Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 17/08/2017, 11:29 (GMT+7)
Một số vấn đề về sử dụng pháo binh đánh địch đổ bộ đường không chiến lược trong tác chiến phòng thủ chiến lược

Đánh địch đổ bộ đường không chiến lược là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa then chốt quyết định trong tác chiến phòng thủ chiến lược của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra). Trong điều kiện ác liệt, tính biến động cao, việc sử dụng, phát huy sức mạnh hỏa lực pháo binh là vấn đề quan trọng cần được nghiên cứu.

Khi tiến hành chiến tranh xâm lược, cùng với lực lượng tiến công đường bộ, đường biển, có thể địch sẽ tổ chức đổ bộ đường không chiến lược vào bên sườn, phía sau trong chiều sâu phòng thủ của ta, nhằm chia cắt chiến lược và phối hợp với các hướng tác chiến khác đẩy nhanh tốc độ đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu quốc gia. Để đánh bại lực lượng đổ bộ đường không chiến lược của địch, giữ vững thế trận phòng thủ chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động tác chiến tiếp theo, đòi hỏi người chỉ huy và cơ quan tham mưu chiến lược phải giải quyết đồng bộ nhiều biện pháp; tạo lập, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, trong đó có pháo binh. Bài viết tập trung nghiên cứu, trao đổi một số vấn đề về nghệ thuật tổ chức, sử dụng, bố trí lực lượng và chỉ huy hỏa lực pháo binh chi viện đánh địch đổ bộ đường không chiến lược trong tác chiến phòng thủ chiến lược.

Trước hết, về tổ chức, sử dụng lực lượng pháo binh. Theo các nghiên cứu gần đây cho thấy, lực lượng đổ bộ đường không chiến lược của địch thường là một số lữ đoàn, sư đoàn đổ bộ đường không chuyên trách, hoặc lực lượng dự bị chiến lược, nên khu vực tập kết lực lượng ở xa, có thể trên đất liền, đảo, quần đảo ven bờ, căn cứ quân sự hoặc từ tàu sân bay của địch. Khi thực hành đổ bộ đường không, địch thường tiến hành nghi binh, tác chiến điện tử và chi viện hỏa lực rộng rãi. Về ta, lực lượng đánh địch đổ bộ đường không chiến lược trong tác chiến phòng thủ chiến lược có thể gồm binh đoàn chủ lực cơ động chiến lược của Bộ (chiến trường), lực lượng của các quân chủng, binh chủng, lực lượng vũ trang địa phương trên địa bàn tác chiến của quân khu, được tiến hành bằng các chiến dịch tiến công, phản công hoặc các trận đánh địch đổ bộ đường không kế tiếp nhau và thường do cấp chiến lược tổ chức, chỉ huy và điều hành. Pháo binh tham gia đánh địch đổ bộ đường không chiến lược có thể gồm một số lữ đoàn pháo binh dự bị chiến lược của Bộ, pháo binh của các binh đoàn chủ lực cơ động chiến lược và pháo binh của lực lượng vũ trang địa phương. Tùy tình hình và trường hợp cụ thể của chiến trường để sử dụng lực lượng đánh địch đổ bộ đường không ở quy mô thích hợp. Song, dù trường hợp nào, để bảo đảm hỏa lực cho đánh địch ở thời cơ có lợi, người chỉ huy, cơ quan tham mưu chiến lược phải có biện pháp tổ chức, sử dụng lực lượng pháo binh phù hợp. Theo đó, bộ tư lệnh chiến trường có thể giữ lại phần lớn lực lượng pháo binh dự bị chiến lược, tổ chức thành các tiểu đoàn, cụm pháo binh chi viện chung; số còn lại tăng cường cho lực lượng đánh địch đổ bộ đường không chiến lược; trong đó, ưu tiên cho hướng, khu vực tác chiến chủ yếu. Chiến trường cũng cần chú trọng tổ chức lực lượng pháo binh chuyên trách đánh địch đổ bộ đường không ở các cấp, nhằm sát thương, tiêu hao, tiêu diệt một phần lực lượng, phương tiện địch tại căn cứ xuất phát, khống chế các khu vực địa hình có giá trị chiến dịch, chiến lược, buộc địch phải đổ quân vào đúng nơi ta đã dự kiến.

Một trong những đặc điểm có tính nguyên tắc của hoạt động tác chiến phòng thủ chiến lược là được tiến hành bằng liên kết các hoạt động tác chiến của khu vực phòng thủ địa phương, tác chiến phòng thủ quân khu và tác chiến của binh đoàn cơ động chiến lược. Vì thế, vấn đề đặt ra ở đây là, cùng với chi viện hỏa lực cho đánh địch đổ bộ đường không chiến lược, pháo binh của chiến trường còn phải chi viện hỏa lực cho nhiều nhiệm vụ, hoạt động tác chiến khác - nhu cầu hỏa lực lớn hơn khả năng hỏa lực. Để giải quyết vấn đề đó, trong quá trình đánh địch đổ bộ đường không chiến lược trong tác chiến phòng thủ chiến lược, người chỉ huy, cơ quan tham mưu chiến trường cần có kế hoạch sử dụng pháo binh linh hoạt, kết hợp chặt chẽ hỏa lực pháo binh với các loại hỏa lực khác theo từng giai đoạn, nhiệm vụ, trận đánh. Trong đánh địch tại căn cứ xuất phát, bộ tư lệnh chiến trường có thể sử dụng một số phân đội pháo binh chi viện chung, phối hợp với không quân, hải quân, tên lửa tầm xa, các đội pháo binh chuyên trách, lực lượng vũ trang địa phương, đặc công,... tập kích hỏa lực vào nơi tập trung binh lực của địch, đánh phá các sân bay, tàu sân bay chở lực lượng đổ bộ đường không,… sát thương, tiêu diệt sinh lực, phá hủy các phương tiện, hạn chế khả năng đổ bộ đường không của địch, gây tâm lý hoang mang, buộc địch phải đối phó, tạo điều kiện cho các đơn vị của ta hoàn thiện công tác tổ chức chuẩn bị tác chiến. Trong thực hành đánh địch tại khu vực, bãi đổ bộ, người chỉ huy và cơ quan tham mưu chiến trường cần chủ động nắm chắc tình hình, dự kiến được nhiều phương án, có thể sử dụng một phần lực lượng pháo binh chi viện chung bố trí tại trận địa lâm thời, phối hợp với pháo binh của lực lượng chiến đấu tạo thế, kết hợp với lực lượng phòng không của bộ đội địa phương, dân quân tự vệ,… thực hành đánh trên đường bay, khu vực địch đổ bộ, buộc chúng phải đổ quân vào nơi ta dự kiến. Khi chúng bắt đầu đổ quân (khoảng 1/2 đến 2/3 lực lượng), bộ tư lệnh chiến trường có thể sử dụng một số phân đội, cụm pháo phản lực, kết hợp với các loại hỏa lực pháo binh, phòng không, xe tăng,… của lực lượng tại chỗ tiến hành đòn hỏa lực phủ đầu; thực hành đánh rộng khắp, ngăn chặn, kìm giữ, không cho địch ổn định đội hình và liên kết giữa các khu vực đổ bộ với nhau và giữa lực lượng đổ bộ với lực lượng tiến công đường bộ; tạo thế, tạo thời cơ có lợi cho lực lượng cơ động tiến công của chiến trường thực hành các chiến dịch, trận đánh tiêu diệt địch đổ bộ đường không chiến lược. Như vậy, vừa phát huy được ưu thế, sở trường của từng lực lượng, tránh bộc lộ sớm lực lượng, ý định tác chiến, hạn chế thương vong do hỏa lực địch gây ra, vừa sẵn sàng tập trung hỏa lực tạo ưu thế hơn địch.

Về bố trí lực lượng pháo binh. Đặc điểm của đánh địch đổ bộ đường không là thường phải chuẩn bị nhiều phương án, tình huống tác chiến diễn ra khẩn trương, tính biến động rất cao, v.v. Vì vậy, để đảm bảo hỏa lực pháo binh chi viện cho các lực lượng đánh địch ở thời cơ có lợi, đòi hỏi người chỉ huy, cơ quan tham mưu chiến trường phải nghiên cứu nắm chắc tình hình, bố trí lực lượng, tạo lập thế trận pháo binh liên hoàn, hiểm hóc, vững chắc; đồng thời, có khả năng chuyển hóa linh hoạt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đánh địch đổ bộ đường không cả trong và ngoài khu vực dự kiến.

Để đạt được mục tiêu đó, cơ quan, chủ nhiệm pháo binh chiến trường phải nghiên cứu, nắm chắc ý định tác chiến của tư lệnh chiến trường, thủ đoạn hoạt động của địch, dự kiến khu vực, quy mô địch đổ bộ đường không, khả năng lực lượng pháo binh để bố trí lực lượng pháo binh hợp lý. Cơ quan, chủ nhiệm, chỉ huy các đơn vị pháo binh cần triệt để tận dụng thế có lợi của địa hình, các làng, xã chiến đấu, căn cứ chiến đấu, nơi ít bị ảnh hưởng của hỏa lực địch và thuận tiện cho việc cơ động, chiếm lĩnh, di chuyển và thiết bị chiến trường để bố trí hệ thống đài quan sát, sở chỉ huy, trận địa bắn pháo binh. Trong từng phương án đánh địch, bố trí các trận địa pháo binh chi viện chung của chiến trường phải phù hợp với thế bố trí pháo binh của lực lượng đánh địch đổ bộ đường không và pháo binh của khu vực phòng thủ, tạo nên thế trận liên hoàn, không bị chồng chéo hỏa lực, sẵn sàng tập trung hỏa lực, chi viện, hỗ trợ nhau trong quá trình tác chiến. Để có thể nổ súng đánh địch ở nhiều phương án, cơ quan, chủ nhiệm và đơn vị pháo binh phải nghiên cứu, lựa chọn trận địa lâm thời, trận địa chính thức, dự bị, phù hợp với từng loại pháo, súng cối, bảo đảm đánh địch rộng khắp và sẵn sàng tập trung hỏa lực khi cần. Tại mỗi khu vực trận địa, phải chuẩn bị từ 02 - 03 vị trí đặt bắn phụ, sẵn sàng cơ động dịch chuyển pháo, tránh hỏa lực của địch. Ngoài ra, cơ quan, chủ nhiệm, người chỉ huy đơn vị pháo binh còn phải chuẩn bị tốt các biện pháp bảo đảm cơ động pháo, cơ động hỏa lực; trong đó, chú trọng thiết bị công sự trận địa bắn được nhiều hướng, từ một vị trí có thể chi viện, khống chế được nhiều mục tiêu. Trong quá trình tác chiến, cần linh hoạt trong chuyển thuộc, phối thuộc và chi viện hỏa lực khi tư lệnh chiến trường, chiến dịch có sự điều chỉnh ý định, quyết tâm tác chiến, kể cả đánh địch đổ bộ đường không ở khu vực ngoài dự kiến.

Về chỉ huy hỏa lực pháo binh. Thời cơ đánh địch đổ bộ đường không thường xuất hiện nhanh và qua đi cũng rất nhanh, tình huống biến động mau lẹ, có thể trong dự kiến, được chuẩn bị trước, có thể xuất hiện ngoài dự kiến, v.v. Vì vậy, người chỉ huy, cơ quan, chủ nhiệm pháo binh các cấp cần nghiên cứu nắm chắc tình hình, đánh giá đúng thực tế, dự kiến nhiều tình huống, xây dựng kế hoạch, tổ chức hệ thống hỏa lực chặt chẽ ở các cấp, phù hợp với cách đánh của người chỉ huy binh chủng hợp thành. Trong chỉ huy hỏa lực pháo binh chi viện đánh địch đổ bộ đường không chiến lược, bộ tư lệnh chiến trường có thể vận dụng phương pháp chỉ huy tập trung, phân cấp, hoặc vượt cấp để bảo đảm hỏa lực chi viện đánh địch đúng thời cơ, thời điểm có lợi. Theo chúng tôi, trong các tình huống phức tạp, hoặc khi thời cơ đánh địch xuất hiện, để tạo mật độ hỏa lực cao, nhanh chóng sát thương lớn quân địch, chi viện cho lực lượng binh chủng hợp thành cơ động triển khai đội hình, phát triển chiến đấu, cơ quan chủ nhiệm pháo binh chiến trường chỉ huy các đơn vị pháo binh chi viện chung và pháo binh lực lượng đánh địch đổ bộ đường không chiến lược thực hiện nhiệm vụ hỏa lực theo quyết tâm của tư lệnh chiến trường. Đồng thời, tổ chức hiệp đồng với các thành phần, lực lượng pháo binh khác trên địa bàn, nâng cao khả năng hỏa lực diệt địch. Như vậy, đảm bảo vừa tập trung, thống nhất về hỏa lực, chi viện kịp thời cho lực lượng cơ động chiến lược đánh địch đổ bộ đường không chiến lược, vừa phát huy được hiệu quả hỏa lực pháo binh đánh địch độc lập khi có thời cơ.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ huy hỏa lực pháo binh, bộ tư lệnh chiến trường có thể tổ chức cơ quan chỉ huy pháo binh lâm thời trong trận then chốt đánh địch đổ bộ đường không, để phục vụ cho nhiệm vụ chỉ huy hỏa lực theo ý định, kế hoạch thống nhất của tư lệnh chiến trường. Các cơ quan, đơn vị pháo binh phải tiến hành công tác bảo đảm đầy đủ, chu đáo, toàn diện và bí mật. Công tác bảo đảm phải triển khai theo các phương án đánh địch đổ bộ đường không, cả trong và ngoài dự kiến. Đặc biệt, trong điều kiện địch đổ bộ đường không có ưu thế, khả năng vượt trội về sức cơ động, trinh sát phát hiện sớm từ trên không và tiến hành hỏa lực sát thương rộng rãi bằng vũ khí công nghệ cao,… cơ quan và người chỉ huy đơn vị pháo binh cần chú trọng triển khai đồng bộ các biện pháp ngụy trang, nghi binh và cơ động để hạn chế tác động của hỏa lực địch, bảo toàn lực lượng và nâng cao khả năng hỏa lực pháo binh.

Tác chiến phòng thủ chiến lược là một loại hình tác chiến cơ bản trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, rất cần có sự nghiên cứu, trao đổi, làm sâu sắc hơn về lý luận, thực tiễn nghệ thuật sử dụng pháo binh, nâng cao khả năng hỏa lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ đánh địch đổ bộ đường không, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.

Đại tá, ThS. NGUYỄN VĂN THẮNG, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.