Thứ Bảy, 21/09/2024, 10:44 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong các nhà trường Quân đội, một giải pháp quan trọng là nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên khoa học xã hội nhân văn – những người trực tiếp trang bị kiến thức, giáo dục, xây dựng bản lĩnh chính trị, niềm tin, động cơ, ý chí cho người học; trong đó, năng lực giảng dạy là yếu tố cơ bản nhất. Trong phạm vi bài viết, tác giả xin trao đổi cùng bạn đọc về vấn đề này.
Năng lực giảng dạy là một loại năng lực chuyên biệt, tổng hoà các yếu tố có mối liên hệ hữu cơ với nhau, gồm: kiến thức, kỹ năng - kỹ xảo, phẩm chất nhân cách, phương pháp, tác phong và tư chất của nhà giáo, hợp thành khả năng, điều kiện nội tại, bảo đảm cho hoạt động giảng dạy đạt hiệu quả cao. Vấn đề này có thể khái quát thành 3 nhóm chính: nhóm năng lực dạy học (thiết kế bài dạy, tổ chức, quản lý các hoạt động dạy học, làm việc nhóm); nhóm năng lực giáo dục và nhóm năng lực tự hoàn thiện bản thân.
Ngoài những phẩm chất chung, thì năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội nhân văn ở các nhà trường Quân đội còn chịu sự quy định của đặc thù hoạt động quân sự. Quá trình giáo dục, đào tạo là quá trình chuẩn bị con người cho hoạt động quân sự; không chỉ thuần tuý trang bị kiến thức, mà còn trang bị những kinh nghiệm thực tiễn lãnh đạo, chỉ huy, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu và chiến đấu, v.v. Điều đó đòi hỏi giảng viên khoa học xã hội nhân văn quân sự trước hết phải có phẩm chất của người quân nhân cách mạng, nhất là yếu tố: bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tính kỷ luật,… đồng thời, phải có năng lực lãnh đạo, quản lý, chỉ huy bộ đội và trải nghiệm qua thực tiễn quân sự. Như vậy, muốn nâng cao năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội nhân văn trong các nhà trường Quân đội, bên cạnh nâng cao kiến thức chuyên ngành, khả năng sư phạm, cần phải chú trọng bồi dưỡng về nhận thức chính trị, đạo đức, ý thức, trách nhiệm nghề nghiệp, phong cách nhà giáo của họ.
Những năm qua, các nhà trường Quân đội đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên khoa học xã hội nhân văn quân sự, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu, thì năng lực giảng dạy ở một số giảng viên còn hạn chế; kiến thức chưa toàn diện; lúng túng, thiếu linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức hoạt động thực tiễn, v.v. Vì vậy, đòi hỏi các nhà trường Quân đội cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp nâng cao năng lực giảng dạy của đội ngũ này. Theo chúng tôi, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc nâng cao năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội nhân văn. Hằng năm, đảng ủy, ban giám hiệu các nhà trường Quân đội, cấp ủy, chỉ huy các khoa giáo viên phải coi nhiệm vụ này là trọng tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, được xác định trong nghị quyết lãnh đạo của cấp mình; có chủ trương, biện pháp lãnh đạo phù hợp, sát đúng, tính khả thi cao. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi tổ chức, lực lượng và đội ngũ giảng viên khoa học xã hội nhân văn nắm vững những quan điểm, chủ trương, phương châm, phương pháp giáo dục, đào tạo, xây dựng đội ngũ nhà giáo của Đảng, Nhà nước và Quân đội; nhất là, nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của việc chăm lo, xây dựng các thế hệ giảng viên có đủ trình độ, năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học trong tình hình mới. Từ đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện các hoạt động để nâng cao năng lực giảng dạy. Đồng thời, quan tâm giáo dục, xây dựng lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức nhà giáo và tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, giảng viên, đảm bảo cho họ phải thật sự là người thầy, người chỉ huy, người đồng chí gương mẫu, tự học, tự rèn và là tấm gương sáng của “Bộ đội Cụ Hồ” cho học viên noi theo.
Hai là, bồi dưỡng năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho giảng viên. Thực trạng về phương pháp dạy học cho thấy, tuy đã có nhiều đổi mới theo phương pháp dạy học tích cực, nhưng vẫn còn nặng về thuyết trình, kỹ năng sử dụng các phương tiện dạy học còn chưa thành thục, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học còn mức độ, chủ yếu là trình chiếu thay bảng viết,… điều đó đã hạn chế phát huy tính tích cực của người học. Bên cạnh đó, hằng năm, đội ngũ giảng viên được bổ sung từ nhiều nguồn khác nhau, có đối tượng vừa ra trường, có đối tượng điều động ở cơ quan, đơn vị về,… nên trình độ, năng lực không đồng đều, thậm chí có người chưa được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm. Do vậy, các nhà trường Quân đội phải hết sức coi trọng bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho họ. Nội dung bồi dưỡng tập trung vào những vấn đề: kỹ năng nghiên cứu tài liệu, biên soạn bài giảng; kỹ năng thực hành bài giảng, truyền thụ kiến thức, nắm thông tin ngược từ học viên; chuẩn bị, điều khiển thảo luận (xêmina); kỹ năng và phương pháp nghiên cứu khoa học, v.v. Căn cứ tình hình cụ thể, các học viện, nhà trường cần tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng giảng dạy, sử dụng các phương pháp dạy học hiện đại,... để nâng cao năng lực giảng dạy cho giảng viên. Mở các lớp học ngoại ngữ, tin học; cử các giảng viên chưa đạt trình độ chuẩn đi đào tạo tại các nhà trường sư phạm trong và ngoài Quân đội. Thường xuyên tổ chức dự giờ, rút kinh nghiệm giảng dạy, tổ chức thi giảng viên dạy giỏi các cấp; phổ biến, cung cấp thông tin về những nội dung có liên quan đến kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, để giảng viên cập nhật, làm cho bài giảng vừa phong phú, sâu sắc, vừa không lạc hậu với tình hình.
Ba là, xây dựng môi trường văn hóa sư phạm tích cực, lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình nâng cao năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội nhân văn. Thực tiễn cho thấy, môi trường văn hoá sư phạm quân sự tốt sẽ thôi thúc người giảng viên tự giác học tập, rèn luyện, lĩnh hội tri thức, trau dồi kỹ năng, kỹ xảo sư phạm, trưởng thành về mọi mặt, vươn tới các giá trị chân - thiện - mỹ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đồng thời, trực tiếp góp phần chuẩn hóa các quan hệ xã hội của người giảng viên, xây dựng ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần đoàn kết thống nhất. Vì vậy, các nhà trường Quân đội cần quan tâm xây dựng môi trường văn hóa sư phạm lành mạnh; trong đó, tập trung vào thành tố quan trọng và chủ yếu là, xây dựng các quan hệ văn hóa sư phạm, nhất là quan hệ giữa giảng viên với học viên, quan hệ giữa cán bộ quản lý với học viên. Các quan hệ đó phải được xây dựng trên cơ sở pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ của Quân đội, Quy chế giáo dục - đào tạo,… nhưng cũng rất linh hoạt, tạo lập được không khí dân chủ, đoàn kết, kỷ luật và sáng tạo. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi cán bộ, giảng viên rèn luyện, công tác để phát triển năng lực sáng tạo của họ. Hiện nay, do tác động của mặt trái kinh tế thị trường, đã xuất hiện những biểu hiện tiêu cực len lỏi trong các nhà trường, làm lu mờ các giá trị nhân văn cao cả, hình ảnh mô phạm mẫu mực của người giảng viên. Do vậy, cần kiên quyết đấu tranh loại bỏ các hiện tượng tiêu cực; xây dựng hệ thống các chuẩn mực sư phạm; đẩy mạnh các phong trào thi đua, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” và phong trào “Nói không với tiêu cực”,… tạo môi trường lành mạnh thúc đẩy cán bộ, giảng viên tích cực học tập, rèn luyện để hoàn thiện mình.
Bốn là, phát huy tính chủ động, tích cực, tự giác trong tự học, tự rèn nâng cao năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội nhân văn. Bởi, quá trình giáo dục, đào tạo chỉ đạt hiệu quả khi chuyển hóa thành quá trình tự đào tạo. Vì vậy, để nâng cao năng lực giảng dạy, một trong những yêu cầu quan trọng là mỗi giảng viên phải xây dựng kế hoạch tự đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cho bản thân mình. Kế hoạch phải cụ thể, thiết thực, có tính khả thi cao, như: mục tiêu, nội dung học tập, phương pháp học tập, bồi dưỡng, chuẩn bị tài liệu và thời gian hoàn thành, v.v. Đây là một công việc khó khăn và dễ bị ngoại cảnh tác động. Do đó, ngoài việc xác định mục đích, động cơ đúng đắn, người giảng viên cần phải có nghị lực, quyết tâm cao, có ý chí vượt qua mọi khó khăn trở ngại để tự đào tạo, tự bồi dưỡng, rèn luyện có kết quả. Mỗi giảng viên cần phải xây dựng cho bản thân đức tính cần cù, kiên trì, bền bỉ, không được tự ti, giấu dốt; không được thoả mãn dừng lại; phải tích cực, tự giác học hỏi, học ở sách vở, học ở đơn vị, học ở đồng chí, đồng đội, học tập thông qua thực tiễn. Mặt khác, tổ chức đảng, cán bộ chỉ huy, khoa, bộ môn, cơ quan chức năng cần tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, thường xuyên kiểm tra, giúp đỡ, tạo sự hứng khởi, khích lệ giảng viên trong quá trình học tập, rèn luyện.
Năm là, phát huy sức mạnh tổng hợp để nâng cao năng lực giảng dạy cho đội ngũ nhà giáo khoa học và xã hội nhân văn quân sự. Mỗi cơ quan có một chức năng riêng, song đều tập trung cho thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm là giáo dục, đào tạo, xây dựng đội ngũ giảng viên; nhất là các cơ quan: đào tạo, chính trị, khoa học, v.v. Vì vậy, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan có ý nghĩa rất quan trọng trong xây dựng đội ngũ giảng viên nói chung, nâng cao năng lực giảng dạy nói riêng. Trước hết, cần nâng cao nhận thức của các cơ quan về vai trò, vị trí, nắm chắc tình hình, năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội nhân văn quân sự để tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy các nhà trường Quân đội các chủ trương, biện pháp sát thực, hiệu quả. Đồng thời, phối hợp, đảm bảo tốt các chế độ, chính sách, cơ sở vật chất, phương tiện, tài liệu, công nghệ thông tin, v.v. Đối với các đơn vị quản lý học viên, nơi trực tiếp tiếp nhận tri thức, kiểm tra đánh giá trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong của người thầy cần xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch đóng góp ý kiến đối với đội ngũ giảng viên, thông qua rút kinh nghiệm, hội nghị sơ, tổng kết, lấy ý kiến phản hồi của người học. Đó là một kênh quan trọng để xem xét, đánh giá đúng những ưu điểm, hạn chế của giảng viên; giúp lãnh đạo, chỉ huy các cấp xác định nội dung, biện pháp lãnh đạo sát đúng, đội ngũ giảng viên nhận thức rõ ưu, khuyết điểm của mình để điều chỉnh cho phù hợp, chất lượng ngày một tốt hơn.
Các giải pháp trên là những vấn đề cơ bản, các cơ sở đào tạo trong Quân đội có thể nghiên cứu, vận dụng cho phù hợp, góp phần nâng cao năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội nhân văn quân sự, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, xây dựng các nhà trường Quân đội chính quy, chuẩn hóa, hiện đại.
Trung tá, ThS. LÊ THANH PHONG, Học viện Phòng không - Không quân
năng lực giảng dạy,giảng viên khoa học xã hội,nhà trường Quân đội
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Mấy vấn đề về nâng cao hiệu quả quản trị các doanh nghiệp Quân đội trong tình hình mới 19/08/2024
Bàn về công tác bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho trang bị kỹ thuật thế hệ mới trong Quân đội 31/07/2024
Mấy giải pháp đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn chống phá trên lĩnh vực kinh tế hiện nay 29/07/2024
Một số giải pháp xây dựng lực lượng Đặc công đặc biệt tinh nhuệ về chính trị 25/07/2024
Bàn về trận then chốt tiến công địch đổ bộ đường không chiến dịch trong tác chiến phòng thủ quân khu 22/07/2024
Về mô hình tổ chức và hoạt động của lực lượng chính trị nòng cốt trong các doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương 11/07/2024
Một số vấn đề về bảo đảm hóa học đánh địch đổ bộ đường không chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 08/07/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu