Thứ Bảy, 23/11/2024, 08:56 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Bộ đội đặc công (ảnh: Bùi Hưng - nguồn: Báo Thanh niên) Sử dụng lực lượng Đặc công (LLĐC) trong tác chiến phòng thủ quân khu (PTQK) là bước phát triển mới của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đây là một nội dung quan trọng cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung phát triển về lý luận, vận dụng vào thực tiễn phù hợp với điều kiện mới của cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.
Trong tác chiến PTQK, Đặc công là một thành phần lực lượng chiến đấu quan trọng, lực lượng đánh hiểm của quân khu, có nhiệm vụ: phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng của quân khu tiến công tiêu diệt sinh lực (chủ yếu là sinh lực địch cao cấp), phá hủy phương tiện, vật chất chiến tranh quan trọng của địch trong suốt quá trình địch chuẩn bị và thực hành tiến công (bằng đường bộ, đổ bộ đường không, đường biển), góp phần hoàn thành nhiệm vụ tác chiến, giữ vững địa bàn quân khu; tham gia phối hợp với lực lượng an ninh đánh bắt, tiêu diệt những tên chỉ huy cầm đầu tổ chức bạo loạn lật đổ ở địa phương, giữ và đánh chiếm lại các mục tiêu trọng yếu, giữ vững an ninh chính trị, làm trong sạch địa bàn; sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt khác khi cấp trên giao.
Tác chiến PTQK trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) thường diễn ra trong không gian rộng, mang tính tổng hợp cao; nhiều thành phần, lực lượng tham gia, tạo ra thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp. Đối tượng tác chiến là quân địch tiến công xâm lược từ ngoài vào kết hợp với lực lượng phản động gây bạo loạn lật đổ ở bên trong; thực hành tiến công trên nhiều hướng, sử dụng nhiều lực lượng, vũ khí, trang bị hiện đại; tình huống tác chiến diễn ra mau lẹ, ác liệt, tương quan lực lượng biến đổi nhanh... Điều đó đòi hỏi người chỉ huy và cơ quan tham mưu các cấp phải phát huy thế trận, sức mạnh tổng hợp của khu vực phòng thủ (KVPT), tổ chức các lực lượng đánh bại tiến công của địch, giữ vững địa bàn quân khu. LLĐC tham gia tác chiến PTQK chủ yếu là các liên đội đặc công trực thuộc quân khu; tùy theo đặc điểm tình hình cụ thể, quân khu có thể được tăng cường LLĐC (bộ, nước, biệt động) trực thuộc Bộ. Tuy nhiên, thành phần lực lượng, quy mô của LLĐC tham gia tác chiến còn tùy thuộc vào ý định sử dụng lực lượng của người chỉ huy, phù hợp với điều kiện địch, ta, địa hình, thời tiết, môi trường tác chiến (trên bộ, biển, đảo...) và khu vực địa bàn tác chiến. Trong tác chiến PTQK, LLĐC tham gia thường có hạn, vũ khí, trang bị gọn, nhẹ; sức cơ động và khả năng hỏa lực đi cùng hạn chế; thường phải tác chiến sớm hơn và cũng có khi kết thúc muộn hơn các lực lượng khác, thời gian chuẩn bị chiến đấu gấp. Mặt khác, đối tượng tác chiến có ưu thế hơn ta về vũ khí, trang bị hiện đại, luôn thay đổi phương thức, thủ đoạn tác chiến. Các mục tiêu LLĐC đảm nhiệm tiến công thường nằm sâu, phía sau đội hình địch, được bảo vệ nghiêm ngặt bằng nhiều lực lượng, phương tiện, khí tài trinh sát, quan sát hiện đại... Do đó, việc chỉ huy, chỉ đạo, tổ chức LLĐC, hiệp đồng với các lực lượng khác tác chiến và bảo đảm các mặt cho lực lượng này có nhiều khó khăn; trong khi đó, công tác chuẩn bị chiến đấu của LLĐC đòi hỏi phải rất cụ thể, tỉ mỉ, chu đáo... Để sử dụng LLĐC trong tác chiến PTQK có hiệu quả, người chỉ huy và cơ quan tham mưu cần nắm vững nguyên tắc cơ bản sử dụng LLĐC là: đúng chức năng, nhiệm vụ, sở trường của từng loại đặc công (bộ, nước, biệt động) trong từng nhiệm vụ, trận đánh; tập trung lực lượng vào hướng, mục tiêu chủ yếu, thời cơ quan trọng, nhiệm vụ then chốt của chiến dịch; tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng khác trong KVPT, bảo đảm đánh chắc thắng. Với chức năng, nhiệm vụ đó, LLĐC có khả năng: độc lập tiến công tiêu diệt sinh lực, phá hủy phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất chiến tranh quan trọng của địch trong các mục tiêu, như sở chỉ huy, trung tâm thông tin, cụm (trận địa) hỏa lực, cụm xe tăng, xe thiết giáp, kho, bãi hậu cần-kỹ thuật... khi địch tập kết triển khai lực lượng và trong suốt quá trình địch tiến công vào địa bàn quân khu với các quy mô vừa là chủ yếu; tham gia đánh các trận then chốt, then chốt quyết định khi quân khu mở chiến dịch tiến công, phản công với các quy mô nhỏ, vừa và lớn, nhằm khôi phục lại trận địa, củng cố thế trận PTQK. Đồng thời, LLĐC còn chuẩn bị phương án sẵn sàng phối hợp với các lực lượng vũ trang, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia đánh bắt, tiêu diệt bọn chỉ huy cầm đầu bạo loạn lật đổ có vũ trang, giữ và đánh chiếm lại các mục tiêu quan trọng. Trong tác chiến, vấn đề có tính nguyên tắc là, LLĐC phải dựa vào thế trận PTQK, KVPT tỉnh (thành phố) và thế của LLĐC trực tiếp tạo ra, tích cực, chủ động bám, nắm chắc địch ở khu vực tập kết và trong suốt quá trình chúng thực hành tiến công vào địa bàn quân khu; phòng, chống có hiệu quả tác chiến điện tử, các phương tiện trinh sát, khí tài quan sát của địch; bí mật cơ động lực lượng tiếp cận mục tiêu; tập trung lực lượng, vận dụng linh hoạt các cách đánh, thủ đoạn chiến đấu tiêu diệt sinh lực cao cấp, phá hủy phương tiện, cơ sở vật chất chiến tranh quan trọng của chúng trong sở chỉ huy các cấp, cụm (trận địa) hỏa lực, trung tâm thông tin, cụm xe cơ giới... trên hướng phòng thủ chủ yếu, thực hiện đánh hiểm, đánh trúng; lấy tác chiến quy mô nhỏ, vừa là chủ yếu, khi có điều kiện và thời cơ, tập trung tác chiến quy mô lớn. Kết hợp tác chiến tập trung của LLĐC chủ lực với tác chiến nhỏ lẻ, liên tục, rộng khắp của LLĐC địa phương, đặc công dân quân tự vệ; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ cùng các lực lượng khác trong khu vực PTQK đánh bại địch tiến công đường bộ, đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không, bạo loạn lật đổ... giữ vững địa bàn quân khu.
Thực tiễn trong quá trình xây dựng, công tác, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam cho thấy, Bộ đội Đặc công đã, đang và vẫn sẽ là lực lượng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ, có hiệu suất chiến đấu cao; có thể phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Để nâng cao hiệu quả sử dụng LLĐC trong tác chiến PTQK và bảo đảm cho LLĐC hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:
Một là, tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu thắng lợi của các đơn vị đặc công. Ngay từ thời bình, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đặc công phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các LLĐC. Trong huấn luyện, bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, sát nhiệm vụ, phương án chiến đấu, đối tượng tác chiến và địa bàn hoạt động của từng đơn vị, lực lượng, đúng chương trình, kế hoạch. Huấn luyện toàn diện cả quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật; trong đó, khâu then chốt là huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật đặc công, giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng phẩm chất đạo đức cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chính trị đặc biệt trung thành, đặc biệt tin cậy cho LLĐC. Trong huấn luyện chiến sĩ và đơn vị, chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật cá nhân, đặc biệt là huấn luyện chiến đấu viên đặc công chuyên trách chống khủng bố, chống bạo loạn lật đổ, tập trung rèn luyện thể lực, huấn luyện thuần thục về võ thuật, giỏi tác chiến trên mọi địa hình, môi trường, tạo lập kỹ năng nghề nghiệp và sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị đặc chủng, các phương tiện kỹ thuật hiện đại; tăng thời gian học ban đêm và diễn tập chiến thuật vòng tổng hợp cho đơn vị. Đối với cán bộ, tập trung huấn luyện nâng cao trình độ chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng cho đội ngũ cán bộ chỉ huy, cơ quan đặc công; chú trọng bồi dưỡng lý luận về nghệ thuật tác chiến đặc công trong KVPT quân khu, tỉnh (thành phố); thống nhất nội dung, thứ tự các bước chuẩn bị và thực hành tác chiến. Đồng thời, tổ chức tốt các cuộc diễn tập tác chiến trong KVPT có sự tham gia của các lực lượng, trong đó có LLĐC; xây dựng các tình huống luyện tập sát với hành động tác chiến của Bộ đội Đặc công trong KVPT...
Hai là, tạo dựng thế trận cho LLĐC ngay từ thời bình. Để hoàn thành tốt yêu cầu nhiệm vụ cấp trên giao, ngay từ thời bình, LLĐC phải nghiên cứu, tổ chức xây dựng thế trận chiến đấu của mình. Thế trận chiến đấu của LLĐC phải được xây dựng dựa trên cơ sở phương án tác chiến PTQK, trên các hướng chiến trường. Từ đó, đặc công nghiên cứu, dự kiến các khu vực, khả năng các trận đánh, các chiến dịch có thể diễn ra, nhất là các chiến dịch tiến công, phản công quy mô nhỏ và vừa do quân khu mở; các tình huống có thể diễn ra trong các chiến dịch... Xây dựng thế trận của LLĐC cần tập trung vào các nội dung chủ yếu, như: dự kiến, xác định các khu vực đứng chân khi chiến tranh xảy ra, các khu vực xây dựng căn cứ chiến đấu, đường cơ động... Việc xây dựng thế trận của LLĐC phải kết hợp chặt chẽ với việc xây dựng thế trận phòng thủ của các tỉnh (thành phố), bảo đảm yêu cầu vững chắc, liên hoàn và linh hoạt; vừa bảo đảm cho LLĐC đủ điều kiện tác chiến, vừa củng cố, tăng cường sức mạnh của KVPT; hằng năm được củng cố, bổ sung, phát triển ngày càng hoàn thiện.
Ba là, tập trung nghiên cứu cải tiến, đổi mới vũ khí, trang bị kỹ thuật cho Bộ đội Đặc công. Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, vũ khí, trang bị kỹ thuật của Bộ đội Đặc công chủ yếu là các loại vũ khí, trang bị gọn, nhẹ, như: tiểu liên AK báng gập, thuốc nổ, các loại lượng nổ (cơ cấu gây nổ sử dụng hoả cụ, điểm hoả hoặc bằng các ngòi nổ hẹn giờ); các loại hoả lực đi cùng, như: ĐKZ, 12,7mm, súng cối... Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao đòi hỏi Bộ đội Đặc công cũng phải được trang bị các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật mới, hiện đại hơn. Do đó, cần phải tăng cường đầu tư nghiên cứu, cải tiến, mua sắm thêm các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, thì mới đủ khả năng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống, nhất là trong điều kiện, đối tượng tác chiến có nhiều phương tiện, thiết bị quan sát, trinh sát hiện đại, nhất là phương tiện nhìn đêm. Theo đó, cần nghiên cứu, sản xuất, mua sắm các loại súng gọn nhẹ, uy lực lớn, có độ chính xác cao, có thể sử dụng thiết bị hồng ngoại hỗ trợ; các loại mìn, thuốc nổ có sức công phá lớn, có nhiều cơ cấu gây nổ (có thể bằng hoả cụ, nhưng chủ yếu bằng điện tử, vi mạch), độ chính xác về thời gian, có cơ cấu chống tháo gỡ đối với mìn…; trang bị các loại phương tiện thông tin, liên lạc công nghệ cao (nhẹ, công suất lớn, khả năng chống nhiễu cao, cự ly liên lạc xa, trong mọi điều kiện, địa hình, thời tiết, môi trường, kể cả môi trường nước). Cùng với đó, cần coi trọng nghiên cứu, cải tiến công tác bảo đảm hậu cần, y dược quân sự đặc công đáp ứng yêu cầu chiến đấu liên tục, dài ngày, nhất là trên biển, đảo xa và tác chiến độc lập của các lực lượng... Gắn liền với việc đổi mới vũ khí, trang bị, cần phải trang bị, cập nhật kiến thức về đối tượng tác chiến cho Bộ đội Đặc công, nhất là những phát triển mới về phương thức, thủ đoạn tác chiến, vũ khí trang bị... của chúng. Trên cơ sở đó, bảo đảm cho LLĐC có sự chủ động trong việc nghiên cứu, phát triển nghệ thuật tác chiến đặc công ngay từ thời bình và thực hành tác chiến thắng lợi trong chiến tranh.
Nghệ thuật tác chiến của Bộ đội Đặc công trong tác chiến PTQK là một vấn đề mới, phức tạp. Thông qua hoạt động thực tiễn, các cơ quan chức năng, đơn vị, địa phương cần tiếp tục tổng kết, rút kinh nghiệm, bổ sung ngày càng hoàn thiện cả về lý luận và thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả tác chiến của LLĐC, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
MẠNH KIỂM và NGỌC TUẤN
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc