Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 04/04/2016, 21:32 (GMT+7)
Nâng cao hiệu quả thông tin, tuyên truyền về đối ngoại quốc phòng - mấy vấn đề cần quan tâm

Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và trong thời đại bùng nổ thông tin, quốc gia nào kiểm soát được và tận dụng triệt để hiệu quả của thông tin thì quốc gia đó sẽ tạo dựng được chỗ đứng cho mình trên trường quốc tế.

Đối ngoại quốc phòng là lĩnh vực đặc thù, tính nhạy cảm cao, bởi nó liên quan trực tiếp đến các lợi ích cơ bản của mỗi quốc gia. Do đó, thông tin, tuyên truyền về đối ngoại quốc phòng một cách phù hợp, trên cơ sở có sự lựa chọn nội dung thông tin, thời điểm thông tin và mức độ thông tin, sẽ tạo được hiệu ứng tích cực đến dư luận trong và ngoài nước. Ngược lại, nếu việc thông tin về chính sách quốc phòng, đối ngoại quốc phòng không phù hợp, hoặc thiếu sự cân nhắc nội dung, mức độ thông tin, sẽ gây hiệu ứng tiêu cực đến dư luận. Thậm chí, tuyên truyền những vấn đề quá nhạy cảm lại trở thành phản tuyên truyền, không những làm hạn chế hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, mà còn có thể gây tổn hại cho chính trị của quốc gia. Trong một số trường hợp cụ thể, chẳng hạn việc thông tin về quốc phòng, an ninh, đối ngoại chậm, thiếu tính định hướng dư luận xã hội, sẽ dễ dẫn tới mất “trận địa thông tin”, làm cho nhân dân có những biểu hiện bất an về tâm lý, tư tưởng. Ở mức độ thấp (đơn giản), sẽ nảy sinh những đồn đoán tùy tiện, gây hoang mang dư luận; ở mức độ cao (phức tạp) có thể làm cho một bộ phận nhân dân có thái độ ngờ vực về đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước suy giảm lòng tin vào Đảng và chế độ, từ đó bị kẻ xấu kích động, chống phá. Ở một góc độ khác, việc thông tin không kịp thời, không đúng mức, có thể chỉ là cách nghĩ, cách làm đơn giản của cơ sở, nhưng các thế lực thù địch lại nâng lên và gán cho đó là chủ trương, là quan điểm của Đảng, Nhà nước, từ đó vu cáo Việt Nam “bưng bít thông tin”, “tước quyền được thông tin”, vi phạm dân chủ, nhân quyền.

Vì vậy, nâng cao hiệu quả thông tin, tuyên truyền về quốc phòng, an ninh, đối ngoại là vấn đề rất quan trọng, không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và tạo đồng thuận của nhân dân ta đối với các vấn đề quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước, mà còn làm cho cộng đồng quốc tế thấy được tính minh bạch và ủng hộ chính sách quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Việt Nam. Để làm tốt công tác này, theo chúng tôi, cần quan tâm đến một số vấn đề cơ bản sau:

1. Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định thống nhất về quy chế thông tin, tuyên truyền riêng về quốc phòng, an ninh và hoạt động đối ngoại quốc phòng. Nhìn chung, đối với đa số lĩnh vực, việc thông tin, tuyên truyền càng sâu rộng, càng cụ thể càng tốt. Song trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, có nội dung cần phải thông tin, có nội dung cần kiểm duyệt chặt chẽ, có nội dung không được phép đưa tin. Trên thực tế, một số thông tin có tác dụng tích cực đối với đối tượng này, nhưng lại phản tác dụng đối với đối tượng khác; thậm chí, có thông tin gây nguy hại, làm ảnh hưởng đến các vấn đề an ninh, quốc phòng của đất nước. Vì vậy, cần xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật riêng về thông tin, tuyên truyền chính sách quốc phòng và đối ngoại quốc phòng (có thể là thông tư của Bộ Quốc phòng), bảo đảm tính pháp lý và tính ràng buộc cao hơn so với văn bản thông thường. Đặc biệt, qua văn bản này, giúp cho việc kiểm duyệt, kiểm soát chặt chẽ nội dung, mức độ, đối tượng thông tin, tuyên truyền đảm bảo sự thống nhất. Trong đó, cần quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý báo chí và người đứng đầu; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan báo chí, nhất là tổng biên tập; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, đơn vị cung cấp thông tin. Về nội dung thông tin, cần quy định rõ những nhóm nội dung nào cần đưa tin sớm, nhóm nội dung nào cần đưa tin sâu, nhóm nội dung nào chỉ được đưa tin dưới dạng thông báo (tin ngắn, tin vắn), nhóm nội dung nào cần kết hợp thông tin với tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội; nhóm nội dung nào thuộc loại đặc biệt (chỉ được phép thông tin khi có sự cho phép của Bộ Quốc phòng), v.v. Ngoài ra, trong văn bản còn phải quy định về thời điểm thông tin, phạm vi thông tin và hình thức thông tin tương ứng với các nội dung thông tin và tính chất của vấn đề, sự kiện cần thông tin.

2. Chủ động hơn nữa về thời gian, nội dung, hình thức thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận khi đề cập đến các vấn đề liên quan đến chính sách quốc phòng và đối ngoại quốc phòng của đất nước. Những sự kiện về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trừ những trường hợp thông tin hạn chế, hoặc không đưa tin, còn lại, về cơ bản, phải thông tin kịp thời cho công chúng. Việc thông tin kịp thời cho công chúng sẽ khắc phục được tình trạng đồn đoán bất lợi, từ đó hướng công chúng đến những suy nghĩ và hành động đúng. Thông tin sớm, kịp thời, minh bạch sẽ đảm bảo cho việc “giành quyền thông tin”, và thông tin từ cơ quan báo chí là chính thống nên sẽ càng làm tăng giá trị của thông tin, tăng mức độ tin cậy của thông tin, càng sớm định hướng dư luận xã hội theo hướng có lợi cho Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân. Ngược lại, nếu thông tin chậm, định hướng chậm sẽ kéo theo hệ lụy là tạo kẽ hở để các thế lực thù địch thông qua các trang mạng xã hội lợi dụng, đưa tin, nhằm “hướng, lái” suy nghĩ và hành động của công chúng sang một hướng khác có lợi cho chúng, bất lợi cho ta. Nói cách khác, thiếu chủ động về thông tin và định hướng dư luận xã hội về chính sách quốc phòng, đối ngoại quốc phòng là chúng ta đã “nhường” quyền thông tin cho các thế lực thù địch. Do đó, để chủ động thông tin, ngoài các vấn đề trên, đòi hỏi cá nhân, tổ chức có trách nhiệm thông tin (cơ quan quản lý báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí và đội ngũ các nhà báo) phải chủ động phối hợp thường xuyên với các cơ quan, đơn vị chuyên trách về đối ngoại quốc phòng để tiếp cận nguồn tin, khai thác tin, lựa chọn tin và kịp thời tổ chức đưa tin; tổ chức, cá nhân có trách nhiệm và được quyền cung cấp tin phải tạo mọi điều kiện cho báo chí để làm sao đưa thông tin chính thống đến với công chúng càng sớm càng tốt. Với những vấn đề (sự kiện) phức tạp, nhạy cảm, nếu cần thiết phải đưa tin thì phải chú trọng công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng, thái độ và hành động của công chúng, ngăn ngừa ngay từ đầu các âm mưu thông tin, truyên truyền mang dụng ý xấu của các thế lực thù địch.

3. Tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách quốc phòng và đối ngoại quốc phòng. Báo chí cách mạng là vũ khí sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Đội ngũ nhà báo cách mạng là lực lượng xung kích trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền nói chung, thông tin, tuyên truyền về chính sách quốc phòng, đối ngoại quốc phòng nói riêng. Tuy nhiên, hoạt động đối ngoại quốc phòng có không gian, phạm vi rất rộng, bao gồm cả trong nước và ở nước ngoài, cả trên bộ, trên không và trên biển. Thực tiễn diễn ra các quá trình này, không phải lúc nào và ở đâu các nhà báo cũng có thể tiếp cận được. Trong khi đó, cán bộ đối ngoại (cả chuyên trách và các cán bộ có liên quan) là lực lượng thường xuyên tham gia trực tiếp vào các hoạt động đối ngoại. Vì vậy, cần phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ đối ngoại trong công tác tuyên truyền đối ngoại như là đội ngũ cộng tác viên đông đảo của các cơ quan báo chí. Đặc biệt, ngoài việc thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần phát huy phương thức tuyên truyền miệng của đội ngũ cán bộ đối ngoại. Việc hàng trăm cán bộ đối ngoại trực tiếp đóng vai trò là sứ giả, là tuyên truyền viên sẽ là lực lượng quan trọng trong việc thông tin, tuyên truyền về chính sách quốc phòng, quan điểm, chủ trương của Việt Nam về đối ngoại quốc phòng với quân đội và nhân dân các nước và các tổ chức quốc tế, làm cho dư luận quốc tế hiểu đúng về Việt Nam, từ đó ủng hộ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Việc thông tin đúng và kịp thời còn làm cho các nước, các tổ chức quốc tế tin tưởng, thúc đẩy quan hệ, hợp tác quốc phòng lâu dài, ổn định với ta. Trong bối cảnh hiện nay, việc tăng cường thông tin về quốc phòng, an ninh, đối ngoại đến hai nước bạn Lào và Cam-pu-chia càng có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm cho lực lượng vũ trang và nhân dân hai nước Bạn tin tưởng vào tiềm lực, thực lực quốc phòng, an ninh và vị thế, khả năng của Việt Nam đối với việc bảo đảm hòa bình, ổn định trên bán đảo Đông Dương và khu vực Đông Nam Á. Không chỉ thông tin, tuyên truyền những vấn đề thuộc về chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước, cán bộ đối ngoại còn làm nhiệm vụ quảng bá về văn hóa, con người Việt Nam, trong đó có hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” đến với bạn bè quốc tế.

Một vấn đề quan trọng nữa đòi hỏi chúng ta phải quan tâm, đó là tăng cường khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần hướng về Tổ quốc của bộ phận đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài vào việc thông tin, tuyên truyền về đối ngoại quốc phòng. Đối ngoại quốc phòng là lĩnh vực đặc thù, song có nhiều yếu tố để chúng ta khai thác từ lực lượng này, như tranh thủ bà con kiều bào tìm kiếm thông tin, hoặc qua bà con Việt kiều để tuyên truyền về chính sách quốc phòng Việt Nam. Đặc biệt, cần khuyến khích các học giả người nước ngoài gốc Việt, kể cả người nước ngoài, để họ tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào việc đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của Việt Nam trên Biển Đông cũng như bảo vệ các lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thực hiện tốt và đồng bộ các vấn đề đã nêu trên sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại quốc phòng; qua đó thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đất nước hội nhập sâu, rộng vào đời sống quốc tế.

Đại tá LÊ ĐỨC CƯỜNG, Cục Đối ngoại - Bộ Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.