Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 27/06/2024, 10:18 (GMT+7)
Một số vấn đề về sử dụng lực lượng phòng không lục quân đánh phương tiện bay không người lái trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Hiện nay, trong lĩnh vực quân sự, phương tiện bay không người lái được thiết kế, chế tạo theo hướng đa dụng, có thể sử dụng trong nhiều nhiệm vụ khác nhau, với quy mô ngày càng lớn, thủ đoạn hoạt động đa dạng. Để trinh sát, phát hiện và đối phó có hiệu quả loại phương tiện nguy hiểm này, cần phải giải quyết nhiều vấn đề; trong đó, tổ chức, sử dụng và bố trí lực lượng phòng không lục quân hợp lý là một nội dung rất quan trọng, cần được nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, hiệu quả.

Trong các cuộc xung đột trên thế giới gần đây, nhất là xung đột quân sự Nga - Ukraina, khi tham gia vào đội hình tiến công hỏa lực đường không, phương tiện bay không người lái thể hiện vai trò ngày càng quan trọng, không chỉ đảm nhiệm nhiệm vụ trinh sát, cảnh giới, tác chiến điện tử,… mà còn được trang bị vũ khí điều khiển chính xác, trở thành phương tiện tiến công rất hiệu quả. Với ưu điểm chi phí đầu tư thấp, đa dạng về kích thước, hình thức bay linh hoạt,... phương tiện bay không người lái có thể hoạt động độc lập, tác chiến theo chiến thuật nhỏ lẻ, tự sát hoặc theo kiểu “bầy đàn”, được sử dụng cả ở cấp chiến thuật, chiến dịch và chiến lược. Nhờ có những đặc điểm và tính năng chiến thuật, kỹ thuật vượt trội, phương tiện bay không người lái càng khẳng định vai trò quan trọng không thể thiếu trong chiến tranh hiện đại.

Khẩu đội Pháo phòng không của Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Phòng không 214 luyện tập phương án đánh địch đột nhập đường không. Ảnh: qdnd.vn

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) việc tổ chức, sử dụng và bố trí lực lượng đánh phương tiện bay không người lái là một nội dung quan trọng trong cách đánh của lực lượng phòng không lục quân, là tổng thể các cách thức, giải pháp lựa chọn, sắp xếp, triển khai lực lượng, vũ khí, trang bị kỹ thuật, hỏa lực theo một ý định, kế hoạch thống nhất của người chỉ huy binh chủng hợp thành trong các trận chiến đấu, đợt tác chiến tập trung và trên cả chiến trường. Trên cơ sở đó, hình thành thế trận có lợi đánh phương tiện bay không người lái của địch rộng khắp, đánh liên tục từ xa đến gần, tập trung có trọng điểm vào hướng, khu vực mục tiêu chủ yếu; đồng thời, có lực lượng dự bị thích hợp để xử trí kịp thời các tình huống. Căn cứ vào nhiệm vụ được giao, lực lượng phòng không lục quân có thể tổ chức, sử dụng và bố trí thành các thành phần lực lượng như sau:

Lực lượng trinh sát, quan sát, thông báo, báo động

Theo đó, phải tùy thuộc vào khả năng của từng lực lượng tham gia tác chiến để tổ chức lực lượng trinh sát cho phù hợp. Lực lượng phòng không của các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng có thể tổ chức một số đài quan sát phòng không trên các hướng; phòng không cấp sư đoàn bộ binh và cấp tỉnh, thành phố cũng cần tổ chức đài quan sát nhưng số lượng có thể ít hơn. Đối với các tiểu đoàn pháo phòng không có thể tổ chức ít nhất 01 đài quan sát kết hợp với các vọng quan sát; phòng không cấp huyện có thể tổ chức một số vọng quan sát. Các đài, vọng quan sát được tổ chức chặt chẽ, trang bị đầy đủ phương tiện nghe, nhìn, thông tin liên lạc cho thông báo báo động, được kết nối với nhau, hiệp đồng với lực lượng trinh sát của Quân chủng Phòng không - Không quân để kịp thời phát hiện, thông báo cho nhau, tập trung trên các hướng chủ yếu mà không quân địch, nhất là phương tiện bay không người lái vào trinh sát, đánh phá.

