Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:32 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Quản lý nhà nước về quốc phòng là một nội dung rất quan trọng trong quá trình tăng cường quốc phòng của đất nước. Trong tình hình mới, nhiều vấn đề đặt ra cần được quan tâm giải quyết, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng.
Quản lý nhà nước (QLNN) là một phạm trù hoạt động hành chính của cơ quan nhà nước đối với các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của bộ máy nhà nước. Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ quản thực hiện nhiệm vụ QLNN về quốc phòng. Ở nước ta, cơ chế QLNN về quốc phòng đã thể hiện tinh thần: Nhà nước thống nhất quản lý về quốc phòng bằng luật pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng, đảm bảo cho quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ đất nước của công dân được thực hiện đầy đủ.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác QLNN về quốc phòng ở nước ta đã được triển khai toàn diện và đạt được những thành tựu quan trọng. Nhà nước đã ban hành Luật Quốc phòng và từng bước xây dựng, hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và chính sách về quốc phòng; xây dựng các quy hoạch, kế hoạch củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân (QPTD), kế hoạch phòng thủ bảo vệ Tổ quốc… Qua đó, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, các quy hoạch, kế hoạch xây dựng tiềm lực và thế trận QPTD, gắn thế trận QPTD với thế trận an ninh nhân dân; tăng cường giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh (QP-AN); chỉ đạo đấu tranh quốc phòng và phát triển quan hệ đối ngoại quốc phòng… Trong quá trình tổ chức thực hiện, công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra quốc phòng được coi trọng, đã kịp thời phát hiện, giải quyết các khiếu kiện, tố cáo liên quan đến luật pháp, chính sách về quốc phòng.
Tuy nhiên, công tác QLNN về quốc phòng ở nước ta vẫn còn những mặt hạn chế, bất cập do tác động của tình hình mới, làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Đó là, nhận thức và trách nhiệm quản lý của các cấp, các ngành chưa thật đầy đủ. Việc ban hành, bổ sung, điều chỉnh các VBQPPL chưa kịp thời, chưa bám sát sự phát triển của tình hình, có văn bản đã lạc hậu, hoặc còn chồng chéo. Hệ thống tổ chức QLNN về quốc phòng từ Trung ương đến các địa phương chưa chặt chẽ. Nội dung quản lý quốc phòng chưa toàn diện, giải pháp thực hiện thiếu đồng bộ, nhất là ở một số bộ, ngành. Công tác kiểm tra, thanh tra quốc phòng tiến hành có lúc, có nơi chưa chủ động, thường xuyên; phát hiện, xử lý những sai phạm có trường hợp chưa kịp thời, thiếu kiên quyết, triệt để. Song nhìn tổng thể, công tác QLNN về quốc phòng đã tiến hành có hiệu quả, góp phần xây dựng, củng cố nền QPTD ngày càng vững chắc, sức mạnh quốc phòng không ngừng được tăng cường. Đó là cơ sở để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta tiếp tục xác định mục tiêu, nhiệm vụ QP-AN của đất nước là: "bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”1 .
Thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đó, công tác QLNN về quốc phòng ở nước ta sẽ chịu tác động bởi các vấn đề toàn cầu, như: an ninh tài chính, năng lượng, an ninh lương thực, gia tăng dân số, biến đổi khí hậu, môi trường, thiên tai, dịch họa… Đồng thời, phải đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ xâm phạm độc lập, chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo, gây xung đột vũ trang, khủng bố, gây rối, bạo loạn và chiến tranh xâm lược. Mặt khác, còn phải thường xuyên đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao trong các lĩnh vực tài chính - tiền tệ, điện tử - viễn thông, sinh học… Trong nước, cùng với những kết quả, kinh nghiệm quản lý, xây dựng nền QPTD qua 26 năm đổi mới, công tác QLNN về quốc phòng còn chịu tác động bởi nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Đó là: “Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại. Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng”2. Như vậy, trong tình hình mới, QLNN về quốc phòng có sự tác động của nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, tích cực và tiêu cực ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ QP-AN.
Để không ngừng tăng cường sức mạnh quốc phòng của đất nước trong tình hình mới, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả QLNN về quốc phòng. Trước mắt, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan QLNN về quốc phòng. Giáo dục nâng cao nhận thức là cơ sở để đề cao ý thức trách nhiệm và thống nhất hành động của các cơ quan QLNN về quốc phòng. Vì vậy, cần làm cho các cấp, các ngành và mọi người nhận rõ: nhiệm vụ QP-AN ngày nay có nhiều đặc điểm mới, với yêu cầu cao. Điều đó đòi hỏi công tác QLNN về quốc phòng phải tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả. Trước hết, công tác QLNN về quốc phòng phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Đồng thời, phát huy cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm: “Chính phủ thống nhất QLNN về quốc phòng, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật về quốc phòng” (Khoản 2, Điều 44, Luật Quốc phòng, năm 2005). Muốn vậy, cần đẩy mạnh giáo dục, làm cho mọi tổ chức và công dân hiểu và tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về quốc phòng. Đồng thời, có kế hoạch, biện pháp tuyên truyền, phổ biến các VBQPPL theo yêu cầu đối với từng đối tượng làm nhiệm vụ quản lý và phổ cập cho toàn dân. Các VBQPPL về quốc phòng có nhiều, nhưng tùy theo đặc điểm, yêu cầu của mỗi đối tượng làm công tác quản lý để phổ biến, quán triệt với mức độ khác nhau cho phù hợp.
Nhà nước quản lý quốc phòng bằng pháp luật, nên đi đôi với phát huy chức năng, vai trò, trách nhiệm thì việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật là vấn đề hết sức cần thiết; bởi nó là công cụ giúp cho các cơ quan chức năng nâng cao chất lượng và hiệu quả QLNN về quốc phòng. Phương thức tuyên truyền cần có sự đổi mới đa dạng; trong đó, chú trọng tuyên truyền thông qua phương tiện truyền thông, tuyên truyền trực tiếp, theo đợt, nhằm bảo đảm sâu rộng tới mọi công dân.
Hai là, nghiên cứu củng cố, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện bộ máy QLNN về quốc phòng từ Trung ương đến địa phương. Để quản lý chặt chẽ lĩnh vực quốc phòng, cơ quan Nhà nước nói chung và bộ máy trực tiếp QLNN về quốc phòng nói riêng có vai trò quyết định. Nhiệm vụ xây dựng nền QPTD có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, các cấp, các ngành. Do vậy, QLNN về quốc phòng không thể chỉ tập trung vào một số cơ quan chức năng mà cần hình thành một hệ thống tổ chức và cá nhân chuyên trách trực tiếp làm công tác QLNN về quốc phòng từ Trung ương đến các địa phương. Ở Trung ương, ngoài Bộ Quốc phòng là cơ quan trung tâm, chủ trì quản lý, cần nghiên cứu tổ chức lại các Vụ hoặc cán bộ chuyên trách về QP-AN ở các bộ, ngành có liên quan nhiều đến QLNN về quốc phòng. Hình thức tổ chức này trước đây đã phát huy tốt, hiệu quả thiết thực. Nhưng đến nay, chỉ còn lại ở một số bộ; các bộ, ngành không có tổ chức này đã gặp không ít khó khăn trong QLNN về quốc phòng. Các tỉnh (thành phố) cũng trong tình trạng trên, trong khi chỉ còn Bộ Chỉ huy Quân sự là cơ quan chủ trì giúp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh QLNN về quốc phòng ở địa phương (nhìn từ góc độ QLNN) nên có nhiều khó khăn, bất cập. Do vậy, việc nghiên cứu củng cố, điều chỉnh, bổ sung bộ máy quản lý ở các cấp là yêu cầu khách quan, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả QLNN về quốc phòng. Tất nhiên, việc làm đó cần phải được tính toán, cân nhắc kỹ để bảo đảm gọn nhẹ, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu tinh giản bộ máy Nhà nước trong tình hình hiện nay.
Ba là, tiếp tục xây dựng, bổ sung hoàn thiện hệ thống VBQPPL và các chính sách về quốc phòng. Trong quá trình thực hiện QLNN về quốc phòng, các cơ quan quản lý phải dựa vào hệ thống VBQPPL và các chính sách. Những năm qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều VBQPPL và chính sách góp phần cho công tác QLNN về quốc phòng ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, tính hợp hiến, hợp pháp của các VBQPPL cũng có giới hạn, độ chuẩn mực không thể tồn tại mãi. Vì vậy, qua từng thời kỳ cần được xem xét để xây dựng, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, đây là công việc có nhiều khó khăn vì mỗi nội dung ban hành, sửa đổi về quốc phòng đều tác động trực tiếp đến đời sống xã hội trong nước và có khi còn tác động đến quan hệ quốc tế.
Để tiếp tục xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống VBQPPL và các chính sách về quốc phòng, cần giải quyết tốt mối quan hệ trong quá trình soạn thảo và ban hành luật. Trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng, ban hành và đưa các VBQPPL vào cuộc sống. Đồng thời, với chức năng hành pháp, Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan ban hành luật của Quốc hội trong thực thi pháp luật. Với chức năng cơ quan chủ quản QLNN về quốc phòng, Bộ Quốc phòng cần phát huy vai trò tham mưu cho Nhà nước trong soạn thảo, ban hành và giám sát, kiểm tra việc thi hành luật. Chỉ đạo soạn thảo VBQPPL cần coi trọng tính đồng bộ, thống nhất nội dung, tránh mâu thuẫn, chồng chéo, lẫn lộn chức năng, quyền hạn của tổ chức và cá nhân. Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống VBQPPL là nhiệm vụ trung tâm, tạo ra công cụ để thực hiện các mặt quản lý khác.
Bốn là, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng của các cấp từ Trung ương đến địa phương. Kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ quốc phòng là công việc hết sức quan trọng trong QLNN về quốc phòng. Để tăng cường công tác này, cần giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề. Trước hết, cần củng cố tổ chức, nâng cao trình độ, năng lực của các cơ quan chức năng về pháp luật để có đủ sức hoàn thành nhiệm vụ quản lý. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống các VBQPPL và chính sách làm cơ sở để kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ quốc phòng của các cấp, các ngành từ Trung ương đến các địa phương. Cùng với cơ quan pháp luật, cần phát huy trách nhiệm của cơ quan hành pháp trong kiểm tra, thanh tra, giám sát theo các chuyên ngành. Đồng thời, cần đề cao vai trò của quần chúng nhân dân trong QLNN về quốc phòng. Đặc biệt, thông qua các tổ chức chính trị - xã hội để động viên quần chúng tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ QP-AN ngay tại cơ sở. Trong kiểm tra, thanh tra thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, cần nắm vững các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát các quy hoạch, kế hoạch tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng của từng thời kỳ.
QLNN về quốc phòng là một trong những nhiệm vụ trọng yếu nhằm tạo nên sức mạnh quốc phòng của đất nước. Để nâng cao hiệu quả QLNN về quốc phòng, cần nắm vững đặc điểm tình hình, yêu cầu mới đối với công tác QLNN về quốc phòng; đồng thời, phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp.
PGS, TS. HOÀNG XUÂN LÂM
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 233.
2 - Sđd - tr. 185.
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc