiều biến động, chưa bộc lộ rõ ý định, đội hình, thành phần lực lượng; trong khi đó, ta chưa nắm chắc địch, chưa có điều kiện tập trung lớn lực lượng thì mở đầu chiến dịch phải bằng một số trận quy mô nhỏ. Để thực hiện ý định này, việc chuyển hóa thế trận đòi hỏi các bộ phận phải tăng cường nắm địch, phán đoán đúng ý đồ của chúng; đồng thời, chủ động tổ chức sử dụng và cơ động bố trí lực lượng, phương tiện linh hoạt trên các hướng, bảo đảm đánh chắc thắng một số trận mở đầu chiến dịch. Trường hợp các hướng (mũi) tiến công của địch bị lực lượng tác chiến phòng thủ, phòng ngự của ta chặn đánh quyết liệt, lực lượng bị tiêu hao, đội hình bị chia cắt, có thể có bộ phận buộc phải dừng lại ở địa hình bất lợi thì chiến dịch cần chớp thời cơ, nhanh chóng chuyển hóa thế trận, sử dụng một lực lượng chủ lực cơ động thích hợp kết hợp với lực lượng xe tăng, pháo binh thực hành cơ động vào vị trí triển khai, hình thành thế trận hiểm, chắc, liên hoàn và có chiều sâu, bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng, đánh thắng trận then chốt mở đầu chiến dịch.

3. Chuyển hóa thế trận linh hoạt, hiểm, chắc để đánh thắng các trận then chốt, then chốt quyết định của chiến dịch. Trong CDPC, trận then chốt thường là trận đánh tiêu diệt một bộ phận lực lượng quan trọng trên một hướng (mũi) tiến công của địch. Đó có thể là lực lượng địch tiến công trên bộ (hướng chủ yếu), cũng có thể là bộ phận địch đổ bộ đường không, đường biển hoặc quân địch co cụm. Dù đánh địch ở trạng thái nào, muốn giành thắng lợi, chiến dịch phải đánh giá đúng về địch trên từng hướng (mũi), dự kiến được các tình huống có thể xảy ra, nắm vững thời cơ để chuyển hóa thế trận kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, nhằm tạo thế áp đảo đối với địch. Để đáp ứng yêu cầu đó, chiến dịch phải nắm chắc tình hình mọi mặt, nhất là về địch và địa hình; kịp thời điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh phương án tác chiến; tổ chức bố trí lực lượng, phương tiện chặt chẽ, bảo đảm cho các lực lượng chủ lực của chiến dịch, nhất là lực lượng binh chủng hợp thành, xe tăng, pháo binh và không quân (nếu có) cơ động triển khai đội hình để có thể phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hành phản công địch ở thời cơ có lợi nhất. Tuy nhiên, do tính biến động cao của CDPC, nhất là trong điều kiện tác chiến hiện đại, nên không phải lúc nào trận then chốt chiến dịch cũng diễn ra đúng hoặc gần đúng như dự kiến, thậm chí trong nhiều tình huống, ta không dụ được địch đi vào khu vực đã chuẩn bị sẵn. Trong trường hợp đó, chiến dịch phải chuyển hóa cả lực lượng và khu vực phản công chủ yếu; có thể chuyển từ hướng phản công thứ yếu hoặc hướng phối hợp thành hướng phản công chủ yếu. Vì vậy, việc chuyển hóa thế trận phải căn cứ vào điều kiện thực tiễn để tổ chức lực lượng và hỏa lực tại chỗ ngăn chặn địch có hiệu quả, buộc chúng phải tạm dừng ở tuyến địa hình bất lợi; đồng thời, nhanh chóng cơ động triển khai lực lượng, phương tiện, hình thành hướng phản công chủ yếu mới, sẵn sàng đánh thắng trận then chốt, then chốt quyết định của chiến dịch. Quá trình thực hiện, cần triệt để tận dụng thế trận tại chỗ đã có, cơ động lực lượng nhanh, đúng lúc để có thể chuyển hóa được thế và lực hợp lý, linh hoạt, nhằm tạo sức mạnh cho ta nhưng lại gây bất ngờ lớn đối với địch.

Cùng với đó, việc chuyển hóa các hình thức chiến thuật của các đơn vị đánh trận then chốt cũng phải linh hoạt, sáng tạo; có thể từ nhiệm vụ vận động tiến công chuyển sang phòng ngự, chốt chặn giữ vững bàn đạp hoặc chuyển sang tập kích, phục kích hay củng cố lực lượng chờ thời cơ. Bên cạnh đó, cần chú trọng việc sử dụng và đưa lực lượng dự bị chiến dịch vào chiến đấu đúng lúc, đúng thời cơ; di chuyển, cơ động sở chỉ huy an toàn, kịp thời; duy trì hiệp đồng chặt chẽ và bảo đảm các mặt công tác đầy đủ, tạo thế và lực vượt trội, đánh chắc thắng các trận then chốt của chiến dịch.

Hiện nay và thời gian tới, mặc dù nghệ thuật chiến dịch nói chung, nghệ thuật CDPC nói riêng đã có sự phát triển, nhưng trước đối tượng tác chiến có sức cơ động nhanh, sử dụng phổ biến vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử rộng rãi…, thì tính biến động của CDPC ngày càng tăng. Điều đó đòi hỏi nghệ thuật chuyển hóa thế trận CDPC cần tiếp tục bám sát thực tiễn; nghiên cứu, phát triển và vận dụng sáng tạo trong điều kiện mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp BVTQ.

Thiếu tướng, TS. NGUYỄN ĐỨC HẢI

Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.