Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:13 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Giao thông là ngành có tính lưỡng dụng cao, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh. Để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Hiện nay, giao thông đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu trong chương trình đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của Đảng và Nhà nước ta. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định: “Hình thành cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại là một đột phá chiến lược, là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH và cơ cấu lại nền kinh tế. Tập trung rà soát và hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng trong cả nước và trong từng vùng, nhất là giao thông, thủy điện, thủy lợi, bảo đảm sử dụng tiết kiệm các nguồn lực và hiệu quả kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường”1.
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng và phát triển giao thông trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành Giao thông vận tải đã chú trọng xây dựng hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường không, đường sắt một cách cơ bản, đồng bộ, trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả phát triển KT-XH và quốc phòng - an ninh của đất nước. Tuy nhiên, để kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa yêu cầu phát triển kinh tế với tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo đảm thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển KT-XH và nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, vấn đề quan trọng trước hết là phải từng bước xây dựng được một hệ thống giao thông đồng bộ, vững chắc, mang tính chiến lược lâu dài, có thể sử dụng được nhiều loại phương tiện, phát huy được khả năng bổ trợ cho nhau khi cần thiết. Vì thế, trong công tác quy hoạch cần phải coi trọng khai thác có hiệu quả cả hệ thống đường bộ, đường thủy, đường không và đường sắt, vừa bảo đảm phục vụ tốt cho nhiệm vụ phát triển KT-XH, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng. Trong thời bình, để phát huy tốt tính lưỡng dụng của hệ thống giao thông, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhu cầu giao thông dân sự và nhu cầu giao thông quân sự để hoạch định chiến lược, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển giao thông cho phù hợp với điều kiện thực tiễn nước ta; trong đó, chú ý xác định yêu cầu cần đạt được đối với từng hạng mục giao thông cụ thể.
Đối với giao thông đường bộ. Những năm gần đây, điều kiện bảo đảm cho phát triển giao thông đường bộ còn gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn, cơ chế, chính sách, giá nhiên liệu và sự cạnh tranh gay gắt về thị phần vận tải,… Song, được sự quan tâm của Chính phủ, mà trực tiếp là Bộ Giao thông vận tải, cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và bằng nguồn vốn đầu tư trong nước, ngoài nước, vốn vay ODA,… nhiều công trình giao thông đường bộ huyết mạch quan trọng của đất nước đã được khôi phục, nâng cấp hiện đại. Trục đường Bắc - Nam đã được cải tạo, nâng cấp và mở rộng từ Hữu Nghị Quan đến Năm Căn; hệ thống Đường Hồ Chí Minh được nối thông từ Cao Bằng đến Đất Mũi (Cà Mau); đường tuần tra biên giới hoàn thành đã thiết thực góp phần tích cực vào phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng. Song, để phát huy có hiệu quả hơn nữa, chúng ta cần chú trọng nâng cấp và hoàn thiện cả hệ thống đường liên tỉnh, liên huyện, giao thông nông thôn, miền núi phục vụ đắc lực cho yêu cầu phát triển kinh tế và tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, cần chú ý khả năng bảo đảm cơ động cho các lực lượng trong thế trận phòng thủ của từng địa phương cũng như trên từng hướng chiến lược. Các tuyến đường xuyên Việt, xuyên Á, đường cao tốc cần nghiên cứu kết hợp xây dựng các khu dân cư, tạo dựng hành lang kinh tế, xây dựng một số đoạn đường chiến lược có thể trở thành các công trình quân sự dã chiến làm sân bay, nơi sơ tán, cất giấu vũ khí, trang bị, lương thực, thực phẩm; bảo đảm năng lượng và cơ động triển khai lực lượng khi có tình huống chiến tranh xảy ra. Hệ thống cầu trên các tuyến đường bộ và đường sắt, nhất là những cầu lớn, cần chú ý việc bảo đảm tải trọng trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và phải có biện pháp, phương án xây dựng các công trình ngụy trang, nghi binh, đường vòng tránh, đường ngầm, cầu phụ… nhằm phát huy có hiệu quả cả về kinh tế và quốc phòng.
Vì thế, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng cần có sự phối hợp chặt chẽ trong nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Chính phủ khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển các loại hình công trình giao thông, nhất là giao thông ngầm tại các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội trên các vùng, miền và các hướng chiến lược trọng yếu của đất nước. Bởi việc “ngầm hoá” hệ thống giao thông là một trong các biện pháp quan trọng để bảo vệ tiềm lực và các mục tiêu trọng điểm trong chống chiến tranh xâm lược địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Các công trình giao thông dưới lòng đất, lòng sông sẽ góp phần giải quyết vấn đề an ninh giao thông, an ninh đô thị, trật tự, an toàn xã hội và trong các tình huống đó thì vai trò, tác dụng của các công trình ngầm trong phòng tránh, đánh trả sự tiến công bằng hoả lực của đối phương là rất hiệu quả. Tuy nhiên, để có thể phát huy hiệu quả tổng hợp cả về kinh tế và quốc phòng thì phải phát huy cao nhất tính năng động của đội ngũ làm công tác xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là xây dựng quy hoạch, kế hoạch và thực hiện các dự án nhằm thể hiện tốt nhất sự kết hợp giữa hai lĩnh vực, bảo đảm cho các công trình giao thông ngầm có tính lưỡng dụng cao và có khả năng chuyển hoá nhanh từ công trình dân dụng thành công trình quân sự khi cần thiết.
Đối với hệ thống giao thông đường thủy. Hiện nay, hệ thống này có vai trò hết sức quan trọng trong việc kết nối giữa các vùng, miền và với các nước láng giềng trong khu vực. Ưu điểm của hệ thống giao thông đường thủy là bằng các tuyến đường (luồng, lạch) sẵn có tự nhiên, không phải đầu tư nhiều thời gian, công sức, vật liệu để xây dựng và khai thác như các loại đường khác. Hệ thống cảng biển nước ta phần lớn đều được thiết lập trên điều kiện tự nhiên, được phân bố từ Cửa Ông đến Hà Tiên và kết nối liên thông với hệ thống cảng sông trên địa bàn cả nước. Để thực hiện tốt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, trong quá trình triển khai thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, cần bố trí thật hợp lý lực lượng, trang thiết bị phù hợp, đáp ứng yêu cầu đề ra. Đặc biệt, cần chú trọng tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ tốt cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới, nhất là về quy mô cảng biển. Đối với cảng Cam Ranh, cần xây dựng thành cảng dịch vụ tổng hợp, vừa phục vụ tốt cho nhu cầu của Hải quân nước ta, vừa sẵn sàng cung cấp dịch vụ hải quân cho các quốc gia khác, kể cả tàu ngầm khi họ có nhu cầu. Đây là cách tốt nhất để không chỉ khẳng định vị thế của Việt Nam, mà còn nối dài cách tiếp cận đa phương hóa trong sử dụng cảng, bảo đảm quyền tự do hàng hải trên Biển Đông. Khi các trung tâm cảng dịch vụ hậu cầu - kỹ thuật đi vào hoạt động, các tàu nước ngoài sẽ được cung cấp dịch vụ về nhiên liệu, nhu yếu phẩm, bảo dưỡng, sửa chữa và các hoạt động về du lịch. Nguồn tài chính thu được từ các dịch vụ này sẽ tăng cường cho các hoạt động dân sự và quân sự. Đó cũng là cơ hội để chúng ta có điều kiện nghiên cứu, tiếp cận những công nghệ đóng tàu hiện đại của các nước trên thế giới.
Đối với hệ thống giao thông đường sắt. Ưu điểm của loại hình giao thông này là hoạt động suốt ngày, đêm và có khả năng vận chuyển khối lượng hàng hóa lớn đến nhiều hướng trung tâm. Việc đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt tương đối tốn kém, nhưng khả năng vận chuyển cao sẽ đáp ứng tốt cho yêu cầu tập trung có quy mô lớn, nhất là các trung tâm công nghiệp phát triển, đẩy nhanh sự phân công lao động giữa các vùng, miền và các ngành. Xét về mặt địa lý, Việt Nam là một nước có chiều sâu lãnh thổ hẹp, hệ thống đường sắt dễ bị đánh phá, chia cắt, nhất là tuyến đường sắt theo chiều dài đất nước. Do đó, để kết hợp tốt kinh tế với quốc phòng, ngành đường sắt cần hết sức chú trọng đến việc hiện đại hóa kết cấu hạ tầng. Các nhà ga phục vụ hành khách trên những địa bàn chiến lược cần được xây dựng kiên cố cả về bề nổi và chiều sâu. Trên mặt đất là nhà ga với đầy đủ vai trò, tính năng, tác dụng chỉ huy điều hành vận tải thông suốt; bảo đảm cho hành khách lên, xuống tàu thuận tiện và nhanh chóng sơ tán khi cần thiết. Dưới mặt đất là sở chỉ huy dự phòng, hầm trú ẩn, kho cất giữ các mặt hàng chiến lược. Hệ thống đường sắt đi qua các vùng trọng điểm cần được che bằng những cánh rừng tự nhiên và trồng mới, nhằm hạn chế các phương tiện trinh sát của đối phương nếu chiến tranh xảy ra. Hệ thống đường hầm xuyên núi có đường sắt chạy qua, phải thường xuyên được cải tạo, củng cố để bảo đảm an toàn chạy tàu trong thời bình và trở thành hầm trú ẩn, nơi cất giấu hàng hóa, vũ khí quân dụng trong thời chiến.
Đối với giao thông đường không. Cùng với việc củng cố các sân bay nội địa thuộc 3 cụm cảng hàng không: miền Bắc, miền Trung và miền Nam; cần mở rộng quy hoạch Sân bay quốc tế Nội Bài, nhà ga hành khách và Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; phải có các phương án bảo vệ, sơ tán khi bị địch tiến công đánh phá, nhất là phải có sự thống nhất trong quy hoạch, kế hoạch khôi phục, củng cố hệ thống sân bay toàn quốc, bảo đảm được tính lưỡng dụng của cả sân bay dân dụng và sân bay quân sự; tiếp tục nâng cấp hệ thống các sân bay, đổi mới đồng bộ về trang bị kỹ thuật, như: đường dẫn bay, thiết bị phục vụ bay, tăng cường các loại máy bay thế hệ mới, bảo đảm an toàn mọi mặt trong các chuyến bay; mở thêm các tuyến bay mới trên cơ sở liên doanh, liên kết, hợp tác với nước ngoài. Đi đôi với phát triển sản xuất, kinh doanh, ngành Hàng không cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các công ty, đơn vị tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Điều đó phải được cụ thể hóa trong từng nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, từng hợp đồng kinh tế, nhất là các hợp đồng với đối tác nước ngoài. Mỗi chuyến bay không chỉ đơn thuần về lợi ích kinh tế, mà còn khẳng định chủ quyền quốc gia; kịp thời phát hiện và thông báo cho các cơ quan chức năng về lực lượng, tàu, thuyền, máy bay nước ngoài xâm phạm vùng trời, vùng biển và vùng lãnh thổ của Tổ quốc.
Cùng với việc xây dựng đồng bộ các hệ thống giao thông nêu trên, chúng ta cần tiếp tục xây dựng hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu hiện đại trên cả ba miền (Bắc, Trung, Nam) phục vụ cho sự nghiệp đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước, như: hệ thống dẫn dầu xuyên Việt, từ Cửa Lò (Nghệ An) đến Xiêng Khoảng và Viên Chăn (Lào); đường dẫn dầu từ Đông Nam châu thổ Sông Hồng đến Hà Nội; từ Vũng Tàu đến thành phố Hồ Chí Minh… Trong tương lai, hệ thống đường ống sẽ phát triển nhanh, mạnh, không chỉ sử dụng để dẫn khí, chất hóa lỏng mà còn có các đường ống dẫn hàng hóa dạng hạt, chuyển sản phẩm từ các trung tâm sản xuất đến các cảng biển, cảng sông, các trung tâm tiêu thụ… Vấn đề đặt ra là, quy hoạch xây dựng, củng cố hạ tầng cơ sở hệ thống đường ống này cần bố trí phù hợp với thế trận hậu cần, kỹ thuật của khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) để vừa đáp ứng cho việc đẩy mạnh phát triển kinh tế trong thời bình, lại vừa phục vụ tốt việc cung ứng nhiêu liệu, hàng hoá cho yêu cầu quốc phòng khi chiến sự xảy ra.
Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo đồng bộ, hợp lý, từng bước hiện đại, tạo nên mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết các phương tiện, các vùng lãnh thổ, đô thị và nông thôn trên phạm vi toàn quốc sẽ bảo đảm hài hoà giữa phát triển kinh tế với tăng cường tiềm lực quốc phòng của từng địa phương và cả nước. Đây chính là nhân tố quan trọng giúp cho giao thông “đi trước một bước” trong việc thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại như Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã đề ra.
Trung tá, ThS. NGUYỄN VĂN HOAN
Học viện Chính trị
___________
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 117 - 118.
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc