Thứ Bảy, 23/11/2024, 09:18 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Bảo đảm hậu cần nói chung, xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần nói riêng là nội dung quan trọng, nhằm đáp ứng yêu cầu phòng thủ quân khu ngay từ thời bình, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời chiến (nếu chiến tranh xảy ra). Đối với địa bàn Quân khu 9, với không gian rộng, địa bàn sông nước là chủ yếu,... việc bảo đảm lượng dự trữ vật chất khó khăn, thực hiện tốt nội dung này càng có ý nghĩa quan trọng, cần được nghiên cứu thấu đáo cả về lý luận và thực tiễn.
Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; Nghị định số 21/2019/NĐ-CP, ngày 22/02/2019 của Chính phủ về khu vực phòng thủ và các chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng khu vực phòng thủ, phòng thủ quân khu, những năm qua, Cục Hậu cần đã chủ động tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hậu cần khu vực phòng thủ, phòng thủ Quân khu đạt kết quả quan trọng1. Nhờ đó, tiềm lực và thế trận hậu cần phòng thủ Quân khu được tăng cường; khả năng huy động nguồn nhân lực, vật chất, phương tiện hậu cần ở các cấp, các ngành được nâng cao; cơ chế vận hành thông suốt; trình độ tổ chức, chỉ huy, điều hành xây dựng và hoạt động của hậu cần phòng thủ Quân khu được nâng lên một bước, đáp ứng hoạt động thường xuyên của lực lượng vũ trang trong thời bình, xử lý có hiệu quả các tình huống về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thiên tai,… sẵn sàng chuyển sang trạng thái thời chiến.
Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền, sở, ban, ngành, đoàn thể chưa nhận thức sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng của việc bảo đảm hậu cần khu vực phòng thủ nói riêng, phòng thủ Quân khu nói chung dẫn đến việc xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần phòng thủ Quân khu có nội dung chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Vì vậy, thời gian tới, cần nghiên cứu thực hiện tốt nội dung quan trong này, với một số giải pháp chủ yếu sau.
Trước hết, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng, an ninh là giải pháp tiên quyết trong xây dựng tiềm lực hậu cần phòng thủ Quân khu vững mạnh. Để đạt hiệu quả, cấp ủy các cấp cần quán triệt sâu sắc đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, hậu cần toàn dân của Đảng, tạo sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động trong thực hiện chủ trương kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh mà nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị2; “Đề án bảo đảm quốc phòng trên địa bàn Tây Nam bộ giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030” của Quân khu và Đề án “Quy hoạch Khu kinh tế Quốc phòng biển, đảo Tây Nam bộ” đến năm 2020 và những năm tiếp theo đã xác định. Cục Hậu cần Quân khu, cơ quan hậu cần quân sự tỉnh, thành phố cần thực hiện tốt việc thẩm định các dự án phát triển công nghiệp dân sinh liên quan đến hậu cần quân sự; đề xuất biện pháp nâng cao năng lực các ngành công nghiệp đáp ứng nhu cầu vật chất hậu cần cho quốc phòng, quân sự; tham mưu xây dựng hệ thống kho tàng, dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, xăng dầu, đáp ứng yêu cầu phòng thủ của địa phương, phòng thủ Quân khu theo quy định pháp luật về dự trữ quốc gia; có kế hoạch sơ tán, di chuyển kho, trạm xăng dầu trên từng địa bàn, phù hợp theo phương án tác chiến phòng thủ để bảo đảm cho các lực lượng hoạt động, tác chiến. Các địa phương cần khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo bước chuyển biến mới có tính đột phá trong kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh. Trong quy hoạch, phân vùng phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương cần quan tâm đến các yếu tố: hiệu quả kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và khả năng biến đổi khí hậu để phát triển bền vững; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu trong nhận định, đánh giá tình hình và đề ra chủ trương, biện pháp xử lý đúng đắn, kịp thời, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế - xã hội phát triển; chủ động khai thác tạo nguồn hậu cần tại chỗ và nâng cao khả năng huy động tiềm lực kinh tế địa phương phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thời bình và sẵn sàng động viên, huy động nền kinh tế địa phương cho thời chiến.
Xuất phát từ đặc điểm hệ thống giao thông trên địa bàn Quân khu còn yếu kém, nên mức độ kết nối giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các khu vực kinh tế trọng điểm còn hạn chế. Vì vậy, các tỉnh, thành phố phải tận dụng nguồn kinh phí đầu tư của Trung ương, kết hợp với kinh phí địa phương, tích cực nâng cấp các tuyến đường, trục đường nối liền với các quốc lộ, mở mới các tuyến đường quan trọng, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, vừa tạo thuận lợi cho vận tải bảo đảm hậu cần phòng thủ Quân khu khi có chiến tranh. Chú trọng củng cố hệ thống đường thủy, cảng biển, cảng sông, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế thời bình, đồng thời đáp ứng yêu cầu vận tải cho các đảo và nội địa khi chiến tranh xảy ra. Các địa phương có biển, đảo cần quan tâm đầu tư xây dựng công trình dịch vụ hậu cần kinh tế biển, góp phần xây dựng tiềm lực hậu cần khu vực phòng thủ biển, đảo vững mạnh, có khả năng mở rộng phân cấp bảo đảm cho các lực lượng trên biển tham gia đấu tranh giữ vững chủ quyền các vùng biển, đảo, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động phòng thủ Quân khu.
Về thế trận hậu cần, được xây dựng trên cơ sở thế bố trí các lực lượng hậu cần Quân khu, hậu cần khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, cùng các cơ sở kinh tế ở từng địa phương. Yêu cầu đặt ra trong xây dựng thế trận hậu cần phòng thủ Quân khu phải bảo đảm tính vững chắc, liên hoàn và có khả năng chuyển hóa linh hoạt. Trên thực tế, việc xây dựng căn cứ hậu cần ở một số địa phương chỉ mới hình thành trong ý tưởng, chưa được quy hoạch, đầu tư xây dựng trên thực địa; cơ chế, chính sách còn nhiều vấn đề khó khăn, bất cập, nên quá trình xây dựng phải có quy hoạch lâu dài, đầu tư hợp lý, vừa bảo đảm khả năng về tài chính, vừa bảo đảm hiệu quả, bền vững. Để đạt được tính vững chắc, liên hoàn, cần tổ chức và triển khai, bố trí hợp lý, vừa có lực lượng tại chỗ vững chắc trên từng khu vực, hướng phòng thủ, vừa có lực lượng cơ động mạnh ở tất cả các cấp. Trong bố trí lực lượng, thiết bị hậu cần, phải tận dụng địa hình có lợi, bảo đảm tính ổn định, có đường cơ động thuận tiện để có thể chi viện lẫn nhau giữa các lực lượng, các tổ chức hậu cần. Trên mỗi hướng phòng thủ phải tạo được khả năng bảo đảm đồng bộ, hoàn chỉnh ở các chuyên ngành; có lực lượng bảo đảm phía trước, lực lượng bảo đảm phía sau; phối hợp chặt chẽ hậu cần tỉnh, thành phố với hậu cần Quân khu, hậu cần của các lực lượng vũ trang với hậu cần nhân dân, hình thành thế trận hậu cần hoàn chỉnh, vững chắc. Ngoài ra, cần phải tạo khả năng chuyển hóa thế trận hậu cần linh hoạt, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ phòng thủ Quân khu trong mọi tình huống. Để đạt hiệu quả, Cục Hậu cần phải nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình nhiệm vụ, thế, lực hậu cần, những thuận lợi, khó khăn,... tham mưu cho Quân khu điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh thế trận hậu cần phù hợp. Trong triển khai, căn cứ vào khả năng thực tế và kết quả xây dựng thế trận hậu cần khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, Quân khu có thể tổ chức thêm một số căn cứ hậu cần, hệ thống kho, trạm để dự trữ đủ lượng vật chất bảo đảm cho từng hướng, khu vực; sẵn sàng chuyển hóa thế trận hậu cần khi thực hành tác chiến phòng thủ, v.v. Các địa phương điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất xây dựng các công trình trong thành phần thế trận hậu cần phù hợp với quyết tâm tác chiến khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố và kế hoạch phòng thủ Quân khu; trong đó, bố trí và tổ chức hoạt động của các cơ sở hậu cần phải căn cứ vào tính chất, nhiệm vụ để bố trí, triển khai lực lượng, phương tiện phù hợp (cơ sở quân y, đơn vị vận tải bố trí nơi thuận tiện cho việc tiếp nhận, vận chuyển thương binh, bệnh binh và hàng hóa; kho, trạm sửa chữa và sản xuất hậu cần đặt ở các căn cứ đã được xây dựng từ thời bình và cần bố trí thêm một số vị trí mới lui về phía sau, tiện giao thông thủy, bộ, bảo đảm bí mật; kho xăng dầu bố trí phân tán, hợp lý để tránh gây cháy nổ truyền lan); duy trì nền nếp hoạt động của hậu cần nhân dân tỉnh, thành phố, huyện, quận và hậu cần cơ sở xã, phường, thị trấn do hậu cần quân sự địa phương làm nòng cốt, sẵn sàng bảo đảm cho các lực lượng tác chiến. Các đoàn kinh tế quốc phòng tích cực tham gia phát triển kinh tế, tạo cơ sở triển khai xây dựng căn cứ hậu cần, góp phần cùng các địa phương xây dựng thế trận hậu cần phòng thủ Quân khu liên hoàn, vững chắc, linh hoạt.
Hoạt động phòng thủ Quân khu rất phong phú, đa dạng, đòi hỏi phải có lực lượng bảo đảm hậu cần đủ mạnh mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cả thời bình và thời chiến. Theo đó, Cục Hậu cần Quân khu chủ động tính toán nhu cầu bảo đảm, tham mưu cho Quân khu chỉ đạo cơ quan quân sự tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch triển khai, bố trí, điều chỉnh các lực lượng hậu cần phù hợp,... nâng cao khả năng bảo đảm kịp thời cho nhiều nhiệm vụ, trong nhiều lĩnh vực và trên nhiều địa bàn. Trong bố trí lực lượng phải đáp ứng yêu cầu cho các nhiệm vụ chủ yếu, hoạt động trọng điểm trong phòng thủ Quân khu, nhất là các hoạt động giữ vững khu vực phòng thủ then chốt và bảo vệ các mục tiêu trọng yếu trên địa bàn. Đồng thời, nghiên cứu xác định các chính sách trưng dụng, huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển của mọi lực lượng và nhân dân trên địa bàn để bảo đảm hậu cần tại chỗ vững chắc cho tác chiến phòng thủ rộng khắp. Lực lượng hậu cần Quân khu phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp với các địa phương xây dựng, quản lý, huấn luyện lực lượng dự bị động viên chuyên ngành hậu cần; đồng thời, tổ chức diễn tập nâng cao khả năng phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng trong bảo đảm hậu cần, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ phòng thủ Quân khu cả trong thời bình và thời chiến.
Đại tá ĐẶNG VĂN HIẾU, Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu __________________
1 - Cơ quan hậu cần các cấp đã xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống văn kiện hậu cần; xây dựng Phân căn cứ Hậu cần - Kỹ thuật tác chiến phòng thủ Quân khu trên cơ sở Nông trường 402 tại Cà Mau; các tỉnh dự trữ một số mặt hàng hậu cần bảo đảm cho 18 tiểu đoàn của 09 tỉnh phía sau tăng cường cho 3 tỉnh biên giới khi có tình huống xảy ra; mỗi tỉnh, thành phố đã xác định được 02 - 05 căn cứ hậu cần, mỗi huyện 02 - 03 căn cứ hậu cần trong khu vực phòng thủ; một số địa phương đã từng bước triển khai đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình cần thiết như: kho vũ khí, đường giao thông, điện nước, khu tăng gia sản xuất, trồng rừng; quân - dân y kết hợp từng bước hình thành rộng khắp trên các tuyến; quy hoạch, xây dựng mạng lưới vận tải, xăng dầu được trải đều, rộng khắp; các chương trình, dự án kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh phát huy hiệu quả tốt, v.v.
2 - Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị định số 21/2019/NĐ-CP, ngày 22/02/2019 của Chính phủ về khu vực phòng thủ; Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quân khu 9,tiềm lực và thế trận,hậu cần phòng thủ,một số vấn đề
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc