Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 26/07/2021, 08:50 (GMT+7)
Nâng cao năng lực công tác dân vận của đội ngũ cán bộ chính trị cơ quan quân sự địa phương

Đội ngũ cán bộ chính trị ở cơ quan quân sự địa phương là một bộ phận quan trọng trong đội ngũ cán bộ dân vận của Đảng, có vai trò trực tiếp quyết định chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của lực lượng vũ trang địa phương. Vì vậy, nâng cao năng lực tiến hành công tác dân vận cho đội ngũ này là vấn đề cơ bản, cần nghiên cứu, xác định chủ trương, biện pháp tiến hành phù hợp.

Năng lực tiến hành công tác dân vận của đội ngũ cán bộ chính trị ở cơ quan quân sự địa phương gồm tổng hòa các yếu tố về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm tiến hành công tác dân vận ở địa phương, được biểu hiện thông qua chất lượng chuẩn bị và kết quả tiến hành công tác dân vận trong thực tiễn. Nhận thức đúng vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ chính trị trong tiến hành công tác dân vận, những năm qua, cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp luôn quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ này, với nhiều nội dung, hình thức sát đúng, phù hợp từng đối tượng, khả năng của từng cơ quan quân sự địa phương. Thông qua công tác tổ chức tập huấn kỹ năng dân vận; hội thi cán bộ dân vận khéo; báo cáo viên, tuyên truyền viên, tọa đàm,… cùng sự nỗ lực của cán bộ dân vận, năng lực tiến hành công tác dân vận của đội ngũ cán bộ chính trị cơ quan quân sự địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là về nhận thức và kỹ năng hoạt động thực tiễn, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.

Đội ngũ cán bộ chính trị đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương nghiên cứu, nắm chắc tình hình địa bàn, xác định nhiệm vụ trọng tâm,... để tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chỉ huy các nội dung, biện pháp tiến hành công tác dân vận sát, đúng với đặc điểm, tình hình địa bàn. Trực tiếp tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở địa phương vững mạnh, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo. Tham gia thực hiện hiệu quả các phong trào, cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Quân đội và địa phương phát động, như: Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Dân vận khéo”; Phong trào thi đua xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” gắn với các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ngày vì người nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; các chương trình, mô hình “Xóa đói giảm nghèo”, “Hũ gạo vì người nghèo”, “4 cùng1,… tạo hiệu ứng tích cực góp phần củng cố, tăng cường tình đoàn kết quân dân, niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra, trình độ, kiến thức, kỹ năng tiến hành công tác dân vận của một bộ phận cán bộ chính trị các cơ quan quân sự địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác dân vận trong tình hình mới. Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của một số cấp ủy, chỉ huy về vị trí, vai trò của công tác dân vận chưa sâu sắc; công tác bồi dưỡng, tập huấn chưa duy trì thành nền nếp; một số ít cán bộ chính trị chưa thực sự tích cực nghiên cứu, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực tiến hành công tác dân vận, v.v.

Để nâng cao năng lực công tác dân vận của đội ngũ này, cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị cơ quan quân sự địa phương cần quán triệt, thực hiện tốt một số yêu cầu sau:

Một là, quán triệt, thực hiện nghiêm đường lối, quan điểm xây dựng đội ngũ cán bộ trong Quân đội nói chung, cán bộ làm công tác dân vận nói riêng, làm cơ sở để nâng cao năng lực tiến hành công tác dân vận của đội ngũ cán bộ chính trị ở các cơ quan quân sự địa phương. Đây là yêu cầu quan trọng, bảo đảm cho quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của đội ngũ cán bộ chính trị cơ quan quân sự địa phương đúng định hướng, chặt chẽ, đồng bộ. Để làm được điều đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan quân sự địa phương cần bám sát quan điểm, mục tiêu, phương hướng xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội trong tình hình mới, nhất là phương hướng, mục tiêu, yêu cầu trong Nghị quyết số 769-NQ/QUTW, ngày 21/12/2012 của Quân ủy Trung ương về “Xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết số 109-NQ/QUTW, ngày 11/02/2019 của Quân ủy Trung ương về “Xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đồng thời, nắm vững tiêu chuẩn, yêu cầu về phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác; khuyết điểm, hạn chế của đội ngũ cán bộ chính trị trong hoạt động thực tiễn, làm cơ sở xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng theo đúng phương châm chỉ đạo mà nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương và yêu cầu thực tiễn tiến hành công tác dân vận xác định, góp phần nâng cao năng lực công tác dân vận của cán bộ chính trị cơ quan quân sự địa phương.

Hai là, bám sát yêu cầu nhiệm vụ công tác dân vận, chức năng, nhiệm vụ cơ quan quân sự địa phương, chức trách, nhiệm vụ của cán bộ chính trị, tạo mọi điều kiện để cán bộ chính trị các cơ quan quân sự địa phương nâng cao năng lực tiến hành công tác dân vận. Mục đích nâng cao năng lực công tác dân vận là giúp cho đội ngũ cán bộ chính trị nâng cao trình độ nhận thức, phương pháp, tác phong và kỹ năng tiến hành công tác dân vận, đáp ứng yêu cầu sự phát triển trong tình hình mới. Vì vậy, cần bám sát yêu cầu nhiệm vụ của công tác dân vận, chức năng, nhiệm vụ cơ quan quân sự địa phương; chức trách, nhiệm vụ của cán bộ chính trị, đảm bảo cho hoạt động công tác này đạt hiệu quả thiết thực, tránh các biểu hiện hình thức, giáo điều, rập khuôn máy móc; đồng thời, đáp ứng kịp thời sự phát triển của thực tiễn. Để đạt hiệu quả, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải xác định phương hướng, nội dung, hình thức, biện pháp bồi dưỡng nâng cao năng lực tiến hành công tác dân vận cho đội ngũ cán bộ chính trị sát với thực tiễn nhiệm vụ của đơn vị và đặc điểm đội ngũ cán bộ chính trị ở cơ quan quân sự địa phương. Nội dung, hình thức, biện pháp phải đồng bộ, thống nhất với nội dung, biện pháp xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Khắc phục tình trạng buông lỏng, tách rời việc nâng cao năng lực công tác dân vận với việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, xa rời thực tế và không gắn với chức trách, nhiệm vụ của cán bộ chính trị.

Ba là, tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực tiến hành công tác dân vận cho đội ngũ cán bộ chính trị các cơ quan quân sự địa phương. Năng lực công tác dân vận là một bộ phận trong năng lực tổng thể của đội ngũ cán bộ chính trị, được tạo thành từ nhiều yếu tố và có thể thay đổi tùy thuộc vào hiệu quả của quá trình tác động vào các yếu tố tạo thành năng lực. Vì vậy, hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực công tác dân vận của đội ngũ cán bộ chính trị cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, với nội dung toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và hình thức, biện pháp phù hợp. Nội dung tập trung vào trang bị, bổ sung kiến thức, kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng công tác dân vận; trong đó, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng nghiên cứu nắm chắc tình hình địa bàn, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng tuyên truyền, vận động nhân dân. Quá trình tiến hành cần quán triệt, thực hiện tốt nội dung về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan đảng, nhà nước và chính quyền các cấp. Chú trọng công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài”2; Kết luận số 43-KL/TW, ngày 07/01/2019 của Ban Chấp hành Trung ương về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Hình thức, biện pháp tiến hành cần đa dạng, thường xuyên được đổi mới, vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong thực tiễn, bảo đảm tính cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chính trị cơ quan quân sự địa phương các cấp cần nhận thức đúng vị trí, vai trò, mục đích của hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực công tác dân vận. Khi thực hiện cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, nghiêm túc, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các tổ chức, lực lượng. Tiến hành đồng bộ các giải pháp với tinh thần quyết tâm, trách nhiệm cao; khắc phục những nhận thức giản đơn, tình trạng tiến hành theo “mùa vụ”, hình thức, xa rời tình hình thực tiễn ở địa phương.

Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng trong nâng cao năng lực công tác dân vận của đội ngũ cán bộ chính trị cơ quan quân sự địa phương. Đây là yêu cầu định hướng việc huy động, sử dụng lực lượng trong hoạt động nâng cao năng lực công tác dân vận cho đội ngũ cán bộ chính trị cơ quan quân sự địa phương. Mỗi tổ chức, lực lượng có chức năng, nhiệm vụ riêng, song cùng có vai trò quan trọng trong hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực công tác dân vận của đội ngũ cán bộ chính trị. Để làm tốt công tác bồi dưỡng, cần đánh giá đúng thực trạng năng lực công tác dân vận của đội ngũ cán bộ chính trị các cơ quan quân sự địa phương; yêu cầu thực tiễn công tác dân vận trong tình hình mới để đề ra chủ trương, biện pháp cho phù hợp. Chính ủy, chính trị viên, chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp cần cụ thể hóa chủ trương, biện pháp lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng thành chương trình, kế hoạch công tác và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có chất lượng; đồng thời, phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng, đội ngũ cán bộ, đảng viên để triển khai thực hiện chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực công tác dân vận. Quá trình bồi dưỡng cần tiến hành nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: tham gia các lớp tập huấn do Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy, huyện ủy, thị ủy tổ chức; hội thi cán bộ dân vận khéo; hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên, v.v. Cùng với đó, có giải pháp động viên đội ngũ cán bộ chính trị phát huy tinh thần chủ động, tích cực, tự giác trong tự học tập, bồi dưỡng năng lực công tác, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, góp phần hoàn thành tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương, giữ vững và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Quân đội với Nhân dân, tình đoàn kết quân - dân bền chặt, tạo cơ sở vững chắc để xây dựng đơn vị và cơ sở chính trị địa phương vững mạnh.

Thiếu tá TRẦN ĐỨC NGHI
___________________

1 - Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng của đồng bào.

2 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 248 - 249.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.