Thứ Bảy, 23/11/2024, 00:19 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức tự giác chấp hành và thực thi pháp luật cho đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn là nội dung quan trọng, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ngày càng vững mạnh. Đối với Thành phố Hà Nội - trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia thì thực hiện tốt vấn đề này càng có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết.
Đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là cấp xã) trên địa bàn Thành phố Hà Nội là lực lượng có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh,… của Thành phố. Để tương xứng với vị trí, vai trò đó, đòi hỏi đội ngũ này phải có phẩm chất, năng lực toàn diện; trong đó, ý thức chấp hành và năng lực thực thi pháp luật giữ vai trò quan trọng. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của Thành phố đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, tính tự giác tuân thủ pháp luật, đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã và đạt được kết quả khá toàn diện. Nổi bật là, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và chất lượng hoạt động, công tác của các ban, ngành, đoàn thể từng bước được nâng lên; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ được ngăn chặn, đẩy lùi; các hiện tượng vi phạm nguyên tắc, Điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước, đạo đức công vụ giảm rõ rệt; ý thức chấp hành và năng lực thực thi Hiến pháp, pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực, v.v.
Bên cạnh kết quả đạt được, một số cơ sở, địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; nội dung, hình thức giáo dục chưa phù hợp, chưa tạo được sự chuyển biến vững chắc về ý thức tự giác chấp hành pháp luật; năng lực thực thi pháp luật của một số cán bộ chủ chốt cấp xã chưa đáp ứng yêu cầu công tác, v.v. Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cấp của Thành phố cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, với nhiều giải pháp thiết thực, đồng bộ; trong đó, tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các cấp đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đây là giải pháp quan trọng, quyết định chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ chủ chốt cấp xã trên địa bàn Thành phố nói riêng. Điều đó đòi hỏi Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt việc quán triệt các văn bản của trên về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó tập trung vào Kết luận số 80-KL/TW, ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, v.v. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã và người đứng đầu các ban, ngành, đoàn thể trong phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã. Cùng với đó, chỉ đạo Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố phối hợp với cơ quan tư pháp nắm chắc các văn bản của trên, thực trạng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, kịp thời tham mưu cho Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành các chỉ thị, hướng dẫn về công tác này, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng và đặc điểm của từng địa phương.
Trên cơ sở chỉ đạo của Thành ủy, kế hoạch của Ủy ban nhân dân Thành phố, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã cần xây dựng chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, khoa học, sát thực tế. Quá trình triển khai thực hiện phải coi trọng các khâu, các bước, từ việc rà soát, lập danh sách đến việc tổ chức các lớp bồi dưỡng tập trung, phân công đội ngũ giáo viên, báo cáo viên,… nhất là việc phối hợp giữa các cấp, các ngành cũng như phát huy vai trò nòng cốt của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn. Đồng thời, xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ chủ chốt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng để mọi cấp, mọi ngành triển khai thực hiện. Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các quận, huyện, thị xã phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời đôn đốc, chỉ đạo giải quyết những vướng mắc nảy sinh trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này; triệt để khắc phục tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo, chỉ đạo, không phân rõ trách nhiệm; lấy kết quả phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân hằng năm.
Hai là, xác định đúng nội dung; chú trọng đổi mới hình thức, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật. Đây là yêu cầu tất yếu, bởi xác định đúng nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật không chỉ giúp đội ngũ cán bộ nắm chắc kiến thức cơ bản về pháp luật, mà còn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác trên cương vị chức trách được giao. Do đó, cấp ủy, chính quyền các cấp, người đứng đầu các ban, ngành, đoàn thể của Thành phố phải xác định nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật một cách khoa học, phù hợp, bảo đảm toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào những văn bản, chỉ thị pháp luật mới, nội dung còn yếu, còn thiếu, tránh dàn trải, chung chung, thiếu thực tiễn. Ngoài những vấn đề liên quan đến chức trách, nhiệm vụ, đạo đức công vụ của người cán bộ cơ sở, như: pháp luật về dân sự, hành chính, kinh tế; quy chế tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; những quy định của pháp luật liên quan đến quản lý nhà nước, quản lý xã hội; quy chế, điều lệ công tác, nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của trên,… thì cần tập trung vào những vấn đề cấp bách do thực tiễn đặt ra, theo từng chuyên đề, nhiệm vụ, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, cơ sở, nhất là các nội dung liên quan đến quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, v.v.
Do đặc điểm các nội dung pháp luật là những nguyên tắc, quy định,… “khô cứng” nên trong phổ biến, giáo dục, cơ quan chuyên trách phải tiếp tục đa dạng hóa các hình thức, phương pháp phổ biến, giáo dục, từ giới thiệu chuyên đề đến thảo luận, hỏi đáp, kiểm tra nhằm khơi dậy tinh thần hào hứng, say mê, nhiệt huyết trong học tập, nghiên cứu làm chủ nội dung. Theo đó, cùng với tiếp tục duy trì các hình thức: tập huấn, bồi dưỡng, tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề, thông báo chính trị, thời sự, cung cấp các ấn phẩm, tài liệu, tờ rơi, pa nô, áp phích và hệ thống truyền thanh, truyền hình, báo chí,… cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cấp cần chú trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo tập trung mở rộng các hình thức: giáo dục pháp luật chuyên biệt; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; khai thác, sử dụng có hiệu quả tủ sách, ngăn sách pháp luật; bổ sung các loại sách, báo, tài liệu mới về pháp luật, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của đội ngũ cán bộ.
Ba là, quan tâm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Không giống với các nội dung giáo dục chính trị tư tưởng khác, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ đòi hỏi độ chính xác cao và tuân thủ đúng yêu cầu của các văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp của Thành phố cần tập trung chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ, phương pháp, kỹ năng cho cán bộ chuyên trách làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Việc bồi dưỡng phải mang tính toàn diện, kết hợp chặt chẽ giữa bồi dưỡng chung và bồi dưỡng theo nhóm, chuyên đề, chuyên sâu. Quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách đủ về số lượng, chất lượng ngày càng cao, có kiến thức sâu rộng về pháp luật, có tác phong và kỹ năng sư phạm khoa học. Cùng với đó, tạo mọi điều kiện để cán bộ chuyên trách tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nghiệp vụ về pháp luật do cấp trên tổ chức, nhằm nâng cao trình độ, năng lực phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ này. Ngoài ra, lực lượng này cũng cần tích cực, tự giác học tập, nghiên cứu, trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao kiến thức pháp luật trên các lĩnh vực; thường xuyên rèn luyện kỹ năng sư phạm, phương pháp công tác để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Bốn là, phát huy tính tích cực, gương mẫu của đội ngũ cán bộ chủ chốt trong tự học tập, rèn luyện nâng cao kiến thức, hiểu biết và năng lực xử lý các tình huống pháp luật. Đây vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm, nhưng cũng là giải pháp quyết định chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã. Để làm được điều đó, cấp ủy, chính quyền các cấp của Thành phố phải thường xuyên quán triệt các điều kiện, tiêu chuẩn của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở, nhất là điều kiện, tiêu chuẩn về hiểu biết và thực hành pháp luật trong thực thi công vụ; hướng đội ngũ cán bộ chủ chốt tự học tập, rèn luyện một cách toàn diện cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, thói quen hành vi, đạo đức công vụ, phương pháp, tác phong công tác và cách thức xử lý các tình huống pháp luật thường gặp khi thực thi nhiệm vụ. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện cầm chừng, đối phó, lợi dụng việc đề cao tự học tập, rèn luyện mà xem nhẹ vai trò định hướng, tổ chức, kiểm tra của cấp trên, từ đó thiếu tích cực, chủ động trong tự học tập, rèn luyện. Bên cạnh đó, cần chuẩn hóa các chỉ tiêu, định mức phấn đấu học tập, rèn luyện sát với đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã; lấy kết quả tự học tập, rèn luyện, chấp hành pháp luật, kỷ luật làm tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng tổ chức, cá nhân hằng năm và trong từng giai đoạn. Cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các ban, ngành, đoàn thể cũng cần quan tâm tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ tự học tập, rèn luyện, nghiên cứu các nội dung về pháp luật.
Đi cùng với các giải pháp trên, cần tập trung xây dựng, củng cố các quan hệ ứng xử văn hóa pháp luật ở cơ quan, đơn vị, nhất là các mối quan hệ cấp trên, cấp dưới, đồng chí, đồng nghiệp theo đúng quy định, quy chế và truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc; quản lý chặt chẽ việc chấp hành pháp luật, kỷ luật của đội ngũ cán bộ trong mọi lúc, mọi nơi, trong mọi nhiệm vụ; quan tâm xây dựng môi trường văn hóa pháp luật lành mạnh trong cơ quan, đơn vị.
LƯƠNG HUỆ MINH, Phó Ban Pháp chế quận Hà Đông
Thành phố Hà Nội,đội ngũ cán bộ chủ chốt,phổ biến,giáo dục pháp luật
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc