Chủ Nhật, 24/11/2024, 00:09 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Xây dựng tiềm lực đối ngoại và nghệ thuật ngoại giao quân sự là nội dung quan trọng đã được thực hiện trong thực tiễn, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp đánh thắng mọi kẻ thù trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời bình. Tuy nhiên, việc nhận thức, khái quát nó thành lý luận chưa được tiến hành một cách sâu sắc, đầy đủ, toàn diện, thống nhất. Vì vậy, nghiên cứu, luận giải, làm rõ vấn đề này là hết sức cần thiết hiện nay.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, ông cha ta không chỉ nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của công tác đối ngoại, mà còn thực hiện khôn khéo, hài hòa, uyển chuyển các chính sách bang giao thân thiện, giữ hòa hiếu với các nước láng giềng, góp phần giữ yên bờ cõi, xây dựng đất nước thái bình, thịnh trị, nhân dân được hưởng cuộc sống thanh bình.
Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (02-9-1945), công tác đối ngoại từng bước được hình thành và đi vào hoạt động. Năm 1949 - 19501, các hoạt động trên mặt trận đối ngoại của nước ta được tiến hành tương đối toàn diện trên cả ba kênh: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Mỗi kênh đối ngoại có chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động riêng, nhưng bổ trợ cho nhau, nhằm thực hiện đường lối đối ngoại chung của Đảng và các mục tiêu của cách mạng trong từng giai đoạn. Mặc dù ban đầu, ba kênh đối ngoại chưa phân định rõ, còn hoạt động chồng chéo, nhưng qua thực tiễn, chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của mỗi kênh ngày càng rõ ràng và đi vào nền nếp, hiệu quả. Trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc, với đường lối ngoại giao đúng đắn, sáng tạo, tài tình của Đảng, công tác ngoại giao quân sự đã hòa quyện với ngoại giao quốc gia, thực hiện thành công nghệ thuật “vừa đánh, vừa đàm” (kết hợp tiến công địch trên chiến trường với tiến công địch trên bàn đàm phán); đồng thời, tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn cả sức người, sức của và sự đấu tranh vì chính nghĩa của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đó là nghệ thuật kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để chiến thắng kẻ thù.
Có thể nói, thực tiễn quá trình dựng nước, giữ nước của các triều đại phong kiến cũng như thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, chúng ta đã hết sức chú trọng công tác đối ngoại, từ việc tính toán sẵn những kế sách bang giao với nước láng giềng hay việc chủ động hoạch định đường lối, chính sách đối ngoại trước mắt, lâu dài hoặc quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, nhất là những nhà ngoại giao tài ba, xuất chúng, đối ứng linh hoạt, sắc sảo trong các cuộc đàm phán, hiệp thương,… đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, thay đổi cục diện chiến trường, cao hơn là chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, như: đàm phán ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954) trong thời kỳ chống Pháp, đàm phán ký Hiệp định Pa-ri (1973) trong kháng chiến chống Mỹ. Như vậy, việc chuẩn bị trước kế sách, nguồn nhân lực đối ngoại, tiến hành đấu tranh ngoại giao,… xét về bản chất, chúng ta đã tiến hành xây dựng tiềm lực đối ngoại của đất nước, tạo cơ sở nền tảng để kết hợp đấu tranh ngoại giao với đấu tranh chính trị, quân sự, phát huy sức mạnh tổng hợp, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.
Mặc dù chúng ta chưa khái quát một cách đầy đủ, toàn diện, sâu sắc việc xây dựng tiềm lực đối ngoại của đất nước trong thời kỳ chiến tranh và tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong thời bình, nhưng rõ ràng nội dung này đã được thực hiện hiệu quả trong thực tiễn và được đề cập trong một số văn bản, dưới các hình thức, góc độ khác nhau. Nhìn chung, nhận thức, tư duy của Đảng ta về công tác đối ngoại và xây dựng tiềm lực đối ngoại từng bước phát triển, phù hợp với xu thế thời đại, bối cảnh trong nước và thế giới; được thể hiện nhất quán qua các kỳ đại hội (từ lần thứ VIII đến lần thứ XI), Đảng ta đều chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng, văn hóa, xã hội, an ninh và đối ngoại. Gần đây nhất, tại Đại hội XII, Đảng đã chỉ rõ: “Kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại; tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh,… có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”2. Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị định 152 và 02/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ, Chiến lược Quốc phòng Việt Nam đều đề cập đến công tác đối ngoại. Đặc biệt, mục 5, Điều 3 và mục 1, Điều 10, Nghị định 21/2019/NĐ-CP, ngày 22-02-2019 của Chính phủ về khu vực phòng thủ đã đề cập xây dựng tiềm lực đối ngoại; mục 2, Điều 7, Luật Quốc phòng đã xác định: đối ngoại quốc phòng là một trong những nội dung cơ bản xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Tuy nhiên, cách thể hiện trong các văn bản chưa thống nhất, chỗ thì đề cập công tác đối ngoại quốc phòng, chỗ thì đề cập tiềm lực đối ngoại; chưa đồng bộ, đầy đủ trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Hiện nay, tình hình an ninh, chính trị thế giới, khu vực biến đổi mau lẹ, khó đoán định; việc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, khủng bố, bạo loạn, ly khai, xung đột vũ trang,… có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, việc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, hành động thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế của một số nước lớn,… đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với công tác đối ngoại, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, xây dựng tiềm lực đối ngoại của nền quốc phòng toàn dân là vấn đề cấp thiết, nhằm nâng cao khả năng phòng bị từ trước, gỡ ngòi nổ, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh; hay nói cách khác, đây chính là thực hiện phương thức, kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình. Để làm được điều đó, thời gian tới, cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:
1. Xây dựng lòng tin chiến lược với các nước đối tác và cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu, rộng hiện nay, để tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế, huy động được nguồn lực bên ngoài vào xây dựng các tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân, trong đó có tiềm lực đối ngoại, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, chúng ta cần tập trung xây dựng lòng tin chiến lược với các nước. Bởi, chỉ có những quốc gia có lòng tin chiến lược, có sự tin cậy cao về chính trị mới hợp tác sâu về quốc phòng và cũng chính sự tin cậy này sẽ mở ra điều kiện để hợp tác trên các lĩnh vực khác. Để làm được điều đó, chúng ta cần đổi mới tư duy đối ngoại theo tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc, trong đó phải thấy được khái niệm lợi ích quốc gia, dân tộc đã có sự mở rộng và phát triển. Lợi ích quốc gia của Việt Nam, ngoài ba vấn đề cốt lõi là chủ quyền lãnh thổ, chế độ chính trị và nhân dân, còn có lợi ích gắn với lợi ích của từng nước đối tác. Tức là, chúng ta phải tạo ra thế và lực để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc cả trong và ngoài nước, không vì lợi ích của Việt Nam mà bỏ qua lợi ích, mục đích chung của các nước đối tác trong khu vực và thế giới. Theo đó, chúng ta phải quán triệt, cụ thể hóa một cách sáng tạo trong định hướng, tổ chức các hoạt động trên cả ba kênh đối ngoại chung và kênh đối ngoại quốc phòng; tăng cường tuyên truyền, thể hiện rõ quan điểm, lập trường của Việt Nam trong quan hệ quốc tế, tiếp tục khẳng định Việt Nam “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Đồng thời, chứng minh bằng những hoạt động thực tiễn của Việt Nam, như: tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, các diễn đàn quốc phòng, an ninh, chính trị khu vực, thế giới,… nhằm nâng cao vị thế toàn diện của đất nước, tạo môi trường, hỗ trợ cho xây dựng nền quốc phòng toàn dân nói chung, xây dựng tiềm lực đối ngoại nói riêng.
2. Xây dựng cơ quan và đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, nhất là đối ngoại quốc phòng vững mạnh về mọi mặt. Đây là lực lượng vừa tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác đối ngoại và đối ngoại quốc phòng, vừa trực tiếp triển khai thực hiện nhiệm vụ. Do vậy, chúng ta phải có kế hoạch rõ ràng, cụ thể, cách làm bài bản, có mục tiêu, lộ trình cho từng giai đoạn, từng bộ phận. Trước hết, cần chú trọng xây dựng cơ quan làm công tác đối ngoại vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao năng lực tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại; quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn hiệu quả hệ thống cơ quan, đơn vị làm công tác đối ngoại chung và đối ngoại quốc phòng. Song song với đó, chúng ta cần đẩy mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại trong nước và ở nước ngoài đủ mạnh, ngang tầm nhiệm vụ. Riêng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác quan hệ quốc tế, đối ngoại quốc phòng phải bảo đảm “vừa hồng, vừa chuyên”, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi ngoại ngữ; nắm vững, vận dụng linh hoạt, hiệu quả quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, chức năng, nhiệm vụ và chức trách được giao. Có tư duy đối ngoại chiến lược nhạy bén, sắc sảo, khả năng làm việc tốt trong môi trường quốc tế và tham mưu trúng, đúng, kịp thời, hiệu quả cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng những vấn đề lớn liên quan đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước. Thực hiện tốt nội dung này, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Đối ngoại nói chung, đối ngoại quốc phòng nói riêng.
3. Chú trọng nghiên cứu nâng cao chất lượng tham mưu, hoạch định các chính sách đối ngoại quốc phòng. Trước hết, các cơ quan đối ngoại, quan hệ quốc tế cấp chiến lược cần quán triệt quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, tập trung nâng cao khả năng dự báo các tình huống chiến lược về quốc phòng, an ninh. Chủ động nghiên cứu những định hướng chiến lược của các nước, bám sát thực tiễn, phát hiện động thái, chuyển biến mới về an ninh, chính trị, quốc phòng khu vực, thế giới, tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng, điều chỉnh các quyết tâm, kế hoạch, phương án xử lý, đối sách đấu tranh quốc phòng. Trên cơ sở đó, tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chính sách đối ngoại quốc phòng, xây dựng chiến lược đối ngoại, ngoại giao quốc gia phù hợp, hiệu quả, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài; mở rộng phạm vi, nội dung, hình thức, đối tượng, chủ thể quan hệ đối ngoại, tham gia các cơ chế hợp tác quốc phòng cả song phương và đa phương. Cùng với đó, lực lượng làm công tác đối ngoại quốc phòng cần tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng, Nhà nước hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đối ngoại quốc phòng và xây dựng tiềm lực đối ngoại của nền quốc phòng toàn dân với đầy đủ các nội dung (khái niệm, vị trí, vai trò, biểu hiện của tiềm lực và nội dung, biện pháp xây dựng tiềm lực), làm cơ sở triển khai thực hiện thống nhất trong thực tiễn. Đồng thời, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa đối ngoại quốc phòng với ba kênh đối ngoại chung, đối ngoại Bộ Công an và đối ngoại các địa phương, xây dựng mặt trận đối ngoại vững chắc, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước.
Trên đây là một số nghiên cứu bước đầu, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nói chung, đối ngoại quốc phòng, xây dựng tiềm lực đối ngoại của nền quốc phòng toàn dân nói riêng, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, xin được trao đổi cùng bạn đọc.
Thượng tá NGUYỄN ĐỨC PHÚ
__________
1 - Ngày 01-11-1949 là ngày đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân chính thức ra đời.
2 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 149.
tiềm lực đối ngoại,quốc phòng toàn dân,đối ngoại quốc phòng
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc