Thứ Sáu, 13/09/2024, 16:18 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Đặc trưng cơ bản của tác chiến đặc công là “lấy ít đánh nhiều” bằng nghệ thuật tạo thế đánh hiểm, đánh gần, bí mật, táo bạo, bất ngờ. Vì thế, để hoàn thành nhiệm vụ khi tham gia chiến dịch tiến công trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, lực lượng đặc công phải quán triệt, thực hiện tốt các yêu cầu đặt ra đối với loại hình chiến dịch này.
Trong tác chiến chiến dịch nói chung, chiến dịch tiến công nói riêng, đặc công luôn là lực lượng “đặc biệt tinh nhuệ”, được sử dụng để thực hiện những nhiệm vụ “đặc biệt”, đánh vào các mục tiêu quan trọng, nhạy cảm, hiểm yếu trong chiều sâu phòng ngự của địch, tạo thế, thời cơ có lợi, thậm chí thúc đẩy tạo đột biến chiến dịch. Tùy theo quy mô, tính chất và địa bàn chiến dịch, lực lượng đặc công có thể được tổ chức với nhiều quy mô, thành phần khác nhau (đặc công bộ, đặc công nước, đặc công đặc nhiệm). Tuy vậy, trong điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), việc phát huy lối đánh sở trường, truyền thống: đánh đêm, đánh gần, bí mật luồn sâu, đánh hiểm,... của lực lượng đặc công sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là khi đối tượng tác chiến tổ chức phòng ngự linh hoạt, khả năng phản ứng nhanh và sử dụng vũ khí hiện đại, công nghệ cao cùng nhiều phương tiện trinh sát, quan sát hiện đại. Vì vậy, để thực hiện tốt ý định, nhiệm vụ chiến dịch giao, lực lượng đặc công cần thực hiện đồng bộ các nội dung, biện pháp cả về chính trị, tư tưởng, kỹ thuật, chiến thuật, nghệ thuật tác chiến đặc công, v.v. Trong đó và trước hết, cần quán triệt, thực hiện tốt một số yêu cầu sau:
Một là, chuẩn bị khẩn trương, chu đáo, toàn diện với tính chủ động cao. Xuất phát từ đặc điểm cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, kẻ xâm lược sẽ sử dụng phổ biến vũ khí công nghệ cao, tác chiến liên hợp quy mô lớn, phi đối xứng; thời gian chuẩn bị và thực hành tác chiến ngắn, tính biến động cao. Trong khi đó, mục tiêu tiến công của lực lượng đặc công thường nằm sâu trong đội hình phòng ngự của địch, nên hoạt động có tính độc lập cao, xa sự chỉ huy, bảo đảm của chiến dịch. Vì vậy, để đạt hiệu suất, kết quả chiến đấu đáp ứng yêu cầu đề ra, lực lượng đặc công phải chuẩn bị khẩn trương, chu đáo, toàn diện cả về con người, vũ khí, trang bị, phương án chiến đấu, thế trận và công tác bảo đảm. Trước hết, phải thường xuyên giáo dục, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, tâm lý chiến đấu, lòng trung thành và ý chí quyết chiến, quyết thắng của Bộ đội Đặc công; không ngừng nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, thể lực, đáp ứng yêu cầu chiến đấu trong điều kiện chiến tranh ác liệt, dài ngày, ở địa hình, môi trường, thời tiết phức tạp.
Trong chiến dịch tiến công, mục tiêu lực lượng đặc công đảm nhiệm thường là sở chỉ huy các cấp, sinh lực quan trọng, trung tâm thông tin, trận địa xe tăng, thiết giáp, tên lửa, pháo binh, v.v. Do đó, phải căn cứ vào ý định, nhiệm vụ, phương pháp tác chiến của chiến dịch trong từng đợt, từng trận then chốt, then chốt quyết định để lựa chọn các mục tiêu phù hợp với cách đánh và sở trường của lực lượng đặc công. Đồng thời, phải chú trọng xây dựng thế trận tác chiến đặc công bất ngờ, hiểm hóc, linh hoạt và vững chắc trên hướng (khu vực) mục tiêu được phân công, vừa bảo toàn được lực lượng, vừa đáp ứng yêu cầu đánh địch trong giai đoạn tạo thế nghi binh chiến dịch và chuyển hóa kịp thời cùng lực lượng binh chủng hợp thành đánh các trận then chốt, then chốt quyết định, giành thắng lợi. Theo đó, thế trận này phải chọn nơi địa hình hiểm trở, dễ che giấu lực lượng; thuận lợi cho công tác bám nắm địch và thực hành cơ động tiến công các mục tiêu. Hiện nay, trong điều kiện thời bình, các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố đã, đang và sẽ tiếp tục được củng cố, xây dựng ngày càng vững chắc theo các tình huống, phương án chiến dịch dự kiến từ trước. Đây là điều kiện thuận lợi để lực lượng đặc công dựa vào thế trận của khu vực phòng thủ trên từng khu vực, địa bàn bí mật cơ động từng đơn vị vào tập kết trong chiều sâu đội hình phòng ngự của địch, hình thành thế trận vững chắc, hiểm hóc để tiến hành công tác tổ chức chuẩn bị và thực hành các trận chiến đấu. Ngoài ra, việc chuẩn bị vũ khí, trang bị cho lực lượng đặc công cũng đặt ra yêu cầu rất cao; trong đó, tính đồng bộ, gọn nhẹ, gồm nhiều chủng loại vũ khí khác nhau, phù hợp với tính chất của từng loại mục tiêu được xác định là vấn đề hết sức quan trọng. Vì thế, cùng với làm tốt công tác chuẩn bị đối với nội dung này, đáp ứng đủ số lượng vũ khí, trang bị mang theo trong quá trình cơ động, Bộ đội Đặc công còn phải bí mật ém sẵn một số vũ khí, trang bị, thuốc nổ,... tại các hành lang căn cứ và tự khai thác ở địa bàn chiến đấu khi cần thiết.
Hai là, sử dụng lực lượng tập trung, đúng nhiệm vụ, khả năng. Tập trung lực lượng là một nguyên tắc quan trọng hàng đầu của nghệ thuật tác chiến nói chung, nghệ thuật sử dụng lực lượng đặc công nói riêng. Để lực lượng đặc công hoàn thành các nhiệm vụ chiến dịch giao, trong điều kiện quy mô lực lượng đặc công còn khiêm tốn, vũ khí, trang bị chiến đấu có mặt còn hạn chế, yêu cầu đặt ra là phải tập trung cho nhiệm vụ, khu vực (hướng) tiến công chủ yếu, nhất là khu vực đánh phối hợp và đánh hiểm. Quá trình thực hiện phải bảo đảm tập trung toàn diện, cả về chỉ huy, chỉ đạo; về số lượng, chất lượng con người và vũ khí, trang bị. Trong chiến dịch tiến công, nhiệm vụ của lực lượng đặc công rất nặng nề, phức tạp, đa dạng. Vì vậy, cần căn cứ vào tình hình địch, ý định và kết quả tác chiến trong từng đợt chiến dịch để sử dụng lực lượng đặc công cho phù hợp; chú trọng lựa chọn các mục tiêu có ý nghĩa quan trọng, hiểm yếu, gây cho địch thiệt hại nặng về lực lượng, vũ khí, trang bị, phương tiện, vật chất chiến tranh, làm rối loạn đội hình phòng ngự, phá vỡ chỉ huy, hiệp đồng, tạo điều kiện cho chiến dịch tập trung lực lượng chủ lực vào các trận then chốt, then chốt quyết định.
Lực lượng đặc công trên địa bàn chiến dịch thường khá đa dạng, gồm: đặc công của chiến dịch; đặc công của bộ đội địa phương và đặc công dân quân tự vệ,… với ba loại hình cơ bản: Đặc công Bộ, Đặc công Nước và Đặc công Biệt động. Hơn nữa, lực lượng đặc công có thể tác chiến độc lập (với các hình thức trận chiến đấu, đòn đột kích, đợt hoạt động trong chiều sâu đội hình địch), hoặc có thể tác chiến hiệp đồng trong trận đánh của binh chủng hợp thành, v.v. Vì vậy, tùy theo tình hình, nhiệm vụ, vị trí, tính chất của từng loại mục tiêu để tổ chức, sử dụng đặc công với quy mô phù hợp: cấp tổ, mũi, đội, liên đội, lữ đoàn, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ba là, phát huy sở trường, cách đánh của Bộ đội Đặc công. Đây là yêu cầu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng đặc công thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến dịch giao cho. Đặc trưng cơ bản của nghệ thuật tác chiến đặc công là “lấy ít đánh nhiều” bằng nghệ thuật tạo thế đánh hiểm, đánh gần, tạo thời cơ, nắm chắc và hành động đúng thời cơ theo nguyên tắc: bí mật, bất ngờ, mưu trí, táo bạo; tích cực tiêu diệt, phá hủy mục tiêu; lấy tiêu diệt sinh lực và phá hủy phương tiện vũ khí công nghệ cao của địch là chính, v.v. Trong khi đó, mỗi loại hình đặc công có sở trường chiến đấu riêng, như: Đặc công Bộ có sở trường đánh chiếm, phá hủy các mục tiêu ở địa hình rừng núi, trung du, đồng bằng; Đặc công Nước có sở trường đánh phá các mục tiêu trên biển, đảo, sông nước; Đặc công Biệt động có sở trường tiến công các mục tiêu trong các thành phố. Vì vậy, phải căn cứ vào tính chất, mục tiêu của địch trên địa bàn chiến dịch để sử dụng các loại hình đặc công cho phù hợp, phát huy sở trường chiến đấu, đạt hiệu quả cao. Trong chiến dịch tiến công, cách đánh của Bộ đội Đặc công rất đa dạng và biến hóa linh hoạt, theo từng trường hợp và trận đánh cụ thể, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của chiến dịch, đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, các mục tiêu đặc công đảm nhiệm thường ở sâu trong đội hình phòng ngự của địch, có hệ thống vật cản dày, nhiều lớp, phức tạp, tổ chức canh phòng nghiêm mật, lực lượng bảo vệ tổ chức thành nhiều tầng, nhiều tuyến, v.v. Vì vậy, khi thực hiện nhiệm vụ, lực lượng đặc công phải coi trọng việc nghiên cứu, sáng tạo nhiều cách đánh hay, độc đáo, trên từng khu vực, địa bàn và môi trường khác nhau, khiến địch bất ngờ, khiếp sợ và nhanh chóng thất bại.
Bốn là, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng tham gia chiến dịch. Tác chiến ở cấp độ chiến dịch, nhất là đối với chiến dịch tiến công dù ở quy mô nào cũng bao gồm nhiều thành phần, lực lượng tham gia; trong đó, có lực lượng đặc công tác chiến theo kế hoạch thống nhất và nhiệm vụ chung của chiến dịch. Vì thế, hiệp đồng nhằm thống nhất hành động của đặc công với các lực lượng liên quan nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trong từng trận chiến đấu, từng giai đoạn, từng nhiệm vụ là vấn đề rất quan trọng. Để làm được điều đó, lực lượng đặc công phải nắm chắc kế hoạch chiến đấu của mình và nhiệm vụ của các lực lượng tham gia tác chiến trong chiến dịch để hiệp đồng chặt chẽ, toàn diện, chính xác, cụ thể với từng lực lượng. Trong đó, phải hiệp đồng chặt chẽ về: mục tiêu đảm nhiệm, địa điểm, thời gian thực hiện; ký, tín, ám hiệu liên lạc; hành động phối hợp chiến đấu giữa các lực lượng; các biện pháp bảo đảm, chi viện trong chiến đấu. Hiệp đồng với các đơn vị binh chủng hợp thành về đánh chiếm các cứ điểm đầu cầu, mục tiêu độc lập, tạo thế, bàn đạp hoặc bảo vệ hành lang cho các lực lượng thọc sâu làm tăng tốc độ tiến công của chiến dịch hoặc đảm nhiệm trên một hướng cùng các đơn vị binh chủng hợp thành tiến công tiêu diệt các mục tiêu, như: sở chỉ huy trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn; các cứ điểm, cụm cứ điểm; địch đổ bộ đường không, v.v. Có thể hiệp đồng với các lực lượng phòng không, không quân, pháo binh để chi viện trong quá trình đánh chiếm mục tiêu và thoát ly khỏi chiến đấu. Chú trọng hiệp đồng với các lực lượng trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố để tạo điều kiện cho việc dẫn đường, triển khai trú, giấu ém lực lượng, vũ khí, trang bị, bảo đảm ngụy trang, nghi binh; cung cấp tin tức về địch, bọn phản động nội địa, địa hình, thời tiết và thủy văn, v.v. Hiệp đồng với lực lượng vũ trang địa phương để xây dựng thế đứng chân, hành lang hoạt động, đường cơ động; tiến hành các hoạt động tác chiến nhỏ, lẻ, như: tập kích, vây ép, quấy rối, nghi binh, kiềm chế, chia cắt lực lượng địch bảo vệ vòng ngoài với lực lượng địch bên trong các mục tiêu để thu hút, căng kéo, làm phân tán sự đối phó của địch, tạo sơ hở để lực lượng đặc công cơ động, tiếp cận mục tiêu, hình thành thế bao vây, chia cắt, cô lập và tiến công các mục tiêu đã xác định.
Các yêu cầu trên có mối quan hệ, tác động qua lại lẫn nhau, là cơ sở để lực lượng đặc công chiến đấu thắng lợi trong chiến dịch tiến công. Do đó, người chỉ huy và cơ quan đặc công chiến dịch phải chủ động, tích cực thực hiện đồng bộ các yêu cầu đó, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, góp phần kết thúc chiến dịch thắng lợi, hoàn thành mục tiêu trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Thượng tá, Ths. NGUYỄN VĂN LƯU, Trường Sĩ quan Đặc công
lực lượng đặc công,bảo vệ Tổ quốc,một số yêu cầu
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Mấy vấn đề về nâng cao hiệu quả quản trị các doanh nghiệp Quân đội trong tình hình mới 19/08/2024
Bàn về công tác bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho trang bị kỹ thuật thế hệ mới trong Quân đội 31/07/2024
Mấy giải pháp đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn chống phá trên lĩnh vực kinh tế hiện nay 29/07/2024
Một số giải pháp xây dựng lực lượng Đặc công đặc biệt tinh nhuệ về chính trị 25/07/2024
Bàn về trận then chốt tiến công địch đổ bộ đường không chiến dịch trong tác chiến phòng thủ quân khu 22/07/2024
Về mô hình tổ chức và hoạt động của lực lượng chính trị nòng cốt trong các doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương 11/07/2024
Một số vấn đề về bảo đảm hóa học đánh địch đổ bộ đường không chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 08/07/2024
Một số vấn đề về sử dụng lực lượng phòng không lục quân đánh phương tiện bay không người lái trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 27/06/2024
Mấy vấn đề về nâng cao hiệu quả quản trị các doanh nghiệp Quân đội trong tình hình mới
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh