Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 23/01/2020, 14:50 (GMT+7)
Nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng trong giữ vững an ninh, bảo vệ Tổ quốc

Giữ vững an ninh, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát đất nước là vấn đề cơ bản đối với mọi quốc gia - dân tộc. Vì thế, tìm các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng, giữ vững an ninh để xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc có ý nghĩa to lớn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”1. Trong sự nghiệp giữ vững an ninh, bảo vệ Tổ quốc, Người thường xuyên nhắc nhở các cơ quan, đơn vị chuyên trách phải luôn coi trọng và làm tốt công tác vận động quần chúng. Người yêu cầu phải: “Giáo dục cho mọi người thấm nhuần tinh thần làm chủ và nghĩa vụ giữ gìn trật tự trị an, nghĩa vụ bảo vệ bản làng và Tổ quốc”2. Bởi lẽ, “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”3. Để làm tốt công tác này, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”4.

Thấm nhuần tư tưởng của Người, qua các thời kỳ cách mạng, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt coi trọng công tác vận động quần chúng, xác định đây là biện pháp chiến lược, quan trọng, góp phần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết 25-NQ/TW, ngày 03-6-2013 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 06/2014/NĐ-CP, ngày 21-01-2014 “Về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội”. Quá trình thực hiện, các cấp, ngành, tổ chức, lực lượng quán triệt, triển khai với nhiều cách làm hay, sáng tạo và mang lại hiệu quả thiết thực.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phối hợp giữa Quân đội nhân dân với Công an nhân dân, Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các bộ, ngành, đoàn thể các cấp được đẩy mạnh, góp phần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia giữ vững an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Nội dung, hình thức và phương pháp vận động quần chúng ngày càng được đổi mới, bám sát tình hình thực tiễn, phù hợp các địa bàn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Công tác vận động quần chúng được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, hình thức đa dạng, phong phú, góp phần tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giúp nhân dân hiểu rõ quyền, nghĩa vụ tham gia giữ vững an ninh, bảo vệ Tổ quốc; âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tội phạm; tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, v.v. Qua đó, góp phần phát huy quyền là chủ và làm chủ của nhân dân; huy động được nguồn lực to lớn “tài dân, trí dân, lực dân” để giữ vững an ninh, bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, công tác vận động quần chúng nhân dân trong giữ vững an ninh, bảo vệ Tổ quốc còn những hạn chế, khó khăn, như: việc quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác vận động quần chúng ở một số nơi chưa triệt để; nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành có nơi, có lúc còn chậm đổi mới, thiếu linh hoạt, hiệu quả thấp; một số cán bộ làm công tác vận động quần chúng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Một bộ phận nhân dân chưa thấu hiểu quyền, nghĩa vụ trong tham gia giữ vững an ninh, bảo vệ Tổ quốc; nhẹ dạ cả tin, bị các thế lực thù địch, đối tượng cực đoan lợi dụng kích động, gây ra nhiều vụ việc phức tạp, tạo “điểm nóng” về an ninh trật tự. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên còn thiếu gương mẫu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, xa dân, vô cảm trước nguyện vọng chính đáng, khó khăn, bức xúc của nhân dân, v.v. Đó là thách thức không nhỏ đối với công tác vận động quần chúng tham gia giữ vững an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thực tiễn chỉ ra rằng, sự nghiệp giữ vững an ninh, bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng chỉ thành công khi tạo được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do vậy, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động quần chúng góp phần giữ vững an ninh, bảo vệ Tổ quốc, cần thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ chủ yếu sau:

Một là, các cấp ủy đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, lực lượng, địa phương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về công tác dân vận; Nghị định 06/2014/NĐ-CP, ngày 21-01-2014 “Về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội”, v.v. Qua đó, nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác vận động quần chúng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Coi đây là công tác thường xuyên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, lực lượng, địa phương; tích cực, chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác vận động quần chúng; xây dựng, triển khai các trương trình, kế hoạch, giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả, đặc biệt coi trọng công tác đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng và thực hiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ làm công tác vận động quần chúng. Kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót để chủ động có biện pháp khắc phục.

Thực hiện tốt Quy chế Công tác dân vận, Quy chế Dân chủ cơ sở; bám sát cơ sở, kịp thời nắm bắt tâm tư, giải quyết nhanh chóng, có hiệu quả tâm tư, nguyện vọng chính đáng, những ý kiến đóng góp, phản ánh của nhân dân. Tăng cường đối thoại, nâng cao chất lượng công tác tiếp xúc cử tri, thực hiện công tác tiếp dân đúng quy định, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần và tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Hai là, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong tổ chức, thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận. Đẩy mạnh, lan tỏa hơn nữa phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; trong đó, cần có những hành động thiết thực, cụ thể để tạo điểm nhấn, có sức lan tỏa của phong trào; tổ chức hiệu quả các hoạt động “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong sự nghiệp giữ vững an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh làm thất bại âm mưu, phương thức hoạt động của các thế lực thù địch, tội phạm, nhất là chiến lược “Diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, hòng kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng, với Quân đội và Công an, góp phần xây dựng thế trận an ninh nhân dân, nền quốc phòng toàn dân vững chắc.

Ba là, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp công tác vận động quần chúng trong sự nghiệp giữ vững an ninh, bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm thiết thực, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng lĩnh vực, địa bàn. Tập trung xây dựng, củng cố phong trào ở các địa bàn chiến lược, tuyến biên giới, biển, đảo, khu vực tập trung đồng bào tôn giáo, dân tộc thiểu số, địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự. Phát triển phong trào theo hướng xã hội hóa, theo quan điểm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và phương châm “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải” về an ninh, trật tự đến từng cơ quan, đơn vị, nhà trường, khu dân cư, gia đình; xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường an toàn về an ninh, trật tự; lựa chọn, xây dựng những mô hình tiêu biểu, nhân rộng trên các địa bàn, loại hình tổ chức có đặc điểm tương đồng. Tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội, tạo khí thế, động lực, khích lệ nhân dân tự giác, tích cực, chủ động tham gia giữ vững an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới lề lối làm việc, kiên quyết chống các biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động và tội phạm; tham gia thực hiện các Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, ma túy, tệ nạn mua, bán người; phát hiện, tố giác tội phạm, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; làm tốt việc cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tự tái hòa nhập cộng đồng. Cùng với đó, cần tích cực phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”; chú trọng các mô hình, điển hình tiên tiến công tác dân vận trong lĩnh vực an ninh, trật tự ở cơ sở, nhằm đưa công tác dân vận ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực.

Bốn là, tập trung nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách nhằm cụ thể hóa các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác vận động quần chúng, công tác xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Có chính sách phù hợp để động viên, khuyến khích kịp thời đối với quần chúng nhân dân tích cực tham gia phong trào trên. Đồng thời, chú trọng việc củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng Quân đội, Công an, Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên các cấp. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo “Thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và Ban Chỉ đạo “Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” các cấp. Thường xuyên củng cố, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ đối với cán bộ làm công tác dân vận và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong lực lượng vũ trang nhân dân, Ban Dân vận và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp. Bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác vận động quần chúng có đủ phẩm chất, trình độ, uy tín, góp phần trực tiếp nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng.

Thực hiện tốt những nội dung trên là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, mọi lực lượng, tạo cơ sở quan trọng để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, phát huy được sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân tham gia giữ vững an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

NGUYỄN VIỆT HÙNG - NGUYỄN THỊ THU HÀ

_____________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 6, Nxb. CTQG, H. 2011, tr. 234.

2 - Sđd, Tập 13, tr. 461.

3 - Sđd, Tập 7, tr. 270.

4 - Sđd, Tập 6, tr. 233 - 234.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.