Thứ Bảy, 23/11/2024, 05:37 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Bảo đảm vật cản công binh (BĐVCCB) tác chiến bảo vệ biển, đảo là tổng hợp các hoạt động, các biện pháp tổ chức và kỹ thuật xây dựng hệ thống vật cản theo kế hoạch thống nhất, nhằm ngăn chặn, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực, vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) của địch từ khi địch cơ động triển khai lực lượng đổ bộ, trong quá trình địch thực hành bám bờ và quá trình phát triển tiến công; đồng thời, góp phần bảo vệ lực lượng, phương tiện và nâng cao khả năng tác chiến bảo vệ biển, đảo của ta.
Vật cản công binh tác chiến bảo vệ biển, đảo bao gồm cả vật cản dưới nước và vật cản trên cạn, là sự kết hợp các loại vật cản nổ với vật cản không nổ. Hoạt động BĐVCCB tác chiến bảo vệ biển, đảo được tổ chức theo hệ thống, từ cấp chiến lược, chiến dịch đến cấp chiến thuật; được phân theo chức năng: vật cản trên cạn do các lực lượng tác chiến thực hiện, trong đó lực lượng Công binh Lục quân làm nòng cốt; vật cản công binh dưới nước từ độ sâu năm mét nước trở vào bờ do lực lượng Công binh Lục quân đảm nhiệm; từ năm mét nước trở ra do lực lượng Công binh Hải quân đảm nhiệm.
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), công tác BĐVCCB tác chiến bảo vệ biển, đảo ở nước ta sẽ có nhiều phát triển mới so với công tác này trong các cuộc chiến tranh giải phóng trước kia. Trong điều kiện mới, đối phương sử dụng VKTBKT hiện đại, có vũ khí công nghệ cao; trong khi đó, khả năng vật cản công binh chống đổ bộ đường biển của quân đội ta còn hạn chế. Do đó, để nâng cao khả năng BĐVCCB tác chiến bảo vệ biển, đảo trong tình hình mới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản sau:
Một là, đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức cho bộ đội, nhất là đội ngũ cán bộ các cấp về tầm quan trọng của vật cản công binh và trách nhiệm của các lực lượng tham gia BĐVCCB tác chiến bảo vệ biển, đảo.
Thực tiễn các cuộc chiến tranh trên thế giới và trong chiến tranh giải phóng của dân tộc đều khẳng định vai trò hết sức quan trọng của vật cản công binh trong tác chiến phòng thủ bảo vệ biển, đảo và bờ biển. Trong điều kiện nước ta có vùng biển rộng hơn một triệu ki-lô-mét vuông và có trên 3.200 km bờ biển; tình hình Biển Đông liên tục diễn biến phức tạp, căng thẳng thì nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo nói chung và chuẩn bị các phương án tổ chức BĐVCCB tác chiến nói riêng càng có ý nghĩa quan trọng, thiết thực. Do đó, cần đẩy mạnh giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị tham gia tác chiến bảo vệ biển, đảo nhận thức đúng tầm quan trọng, ý nghĩa, tác dụng của vật cản công binh. Trên cơ sở đó, tích cực thực hiện các biện pháp huấn luyện, khai thác các loại vũ khí, trang bị, các loại vật cản chống đổ bộ,... và thực hiện các biện pháp tạo nguồn vật cản tại chỗ, nhằm nâng cao khả năng BĐVCCB chống đổ bộ đường biển.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương ven biển cần đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân về tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống công trình phòng thủ; đồng thời sẵn sàng huy động nguồn nhân lực, vật lực, phối hợp với lực lượng vũ trang trên địa bàn nâng cao khả năng BĐVCCB.
Hai là, chủ động xây dựng kế hoạch BĐVCCB tác chiến bảo vệ biển, đảo.
Kế hoạch BĐVCCB là một bộ phận của kế hoạch công binh tác chiến bảo vệ biển, đảo, được xây dựng trên cơ sở nhiệm vụ của tất cả các đơn vị, địa phương tham gia, phù hợp với kế hoạch, phương án xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) của địa phương ven biển. Kế hoạch BĐVCCB phải được xây dựng trong thời bình và được điều chỉnh, bổ sung trong giai đoạn chuẩn bị tác chiến để đối phó hiệu quả với những diễn biến mới trong từng trận đánh, phù hợp với thực tiễn tình hình. Để điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phải thường xuyên nắm và đánh giá chính xác tình hình địch, ta và diễn biến mới nhất, như hướng tiến công chủ yếu, thứ yếu, thủ đoạn tác chiến của địch để công tác BĐVCCB không bị động, bất ngờ trước các tình huống tác chiến.
Trong công tác kế hoạch, cần xác định rõ phương thức BĐVCCB phù hợp với từng cấp; tổ chức sử dụng lực lượng công binh vật cản phù hợp, phát huy được thế mạnh, khả năng của từng đơn vị. Biện pháp bảo đảm phải phù hợp với đặc điểm hoạt động tác chiến của từng lực lượng và đặc điểm địa hình, khí hậu, thủy văn (thủy triều) ở từng khu vực.
Ba là, tăng cường huấn luyện BĐVCCB tác chiến bảo vệ biển, đảo.
Trước sự phát triển của VKTBKT và nghệ thuật quân sự, trong đó có nghệ thuật tác chiến bảo vệ biển, đảo, đòi hỏi các đơn vị phải nâng cao chất lượng huấn luyện BĐVCCB. Đối với cán bộ chỉ huy, cơ quan công binh các cấp phải chú trọng tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ tham mưu tác chiến, nhận thức về âm mưu, thủ đoạn tác chiến của địch và nâng cao khả năng tổ chức khai thác vật cản công binh, biết tổ chức bảo đảm vật cản phù hợp với các tình huống, đạt hiệu quả cao. Trong huấn luyện phân đội, phải bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”; đồng thời, tích cực đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp huấn luyện, sát với đặc điểm nhiệm vụ, đối tượng tác chiến. Tăng cường huấn luyện để bộ đội sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị vật cản trong biên chế và linh hoạt, sáng tạo khi khai thác, sử dụng các loại vật cản huy động tại chỗ. Cùng với đó, các đơn vị phải tận dụng mọi khả năng để ứng dụng công nghệ mô phỏng trong huấn luyện; nhất là về cấu tạo, nguyên lý hoạt động và cách bố trí từng loại mìn công binh, kể cả quy trình bố trí các bãi vật cản công binh chống đổ bộ đường biển. Trên cơ sở kết quả huấn luyện mô phỏng, định kỳ cần tổ chức huấn luyện thực binh, bố trí các bãi vật cản công binh sát với phương án tác chiến bảo vệ biển, đảo của từng đơn vị, nhằm góp phần nâng cao khả năng BĐVCCB của đơn vị.
Bốn là, phát huy vai trò bảo đảm của KVPT trong bảo đảm vật cản tác chiến bảo vệ biển, đảo.
Thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng và thế trận KVPT. Chú trọng kết hợp chặt chẽ lực lượng công binh của bộ đội chủ lực trên địa bàn với lực lượng công binh bộ đội địa phương, tích cực huy động, khai thác nguồn nhân lực, vật lực tại chỗ trong KVPT để nâng cao hiệu quả hoạt động tác chiến bảo vệ biển, đảo.
Hiện nay, KVPT địa phương được xây dựng, phát triển toàn diện; một số cơ sở công nghiệp có thể tham gia sản xuất vật cản công binh (kể cả vật cản không nổ và vật cản nổ). Đó là nguồn lực quan trọng cần tận dụng để nâng cao khả năng BĐVCCB. Trong quá trình thực hành bố trí các hệ thống vật cản, cũng có thể huy động nhiều loại phương tiện vận tải, như ô tô, xe cẩu, phục vụ vận chuyển vật cản không nổ; huy động các loại phương tiện tàu thuyền để vận chuyển, bố trí vật cản dưới nước và huy động, khai thác các loại vật liệu tự nhiên, vật tư công nghiệp khác để thiết lập các bãi vật cản. Các địa phương chú trọng quy hoạch trồng rừng ven biển, đảo, vừa góp phần phát triển kinh tế vừa tăng cường khả năng quốc phòng nói chung, khả năng BĐVCCB tác chiến bảo vệ địa phương nói riêng.
Để phát huy vai trò bảo đảm của KVPT cần chuẩn bị vật cản ngay từ thời bình, trong xây dựng KVPT địa phương, kết hợp trong quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội. Khi xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và định ra các chính sách, các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương phải gắn với thực hiện các mục tiêu về quân sự, quốc phòng; trong đó có công tác bảo đảm vật cản, sẵn sàng cho tác chiến bảo vệ biển, đảo.
Năm là, đẩy mạnh hoạt động - khoa học công nghệ, từng bước thiết kế, chế tạo vật cản tác chiến bảo vệ biển, đảo.
Hiện nay, công tác nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ để hiện đại hóa công tác BĐVCCB của quân đội ta còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Hầu hết các sản phẩm nghiên cứu chưa tạo được bước đột phá trong nhiệm vụ hiện đại hóa VKTBKT công binh nói chung, vật cản công binh trong tác chiến bảo vệ biển, đảo nói riêng. Vì thế, cùng với nghiên cứu đồng bộ, nâng cấp các loại vũ khí, trang bị hiện có, cần tập trung nghiên cứu thiết kế, chế tạo mới các loại vũ khí, trang bị hiện đại, hiệu quả hơn theo các hướng sau: 1- Nghiên cứu chế tạo các loại mìn có thân, vỏ chống được tác động khắc nghiệt của môi trường biển trong quá trình cất giữ ở các đảo và ở các kho ven bờ; đồng thời, chống lại được khả năng phát hiện của các phương tiện dò gỡ mìn của địch. Với khả năng công nghệ hiện nay của đất nước ta, chúng ta có thể ứng dụng các loại vật liệu nhựa, composite và các loại vật liệu tổng hợp khác để chế tạo các loại mìn sông, biển. Đó cũng là xu hướng chế tạo mìn hiện đại trên thế giới. 2- Nghiên cứu phát triển các loại cơ cấu ngòi nổ có nguyên lý làm việc phức tạp hơn, chính xác, tin cậy và có tính thông minh hơn, như: công nghệ cảm ứng nhiệt, cảm ứng từ trường, cảm ứng âm thanh,… có thể ứng dụng để sản xuất các loại mìn tự tìm mục tiêu và phá hủy mục tiêu dưới nước; các công nghệ vô tuyến, định vị toàn cầu GPS (Global Positioning System),… có thể ứng dụng để chế tạo các cơ cấu ngòi nổ điều khiển từ xa có tính ưu việt cao.
BĐVCCB có vai trò rất quan trọng trong tác chiến bảo vệ biển, đảo. Nghiên cứu chế tạo VKTBKT và triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao khả năng BĐVCCB tác chiến bảo vệ biển, đảo trong tình hình mới là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của quân đội, của đất nước. Thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần thiết thực bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.
Đại tá, PGS, TS. HOÀNG NGỌC AN
Học viện Kỹ thuật Quân sự
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc