Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 20/11/2014, 16:32 (GMT+7)
Một số vấn đề về tạo lập thế trận tác chiến phòng thủ chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Trong tương lai, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), tác chiến phòng thủ chiến lược sẽ diễn ra ngay từ đầu và có thể trong cả quá trình chiến tranh. Nghiên cứu loại hình tác chiến này, nhất là về tổ chức tạo lập thế trận ngay từ thời bình, là vấn đề quan trọng, cấp thiết.

Tác chiến phòng thủ chiến lược (TCPTCL) là một trong những loại hình tác chiến cơ bản của tác chiến chiến lược, có vị trí quan trọng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đây là loại hình tác chiến không chỉ thể hiện tập trung nhất những nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam mà còn phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế của đất nước. Mục đích của TCPTCL là nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của từng địa phương, của các lực lượng và cả nước để chủ động đối phó; từng bước ngăn chặn, phá thế tiến công xâm lược của địch, giữ vững thế trận của ta; tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận, đánh bại từng hướng tiến công và đưa địch vào thế sa lầy, suy yếu…; bảo vệ vững chắc các mục tiêu trọng yếu, giữ vững các địa bàn chiến lược, tạo điều kiện, thời cơ chuyển sang phản công, tiến công chiến lược, kết thúc chiến tranh. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, TCPTCL cần vận dụng tổng hợp các biện pháp ; trong đó, tạo lập thế trận là nội dung hết sức quan trọng. Đặc biệt, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai (nếu xảy ra), TCPTCL sẽ diễn ra ngay từ đầu, trong suốt quá trình chiến tranh, tình huống bất ngờ, mau lẹ, không gian rộng, hoạt động tác chiến và đấu tranh đan xen, diễn ra liên tục, ác liệt, cường độ cao…, nên việc tạo lập thế trận TCPTCL vững chắc càng có ý nghĩa quan trọng.

Yêu cầu của tạo lập thế trận TCPTCL là phải tạo ra thế phòng thủ vững chắc ở từng địa phương, trên từng hướng và chiến trường tác chiến, hợp thành thế trận phòng thủ chung của cả nước, để bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ; bảo vệ các mục tiêu trọng yếu của đất nước, cuộc sống lao động hòa bình của nhân dân và đánh bại chiến tranh xâm lược của địch. Thế trận đó được tạo lập trên cơ sở dự báo chính xác âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch; tình hình thế giới, khu vực và khả năng của đất nước; điều kiện địa lý cũng như đặc điểm của từng chiến trường. Trong điều kiện địa lý của nước ta dài và hẹp, khi tác chiến xảy ra dễ bị cô lập, chia cắt, nên tạo lập thế trận TCPTCL cần phải bố trí lực lượng cho từng khu vực bảo đảm vừa có thể độc lập tác chiến đánh bại địch tiến công, vừa có thể cơ động chi viện cho các chiến trường khác kịp thời. Về nội dung thế trận TCPTCL bao gồm: khu vực bố trí lực lượng phòng thủ của quân khu, tỉnh, thành phố; khu vực bố trí lực lượng phòng ngự, pháo binh, tên lửa, phòng không - không quân, hải quân; căn cứ hậu phương, căn cứ chiến đấu; khu vực triển khai lực lượng cơ động của Bộ, hệ thống sở chỉ huy; các tuyến vật cản, hệ thống công sự trận địa, công trình phòng thủ trên các hướng và thế bố trí của các lực lượng khác tạo thành. Đây là thế trận mang tính tổng hợp cao, được xây dựng ngay từ thời bình và chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân khi chiến tranh xảy ra, nhằm đáp ứng yêu cầu của loại hình tác chiến chiến lược với nhiều thành phần lực lượng tham gia, trên nhiều địa bàn, không gian rộng và diễn biến phức tạp.

Để thực hiện tốt yêu cầu, nội dung trên, việc xây dựng thế trận TCPTCL theo chúng tôi cần tập trung một số nội dung chủ yếu sau:

1. Chủ động tạo lập thế trận TCPTCL ngay từ thời bình

Về nguyên tắc, TCPTCL được tiến hành trong thế phòng thủ chung, dựa trên nền tảng khu vực phòng thủ (KVPT) địa phương, phòng thủ quân khu, được xây dựng từ thời bình để chủ động chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp khi chiến tranh xảy ra, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, địa bàn và cả nước. Do đó, xây dựng thế trận TCPTCL vừa phải tuân thủ nội dung, nguyên tắc của thế phòng thủ chung, vừa phải phù hợp với điều kiện, địa hình của từng khu vực và lựa chọn một số nội dung để xây dựng ngay từ thời bình theo một phương án, kế hoạch thống nhất; trong đó, xây dựng thế trận KVPT địa phương đóng vai trò rất quan trọng. Để xây dựng thế trận KVPT địa phương vững chắc, cần nghiên cứu tổ chức bố trí lực lượng, phương tiện, các công trình quốc phòng bảo đảm khoa học, phù hợp với đặc điểm địa bàn, nhiệm vụ, tình hình kinh tế - xã hội ở từng địa phương và đối tượng tác chiến. Trước hết, có thể tập trung xây dựng, củng cố hệ thống làng, xã chiến đấu, các khu vực phòng thủ (KVPT) then chốt, mục tiêu trọng yếu của tỉnh, huyện, căn cứ chiến đấu, sở chỉ huy các cấp, căn cứ hậu cần - kỹ thuật..., bảo đảm cơ bản đầy đủ, vững chắc từ thời bình và sẵn sàng bổ sung, từng bước hoàn chỉnh khi có chiến tranh xảy ra. Trong đó, ưu tiên xây dựng trên các hướng phòng thủ chủ yếu, nơi dự kiến có thể là hướng tiến công chủ yếu của địch; chú trọng xây dựng hệ thống công trình quốc phòng, như: hầm ngầm, địa đạo và hệ thống đường cơ động, nhất là những công trình có tính lưỡng dụng. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng ở các địa bàn chiến lược (biên giới, ven biển); xây dựng cơ sở hạ tầng, trọng tâm là hệ thống đường giao thông, thông tin liên lạc, y tế; tận dụng cải tạo các hang động, địa hình tự nhiên và đặc biệt quan tâm xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, v.v. Các thành phần này phải tạo thành thế trận xen kẽ, để vừa ngăn chặn địch, bảo vệ vững chắc địa bàn, vừa đánh địch rộng khắp, nhằm căng kéo, phân tán sự đối phó của chúng, thực hiện phương châm “xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh” tạo thế, thời cơ có lợi cho các đơn vị chủ lực của quân khu và Bộ thực hiện các đòn tiến công chiến lược tiêu diệt lớn quân địch.

2. Tổ chức phân chia chiến trường và xác định chiến trường chủ yếu để tạo lập thế trận

Xuất phát từ đặc điểm của TCPTCL diễn ra trong không gian rộng, tùy vào mục đích, quy mô cuộc chiến tranh có thể diễn ra trên một, một vài chiến trường hoặc phạm vi cả nước. Trong khi đó, địch có thể thực hành tiến công trên nhiều hướng, nhất là đổ bộ đường biển kết hợp với đổ bộ đường không rộng rãi vào chiều sâu đất nước hoặc cũng có thể kết hợp sử dụng lực lượng tiến công từ ngoài vào với bạo loạn vũ trang ở bên trong, nên tình huống diễn biến rất mau lẹ, khó lường. Vì vậy, việc phân chia chiến trường và xác định chiến trường tác chiến chủ yếu để tạo lập thế trận TCPTCL là vấn đề rất quan trọng. Thông thường chiến trường tác chiến chủ yếu sẽ là nơi địch tập trung lực lượng chủ yếu để tiến công, nhằm thực hiện mục đích của chiến tranh, nhưng cũng có thể là những mục tiêu trọng yếu mà ta phải tập trung mọi lực lượng, phương tiện để đánh bại địch. Dù ở trường hợp nào, thì việc tạo lập thế trận cũng phải vững chắc, có chiều sâu, bảo đảm ngăn chặn, kìm giữ, tiêu hao, tiêu diệt địch; buộc chúng suy yếu, sa lầy, tạo điều kiện phối hợp với các chiến trường tác chiến và các mặt đấu tranh khác đánh bại lực lượng tiến công của địch. Để làm được điều đó, việc tạo lập thế trận phải trên cơ sở quyết tâm và phương thức TCPTCL đã xác định để nghiên cứu, bố trí các chốt, cụm chốt chiến dịch - chiến lược, các trọng điểm phòng ngự, các khu vực đánh địch có lựa chọn, các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương chiến lược; khu vực bố trí các binh đoàn chủ lực,... cho phù hợp. Quá trình xây dựng cần coi trọng tạo thế liên hoàn, vững chắc giữa thế trận bờ - biển - đảo (đối với địa bàn ven biển); chú trọng cải tạo và tận dụng thế có lợi của địa hình để hình thành thế trận ngăn chặn địch có chiều sâu, trọng điểm trên các trục, các hướng, nhằm tạo thế thuận lợi để tiêu hao, tiêu diệt lực lượng lớn quân địch. Tác chiến chiến lược nói chung, TCPTCL trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nói riêng, chúng ta phải đối phó với kẻ địch có tiềm lực quân sự hơn ta gấp nhiều lần, lại sử dụng phổ biến vũ khí công nghệ cao, khả năng cơ động và tạo tương quan so sánh lực lượng linh hoạt, nhất là ở thời điểm quan trọng. Vì thế, tạo lập thế trận TCPTCL cần dự kiến nhiều tình huống và sẵn sàng chuyển hóa thế trận linh hoạt để đối phó kịp thời, hiệu quả với tình huống địch chuyển hướng tiến công sang chiến trường khác.

3. Coi trọng xây dựng thế trận ở KVPT chiến lược chủ yếu, làm nòng cốt cho thế phòng thủ chung vững chắc

Là loại hình tác chiến chiến lược được sử dụng ngay từ đầu, nên khi chiến tranh xảy ra, công tác chuẩn bị của TCPTCL thường chưa hoàn chỉnh, thế trận phòng thủ còn chưa ổn định, khối lượng công việc chuẩn bị cho các lực lượng bước vào tác chiến rất lớn. Vì vậy, nghiên cứu xác định KVPT chiến lược chủ yếu và tập trung tạo lập thế trận làm nòng cốt để ổn định thế trận tác chiến trên toàn chiến trường, nhất là trong thời kỳ đầu chiến tranh là nội dung trọng yếu. Trong TCPTCL, trên các chiến trường tác chiến, ngoài các KVPT địa phương, KVPT chủ yếu của các quân khu,... có thể xác định các KVPT chiến lược, trong đó có KVPT chiến lược chủ yếu. Đây là khu vực quan trọng nhất, nơi địa hình hiểm yếu; bao hàm các mục tiêu chiến lược trọng yếu của quốc gia, có căn cứ hậu phương chiến lược của đất nước nên cần phải bảo vệ, giữ vững bằng mọi giá. Do đó, việc tạo lập thế trận ở đây vừa phải bảo đảm cho tác chiến, phòng thủ, phòng ngự vững chắc, vừa phải tạo điều kiện, thời cơ có lợi để phản công và tiến công thuận lợi; đồng thời, có thể bám trụ đánh địch dài ngày trong suốt quá trình chiến tranh. Để làm được điều đó, việc bố trí các lực lượng, thiết bị chiến trường phải trên cơ sở nghiên cứu nắm chắc âm mưu, thủ đoạn và các biện pháp tác chiến của địch; ý định tác chiến phòng thủ, đặc điểm dân cư, địa hình, khí hậu thời tiết và sở trường của từng lực lượng để xây dựng cho phù hợp. Trong đó, chú trọng xây dựng thế trận của lực lượng tác chiến tại chỗ, thế khu vực bố trí lực lượng cơ động của Bộ và các quân khu, thế trận tác chiến của các quân chủng, binh chủng, các khu vực tiến hành chiến dịch phòng ngự, phản công, tiến công; khu vực đánh địch đổ bộ đường không; khu vực có thể xảy ra bạo loạn, v.v.

Trong điều kiện tác chiến hiện đại, KVPT chiến lược chủ yếu của TCPTCL có thể phải đương đầu với các cuộc tiến công quy mô lớn, liên tục, dài ngày, với nhiều loại vũ khí, bom, đạn hiện đại của địch; do đó, việc tạo lập thế trận cần nghiên cứu giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa tạo “thế đánh” và “thế giữ” hay nói cách khác là “công” và “thủ” trong suốt quá trình tác chiến, bảo đảm vừa tiêu hao, tiêu diệt địch, vừa phải bảo vệ, giữ vững các mục tiêu trọng yếu. Đồng thời, thế trận đó phải thường xuyên được xây dựng, củng cố, điều chỉnh và chuyển hóa linh hoạt tạo thế, thời cơ để tiến hành các chiến dịch, nhất là các chiến dịch - chiến lược chủ yếu, quyết định, nhằm đánh bại địch giành thắng lợi.

Đại tá, PGS, TS. HOÀNG KỲ LÂN, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.