Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 12/01/2023, 13:57 (GMT+7)
Nâng cao hiệu quả bảo đảm kỹ thuật thông tin thực hiện đánh địch tiến công hỏa lực trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Bảo đảm thông tin liên lạc kịp thời, thông suốt, vững chắc cho lãnh đạo, chỉ huy, điều hành tác chiến là nội dung quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc giành thắng lợi; trong đó, công tác bảo đảm kỹ thuật thông tin giữ vai trò then chốt trong duy trì sức sống của hệ thống thông tin. Phạm vi bài viết xin trao đổi cùng bạn đọc một số giải pháp chủ yếu nâng cao hiệu quả bảo đảm kỹ thuật thông tin thực hiện đánh địch tiến công hỏa lực trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Bảo đảm kỹ thuật thông tin là tổng thể các hoạt động, biện pháp tổ chức và kỹ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu về số lượng, chất lượng, đồng bộ trang bị kỹ thuật thông tin; duy trì sự hoạt động và tình trạng kỹ thuật của trang bị, phương tiện thông tin, bảo đảm khai thác có hiệu quả hệ thống thông tin, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc. Nghiên cứu các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trước đây và thực tiễn một số cuộc chiến tranh trên thế giới diễn ra gần đây cho thấy, công tác bảo đảm thông tin liên lạc khi thực hiện đánh địch tiến công hỏa lực trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) sẽ phải đương đầu với đối tượng có ưu thế về vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử rộng rãi, tác chiến không gian mạng và thực hành tiến công hỏa lực khắp các môi trường tác chiến. Trong khi đó, thành phần lực lượng tham gia đánh địch tiến công hỏa lực nhiều; hệ thống thông tin liên lạc là một trong các mục tiêu trọng yếu địch tập trung đánh phá ngay từ đầu và trong suốt quá trình tiến công hỏa lực của chúng. Để giữ vững thông tin liên lạc trong tác chiến đánh địch tiến công hỏa lực, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm kỹ thuật thông tin tác động trực tiếp đến việc hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy, người chỉ huy, chủ nhiệm, lực lượng thông tin cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau.

Một là, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, phương thức bảo đảm kỹ thuật thông tin; vận hành linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Cơ chế, phương thức bảo đảm kỹ thuật nói chung, bảo đảm kỹ thuật thông tin nói riêng là cơ sở pháp lý trong tổ chức, điều hành công tác bảo đảm kỹ thuật thông tin - nội dung cốt lõi để chỉ đạo lực lượng thông tin tiến hành bảo đảm kỹ thuật thông tin đạt hiệu quả cao trong tác chiến. Trong khi đó, hoạt động đánh địch tiến công hỏa lực thường diễn ra trong thời gian gấp, không gian rộng, nhiều thành phần lực lượng tham gia, tính chất rất ác liệt. Vì vậy, trên cơ sở cơ chế đã ban hành, cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện cơ chế, phương thức bảo đảm kỹ thuật hiện đại phù hợp với sự phát triển của hệ thống trang bị kỹ thuật thông tin. Đồng thời, cơ chế quản lý, điều hành đó cần thực hiện theo phân cấp, bảo đảm trang bị thông tin theo vùng, miền; sửa chữa tập trung, kết hợp thay thế khối, cụm và cấp đổi trang bị.

Với chức năng của cơ quan chủ nhiệm thông tin toàn quân, Binh chủng Thông tin liên lạc cần nghiên cứu, đề xuất với Bộ Quốc phòng tham mưu cho Nhà nước ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về huy động nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng viễn thông bổ sung cho lực lượng thông tin liên lạc thường trực của Quân đội trong các trạng thái quốc phòng. Bộ Quốc phòng cần có những quy định thống nhất về cơ chế, phương thức bảo đảm kỹ thuật thông tin phù hợp với điều kiện và đặc điểm tác chiến đánh địch tiến công hỏa lực trong toàn quân. Chủ nhiệm, cơ quan thông tin chiến trường; lực lượng thông tin các cấp tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm kỹ thuật thông tin. Thường xuyên nắm chắc tình hình trang bị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật thông tin trên các chiến trường, trong khu vực phòng thủ các cấp để làm căn cứ đề xuất chủ trương, biện pháp về quy hoạch sử dụng trang bị, đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật, cũng như nhu cầu xây dựng cơ sở kỹ thuật trên từng vùng, miền. Đồng thời, hiệp đồng chặt chẽ với cơ quan thông tin và truyền thông các địa phương trong huy động khả năng, tiềm lực tại chỗ để bảo đảm kỹ thuật thông tin, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc trong đánh địch tiến công hỏa lực trên từng chiến trường và trong phạm vi cả nước.

Hai là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong hoạt động bảo đảm kỹ thuật thông tin. Lực lượng bảo đảm kỹ thuật thông tin có vai trò quan trọng bảo đảm cho hoạt động chỉ huy, điều hành và bảo đảm kỹ thuật thông tin được tiến hành đồng bộ, thống nhất, đạt hiệu quả cao. Hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, cùng với phương tiện thông tin liên lạc của ta ngày càng được trang bị hiện đại, địch tăng cường sử dụng vũ khí công nghệ cao khi tiến công hỏa lực. Vì vậy, yêu cầu đặt ra về năng lực chỉ huy, quản lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng bảo đảm kỹ thuật thông tin phải không ngừng được nâng lên. Theo đó, cần nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực bảo đảm kỹ thuật thông tin đủ số lượng, cơ cấu hợp lý. Xây dựng lực lượng kỹ thuật hiện đại phù hợp với sự phát triển của hệ thống thông tin liên lạc; đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật thông tin có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi. Đồng thời, tổ chức xây dựng nguồn lực lượng dự bị động viên bảo đảm kỹ thuật thông tin hùng hậu, sẵn sàng huy động cả về nhân lực, cơ sở hạ tầng viễn thông bổ sung cho lực lượng thông tin liên lạc thường trực của Quân đội.

Thực hiện giải pháp này, Binh chủng Thông tin liên lạc cần xác định rõ tiêu chí cán bộ kỹ thuật thông tin các cấp từ cấp chiến lược, chiến dịch đến cấp phân đội thông tin; cụ thể hóa tiêu chuẩn cán bộ, nhân viên kỹ thuật thông tin đáp ứng yêu cầu khai thác, làm chủ trang bị khí tài thông tin hiện đại. Trên cơ sở đó, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo phù hợp. Tổ chức huấn luyện đồng bộ, toàn diện cho các đối tượng; thực hiện tốt phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc” và 3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp trong huấn luyện. Nội dung huấn luyện bảo đảm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật thông tin có sức khỏe dẻo dai; có kiến thức, kỹ năng làm chủ và khai thác, sử dụng thành thạo các trang bị khí tài hiện có, nhất là trang bị khí tài công nghệ cao; thuần thục kỹ thuật, chiến thuật chuyên ngành, giỏi về thông tin truyền thống, tinh nhuệ về thông tin cơ động. Ngoài ra, trong quá trình tác chiến, căn cứ vào tình hình thực tế chiến trường, kịp thời tổ chức bồi dưỡng, tập huấn những nội dung mới, đặc biệt là quy trình khắc phục, xử lý sự cố thông tin phát sinh trong quá trình thực hành tác chiến.

Ba là, kết hợp chặt chẽ các lực lượng trong bảo đảm kỹ thuật thông tin. Đây là giải pháp quan trọng, thể hiện sự vận dụng sáng tạo quan điểm của Đảng ta về phát huy sức mạnh tổng hợp trong bảo đảm kỹ thuật thông tin. Với cơ chế, phương thức bảo đảm kỹ thuật theo phân cấp như hiện nay; trong tác chiến đánh địch tiến công hỏa lực, mỗi cấp, mỗi lực lượng được trang bị các phương tiện bảo đảm kỹ thuật khác nhau. Vì vậy, để hỗ trợ, chi viện cho nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng bảo đảm kỹ thuật các cấp; giữa lực lượng cơ động với lực lượng tại chỗ; giữa công tác bảo đảm kỹ thuật cho phương tiện, trang bị thông tin truyền thống và trang bị thông tin hiện đại; giữa hệ thống thông thông tin liên lạc của quân sự với dân sự; giữa bảo đảm kỹ thuật của lực lượng thông tin liên lạc thường trực của Quân đội với ngành bưu chính viễn thông, các ngành kinh tế khác, v.v.

Để việc kết hợp trong bảo đảm kỹ thuật thông tin chặt chẽ, có hiệu quả, chủ nhiệm, cơ quan thông tin chiến trường cần xây dựng kế hoạch, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ giữa lực lượng thông tin và lực lượng bảo đảm kỹ thuật thông tin các cấp; xác định cụ thể nhiệm vụ, yêu cầu, phạm vi trách nhiệm của từng lực lượng trong bảo đảm kỹ thuật. Thường xuyên gắn nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật với nhiệm vụ, yêu cầu bảo đảm thông tin liên lạc trong các giai đoạn, tình huống tác chiến. Sử dụng các lực lượng phù hợp, phát huy được khả năng, sở trường của từng lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ. Binh chủng Thông tin liên lạc đề xuất Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin - Truyền thông chỉ đạo các địa phương thường xuyên tổ chức luyện tập, diễn tập về huy động, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm kỹ thuật thông tin trong các loại hình tác chiến, trong đó có đánh địch tiến công hỏa lực. Đồng thời, lực lượng thông tin toàn quân cần nâng cao khả năng khai thác, làm chủ công nghệ của các trang bị, phương tiện bảo đảm kỹ thuật thông tin mới, hiện đại của các ngành dân sự để sẵn sàng khai thác, sử dụng có hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Bốn là, làm tốt công tác bảo đảm trang bị, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa khí tài, phương tiện thông tin. Đây là giải pháp quan trọng nhằm duy trì số lượng, chất lượng trang bị, phương tiện thông tin đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc, tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng thông tin chiến trường hoàn thành nhiệm vụ. Tác chiến đánh địch tiến công hỏa lực diễn ra trong thời kỳ đầu chiến tranh, khả năng đánh phá của địch rất ác liệt; lượng vật chất tiêu hao lớn, phương tiện thông tin có thể bị tổn thất. Do đó, các đơn vị thông tin liên lạc cần thực hiện đầy đủ, chu đáo nội dung chuẩn bị bảo quản, bảo dưỡng kỹ thuật, niêm cất, sửa chữa trang bị thông tin cho các lực lượng tham gia tác chiến. Duy trì nghiêm túc nền nếp công tác bảo quản ngày, tuần để kịp thời phát hiện và khắc phục những hỏng hóc thông thường; tổ chức tốt bảo dưỡng định kỳ theo phân cấp. Các lực lượng thông tin trên chiến trường phải tổ chức tốt việc sửa chữa trang bị thông tin; tổ chức lực lượng sửa chữa hợp lý, sử dụng đúng thời điểm, khả năng chuyên môn, lấy sửa chữa tại chỗ là chính; phát huy vai trò của lực lượng sửa chữa cơ động.

Ngay trong thời bình, trên cơ sở chiến lược phát triển hệ thống thông tin liên lạc quân sự giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Binh chủng Thông tin liên lạc cần triển khai xây dựng các trung tâm, trạm sửa chữa hiện đại, đáp ứng yêu cầu sửa chữa các trang bị, phương tiện thông tin thế hệ mới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, mở rộng, tích hợp nhiều tính năng trên một trang bị để giảm số lượng, chủng loại, thuận tiện trong công tác bảo đảm kỹ thuật. Thực hiện tốt sự phối hợp với các doanh nghiệp trong nước làm chủ sản xuất trang bị thông tin cấp chiến thuật, chiến dịch đạt tiêu chuẩn quân sự. Nghiên cứu làm chủ các phần mềm và hệ điều hành trong hệ thống thông tin liên lạc quân sự. Trong tác chiến, duy trì thực hiện nghiêm công tác bảo quản, bảo dưỡng theo phân cấp; kịp thời phát hiện và khắc phục những hỏng hóc thông thường, duy trì các trang thiết bị thông tin luôn có hệ số kỹ thuật tốt. Tổ chức thực hiện đúng quy trình, vận dụng linh hoạt, sáng tạo khi khắc phục sự cố, tình huống thông tin liên lạc.

Đại tá, TS. LÊ XUÂN HÙNG, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Thông tin

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.