Bố trí hệ thống đài quan sát, ra đa, trang bị trinh sát,... tại các điểm cao, nơi tiện quan sát, phát hiện, tập trung trên hướng dự kiến phương tiện bay không người lái của địch đánh phá; thường bố trí ở các khu vực biên giới, bờ biển, đảo gần bờ, trên hướng đánh phá chủ yếu của địch trên không. Các đài quan sát phòng không của các trung đoàn, sư đoàn bộ binh nên bố trí trong khu vực chiến đấu của đơn vị; trên các điểm cao, tập trung trên hướng phương tiện bay không người lái của địch vào đánh phá. Các đài, vọng quan sát của khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố bố trí trong các căn cứ chiến đấu, trên các điểm cao, nơi tiện quan sát phát hiện, ít bị đánh phá và có cự ly thích hợp, phù hợp với địa hình khu vực tác chiến.

Lực l­ượng đánh địch trực tiếp bảo vệ mục tiêu (khu vực mục tiêu) chủ yếu

Đây là lực lượng chủ yếu, nòng cốt đánh phương tiện bay không người lái của lực lượng phòng không lục quân trong tác chiến, bảo vệ các mục tiêu, khu vực mục tiêu trọng yếu được giao. Lực lượng này thường được tổ chức thành bộ phận chốt trực tiếp và bộ phận cơ động đánh phương tiện bay không người lái.

Đối với bộ phận chốt trực tiếp, là thành phần chủ yếu đánh phương tiện bay không người lái bảo vệ mục tiêu, khu vực mục tiêu trọng yếu của các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng trong suốt quá trình tác chiến. Căn cứ vào đặc điểm, tính chất, số lượng mục tiêu phải bảo vệ để sử dụng lực lượng cho phù hợp. Với khu vực mục tiêu, có thể sử dụng khoảng 01 tiểu đoàn pháo phòng không tăng cường, kết hợp với các phân đội phòng không của khu vực phòng thủ để đánh phương tiện bay không người lái, bảo vệ mục tiêu. Với mục tiêu điểm, có thể sử dụng từng phân đội phòng không độc lập, sử dụng từ 01 đến 02 đại đội pháo phòng không kết hợp với phân đội phòng không của khu vực phòng thủ để bảo vệ. Lực lượng trực tiếp đánh địch bảo vệ mục tiêu được bố trí xung quanh, cách mục tiêu bảo vệ cự ly thích hợp, tập trung trên hướng chủ yếu dự kiến phương tiện bay không người lái vào trinh sát, đánh phá.

Đối với bộ phận cơ động đánh phương tiện bay không người lái, được tổ chức thành các phân đội phòng không quy mô nhỏ. Trên cơ sở dự kiến hướng, đường bay chủ yếu của phương tiện bay không người lái vào trinh sát, đánh phá để lựa chọn chiến thuật và vị trí thuận lợi về xạ kích, thường xuyên cơ động đón (đón lõng) đánh phương tiện bay không người lái. Quá trình tác chiến, các phân đội phòng không được triển khai thành các trận địa quy mô cấp đại đội, tiểu đội tên lửa tầm thấp và trung đội, khẩu đội súng máy phòng không; các tổ bắn phương tiện bay không người lái bay thấp bằng súng bộ binh, tập trung trên hướng dự kiến phương tiện bay không người lái của địch vào trinh sát, đánh phá.

Lực lượng đánh địch bảo vệ đội hình binh chủng hợp thành

Trong tác chiến, để bảo vệ an toàn đội hình của các đơn vị binh chủng hợp thành, lực lượng phòng không lục quân cần được tổ chức, sử dụng và bố trí một cách hợp lý, chặt chẽ, khoa học. Trong đó, phòng không bảo vệ lực lượng phòng thủ, phòng ngự, tiến công, phản công là lực lượng chủ yếu, có nhiệm vụ đánh địch trên không, tập trung đánh phương tiện bay không người lái, bảo vệ lực lượng phòng thủ, phòng ngự, tiến công, phản công trong quá trình tác chiến; sẵn sàng tham gia đánh địch mặt đất, mặt nước,... được tổ chức thành lực lượng bảo vệ lực lượng binh chủng hợp thành phòng thủ, phòng ngự, tiến công, phản công trên hướng, khu vực chủ yếu và thứ yếu. Về trận địa, thường được bố trí ở hai bên sườn mục tiêu bảo vệ, với khoảng cách thích hợp, bảo đảm đánh được máy bay không người lái, bảo vệ được mục tiêu và thuận tiện cho cơ động đi cùng bảo vệ mục tiêu khi cần thiết.

Đối với phòng không bảo vệ pháo binh, phải căn cứ cách tổ chức lực lượng pháo binh của từng đơn vị binh chủng hợp thành, của khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố để tổ chức lực lượng phòng không đánh phương tiện bay không người lái cho phù hợp. Khi tổ chức các trận địa pháo binh độc lập trên các hướng, khu vực, lực lượng phòng không lục quân cũng phải có các phân đội phòng không để bảo vệ. Để bảo vệ an toàn các trận địa pháo binh, lực lượng phòng không lục quân phải căn cứ vào cách thức tổ chức, sử dụng và bố trí lực lượng pháo binh, khả năng của phòng không, ý định tác chiến để tổ chức cho phù hợp. Thông thường lực lượng này được tổ chức thành các phân đội phòng không, luôn đi cùng bám sát bảo vệ trận địa pháo binh trong suốt quá trình tác chiến.

Đối với phòng không đánh phương tiện bay không người lái bảo vệ sở chỉ huy các cấp thường tổ chức thành các tiểu đội tên lửa tầm thấp, súng máy phòng không và các tổ bắn phương tiện bay bay thấp bằng súng bộ binh. Tùy vào tính năng từng loại tên lửa tầm thấp để bố trí cho phù hợp.

Lực lư­ợng đánh phương tiện bay không người lái tại chỗ, rng khp.

Đây là lực lượng đông đảo, được tổ chức ở tất cả các cấp, các đơn vị trong các khu vực tác chiến, các quân khu và chiến trường. Gồm các phân đội phòng không lục quân của khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, các tổ bắn mục tiêu bay thấp bằng súng bộ binh của các đơn vị, địa phương. Theo đó, phòng không dân quân tự vệ có thể tổ chức thành các đại đội, trung đội, khẩu đội pháo phòng không và súng máy phòng không, các tổ bắn mục tiêu bay thấp bằng súng bộ binh ở các tiểu đoàn, đại đội,... các tổ chức dân chính đảng, lực lượng dân quân tự vệ, v.v. Khi sử dụng lực l­ượng đánh phương tiện bay không người lái tại chỗ, rộng khắp, phải theo ý định thống nhất, phát huy khả năng, sở trường, cách đánh của từng lực lượng, phù hợp với nhiệm vụ đánh các loại phương tiện bay không người lái của địch trên địa bàn, tiến hành công tác phòng không nhân dân, các biện pháp ngụy trang, nghi binh lừa phương tiện bay không người lái, phòng, chống tác chiến điện tử và vũ khí công nghệ cao của địch.

Đối với lực lượng phòng không của địa phương - lực lượng chủ yếu tham gia đánh phương tiện bay không người lái tại chỗ, rộng khắp phải trên cơ sở khả năng lực lượng, nhiệm vụ được giao, mục tiêu phải bảo vệ để sử dụng cho phù hợp. Với tiểu đoàn pháo phòng không (hoặc súng máy phòng không) của tỉnh, thành phố, đại đội súng máy phòng không của huyện, sử dụng đánh phương tiện bay không người lái bảo vệ mục tiêu trọng yếu; đồng thời, là lực lượng đánh phương tiện bay không người lái tại chỗ, rộng khắp trên địa bàn tác chiến. Sử dụng 100% phòng không của khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố đánh phương tiện bay không người lái tại chỗ, rộng khắp trên toàn địa bàn tác chiến, bảo vệ mục tiêu của khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố và tiến hành công tác phòng không nhân dân. Bố trí lực lượng phòng không đánh phương tiện bay không người lái tại chỗ, rộng khắp phải linh hoạt và bảo đảm tính thống nhất trên địa bàn tác chiến.

Lực lượng phòng không đánh phương tiện bay không người lái d b.

Căn cứ vào quyết tâm tác chiến của người chỉ huy binh chủng hợp thành, thủ đoạn hoạt động của phương tiện bay không người lái, khả năng của lực lượng phòng không lục quân để tổ chức lực lượng dự bị phù hợp. Thông thường, lực lượng phòng không dự bị của quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, của khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố được tổ chức thành các phân đội phòng không độc lập, người chỉ huy binh chủng hợp thành trực tiếp nắm và sử dụng.

Tổ chức, sử dụng và bố trí lực lượng phòng không lục quân đánh phương tiện bay không người lái là nội dung rất quan trọng hiện nay. Bài viết mới chỉ là những nghiên cứu bước đầu, xin được trao đổi cùng bạn đọc.

Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN ĐỨC, Học viện Phòng không - Không quân

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.