Thứ Sáu, 22/11/2024, 18:48 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân; trong đó, Quân đội là lực lượng nòng cốt, đi đầu. Vì vậy, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ này là vấn đề quan trọng, cấp thiết.
Những năm qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị triệt để lợi dụng không gian mạng, nhất là các trang mạng xã hội với khả năng tương tác, lan truyền thông tin và tạo hiệu ứng xã hội nhanh, rất khó quản lý, giám sát, kiểm duyệt để công khai chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội bằng nhiều thủ đoạn thâm độc, tinh vi và ngày càng công khai, trực diện hơn. Phương thức chủ yếu của chúng là tạo các nguồn thông tin thật, giả lẫn lộn, gây nhiễu dư luận, dẫn dắt nhận thức của quần chúng, cổ súy tư tưởng đối lập, kích động chống đối,... nhằm đẩy mạnh thực hiện âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” đối với nước ta. Trước tình hình đó, việc đấu tranh với quan điểm sai trái, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trên môi trường không gian mạng là vô cùng cần thiết; được xác định là nhiệm vụ chính trị, nội dung quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, toàn dân và toàn quân. Trong đó, Quân đội là lực lượng có trách nhiệm tiên phong, đi đầu trong công tác này.
Những năm gần đây, công tác đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng đã được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, thực hiện chặt chẽ. Các cơ quan, đơn vị đã chủ động kiện toàn cơ quan thường trực, tổ chức lực lượng và bảo đảm các vật chất cần thiết. Làm tốt công tác giáo dục, định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, quần chúng; huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng đấu tranh, vạch trần âm mưu, thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc, chống phá của chúng. Qua đó, giữ vững trận địa chính trị, tư tưởng của Đảng trong toàn quân, góp phần định hướng dư luận, giữ vững an ninh chính trị, an ninh tư tưởng trong toàn xã hội. Tuy nhiên, hoạt động này còn những hạn chế nhất định về quy mô, hiệu quả đấu tranh, lực lượng tiến hành; tính phối hợp, tổ chức thông tin đấu tranh chưa chuyên nghiệp; ngôn ngữ đấu tranh có lúc thiếu thuyết phục, v.v.
Thời gian tới, không gian mạng tiếp tục là “mảnh đất” màu mỡ để các thế lực thù địch sử dụng đẩy mạnh chống, phá với những âm mưu thủ đoạn mới, tinh vi hơn, nhất là việc lợi dụng trí tuệ nhân tạo (AI), ChatGPT đã và đang tạo ra những nguy cơ, thách thức mới. Do đó, nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng càng trở nên cấp bách, quan trọng hơn bao giờ hết. Là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc, Quân đội phải phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, nâng cao năng lực, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này trên không gian mạng - môi trường chiến lược, “vùng lãnh thổ đặc biệt” của Tổ quốc.
Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” và Đề án “Quân đội phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình hình mới”, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần xác định: đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng là nội dung quan trọng nhằm bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”; với nhiều diễn biến phức tạp; phải thực hiện quyết liệt, thường xuyên, lâu dài. Do đó, cần đưa nhiệm vụ này vào nghị quyết lãnh đạo thường kỳ của cấp ủy, tổ chức đảng. Xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung, phương pháp đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm, huy động đông đảo lực lượng tham gia. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho bộ đội về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Xây dựng đồng bộ cơ chế quản lý, bảo vệ, động viên các tổ chức, lực lượng, cá nhân tham gia; thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức đấu tranh; phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng, nhất là người đứng đầu cấp ủy, đơn vị trong triển khai tổ chức thực hiện. Thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm để vận dụng sáng tạo, phù hợp với tình hình trong từng thời kỳ; không giáo điều, rập khuôn máy móc; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái là mặt trận không tiếng súng, nhưng rất quyết liệt, khó khăn, phức tạp, lâu dài. Bởi vậy, nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, phẩm chất, năng lực cho bộ đội có vai trò hết sức quan trọng. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần quán triệt, giáo dục cho mọi quân nhân hiểu rõ các nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin; khẳng định tính khoa học, cách mạng, đúng đắn của học thuyết đối với giải phóng dân tộc, giai cấp và nhân loại trong điều kiện hiện nay. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự hội tụ, kết tinh, phát huy những giá trị tinh hoa của văn hóa, đạo đức dân tộc kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước nhằm hình thành, thực thi, truyền bá hệ giá trị cốt lõi, khát vọng hoà bình, độc lập, tự do, hạnh phúc của con người, dân tộc Việt Nam trong thời đại mới, v.v. Qua đó, làm cho cán bộ, chiến sĩ luôn nhận thức rõ, tin tưởng, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng; có nhận thức và sự lựa chọn đúng đắn trước những thông tin nhiều chiều về đời sống chính trị - xã hội, từ đó tạo ra khả năng “tự đề kháng” trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Để giáo dục hiệu quả, cần thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình, đa dạng hóa hình thức và phương pháp bảo đảm phù hợp với từng đối tượng; gắn với phát hiện, giải quyết dứt điểm những phát sinh tư tưởng của bộ đội. Đồng thời, phát huy vai trò đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền miệng cung cấp kịp thời, chính xác thông tin chính thống tới mọi cán bộ, chiến sĩ; lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vào nội dung giáo dục, sinh hoạt chính trị, tư tưởng, thông báo chính trị, thời sự. Bên cạnh đó, thường xuyên quán triệt, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, quy định phát ngôn; quản lý chặt chẽ hoạt động của quân nhân trên mạng xã hội, kịp thời chấn chỉnh, giúp đỡ quân nhân có biểu hiện dao động về tư tưởng, chính trị; có biện pháp xử lý trường hợp cố tình vi phạm những quy định của Đảng, Nhà nước, Quân đội.
Cùng với giữ vững lập trường, tư tưởng của bộ đội trước sự tấn công của thông tin xấu, độc, các cơ quan, đơn vị cần xây dựng lực lượng nòng cốt và phát huy vai trò của nhiều lực lượng trong đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Các cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu chọn người, giao nhiệm vụ cụ thể và bố trí thời gian phù hợp để hình thành các lực lượng. Ngoài tiêu chuẩn phẩm chất chính trị vững vàng, lực lượng nòng cốt phải có trình độ lý luận tốt; có khả năng diễn đạt, luận chiến thuyết phục; nhận diện nhanh, đúng vấn đề cần đấu tranh; kịp thời thu thập đủ thông tin và xây dựng được nội dung, biện pháp đấu tranh hiệu quả; cần có “hùng tâm, tráng khí” trong đấu tranh. Lực lượng nòng cốt cần phát huy tốt vai trò trong lựa chọn vấn đề, xác định đối tượng, phương pháp, tổ chức tin, bài đấu tranh. Cần được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về quân sự, quốc phòng, kinh tế, xã hội, công nghệ thông tin, nhất là kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm đấu tranh; phương pháp liên kết, phối hợp với cơ quan, đơn vị bạn, v.v.
Các cơ quan, đơn vị chú trọng kiện toàn lực lượng nòng cốt, có chính sách đãi ngộ thích đáng; quan tâm đầu tư trang bị, phương tiện kỹ thuật, công nghệ,… ngang tầm nhiệm vụ. Đồng thời, xây dựng lực lượng rộng khắp để hỗ trợ tạo số lượng lớn, tần suất đấu tranh cao thông qua việc bình luận, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực, nhằm áp đảo thông tin xấu, độc trên mạng. Đối với lực lượng chuyên trách tác chiến không gian mạng, cần cung cấp thông tin, xác định rõ những vấn đề trọng tâm, trọng điểm cần tập trung đấu tranh; tổ chức tập huấn cho lực lượng nòng cốt về kỹ thuật, công nghệ, biện pháp trinh sát, tấn công mạng, một số kinh nghiệm ứng phó, xử lý rủi ro, khủng hoảng truyền thông; tăng cường các biện pháp kỹ thuật phòng ngừa, nhận diện, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc; đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo phục vụ công tác này. Bên cạnh đó, các lực lượng của Quân đội cần phối hợp tốt với cơ quan truyền thông, lực lượng đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương trong trao đổi thông tin, tình hình; xử lý các vấn đề phức tạp, nhạy cảm.
Cùng với đấu tranh ẩn danh, cần tăng cường đấu tranh công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, Internet, mạng xã hội. Nếu đấu tranh ẩn danh là phương pháp mà người đấu tranh chỉ cung cấp thông tin, luồng tư tưởng mới xuất hiện, quan điểm cụ thể đối với vấn đề mà thế lực thù địch đưa ra để người đọc, người nghe tự suy ngẫm, xác minh vấn đề; tự tìm hướng đi, thì đấu tranh công khai mang tính khẳng định, định hướng,... sẽ cho chất lượng, hiệu quả cao hơn. Để thực hiện tốt, cần tổ chức đủ lực lượng và phương tiện. Trong đó, giao nhiệm vụ cho lực lượng nòng cốt: nhận diện, lựa chọn chủ đề cần đấu tranh; thu thập thông tin có nguồn gốc, biên tập thành bình luận, nhận xét, đánh giá khách quan, trung thực; xây dựng nội dung các bài viết đấu tranh có luận cứ, luận chứng đầy đủ, rõ ràng, ngắn gọn, phù hợp với các chuẩn trên mạng xã hội,... tạo sức thuyết phục, thu hút cộng đồng mạng. Để có hiệu quả cao, cần bám sát các sự kiện chính trị, dự báo thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch để định hướng đấu tranh; chuẩn bị bài viết chuyên sâu, sẵn sàng tài liệu chuyên khảo; đặt hàng chuyên gia, nhà khoa học viết bài về những vấn đề khó,… sẵn sàng đấu tranh, không bị động, bất ngờ, lúng túng. Bên cạnh đó, cần tăng cường xây dựng các trang web, blog, diễn đàn, chuyên trang, chuyên mục chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng,... để đăng tải các bài viết với nội dung tuyên truyền quan điểm chính thống, định hướng dư luận, xây dựng lòng tin, nền tảng vững chắc về tư tưởng cho nhân dân.
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội là cuộc đấu tranh quyết liệt, lâu dài và phức tạp. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, đi đầu, Quân đội tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, thực hiện tốt hơn nữa chức năng “đội quân công tác”, góp phần làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Đại tá, TS. CAO TRUNG HÀ, Học viện Kỹ thuật Quân sự
Quan điểm sai trái,thù địch,không gian mạng,đấu tranh phản bác,nâng cao hiệu quả
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc