Thứ Bảy, 23/11/2024, 15:28 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai (nếu xảy ra), địch có thể tiến hành phong tỏa đường không ngay từ đầu và trong suốt quá trình chiến tranh. Vì vậy, nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng không quân, đối phó thắng lợi với phong tỏa đường không của địch là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết.
Phong tỏa đường không là một biện pháp tác chiến xuất hiện từ chiến tranh thế giới lần thứ II và liên tục phát triển trong chiến tranh hiện đại, nhằm cô lập vùng trời, cắt đứt mọi hoạt động bay, giành quyền làm chủ trên không, trực tiếp làm suy yếu tiềm lực kinh tế, quân sự của đối phương, tạo điều kiện thực hiện mục tiêu của cuộc chiến. Trong một số cuộc chiến tranh, chiến tranh cục bộ, xung đột quân sự gần đây, các nước có tiềm lực quân sự mạnh áp đặt các vùng cấm bay để phong tỏa vùng trời của các quốc gia khác, như: quân đội Mỹ và đồng minh thiết lập vùng cấm bay ở Bosnia và Herzegovina (1993 - 1995); Iraq (1991 - 2003), Libi (2011), v.v.
Việt Nam là quốc gia có biển nên khi chiến tranh xảy ra, phong tỏa đường không sẽ là một trong các thủ đoạn, biện pháp mà kẻ địch có thể tiến hành ngay từ đầu hoặc đồng thời với phong tỏa đường biển. Địch có thể lợi dụng sức mạnh quân sự vượt trội, ồ ạt đưa các loại tàu chiến, tàu thăm dò,... xâm nhập vùng biển, đảo nước ta để tạo cớ, áp đặt lệnh phong tỏa đường không, đường biển, lập “vùng cấm bay”, v.v. Thực hiện áp đặt phong tỏa đường không, địch sẽ sử dụng các máy bay giám sát chiến lược, phương tiện tác chiến đường không hiện đại hoạt động ngoài tầm bắn của vũ khí phòng không thông thường, để kiểm soát không phận 24/24 giờ. Đồng thời, tăng cường hoạt động tác chiến trên cả 5 môi trường: không - bộ - biển - vũ trụ và trường điện tử, tạo ưu thế gần như tuyệt đối nhằm “khóa chặt” không phận, chế áp các trạm ra đa dẫn đường, hệ thống sở chỉ huy, sân bay của ta, v.v.
Trong điều kiện địch có ưu thế vượt trội về lực lượng, vũ khí trang bị, chủ động tiến hành phong tỏa đường không, với các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Để đối phó thắng lợi phong tỏa đường không của địch, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, với các hình thức, biện pháp tác chiến linh hoạt. Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, lực lượng Không quân cần nghiên cứu, tiến hành tổng thể các giải pháp sau:
Một là, thường xuyên nắm chắc tình hình địch trên không, mặt đất, mặt biển, không để bị động, bất ngờ. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, là cơ sở để lực lượng không quân chuẩn bị, xây dựng phương án chống địch phong tỏa đường không sát thực tế và tổ chức thực hành đánh địch có hiệu quả. Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ quân sự, địch sử dụng rộng rãi vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử mạnh, nên yếu tố bất ngờ ngày càng lớn. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả sử dụng không quân chống phong tỏa đường không, trước hết, cần nghiên cứu nắm chắc địch, cả ở phạm vi chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. Theo đó, ngay từ thời bình, phải làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo, nhất là ở tầm chiến lược; nắm chắc tổ chức biên chế, vũ khí trang bị, lý luận tác chiến của lực lượng phòng không, không quân địch; xu hướng phát triển của các loại phương tiện tác chiến đường không: máy bay chỉ huy - báo động sớm, tàng hình, không người lái thế hệ mới; vũ khí laze, vũ khí siêu thanh; các tổ hợp tên lửa phòng không, v.v. Chủ động nghiên cứu, tổng kết âm mưu, thủ đoạn phong tỏa đường không của địch, kinh nghiệm chống phong tỏa đường không trong các cuộc chiến tranh gần đây, nhằm hoàn thiện, phát triển lý luận về vấn đề này, v.v. Khi có nguy cơ xảy ra chiến tranh, cần dự báo sớm, đúng âm mưu, quy mô, thành phần lực lượng; căn cứ xuất phát, khả năng xuất kích của các loại máy bay; khả năng chỉ huy, hiệp đồng, bảo đảm; thủ đoạn phong tỏa đường không của địch,... làm cơ sở để các lực lượng, nòng cốt là không quân xây dựng thế trận, phương án tác chiến chống phong tỏa phù hợp. Để đạt hiệu quả cao, trong nghiên cứu nắm địch phải kết hợp nhiều nguồn, với nhiều lực lượng, phương tiện khác nhau; những tin tức mới nhất về địch sau khi phân tích, tổng hợp phải được thông báo kịp thời đến các đơn vị không quân làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, không để bị động bất ngờ về tình huống.
Hai là, đẩy nhanh lộ trình xây dựng lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Đây là giải pháp cơ bản, lâu dài, có ý nghĩa trực tiếp quyết định hiệu quả chống phong tỏa đường không của địch. Quán triệt, thực hiện chủ trương chiến lược của Đảng về xây dựng lực lượng Phòng không - Không quân tiến thẳng lên hiện đại, Quân chủng cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án xây dựng lực lượng Không quân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, có tổ chức biên chế và số lượng hợp lý, chất lượng ngày càng cao. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, quá trình đầu tư cần tập trung có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phát triển lực lượng không quân nòng cốt. Cùng với đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến vũ khí, trang bị hiện có, kết hợp mua sắm có chọn lọc vũ khí, trang bị mới, hiện đại, nhất là các loại máy bay: chỉ huy - báo động sớm, tác chiến điện tử chuyên dụng, tiêm kích đa năng, tiêm kích hạng nhẹ,... phù hợp với đặc điểm các vùng tác chiến phòng không. Đồng thời, quan tâm mua sắm các phương tiện ngụy trang tổng hợp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngụy trang, nghi trang giữ bí mật sân bay, bãi đỗ, phương tiện, vũ khí, trang bị, chống trinh sát phát hiện của địch.
Cùng với xây dựng tổ chức, lực lượng, chúng ta cần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở các nhà trường; tích cực đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện chiến đấu ở đơn vị. Trong huấn luyện phi công, các nhà trường, đơn vị cần coi trọng huấn luyện toàn diện cả về bản lĩnh chính trị, kỹ thuật, chiến thuật, lòng dũng cảm, tinh thần “dám đánh, biết đánh, quyết đánh thắng”, v.v. Định kỳ tổ chức luyện tập, diễn tập sử dụng không quân hiệp đồng với các lực lượng chống địch phong tỏa đường không, đường biển trên phạm vi cả nước hoặc trên một số chiến trường. Khi có điều kiện, các đơn vị có thể tổ chức diễn tập thực binh với quy mô thích hợp để rèn luyện, nâng cao trình độ, khả năng tác chiến, bản lĩnh, tác phong công tác của các thành phần, nhất là cơ quan tham mưu, người chỉ huy, đội ngũ phi công, lực lượng bảo đảm hậu cần, kỹ thuật hàng không, v.v.
Ba là, chuẩn bị thế trận, kế hoạch, phương án chống địch phong tỏa đường không đầy đủ, chu đáo, sát thực tế. Đây là giải pháp quan trọng để lực lượng không quân bước vào tác chiến một cách chủ động, kịp thời và đảm bảo đánh địch ở thế có lợi. Trên cơ sở quy hoạch hệ thống sân bay, cần tập trung đầu tư xây dựng, củng cố hệ thống sở chỉ huy, đài ra đa dẫn đường, hầm, ụ, đường băng, đường lăn, sân đỗ, các đường cất hạ cánh bí mật; các khu sơ tán, phân tán chiến đấu; hệ thống bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, v.v. Trong đó, cần quan tâm thích đáng đến xây dựng thế trận không quân trên chiến trường biển, đảo. Trong quá trình xây dựng các công trình chiến đấu phải gắn với ngụy trang giữ bí mật công trình, chống địch trinh sát từ trên không, mặt đất. Đồng thời, nghiên cứu điều chỉnh thế bố trí các đơn vị không quân trên các hướng, chiến trường chiến lược phù hợp với sự phát triển của nhiệm vụ và vũ khí, trang bị khí tài mới.
Không quân có khả năng cơ động cao, hỏa lực mạnh, nên có thể thực hiện được nhiều nhiệm vụ khác nhau, như: tiêu diệt máy bay trinh sát, máy bay làm nhiệm vụ tuần tra, máy bay chỉ huy - báo động sớm, máy bay tác chiến điện tử; các tàu chỉ huy, trạm ra đa, các căn cứ không quân,... góp phần làm suy yếu khả năng tác chiến, phá thế liên kết chiến thuật giữa trên không với mặt đất của địch. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả chống phong tỏa đường không của địch, trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá về địch, khả năng của ta, điều kiện địa hình, thời tiết,... các đơn vị không quân cần tổ chức nghiên cứu xây dựng các kế hoạch, phương án tác chiến chống địch phong tỏa đường không sát với từng khu vực, các chiến trường và phạm vi cả nước. Định kỳ hằng năm, cơ quan tham mưu các cấp cập nhật tình hình, kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp; tổ chức luyện tập, diễn tập thuần thục, sẵn sàng sử dụng khi có tình huống.
Bốn là, chủ động phòng, chống vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử của địch. Đây là giải pháp không thể thiếu nhằm giảm thiểu thiệt hại, duy trì khả năng tác chiến; bảo đảm sự làm việc ổn định của hệ thống thông tin chỉ huy, hiệp đồng, điều khiển phương tiện, vũ khí của lực lượng không quân trong suốt quá trình chống phong tỏa. Phòng, chống vũ khí công nghệ cao thực chất là phòng, chống địch trinh sát và chống địch tiến công bằng hỏa lực. Giải quyết vấn đề này, các đơn vị không quân cần vận dụng linh hoạt các biện pháp kỹ thuật và chiến thuật chống trinh sát rađa, hồng ngoại của địch. Các sở chỉ huy, đài, trạm dẫn đường và phi công cần chấp hành nghiêm qui định khai thác, sử dụng các phương tiện điện tử; kết hợp chặt chẽ ngụy trang với nghi trang, nghi binh lừa địch, v.v.
Trong phòng, chống tác chiến điện tử của địch, cần tiến hành đồng bộ các biện pháp chống trinh sát điện tử và chống tiến công điện tử. Theo đó, đối với chiến trường, căn cứ vào kế hoạch tác chiến điện tử đã xác định, người chỉ huy, cơ quan có thể tiến hành bằng nghi binh vô tuyến điện. Đối với các đài, trạm ra đa dẫn đường phải tuân thủ nghiêm các quy định làm việc. Tại sở chỉ huy các cấp, cần bố trí hợp lý các đài, trạm vô tuyến điện sóng ngắn; giảm tối đa thời gian phát sóng. Đối với phi công, cần hạn chế tối đa sử dụng vô tuyến khi cất cánh, trên đường bay và khi về hạ cánh. Cùng với các biện pháp kỹ thuật, cần tích cực sử dụng tên lửa phòng không để tiến công máy bay - chỉ huy báo động sớm, máy bay tác chiến điện tử chuyên dụng; sử dụng pháo binh, tên lửa, đặc công đánh phá các đài gây nhiễu nguy hại của địch; tập trung lực lượng tác chiến điện tử chế áp vào những thời điểm có lực lượng không quân hoạt động. Các phi công phải chuẩn bị kỹ phương án tự dẫn bằng quan sát mắt kết hợp với thiết bị dẫn đường trên máy bay; chú trọng chỉ huy đội hình bằng tín hiệu, động tác, hạn chế sử dụng vô tuyến điện, thực hiện “tự đi, tự đến, tự đánh, tự về”.
Cùng với các nội dung giải pháp trên, lực lượng không quân cần tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng trong quá trình chống phong toả; trọng tâm là hiệp đồng tay đôi, tay ba với lực lượng phòng không, hải quân, pháo binh, tên lửa, đặc công, tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng và lực lượng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố để bảo vệ hệ thống sân bay; chi viện, hỗ trợ lực lượng không quân đánh địch trên không cũng như đánh địch mặt đất, mặt nước theo đúng ý định, đạt hiệu quả cao nhất.
Sử dụng không quân chống phong tỏa đường không trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai là yêu cầu tất yếu, khách quan. Đây cũng là vấn đề mới, nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển cả về lý luận nghệ thuật tác chiến và bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật.
Đại tá, TS. ĐINH XUÂN THANH, Chủ nhiệm Khoa Quân chủng - Học viện Quốc phòng
Nâng cao hiệu quả sử dụng không quân chống phong tỏa đường không trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc