Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Sáu, 23/02/2018, 13:50 (GMT+7)
Một số vấn đề về thực hành tác chiến chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Thực hành tác chiến chiến lược là nội dung quan trọng, quyết định tới thành công hay thất bại của từng loại hình tác chiến chiến lược và cả cuộc chiến tranh. Vì thế, nghiên cứu thấu đáo nội dung này cả về lý luận và thực tiễn là vấn đề cấp thiết đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Tác chiến chiến lược là một trong những nội dung cơ bản, cốt lõi của chiến lược quân sự, nhằm đánh bại các biện pháp chiến lược của đối phương, giành hoặc giữ vững quyền chủ động chiến lược trên chiến trường, kết thúc thắng lợi chiến tranh. Trong chiến tranh hiện đại, tác chiến chiến lược thường diễn ra với quy mô lớn, cường độ cao, phạm vi rộng và do cấp chiến lược trực tiếp tổ chức, điều hành. Chính vì thế, nó được tiến hành trong những giai đoạn nhất định, có mở đầu, quá trình diễn biến và kết thúc tác chiến chiến lược. Phạm vi bài viết chủ yếu đề cập một số vấn đề về thực hành tác chiến chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc để cùng nghiên cứu, trao đổi.

1. Mở đầu tác chiến chiến lược. Đây là giai đoạn rất quan trọng, có ý nghĩa nền tảng cho toàn bộ cuộc tác chiến chiến lược. Đặc biệt, trường hợp mở đầu bằng chiến dịch có ý nghĩa chiến lược có thể sẽ phá vỡ thế trận chiến lược của địch, tạo ra đột biến về chiến lược ngay từ đầu.

Thời cơ mở đầu tác chiến chiến lược thường được tiến hành khi các biện pháp lập thế trận tác chiến đã cơ bản hoàn thành (nghi binh, lừa địch, tác chiến tạo thế,…). Các lực lượng chiến lược đã cơ bản triển khai xong, nhất là đối với các lực lượng làm nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu mở đầu trọng yếu. Ngoài ra, các vấn đề về chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao,… của đất nước cũng là những nhân tố quan trọng, góp phần tạo thời cơ cho tác chiến chiến lược.

Phương pháp mở đầu tác chiến chiến lược, về cơ bản, vẫn lựa chọn theo cách đánh truyền thống, nhưng cần có sự nghiên cứu, phát triển phù hợp trong điều kiện mới. Theo đó, tùy tình hình cụ thể về hình thái tác chiến địch - ta và loại hình tác chiến chiến lược có thể mở đầu bằng đợt tác chiến tập trung hoặc chiến dịch phòng không trong đánh địch tiến công hỏa lực. Cũng có thể mở đầu bằng đòn đột kích trên biển hoặc chiến dịch trên biển trong tác chiến bảo vệ biển, đảo; các đòn đột kích của lục quân thông qua các chiến dịch, chiến dịch chiến lược trong tác chiến phòng thủ, phản công, tiến công chiến lược. Nhìn chung cần vận dụng hết sức linh hoạt, nhưng tốt nhất là tích cực tạo thế, tạo thời cơ và lực lượng để mở đầu bằng chiến dịch chiến lược.

Để mở đầu thắng lợi, cần lựa chọn mục tiêu mở đầu hiểm yếu, có tác động lớn đến toàn bộ quá trình tác chiến chiến lược; tích cực tạo thế, tạo thời cơ và lựa chọn phương pháp mở đầu hợp lý; thường xuyên nắm chắc tình hình địch, chỉ huy tập trung, kiên quyết, linh hoạt, hiệp đồng chặt chẽ, bảo đảm chu đáo. Trong đó, cần tập trung lực lượng phù hợp, đủ sức, tạo ưu thế sức mạnh cần thiết, bảo đảm mở đầu chắc thắng.

2. Tạo đột biến về chiến dịch phát triển thành đột biến về chiến lược, giành thắng lợi quyết định cho tác chiến chiến lược. Tạo đột biến trong tác chiến là một trong những nội dung quan trọng của nghệ thuật quân sự, nhất là trong thực hành tác chiến chiến lược. Tạo đột biến về chiến dịch là tạo các điều kiện tác chiến có lợi cho ta về chiến dịch, buộc địch phải hành động trong điều kiện khó khăn, dễ dẫn đến sai lầm nghiêm trọng, v.v. Để thực hiện được điều đó, cần chủ động thúc đẩy, phát triển các điều kiện của tác chiến chiến dịch thành các điều kiện và thời cơ chiến lược, tạo ra thế trận, thời cơ và lực lượng có lợi cho tác chiến chiến lược, buộc địch phải bị động đối phó và đối phó trong thế trận đã bị phá vỡ về mặt chiến lược. Đồng thời, tiến hành có hiệu quả tổng thể các hoạt động của tác chiến chiến lược, mở ra thời cơ mới về chiến lược (đột biến về chiến lược) dựa trên các yếu tố của tác chiến kết hợp chặt chẽ với các yếu tố khác, như: đấu tranh chính trị, kinh tế, ngoại giao,… có lợi cho tác chiến chiến lược. Đây là vấn đề rất quan trọng trong thực hành tác chiến chiến lược, đòi hỏi cấp chiến lược phải quán triệt và thực hiện một cách chặt chẽ, sáng tạo, nhất là trong điều kiện chiến tranh hiện đại.

Cùng với đó, việc chỉ huy tác chiến, nhất là đối với các chiến dịch trọng yếu phải kiên quyết, liên tục và triệt để, nhằm đánh nhanh, đánh trúng mục tiêu hiểm yếu, chủ động chuyển hóa thế trận bằng các hoạt động tác chiến hiệu quả, kết hợp các biện pháp tác chiến tạo thế, tạo thời cơ. Tích cực cơ động điều chỉnh, bố trí lực lượng, bổ sung thiết bị chiến trường, hình thành thế trận mới có lợi cho tác chiến chiến lược, đẩy địch vào thế bị động, lúng túng đối phó. Phát huy có hiệu quả các loại hỏa lực tầm xa (pháo binh tầm xa, tên lửa, không quân,…) đánh vào các mục tiêu chủ yếu, quan trọng trong chiều sâu đội hình của địch, ngăn chặn, chia cắt các lực lượng cơ động chiến lược của chúng. Kiên quyết đánh bại các biện pháp tác chiến chiến lược của địch, như: đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không, tiến công hỏa lực;… phối hợp với các hình thức đấu tranh khác, nhất là đấu tranh chính trị, ngoại giao, tạo đột biến về chiến lược.

3. Điều hành thắng lợi các chiến dịch chiến lược, chiến dịch quyết chiến chiến lược. Thực hành tác chiến chiến lược, xét đến cùng chính là chuẩn bị và tiến hành thắng lợi các chiến dịch chiến lược và chiến dịch quyết chiến chiến lược. Nói cách khác, tiến hành thắng lợi các các chiến dịch chiến lược, chiến dịch quyết chiến chiến lược là điều kiện tiên quyết cho thắng lợi của tác chiến chiến lược và chiến tranh. Vì thế, việc chỉ huy, điều hành các chiến dịch chiến lược, chiến dịch quyết chiến chiến lược luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu của bộ thống soái từng bên tham chiến.

Trong chiến tranh giải phóng trước đây, tác chiến chiến lược có thể hình thành các giai đoạn, mỗi giai đoạn có từ 2 đến 3 chiến dịch. Nhưng cũng có khi không chia giai đoạn mà bao gồm các đợt hoạt động tác chiến chiến lược hoặc một số chiến dịch, chiến dịch chiến lược, chiến dịch quyết chiến chiến lược. Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), tác chiến chiến lược có thể theo các giai đoạn, nhưng chủ yếu là theo các loại hình của tác chiến chiến lược, mà ở mỗi loại hình có thể có một số chiến dịch, đòn đột kích và các hoạt động tác chiến chiến lược khác; trong đó, các chiến dịch chiến lược, chiến dịch quyết chiến chiến lược luôn giữ vai trò nòng cốt. Hơn thế, các loại hình tác chiến chiến lược, loại hình chiến dịch lại diễn ra đồng thời, đan xen, kế tiếp nhau trong tác chiến chiến lược. Vì thế, việc điều hành các chiến dịch cần linh hoạt, sáng tạo, đảm bảo tính liên tục, kế tiếp nhau, tiến hành chiến dịch trước đồng thời chuẩn bị cho chiến dịch sau, thậm chí khi có điều kiện và thời cơ phải kiên quyết mở chiến dịch tiếp theo không chờ chiến dịch trước kết thúc.

Để điều hành các chiến dịch có hiệu quả cần chuẩn bị chu đáo, tiến hành chiến dịch đúng thời cơ có lợi, luôn nắm chắc tình hình, xử lý có hiệu quả các tình huống chiến dịch, chiến lược. Trong các thời điểm quan trọng, cần có các quyết định chính xác và quyết đoán, phát triển thế và lực của ta, hạn chế chỗ mạnh đánh vào chỗ yếu của địch, thúc đẩy tác chiến chiến lược phát triển theo hướng càng đánh càng mạnh. Bên cạnh đó, cần kết hợp chặt chẽ với các hoạt động tác chiến khác, như: tác chiến của khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, tác chiến phòng thủ quân khu, tác chiến của các chiến trường phối hợp,… cũng như các hoạt động đấu tranh chính trị, kinh tế, ngoại giao,… tạo sức mạnh tổng hợp, giành thắng lợi.

Cùng với đó, cần gạn lọc, loại trừ và giải quyết có hiệu quả các tình huống chiến dịch, chiến lược trong thực hành tác chiến chiến lược. Quá trình thực hiện cần chủ động dự kiến và phân tích kỹ các tình huống; trên cơ sở đó có các giải pháp thích hợp, loại trừ dần các tình huống phức tạp, tác động tích cực làm cho việc xử trí các tình huống trở nên đơn giản. Trong đó, vấn đề quan trọng là có giải pháp hạn chế các tình huống có thể xảy ra, nếu tình huống xảy ra cần tập trung đánh giá đúng tình hình, hạ quyết tâm nhanh, chính xác, xử trí hiệu quả và có giải pháp phù hợp kiềm chế các tình huống khác.

4. Kết thúc tác chiến chiến lược. Trong mọi cuộc chiến tranh, tác chiến chiến lược, dù diễn ra với quy mô và điều kiện nào đều có quá trình kết thúc. Tùy từng tình hình cụ thể, việc kết thúc tác chiến chiến lược có thể diễn ra trong hai trường hợp: kết thúc tác chiến chiến lược gắn với kết thúc giai đoạn nhất định của chiến tranh (kết thúc trong quá trình chiến tranh) và kết thúc tác chiến chiến lược đồng thời với kết thúc chiến tranh. Trong điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, các hoạt động tác chiến chiến lược thường gắn với từng giai đoạn của chiến tranh; do đó, kết thúc tác chiến chiến lược cũng thường gắn với kết thúc của từng loại hình tác chiến chiến lược. Ví như, kết thúc tác chiến chiến lược gắn với kết thúc giai đoạn phòng thủ chiến lược để chuyển sang giai đoạn phản công chiến lược, hoặc kết thúc giai đoạn phản công chiến lược để chuyển sang giai đoạn tiến công chiến lược. Còn kết thúc tác chiến chiến lược đồng thời với kết thúc chiến tranh thường gắn với loại hình tác chiến chiến lược là phản công hoặc tiến công chiến lược.

Tuy nhiên, kết thúc tác chiến chiến lược, dù ở trường hợp nào cũng phải nắm vững thời cơ và kết thúc đúng thời cơ có lợi nhất, nhất là khi kết thúc tác chiến chiến lược trong quá trình chiến tranh. Kết thúc tác chiến chiến lược ở thời cơ có lợi nhất, thường tạo ra được thế và lực mới để chuẩn bị cho hoạt động tác chiến chiến lược tiếp theo, trong trường hợp ngược lại sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí thất bại. Thời cơ có lợi nhất để kết thúc tác chiến chiến lược là khi mục tiêu tác chiến chiến lược đã đạt được hoặc cơ bản đạt được, thế và lực của ta đang duy trì ở các điều kiện có lợi, ta chủ động kết thúc tác chiến chiến lược để chuẩn bị cho các hoạt động tiếp theo (chuyển sang giai đoạn mới của chiến tranh). Cũng có thể kết thúc tác chiến chiến lược khi mục tiêu của tác chiến chiến lược chưa đạt được, nhưng thế và lực không còn có lợi cho ta, tiếp tục tác chiến sẽ gặp khó khăn lớn, ta chủ động kết thúc tác chiến chiến lược để tiến hành các hoạt động tác chiến khác.

Quá trình thực hiện, phải nắm vững tình hình mọi mặt, đánh giá đúng tình hình, nhất là đánh giá về thế trận và lực lượng của địch, của ta trên chiến trường tác chiến, kết hợp với đánh giá về thế trận chính trị, kinh tế và ngoại giao để quyết định kết thúc tác chiến chiến lược. Phải tiếp tục duy trì các hoạt động tác chiến tiến công hoặc phòng ngự kết hợp với tác chiến rộng khắp, đánh sâu, đánh hiểm của các khu vực phòng thủ địa phương, không cho địch phán đoán ra ý định kết thúc tác chiến chiến lược của ta. Ngoài ra, cần tích cực, chủ động tiến hành các hoạt động nghi binh, lừa địch, thậm chí mở các chiến dịch trên chiến trường phối hợp để thu hút sự chú ý và phân tán đối phó của chúng. Đồng thời, nhanh chóng cơ động, điều chỉnh bố trí lại lực lượng chiến lược, bổ sung lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất kỹ thuật, hình thành thế trận chiến lược mới có lợi, sẵn sàng tiến hành các hoạt động tác chiến chiến lược tiếp theo.

Thực hành tác chiến chiến lược là hành động cụ thể của chỉ huy, cơ quan, đơn vị ở tầm chiến lược, nhằm đối phó có hiệu quả với hình thái chiến tranh và các biện pháp tác chiến của địch trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, cần được tiếp tục nghiên cứu kỹ cả về lý luận và thực tiễn. Những vấn đề nêu trên chỉ mang tính khái quát bước đầu, xin được trao đổi cùng bạn đọc./.

Trung tướng PGS, TS. TRẦN THÁI BÌNH

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.