Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Ba, 22/10/2013, 21:17 (GMT+7)
Nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân trong trận Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là năm 1963
Quân giải phóng miền Nam hoạt động trong khu vực Đồng Tháp Mười.
(Ảnh tư liệu)

Sau Cao trào Đồng khởi năm 1960, địch đẩy mạnh lùng sục, càn quét, cách mạng Miền Nam bị tổn thất nghiêm trọng. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng chuyển từ đấu tranh chính trị sang kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang; đồng thời, hưởng ứng phong trào “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”, Khu ủy Khu 9 (T3), Tỉnh ủy Cà Mau phân tích, đánh giá kỹ tình hình, đi đến quyết định tổ chức lực lượng tiến công Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là - các căn cứ quân sự then chốt, có hệ thống hỏa lực, công sự trận địa vững chắc của địch ở Cà Mau. Để bảo đảm chắc thắng, Bộ Tư lệnh Khu 9 đã chỉ đạo Tỉnh đội Cà Mau triệt để phát huy sở trường và kinh nghiệm tác chiến của từng đơn vị, xây dựng kế hoạch tác chiến cụ thể, tỉ mỉ cho từng lực lượng, từng trận đánh, nhất là nghệ thuật sử dụng lực lượng: bộ đội chủ lực (Tiểu đoàn 306), bộ đội địa phương (Tiểu đoàn U Minh, bộ đội huyện Đầm Dơi, Cái Nước) và du kích (xã Tân Hưng, Tân Hưng Đông, Đông Thới…). Đặc biệt, trong trận Chà Là, Tỉnh ủy Cà Mau còn chỉ thị cho Huyện ủy, Ban cán sự các huyện Đầm Dơi, Cái Nước huy động 1.000 dân công phục vụ chiến đấu; ngoài ra, Quân khu còn tăng cường lực lượng phối thuộc tác chiến: pháo binh, phòng không, trinh sát, đặc công… Trong tổ chức chỉ huy, Bộ Tư lệnh còn bố trí đủ các thành phần đại diện của khu ủy, đơn vị, địa phương bên cạnh người chỉ huy trực tiếp trận đánh, nhằm bảo đảm tính thống nhất cao trong hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng. Vì thế, đã tạo được sức mạnh tổng hợp, bí mật, bất ngờ tiến công tiêu diệt địch phòng ngự, đánh địch phản kích bằng đổ bộ đường không, làm cho địch thất bại nhanh chóng, loại khỏi chiến đấu gần 1.000 tên, bắn rơi và phá hủy hàng chục máy bay CH-47, HU-1A, C-47…; hỗ trợ trực tiếp cho nhân dân vùng Nam Cà Mau nổi dậy phá tan hệ thống “Ấp chiến lược”, giành quyền làm chủ; góp phần đẩy Chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ nhanh chóng phá sản.

Chiến thắng Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là đã đi vào lịch sử không chỉ riêng với Cà Mau, mà với cả dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến thắng đó đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng vũ trang (LLVT), minh chứng sống động về nghệ thuật tổ chức lực lượng, xây dựng thế trận và vận dụng cách đánh sáng tạo, linh hoạt của LLVT ba thứ quân ở Khu 9. Có thể khẳng định: chiến thắng Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là là một trong những điển hình về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân (CTND) của Khu 9, trong điều kiện LLVT chưa phát triển mạnh. Nó được thể hiện nổi bật ở những nội dung chủ yếu sau:

1. Chủ động xây dựng lực lượng và những nhân tố cần thiết, tạo tiền đề cho đấu tranh vũ trang ở quy mô phù hợp. Bộ Tư lệnh Khu 9 đã chỉ đạo các cơ sở cách mạng, các đảng viên trung kiên ở Cà Mau và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long bí mật lập ra những tổ, đội vũ trang1 mật để diệt ác, trừ gian, bảo vệ cán bộ, cơ sở, hậu thuẫn cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng; thậm chí, nhiều đơn vị còn mượn danh LLVT giáo phái để hoạt động “hợp pháp”. Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng chủ trương thành lập những đơn vị vũ trang tự vệ, đây thực sự là kim chỉ nam cho cách mạng Miền Nam. Thực hiện chủ trương trên, các cấp ủy của Khu 9 (Khu ủy, Tỉnh ủy, Huyện ủy, Xã ủy) đã nhanh chóng xây dựng các đơn vị vũ trang tự vệ của từng cấp. Theo đó, các tổ, đội tự vệ mật đã trở thành những hạt giống đỏ cho sự hình thành các trung đội, đại đội ở xã, huyện; tiểu đoàn ở tỉnh, khu. Trong đó, hai đại đội vũ trang của Cà Mau phát triển thành tiểu đoàn 306 của Khu 9 và tiểu đoàn U Minh Cà Mau. Đây chính là lời luận giải, biện chứng cho câu hỏi tại sao Cà Mau nói riêng, miền Tây Nam Bộ nói chung là một trong những điểm khởi phát, giành thắng lợi rực rỡ của phong trào “Đồng khởi” ở Miền Nam cuối năm 1959, 19602. Từ phong trào “Đồng khởi”, các đơn vị vũ trang ba thứ quân (bộ đội chủ lực khu, bộ đội địa phương tỉnh, huyện và du kích, tự vệ ấp, xã) tiếp tục phát triển nhanh chóng cả về lượng và chất; trong đó, đã phát triển cả những đơn vị pháo binh và phòng không. Có thể khẳng định rằng, việc chủ động tạo dựng và phát triển LLVT ở Cà Mau nói riêng, Khu 9 nói chung là nét điển hình về sự nhạy bén, quyết đoán, sáng tạo và mưu lược trong nghệ thuật chỉ đạo CTND đấu tranh chống Mỹ, ngụy, bước chuẩn bị trực tiếp cho các trận đánh lớn năm 1963 - nhân tố quyết định làm nên thắng lợi Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là.

2. Dựa vào nhân dân tiến hành công tác chuẩn bị chu đáo để tiến công chi khu, căn cứ quân sự của địch, bảo đảm chắc thắng. Cơ quan quân sự các cấp ở Cà Mau đã huy động lực lượng du kích, nhân dân các địa phương bí mật vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, trong đó có cả những loại hỏa lực bộ binh mạnh, súng máy phòng không ém sẵn tại các cơ sở của ta trong nhà dân, ngay trước tai, mắt thám báo, mật vụ, hệ thống đồn bốt, thậm chí đi qua cả những cuộc hành quân bố ráp của địch. Đây thực sự là nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam; nhất là nghệ thuật chuẩn bị thực lực và thiết lập thế trận tiến công. Thực hiện kế hoạch tiến công, các cơ sở mật, nòng cốt là các đội du kích, tự vệ ở các ấp, xã của Cà Mau đã chuẩn bị chu đáo, kịp thời cho việc lực lượng chủ lực (cỡ tiểu đoàn) cơ động về đứng chân tại khu vực địa bàn tác chiến bảo đảm an toàn tuyệt đối. Để tập kích Chi khu Cái Nước thắng lợi, Bộ Tư lệnh Khu 9 đã chỉ đạo Tiểu đoàn 306 phải dựa vào sự đùm bọc, che chở của chính quyền và nhân dân địa phương để nắm địa hình, cách bố phòng của địch làm cơ sở xây dựng kế hoạch chiến đấu. Đồng thời, vận động nhân dân cung cấp phương tiện (xuồng, ghe) để cơ động lực lượng và vận chuyển khối lượng lớn vũ khí, trang bị, kỹ thuật vào triển khai tiếp cận mục tiêu. Tiểu đoàn U Minh khi chuẩn bị tiến công Chi khu quân sự quận lỵ Đầm Dơi, đã cơ động lực lượng tập kết bí mật tại xã Thanh Tùng. Ở đây, Bộ đội đã được nhân dân che chở, đùm bọc, nuôi dưỡng trong suốt quá trình chuẩn bị cho đến khi tiến công. Tiểu đoàn coi xã như hậu phương, nhân dân coi cán bộ, chiến sĩ như ruột thịt, doanh trại của Tiểu đoàn là nhà dân, mỗi gia đình có từ 1 hoặc 2 tiểu đội đóng quân. Tình quân - dân ngày càng thắm thiết, đầm ấm không chỉ thể hiện qua từng bữa cơm thường ngày, mà còn thể hiện qua tình thương “mẫu tử” của các má, các chị. Tình cảm mộc mạc và sâu nặng của nhân dân có giá trị thật to lớn đối với tinh thần và ý chí chiến đấu của người “lính” trước khi xung trận. Cách thức chuẩn bị cho trận đánh, tình đoàn kết quân - dân keo sơn này chỉ có được trong thế trận CTND độc đáo Việt Nam.

3. Chủ động, sáng tạo đánh thắng chiến thuật “Trực thăng vận” - một biện pháp tác chiến cơ bản của Quân đội Mỹ. Với ưu thế cơ động nhanh, ít phụ thuộc vào địa hình, chiến thuật “Trực thăng vận” của địch đã từng gây ra những thiệt hại lớn và làm dao động tinh thần chiến đấu của quân và dân ta trong một thời gian dài kể từ trước chiến thắng Ấp Bắc (01-1963). Sau khi diệt xong chi khu Đầm Dơi, lực lượng ta rút về căn cứ thì bị địch dùng quân đổ bộ đường không đánh chặn. Đây là tình huống nằm ngoài dự kiến, nhưng được sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Tư lệnh Khu 9, cơ quan quân sự các cấp, nhất là sự quyết đoán, linh hoạt của người chỉ huy, bộ đội nhanh chóng triển khai đội hình, sử dụng hiệu quả các loại vũ khí hiện có, đánh bại 2 đợt đổ quân của địch, diệt hơn 100 tên, bắn rơi 01 máy bay T-28 và một số trực thăng. Đến trận Chà Là, ngay sau khi làm chủ cứ điểm, các đơn vị đã triển khai thế trận, đánh bại liên tiếp 3 đợt phản kích bằng đường không của địch, loại khỏi chiến đấu hơn 300 tên, bắn rơi 19 máy bay; trong đó có 15 máy bay lên thẳng (HU-1A, CH-47). Tuy phương án tác chiến mỗi trận có khác nhau, song về tư duy chiến thuật và khả năng thực hành kỹ thuật, chiến thuật của bộ đội không chỉ khẳng định bước phát triển mới về nghệ thuật đánh địch phòng ngự, mà còn là mẫu mực trong tác chiến đối phó với thủ đoạn chiến thuật “Trực thăng vận”. Đây là dấu mốc ghi nhận bước phát triển mới cả về lượng và chất trong nghệ thuật sử dụng lực lượng ở chiến trường đồng bằng sông Cửu Long. Những trận “khêu ngòi” buộc địch phải cơ động ứng cứu giải tỏa, tạo điều kiện để ta tiêu diệt chúng ngoài công sự - là một trong những cơ sở quan trọng để hình thành nghệ thuật “đánh điểm”, “diệt viện” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

50 năm nhìn lại, chiến thắng Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là (1963) là dấu mốc ghi nhận sự trưởng thành về nghệ thuật xây dựng lực lượng, thiết lập thế trận CTND, về các biện pháp chiến thuật tiến công tiêu diệt cứ điểm quân sự và đánh địch đổ bộ đường không, trong đó “Trực thăng vận” là thủ đoạn then chốt. Những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ các chiến thắng này đã góp phần phát triển CTND trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục kế thừa, phát triển trong CTND bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đại tá, TS. NGUYỄN HUY THỤC
______________

1 - Tại Cà Mau, ngay từ tháng 11-1957, Tỉnh ủy quyết định thành lập 2 đại đội vũ trang tuyên truyền diệt ác, trừ gian: Đại đội 1 hoạt động ở Bắc Cà Mau (mật danh Tiểu đoàn Đinh Tiên Hoàng), Đại đội 2 hoạt động ở Nam Cà Mau (mật danh Tiểu đoàn Ngô Văn Sở).

2 - Ở Cà Mau, các khu Dinh điền của Mỹ Diệm đã cơ bản bị phá lỏng, phá rã, toàn Tỉnh chỉ còn khoảng 60 đồn bốt địch đóng ở xung quanh các căn cứ quận, thị xã và căn cứ Bình Hưng.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.