Thứ Bảy, 23/11/2024, 04:56 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ là nhiệm vụ quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng. Những năm gần đây, do tác động mặt trái của cơ chế thị trường và những bất cập trong các quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự, việc tuyển quân ở một số địa phương còn gặp khó khăn. Thời gian tới, để thực hiện tốt công tác này, cần tập trung nghiên cứu, hoàn thiện cả về chính sách và phương thức tiến hành với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp với thực tiễn.
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, mà trực tiếp là của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu và cấp ủy, chính quyền các địa phương, công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ (gọi tắt là tuyển quân) trên địa bàn Quân khu 3 đã được tổ chức chặt chẽ, đi vào nền nếp và có nhiều đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đặc biệt, từ năm 2010, theo Quyết định 1958/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công tác tuyển quân được chuyển giao cho địa phương làm “tròn khâu”. Đây là một chủ trương đúng đắn, khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn, bước đầu đạt được kết quả quan trọng. Nổi bật là, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan ban, ngành và Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) ở các địa phương được phát huy cao. Công tác đăng ký, quản lý nguồn, sơ tuyển sức khỏe, xét duyệt tiêu chuẩn chính trị gọi công dân nhập ngũ được các địa phương thực hiện chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng và đúng luật NVQS. Cơ quan quân sự các cấp đã phát huy vai trò làm tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo việc giao, nhận quân với các đơn vị bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, gắn tuyển quân với tạo nguồn xây dựng lực lượng dự bị động viên và nguồn cán bộ cơ sở phù hợp. Chỉ tính riêng đợt 1 năm 2012, các địa phương trên địa bàn Quân khu đã tuyển và giao cho các đơn vị số quân đạt 100% chỉ tiêu, đúng thời gian quy định, với chất lượng khá tốt1 (tiêu biểu như: Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nam, Hòa Bình); qua đó, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN. Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác tuyển quân trên địa bàn cũng còn một số hạn chế, bất cập. Đó là, nhận thức của một số ban, ngành, đoàn thể địa phương và một bộ phận nhân dân đối với công tác này chưa thật đầy đủ, chưa huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Việc phối hợp giữa địa phương và các đơn vị trong quá trình tuyển quân còn chưa chặt chẽ, khoa học, dẫn đến chất lượng tuyển quân ở một số đơn vị còn thấp. Công tác đăng ký, quản lý nguồn công dân ở độ tuổi nhập ngũ còn nhiều bất cập (cả về chính sách và chế tài thực hiện), nên mặc dù nguồn nhiều, chỉ tiêu tuyển quân giảm, nhưng công tác gọi nhập ngũ vẫn gặp khó khăn, nhất là ở các thành phố, thị xã... Để khắc phục tồn tại đó, thời gian tới, các địa phương, đơn vị cần tập trung đẩy mạnh tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, xác định phương hướng và giải pháp đồng bộ ở tất cả các khâu, các bước, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tuyển quân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội trong tình hình mới.
Quân khu 3 gồm các tỉnh cơ bản là đồng bằng, dân cư đông, có truyền thống cách mạng, kinh tế – xã hội đang trên đà phát triển. Song, do tác động mặt trái của cơ chế thị trường, một bộ phận thanh niên có tư tưởng ngại khó, ngại khổ; một số gia đình, trong đó có cả gia đình cán bộ, đảng viên nhận thức về Luật NVQS chưa đầy đủ. Điều này không chỉ gây khó khăn cho công tác tuyển quân, mà còn tạo ra sự thiếu công bằng trong thực hiện Luật. Vì vậy, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân trong thực hiện Luật NVQS là vấn đề quan trọng hàng đầu trong công tác tuyển quân. Để đáp ứng yêu cầu đó, trước hết, cơ quan quân sự các cấp cần chủ động làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và Hội đồng NVQS lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho từng đối tượng và toàn dân trên địa bàn, nhất là với đối tượng công dân đến tuổi thực hiện NVQS, bảo đảm nhận thức đầy đủ về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Công tác tuyên truyền, giáo dục cần được tiến hành thường xuyên, liên tục (cả trước, trong và sau mỗi đợt tuyển quân); trong đó, chú trọng và phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể quần chúng, sự vào cuộc của gia đình, dòng họ và vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc nêu gương tốt cũng như đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện Luật NVQS. Trong điều kiện hiện nay, để công tác này đạt hiệu quả thiết thực, phải vận dụng nhiều nội dung, hình thức phong phú, sáng tạo, như: phát huy dân chủ ở cơ sở trong bình cử công khai; tổ chức mở lớp bồi dưỡng đối tượng đảng cho những đoàn viên ưu tú trúng tuyển NVQS; kết hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với tổ chức các buổi nói chuyện truyền thống, giao lưu, tọa đàm giữa các thế hệ, nhằm khơi dậy niềm vinh dự, tự hào trong mỗi thanh niên đối với truyền thống quê hương đất nước. Qua đó, làm cho mọi tầng lớp nhân dân và thanh niên đến tuổi nhập ngũ xác định tốt tư tưởng, ý thức, trách nhiệm trong thực hiện NVQS, bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục, việc đăng ký, quản lý số thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ ở các địa phương cũng cần tập trung tháo gỡ. Qua theo dõi đăng ký NVQS hằng năm ở các địa phương cho thấy, bình quân từ 12 đến 14 thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ mới có 1 thanh niên trúng tuyển NVQS, nhưng công tác gọi nhập ngũ vẫn khó khăn. Có nhiều nguyên nhân (cả chủ quan và khách quan, cả trực tiếp và gián tiếp); trong đó, có tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, những bất cập trong quá trình thực hiện các quy định về tạm miễn, tạm hoãn NVQS, về tiêu chuẩn sức khỏe (của Luật NVQS) và các quy định về tạm trú, tạm vắng (của Luật Cư trú). Để khắc phục tình trạng này, một mặt, cơ quan quân sự và Hội đồng NVQS phải làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp, huy động mọi lực lượng tham gia, nhằm quản lý chặt chẽ số thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ ngay tại cơ sở. Theo đó, Hội đồng cần chủ động xây dựng kế hoạch đăng ký, phúc tra; tổ chức tập huấn, phân rõ trách nhiệm cán bộ phụ trách từng địa bàn để nắm chắc chất lượng nguồn từ thôn, xóm, tổ dân phố; phối hợp chặt chẽ và phát huy vai trò của các đoàn thể (Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ,…) trong tham gia quản lý công dân thuộc diện nhập ngũ. Mặt khác, cần có chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp chống, trốn hoặc chây ỳ không thực hiện NVQS, tạo sự công bằng trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Về lâu dài, các địa phương, đơn vị tiếp tục quan tâm, chăm lo cả về vật chất, tinh thần và làm tốt công tác chính sách đối với công dân nhập ngũ và gia đình họ, như: tặng quà, sổ tiết kiệm... Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, các địa phương cần chủ động tạo nguồn, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội để có thể làm các việc thiết thực hơn, như: xây nhà tặng gia đình quân nhân nghèo; hỗ trợ gia đình quân nhân khó khăn trong các kỳ giáp hạt, lễ, tết; tổ chức dạy nghề và bố trí việc làm ở các doanh nghiệp khi quân nhân hoàn thành NVQS. Làm tốt điều này, sẽ tạo động lực khích lệ, động viên công dân nói chung, thế hệ trẻ nói riêng hăng hái lên đường nhập ngũ. Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, về tạm trú, tạm vắng trong Luật NVQS và Luật Cư trú, nhằm khắc phục kịp thời những bất cập đang tồn tại, tạo thuận lợi cho các địa phương trong công tác tuyển quân.
Cũng như các địa phương trên cả nước, mỗi năm trên địa bàn Quân khu có hàng vạn nam học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề. Theo Nghị định 38/2007/NĐ-CP của Chính phủ, số này sẽ được tạm miễn, tạm hoãn gọi nhập ngũ, làm cho nguồn gọi nhập ngũ ở các địa phương cũng giảm cả về số lượng và chất lượng. Trong khi đó, việc di chuyển đăng ký NVQS của đối tượng này từ các địa phương đến các trường và từ các trường về địa phương (khi học xong) chưa được thực hiện triệt để, dẫn đến một số lớn công dân thuộc diện phải thực hiện NVQS nhưng không nằm trong nguồn tuyển quân do địa phương và cơ quan chức năng quản lý. Đây là “lỗ hổng” để một số công dân “lách luật”, không thực hiện NVQS. Để giải quyết vấn đề này, trước hết, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Quốc phòng với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thực hiện nghiêm quy trình di chuyển đăng ký NVQS nhằm quản lý chặt chẽ, thống nhất trong toàn quốc. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Luật NVQS, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện công tác tuyển quân của các địa phương trong tình hình mới. Việc sửa đổi Luật nên theo hướng thu hẹp đối tượng thuộc diện tạm miễn, tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình; hoặc quy định: học sinh, sinh viên khi trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề phải thực hiện NVQS xong mới đi học, nhằm tăng nguồn tuyển quân và tuyển được những thanh niên có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt, trình độ văn hóa cao vào phục vụ trong Quân đội.
Hai năm thực hiện công tác tuyển quân theo phương thức mới - chuyển giao cho địa phương làm “tròn khâu” - đã khẳng định: đây là chủ trương đúng, phù hợp. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là “khoán trắng” cho địa phương, mà phương thức này càng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương và đơn vị, nhất là đối với các đơn vị có tiêu chuẩn tuyển quân đặc thù. Thực tiễn vừa qua cho thấy, việc phối hợp giữa địa phương và đơn vị có lúc, có nơi còn hạn chế, dẫn đến số quân khi đã bàn giao cho đơn vị còn phải bù, đổi nhiều, nhất là về tiêu chuẩn sức khỏe, gây khó khăn cho địa phương và lãng phí ngân sách nhà nước. Để thực hiện tốt nội dung này, về phía các đơn vị, trước mỗi mùa tuyển quân, cần chủ động phối hợp, trao đổi với địa phương những yêu cầu, nội dung cần thiết, nhất là đặc điểm tình hình, nhiệm vụ của đơn vị; các yêu cầu về tiêu chuẩn và số lượng quân nhân cần tuyển chọn;… đồng thời, cử cán bộ có kinh nghiệm tuyển quân tham gia bồi dưỡng, giúp đỡ địa phương tháo gỡ khó khăn ở các khâu, các bước: xét duyệt hồ sơ, chốt danh sách nhập ngũ… Đối với các địa phương, cần thường xuyên phối hợp với các đơn vị trong việc trao đổi thông tin; phân chỉ tiêu tuyển quân gắn với xây dựng nguồn động viên ở từng địa bàn, nhất là đối với các ngành chuyên môn kỹ thuật quý, hiếm và gắn với tạo nguồn cán bộ cơ sở sau này. Bên cạnh đó, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị nhận quân nghiên cứu, giải quyết những khó khăn, vướng mắc; phối hợp làm tốt lễ đưa và đón quân nhân hoàn thành NVQS trở về; đồng thời, có thể tổ chức giao lưu, tọa đàm giữa quân nhân hoàn thành NVQS với thanh niên trúng tuyển chuẩn bị nhập ngũ, nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi trong tuyển quân. Trên cơ sở đó, thực hiện tốt phương châm: “Giao quân đủ, chất lượng cao, giao ai được người đó, không có loại trả” trong toàn Quân khu.
Đại tá NGUYỄN NHƯ PHIẾN
Trưởng phòng Quân lực Quân khu
1 - Đợt 1 năm 2012, số đảng viên nhập ngũ trong toàn Quân khu đạt tỷ lệ 1,5% (tăng 0,1% so với đợt 1 năm 2011).
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc