Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Ba, 25/10/2022, 08:48 (GMT+7)
Một số vấn đề về xây dựng thế trận phòng thủ quân khu, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc

Xây dựng thế trận phòng thủ quân khu vững chắc là vấn đề có tính nền tảng trong tăng cường khả năng, sức mạnh phòng thủ của từng quân khu và cả nước. Đây là nhiệm vụ có nội hàm rộng, liên quan đến nhiều cấp, ngành, lực lượng và địa phương, diễn ra trên không gian rộng, thời gian dài,... nên cần được nghiên cứu một cách thấu đáo, có hệ thống để đề ra những giải pháp đồng bộ, phù hợp.

Thế trận phòng thủ quân khu là bộ phận hợp thành thế trận phòng thủ chung của quốc gia; bao gồm các thành phần thế trận quốc phòng; thế bố trí lực lượng vũ trang quân khu và các đơn vị đứng chân trên địa bàn; hệ thống công trình quân sự, quốc phòng, thiết bị chiến trường, các yếu tố môi trường, tự nhiên, xã hội, v.v. Vì vậy, xây dựng thế trận phòng thủ quân khu liên hoàn, vững chắc sẽ trực tiếp góp phần tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ vững chắc địa bàn từng hướng chiến lược quân khu và cả nước. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các quân khu phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, lực lượng liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc, trong đó có thế trận phòng thủ quân khu,... để tăng cường khả năng phòng thủ trên từng địa bàn và cả nước. Trên thực tế, thế trận phòng thủ quân khu được xây dựng tương đối vững chắc trên cơ sở xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; từng bước điều chỉnh thế bố trí lực lượng vũ trang phù hợp với đặc điểm địa bàn, kế hoạch, phương án, quyết tâm tác chiến phòng thủ trên từng hướng chiến lược và nhiệm vụ của từng quân khu. Hệ thống công trình phòng thủ, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, các khu kinh tế - quốc phòng trên cả nước, nhất là địa bàn trọng điểm, biên giới, biển, đảo được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện ngày càng đầy đủ, kiên cố, gia tăng sức mạnh quốc phòng, quân sự, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tuy nhiên, kết quả xây dựng khu vực phòng thủ của các tỉnh, thành phố chưa đồng đều; tính liên kết giữa các khu vực này trong thế trận phòng thủ quân khu chưa chặt chẽ; chất lượng xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng trên các địa bàn trọng điểm, biên giới, biển, đảo chưa cao; cơ chế huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, v.v. Vì vậy, vấn đề này cần phải được nghiên cứu thấu đáo, đưa ra bàn luận, đề xuất chủ trương, giải pháp xây dựng thế trận phòng thủ quân khu vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc cả trước mắt và lâu dài.

Một là, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc, bảo đảm liên kết chặt chẽ trong thế trận phòng thủ quân khu. Chúng ta biết, về mặt kết cấu, quân khu là sự hợp thành của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cùng địa bàn. Do đó, muốn đạt hiệu quả trong xây dựng thế trận phòng thủ quân khu, phải trên cơ sở xây dựng vững chắc khu vực phòng thủ từng tỉnh, thành phố và nâng cao tính liên kết giữa từng khu vực, địa bàn trong thế trận phòng thủ chung. Để làm được điều đó, trước hết, cần đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và toàn dân, trọng tâm là đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện, các sở, ban, ngành trong hệ thống chính trị. Nội dung bồi dưỡng tập trung vào trang bị những kiến thức cơ bản về quân sự, quốc phòng, về xây dựng, duy trì hoạt động của khu vực phòng thủ; chú trọng giáo dục các đối tượng nắm chắc mục tiêu, quan điểm, phương châm, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị và các cơ chế, nguyên tắc chỉ huy, phối hợp, thành phần, nội dung, trình tự, yêu cầu xây dựng bảo đảm tính liên kết giữa khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố với thế trận phòng thủ quân khu được quy định trong Nghị định số 21/2019/NĐ-CP, ngày 22/02/2019 của Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ. Trên cơ sở đó, xác định chủ trương, giải pháp, điều chỉnh mục tiêu, phương hướng, lộ trình bảo đảm phù hợp, khoa học; chú trọng các biện pháp bảo đảm tính đồng đều, vững chắc của khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện trong tổng thể thế trận phòng thủ quân khu.

Phát huy vai trò và gắn trách nhiệm của bí thư, cấp ủy, người đứng đầu các địa phương với kết quả xây dựng, hoạt động khu vực phòng thủ và bảo vệ an toàn địa bàn. Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế huy động các nguồn lực xây dựng khu vực phòng thủ, quy chế nâng cao hiệu quả phối hợp hoạt động giữa lực lượng Quân đội, Công an, Dân quân tự vệ trong xử lý các tình huống phức tạp về quốc phòng, an ninh; phân cấp, phân định rõ hơn nữa trách nhiệm của các cấp, ngành, lực lượng vũ trang trong xây dựng, hoạt động khu vực phòng thủ. Tăng cường vai trò của đảng ủy, bộ tư lệnh các quân khu trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố; vai trò của bí thư tỉnh ủy, thành ủy với tư cách là đảng ủy viên đảng ủy quân khu và bí thư đảng ủy quân sự cùng cấp. Củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy, điều hành của ban chỉ đạo, hội đồng cung cấp,… khu vực phòng thủ.

Hai là, tổ chức, bố trí lực lượng vũ trang phù hợp, phát huy sức mạnh thế trận phòng thủ quân khu. Đây là một trong những thành phần cốt lõi, quan trọng nhất, quyết định đến khả năng, sức mạnh và sự chuyển hóa linh hoạt của thế trận phòng thủ nói chung, phòng thủ quân khu nói riêng. Vì thế, cùng với đẩy mạnh điều chỉnh tổ chức biên chế, xây dựng lực lượng vũ trang tinh, gọn, mạnh theo Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị, các quân khu cần chủ động triển khai bố trí lực lượng vũ trang các tỉnh, thành phố, lực lượng cơ động của quân khu với triển khai lực lượng cơ động chiến lược của Bộ, hình thành thế bố trí chiến lược hoàn chỉnh trên các hướng, địa bàn quân khu. Kết hợp thế bố trí lực lượng vũ trang với từng bước xây dựng các thiết bị chiến trường, tạo thành thế trận liên hoàn, vững chắc, hiểm hóc của thế trận quân sự, bảo đảm xử lý kịp thời các tình huống quốc phòng, an ninh xảy ra trên địa bàn; nâng cao khả năng tác chiến của lực lượng vũ trang cả trên bộ, trên không, trên biển, đảo và không gian mạng. Bố trí lực lượng vũ trang địa phương gắn với từng địa bàn dân cư, xây dựng các công trình phòng thủ trong các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, khu vực phòng thủ then chốt. Tổ chức xây dựng, bố trí lực lượng dân quân ở các xã, phường, thị trấn, lực lượng tự vệ ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, bảo đảm tính rộng khắp, nhưng có trọng tâm, trọng điểm,... làm nòng cốt cho toàn dân xây dựng thế trận khu vực phòng thủ, thế trận phòng thủ quân khu. Trong đó, cần chú trọng xây dựng, bố trí dân quân tự vệ cơ động, thường trực ở địa bàn trọng điểm, biên giới, biển, đảo; nâng cao chất lượng hoạt động của dân quân tự vệ biển, chốt chiến đấu dân quân thường trực biên giới đất liền. Chú trọng xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, gắn với thế bố trí của các đơn vị nhận nguồn động viên theo kế hoạch và ý định thống nhất trên từng hướng, khu vực của quân khu. Tổ chức, bố trí các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, biển, đảo và làm kinh tế của Quân đội hoạt động ở những khu vực trọng điểm về quốc phòng, tạo thế liên hoàn vững chắc trong thế trận phòng thủ quân khu. Bố trí, triển khai hậu phương chiến lược, căn cứ hậu phương chiến lược, căn cứ, phân căn cứ hậu cần - kỹ thuật trên các địa bàn phù hợp.

Ba là, xây dựng các công trình quân sự, quốc phòng ngày càng kiên cố, vững chắc. Xây dựng thế trận phòng thủ quân khu là công tác được tiến hành ngay từ thời bình, nên cần được quy hoạch một cách tổng thể, chặt chẽ và phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và điều kiện của từng tỉnh, thành phố trên địa bàn. Theo đó, việc xây dựng các công trình quân sự, quốc phòng cần gắn với quy hoach, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các tỉnh, thành phố; xây dựng cơ sở hạ tầng của từng địa phương với xây dựng các công trình khu vực phòng thủ. Tập trung xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương gắn với xây dựng các chốt chiến dịch, chiến lược, kho hậu cần, kỹ thuật, hệ thống đường cơ động,… ưu tiên các công trình phòng thủ trên tuyến biên giới, biển, đảo, địa bàn chiến lược trọng điểm, đường tuần tra biên giới. Kết hợp chặt chẽ công tác quản lý nhà nước, bảo vệ các công trình quốc phòng, quân sự với công tác ngụy trang, giữ gìn bí mật quân sự, quốc gia.

Bốn là, xây dựng, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động các khu kinh tế - quốc phòng. Đây là chủ trương chiến lược và là nét sáng tạo của Đảng và Nhà nước ta về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đồng thời, đó cũng là thành phần quan trọng của thế trận phòng thủ quân khu trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, các quân khu tiếp tục xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng tinh, gọn, hiệu quả phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, theo hướng giảm khâu trung gian, giảm biên chế của các cơ quan, tăng cường biên chế cho các đơn vị, lực lượng trực tiếp sản xuất. Kết hợp chặt chẽ giữa củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ ở các cấp với tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực về quản lý kinh tế, kiến thức, kinh nghiệm về gắn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, công tác vận động quần chúng, giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo; tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương, cơ sở; củng cố “thế trận lòng dân”, thế trận khu vực phòng thủ, thế trận phòng thủ quân khu ngày càng vững chắc.

Các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, quy chế, quy định liên quan đến xây dựng và hoạt động của khu kinh tế - quốc phòng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho xây dựng, phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động. Cụ thể hóa chức năng, quyền hạn của cấp quân khu trong quản lý, chỉ đạo, điều hành xây dựng khu kinh tế - quốc phòng, gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương có khu kinh tế - quốc phòng với kết quả xây dựng, hoạt động của khu kinh tế - quốc phòng. Tiếp tục nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý đầu tư, phối hợp, điều hành xây dựng khu kinh tế - quốc phòng; cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực để phát triển khu kinh tế - quốc phòng. Thực hiện hiệu quả Quy hoạch tổng thể xây dựng, phát triển các khu kinh tế - quốc phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; ưu tiên trên hướng biên giới, biển, đảo xa bờ (Trường Sa, Tây Nam Bộ). Nghiên cứu, tham mưu với Bộ Quốc phòng, Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch tổng thể và chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch chi tiết các khu kinh tế - quốc phòng, phù hợp với khả năng bảo đảm ngân sách của Nhà nước.

Trên đây là một số giải pháp xây dựng thế trận phòng thủ quân khu vững chắc, góp phần tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống, xin được trao đổi cùng bạn đọc.

Đại tá TRẦN XUÂN MẠNH, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3, Quân khu 1

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.