Thứ Bảy, 23/11/2024, 13:57 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Công tác dự báo nói chung, dự báo chiến lược trong lĩnh vực quốc phòng nói riêng là cơ sở, luận cứ quan trọng để xây dựng, hoạch định đường lối, chính sách quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc của Đảng và Nhà nước. Trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, thực hiện tốt nội dung này sẽ giúp chúng ta chủ động ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra, hạn chế được nguy cơ và tận dụng tốt thời cơ do toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế mang lại.
Xét về bản chất, dự báo là sự nhận định về tương lai của các ngành, lĩnh vực dựa trên các căn cứ và phương pháp khoa học, được phân loại theo nhiều tiêu chí và cấp độ khác nhau; trong đó, dự báo chiến lược (DBCL) là cấp độ cao nhất, mang tầm chiến lược. Đây là yêu cầu quan trọng nhất của nghiên cứu chiến lược (NCCL). Kết quả của nó là cơ sở chủ yếu để định ra đường lối và hoạch định chiến lược của các quốc gia.
Đối với nước ta, công tác DBCL được coi trọng và triển khai thực hiện trên nhiều lĩnh vực, cả về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh (QP-AN) và đối ngoại. Trong lĩnh vực quốc phòng, công tác DBCL đã được Đảng và Nhà nước quan tâm ngay từ ngày đầu thành lập nước và ngày càng phát triển, hoàn thiện trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng kinh tế, đạt được những kết quả quan trọng. Trong thời kỳ đất nước có chiến tranh, công tác DBCL đã quán triệt và vận dụng sáng tạo quan điểm, đường lối của Đảng trong từng giai đoạn cách mạng để đưa ra các đánh giá, dự báo sát, đúng tình hình (địch, ta, trong nước và quốc tế), góp phần quan trọng đánh thắng hai đế quốc đầu sỏ là Pháp và Mỹ, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công tác DBCL được tổ chức chặt chẽ, triển khai
đồng bộ và tương đối toàn diện trên các nội dung, nhất là dự báo về tình hình thế giới, khu vực và trong nước; các thách thức và tình huống về quốc phòng thời bình, các hình thái chiến tranh có thể xảy ra, góp phần chủ động xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống về quốc phòng, bảo đảm cho Tổ quốc không bị bất ngờ trong mọi tình huống. Kết quả của DBCL còn góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ngày càng vững chắc, tạo cơ sở, nền tảng để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, công tác DBCL cũng còn những hạn chế, điều đó được biểu hiện ở chất lượng DBCL chưa cao; cơ sở khoa học của DBCL chưa thật đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác tham mưu trong quá trình hoạch định các chiến lược quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Sự phối hợp giữa các cơ quan nghiên cứu, DBCL chưa chặt chẽ; các công cụ, phương pháp và đội ngũ cán bộ làm công tác này còn nhiều bất cập.
Hiện nay, tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng. Bên cạnh thuận lợi, chúng ta phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là sự cạnh tranh gay gắt về kinh tế cùng các quan hệ chính trị, kinh tế, QP-AN và đối ngoại tồn tại đan xen, phức tạp, chịu tác động của nhiều yếu tố khó lường cả ở trong nước và quốc tế. Vì vậy, nghiên cứu và nâng cao chất lượng công tác DBCL trong lĩnh vực quốc phòng là vấn đề quan trọng, cấp thiết nhằm phục vụ thiết thực cho việc hoạch định các chiến lược, sách lược trong lĩnh vực QP-AN, đối ngoại cũng như đáp ứng đòi hỏi đổi mới cơ chế quản lý và kế hoạch hoá nền kinh tế đất nước. Để thực hiện tốt yêu cầu đó, cần tập trung làm tốt một số giải pháp sau.
Một là, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp quản lý từ Trung ương đến các bộ, ngành đối với công tác DBCL trong lĩnh vực quốc phòng. Xuất phát từ đặc điểm của DBCL trong lĩnh vực quốc phòng là sự tư duy ở tầm vĩ mô, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, với nhiều cơ quan, đơn vị tham gia; tầm bao quát ở phạm vi rộng (cả trong nước và quốc tế); tính chất, kết quả của dự báo có ảnh hưởng trực tiếp đến sự an nguy của đất nước và chế độ. Vì vậy, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp quản lý, nhất là của người đứng đầu Đảng, Nhà nước và lãnh đạo, chỉ huy cấp chiến lược (các bộ, ngành và cơ quan NCCL) đối với công tác này giữ vai trò rất quan trọng. Yêu cầu đặt ra trong lãnh đạo, chỉ đạo DBCL trên lĩnh vực quốc phòng phải bảo đảm theo đúng định hướng của Đảng; nâng cao chất lượng dự báo một cách toàn diện, có chiều sâu, nhằm đưa ra các luận cứ có giá trị, mang tính khoa học cao, phục vụ có hiệu quả cho lãnh đạo, chỉ huy về các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS,QP) và dự báo tác động đến phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong từng giai đoạn, thời kỳ. Để đáp ứng yêu cầu đó, trước hết, công tác lãnh đạo, chỉ đạo DBCL phải quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối QS,QP của Đảng; trên cơ sở đó đề ra nhiệm vụ, phạm vi dự báo, quy định hệ thống tổ chức, cơ chế phối hợp, quy chế bảo mật và phổ biến thông tin cùng các quy định về hợp tác quốc tế, đầu tư tài chính… Bên cạnh đó, cần tập trung nâng cao nhận thức của các cấp quản lý và cơ quan nghiên cứu, dự báo về vai trò, vị trí của công tác DBCL. Phải coi dự báo là một khâu quan trọng, cần thiết không thể thiếu trong quá trình ra quyết định và ban hành các chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời, phải thấy hết tính chất khó khăn, phức tạp của công tác này để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư tương xứng với vị trí và yêu cầu của nó trong tình hình mới.
Đối với cơ quan nghiên cứu, dự báo, phải thường xuyên quán triệt và tuân thủ đầy đủ ý định của người lãnh đạo, chỉ huy cấp chiến lược. Các cấp ủy đảng ở phạm vi chiến lược, cần có nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo NCCL nói chung, DBCL nói riêng. Trong đó, người chỉ huy cần có ý định cụ thể và thực hiện sự chỉ đạo thường xuyên đối với công tác DBCL. Trong ý định phải nêu rõ mục tiêu, yêu cầu và nội dung cần dự báo; những định hướng lớn phục vụ nhiệm vụ QS,QP; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có cơ chế hợp lý đánh giá độ tin cậy của các dự báo và sử dụng các kết quả đó, bảo đảm cho công tác DBCL được đúng ý định, phục vụ kịp thời cho lãnh đạo, chỉ huy ở cấp chiến lược.
Hai là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, DBCL. Đây là nội dung quan trọng có tính quyết định đến việc nâng cao chất lượng công tác DBCL trong tình hình mới. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc có sự phát triển mới, cao hơn, đòi hỏi người làm công tác dự báo không những phải có kiến thức toàn diện, kiến thức chuyên môn sâu, sử dụng thành thạo công cụ hỗ trợ mà còn phải có hiểu biết sâu về phương pháp luận dự báo, kỹ năng phân tích, xử lý thông tin và khả năng phối, kết hợp chặt chẽ trong quá trình dự báo. Trong khi đó, phần lớn cán bộ làm công tác dự báo hiện nay chưa được đào tạo chuyên sâu; khả năng, kỹ năng nhiều mặt còn hạn chế; thậm chí nhiều người còn chưa qua lãnh đạo, chỉ huy cấp chiến dịch, chiến lược, kinh nghiệm tích lũy còn ít. Vì vậy, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác DBCL là vấn đề quan trọng, vừa cấp thiết trước mắt, vừa cơ bản lâu dài, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng DBCL trong điều kiện mới. Để làm được điều đó, trước mắt cần kiên quyết tuyển chọn, điều động cán bộ có trình độ và khả năng tư duy nhạy bén, đã qua lãnh đạo, chỉ huy và làm công tác ở cơ quan cấp chiến lược về cơ quan NCCL. Đồng thời, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác NCCL hiện có, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác DBCL trong điều kiện hội nhập quốc tế. Ngoài việc đào tạo cán bộ tại các học viện trong Quân đội, có thể gửi đi đào tạo ở các học viện, nhà trường ngoài Quân đội để bồi dưỡng kiến thức toàn diện, hoặc có thể nghiên cứu mở các lớp bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ nghiên cứu khoa học nói chung, nghiên cứu DBCL nói riêng. Trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng cần tập trung trang bị một số kỹ năng cơ bản trong phân tích vấn đề được dự báo cũng như nâng cao kỹ năng thực hành công tác dự báo. Trong đó, cần xác định rõ những nội dung về phân tích, dự báo mà chuyên gia trong nước có thể đảm nhiệm được; những nội dung cần được đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài hoặc do các chuyên gia nước ngoài thực hiện. Đặc biệt chú trọng và có phương án triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ để cán bộ có thể tiếp cận nhanh với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, các phương pháp và công cụ dự báo. Bên cạnh đó, cần có chính sách hợp lý để động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ nghiên cứu, nhất là chính sách đãi ngộ và kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ đối với những cán bộ có năng lực nghiên cứu; chính sách thu hút cán bộ có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ huy cấp chiến lược đã nghỉ hưu, nhằm tận dụng, phát huy tối đa khả năng, trí tuệ các chuyên gia trong nghiên cứu, DBCL, góp phần hoạch định các chiến lược và chính sách quốc phòng của Đảng và Nhà nước.
Ba là, tiếp tục củng cố, phát triển các cơ quan nghiên cứu, DBCL trong lĩnh vực quốc phòng và phối hợp có hiệu quả với các lĩnh vực nghiên cứu, dự báo khác của đất nước. Hiện nay, việc nghiên cứu, DBCL trong lĩnh vực quốc phòng được thực hiện ở nhiều cơ quan; trong đó, có cơ quan chuyên trách, như: Viện Chiến lược Quốc phòng, các cơ quan nghiên cứu trong các tổng cục, học viện, nhà trường và ở các quân chủng, binh chủng… Mặc dù được thực hiện ở nhiều cơ quan, nhưng việc bố trí nghiên cứu, dự báo còn phân tán; chức năng và tổ chức biên chế chưa hợp lý; sự phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống nghiên cứu còn nhiều bất cập, thậm chí khép kín, nên các kết quả dự báo chưa có đủ cơ sở vững chắc, tính tổng thể không cao. Để củng cố, xây dựng các cơ quan nghiên cứu ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ, ngoài việc xác định rõ chức năng, tổ chức biên chế, công tác bảo đảm và xây dựng đội ngũ cán bộ, cần xây dựng một cơ quan trung tâm (có thể là Viện Chiến lược Quốc phòng), đặt dưới sự chủ trì của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, làm nhân cốt trong nghiên cứu, DBCL. Cơ quan này sẽ giữ vai trò chủ trì trong xây dựng các quy chế về NCCL, cơ chế cung cấp và xử lý thông tin, chế độ thông tin về kết quả DBCL, các quy chế về hội nghị, hội thảo, xin ý kiến,… cũng như xác định rõ trách nhiệm của cơ quan nghiên cứu theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Quốc phòng là lĩnh vực có tính đặc thù riêng, nhưng không thể tách rời các lĩnh vực khác của đời sống xã hội và việc thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng phải nằm trong tổng thể chung thực hiện các nhiệm vụ khác của đất nước. Vì vậy, nghiên cứu, DBCL về quốc phòng phải được xem xét toàn diện trên các mặt của đời sống xã hội, như: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại và chỉ có thông qua tổng thể ấy mới có thể đưa ra những dự báo có cơ sở khoa học vững chắc. Theo đó, cần sớm nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế phối hợp thực hiện công tác dự báo, nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan NCCL về quốc phòng với cơ quan nghiên cứu của các ngành, các cấp trong các lĩnh vực khác để chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, tận dụng kết quả nghiên cứu, dự báo của nhau, làm cho chất lượng DBCL tốt hơn, có độ tin cậy cao hơn.
Cùng với các giải pháp trên, chúng ta cần đẩy mạnh mở rộng hợp tác quốc tế về công tác này, nhất là trao đổi thông tin khoa học, hỗ trợ kỹ thuật và tiếp cận các phương pháp, công cụ dự báo tiên tiến, hiện đại của các nước trên thế giới, nhằm nâng cao chất lượng công tác DBCL trên lĩnh vực quốc phòng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trung tướng, PGS, TS. TRẦN THÁI BÌNH
Viện Chiến lược Quốc phòng - Bộ Quốc phòng
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc