Thứ Bảy, 23/11/2024, 06:08 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Phòng, chống khủng bố là nhiệm vụ mới của lực lượng vũ trang nhân dân. Đối với Bộ đội Đặc công, việc sử dụng lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ này sao cho hiệu quả là vấn đề cần nghiên cứu, đặng góp phần bổ sung, phát triển nghệ thuật tác chiến của Bội đội Đặc công.
Chống khủng bố (CKB) là một nội dung của đấu tranh quốc phòng và là nhiệm vụ quan trọng của Quân đội; trong đó, Bộ đội Đặc công là một lực lượng nòng cốt, giữ vai trò đầu ngành1.
Trong tác chiến CKB, lực lượng đặc công chuyên trách có nhiệm vụ: phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác, tiến công đánh bắt, tiêu diệt lực lượng khủng bố và sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt khác khi cấp trên giao. CKB là một nhiệm vụ mới, đặc biệt quan trọng, có nhiều khó khăn, phức tạp, nguy hiểm đối với Bộ đội Đặc công, nhất là lực lượng đặc công chuyên trách. Bởi, yêu cầu đặt ra trong thực hiện nhiệm vụ CKB không chỉ là tập trung tiêu diệt, đánh bắt lực lượng khủng bố, mà còn phải bảo đảm an toàn tính mạng con tin nói riêng, tính mạng người dân ở khu vực mục tiêu nói chung và mọi tài sản, phương tiện, nhất là cơ sở vật chất, kỹ thuật trong các mục tiêu quan trọng ở nơi xảy ra khủng bố. Cũng vì thế, việc hoàn thành tốt nhiệm vụ CKB có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều phương diện đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, đối ngoại của đất nước.
Luyện tập khủng bố, giải thoát con tin trên nhà cao tầng
Tác chiến CKB (nếu xảy ra) thường diễn ra trong không gian hẹp, thời gian ngắn, nhiều thành phần, lực lượng tham gia. Đối tượng tác chiến là lực lượng khủng bố khi chúng tổ chức các toán vũ trang đánh chiếm một số mục tiêu trọng yếu (trụ sở cơ quan Đảng, Nhà nước, các mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; các cơ quan ngoại giao...), bắt, giữ con tin... Ngoài ra, có thể là bọn khủng bố quốc tế từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam bằng nhiều cách khác nhau (cả hợp pháp và bất hợp pháp) thực hiện khủng bố với đối tượng là người nước ngoài hoặc nhằm các mục tiêu có liên quan đến lợi ích của người nước ngoài (chủ yếu là các nước thù địch của chúng).
Mục đích cơ bản của bọn khủng bố là vấn đề chính trị, nhưng cũng có thể có mục đích kinh tế, quân sự. Chúng tiến hành khủng bố nhằm gây mất ổn định về an ninh chính trị, xã hội, hoặc gây tiếng vang tiêu cực đối với dư luận trong nước và quốc tế, tạo tâm lý hoang mang trong đời sống nhân dân, gây tác động xấu đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; đòi các yêu sách về chính trị, kinh tế, quân sự; châm ngòi cho các hoạt động bạo loạn lật đổ, tạo cớ cho chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch can thiệp quân sự vào Việt Nam dưới danh nghĩa “CKB”, hòng lật đổ chế độ, chuyển hóa Việt Nam đi theo quỹ đạo của chúng. Xuất phát từ đặc điểm, tính chất phức tạp nêu trên, nhiệm vụ CKB đối với Bộ đội Đặc công là hết sức nặng nề, khó khăn, phức tạp. Hơn nữa, chúng ta lại chưa có nhiều kinh nghiệm về CKB; công tác bảo đảm phương tiện, vũ khí, trang bị cũng còn hạn chế… Bối cảnh và điều kiện như vậy đòi hỏi người chỉ huy và cơ quan tham mưu lực lượng đặc công chuyên trách CKB phải có tính quyết đoán cao, phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần, lực lượng tham gia để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Để sử dụng lực lượng đặc công chuyên trách hợp lý, đạt hiệu quả cao, trước hết phải nghiên cứu, nhận định, đánh giá đúng tình hình, tổ chức nắm chắc địch, xây dựng phương án chiến đấu sát, đúng; vận dụng cách đánh linh hoạt, sáng tạo; thực hành tiến công kiên quyết, nhanh chóng đánh bắt, tiêu diệt lực lượng khủng bố, giải thoát con tin, bảo đảm an toàn mục tiêu.
Huấn luyện nhảy dù
Lực lượng đặc công chuyên trách CKB chủ yếu là các đội đặc công chuyên trách, trực thuộc các đoàn Đặc công của Bộ, Quân chủng Hải quân, các liên đội đặc công của quân khu. Tùy theo địa bàn khu vực mục tiêu, môi trường tác chiến, nhiệm vụ CKB được thực hiện theo phân cấp. Nếu do cấp quân khu đảm nhiệm thì quá trình thực hiện có thể được tăng cường lực lượng đặc công chuyên trách (bộ, nước, biệt động) và một số lực lượng bảo đảm, trực thuộc Bộ. Tuy nhiên, thành phần lực lượng, quy mô sử dụng lực lượng đặc công chuyên trách CKB phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là ý định sử dụng lực lượng của người chỉ huy gắn với các trường hợp và mục tiêu cụ thể sau: Thứ nhất, mục tiêu xảy ra khủng bố nằm ngoài khả năng giải quyết hoặc giải quyết không thành công của các lực lượng khác. Thứ hai, lực lượng khủng bố thực hành tiến công đánh chiếm mục tiêu, bắt giữ con tin để đặt các yêu sách về chính trị (đối tượng có thể cơ động trên các phương tiện hoặc bố trí tại chỗ). Thứ ba, mục tiêu bị địch khủng bố là các mục tiêu có ý nghĩa về chính trị, quân sự, kinh tế lớn hoặc chỉ là mục tiêu bình thường nhưng có tính chất đặc biệt nghiêm trọng đến vấn đề an ninh quốc gia và quan hệ quốc tế. Thứ tư, các mục tiêu do Quân đội quản lý, sử dụng, như: kho tàng, sân bay, bến cảng… Để sử dụng lực lượng đặc công chuyên trách CKB có hiệu quả, người chỉ huy và cơ quan tham mưu cần nắm vững các nguyên tắc cơ bản là: sử dụng lực lượng thích hợp, đúng chức năng, nhiệm vụ, sở trường của từng loại đặc công, tập trung cho mục tiêu chủ yếu, quan trọng (những tên chỉ huy khủng bố, lực lượng có vũ trang); tổ chức chỉ huy, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng chuyên trách CKB khác và lực lượng tại chỗ, bảo đảm đánh chắc thắng.
Thực tiễn sau gần 10 năm (2003 - 2013) thực hiện Chỉ thị 66/CT-TM, ngày 23-10-2003 và Chỉ thị 16/CT-TM, ngày 20-4-2004 của Tổng Tham mưu trưởng về việc triển khai nhiệm vụ CKB, lực lượng chuyên trách CKB của Binh chủng Đặc công đã được ưu tiên tuyển chọn, xây dựng vững mạnh, được trang bị vũ khí, khí tài chuyên dụng, đặc chủng, hiện đại; được bồi dưỡng, giáo dục về chính trị, rèn luyện bản lĩnh, tâm lý chiến đấu và được huấn luyện chuyên sâu, chuyên nghiệp theo nhiệm vụ. Thông qua kết quả các cuộc phối hợp cùng với các lực lượng của Bộ Công an diễn tập tác chiến CKB (các năm: 2005, 2006, 2011, 2012), có thể khẳng định: lực lượng chuyên trách CKB của Binh chủng Đặc công có bản lĩnh chính trị đặc biệt vững vàng, chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) từng bước được nâng cao, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong phối hợp cùng với các lực lượng khác hoàn thành tốt nhiệm vụ CKB trong mọi tình huống.
Luyện tập đổ bộ đường không
Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, để sử dụng lực lượng đặc công chuyên trách CKB có hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, tập trung vào một số nội dung trọng tâm. Trước hết, cần tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ và khả năng SSCĐ, chiến đấu thắng lợi của lực lượng đặc công chuyên trách. Ngay từ thời bình, cấp ủy, chỉ huy các đoàn đặc công phải quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức về nhiệm vụ, chức năng CKB của lực lượng đặc công chuyên trách; thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác huấn luyện, SSCĐ đối với các đội đặc công chuyên trách CKB. Trong huấn luyện, bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, sát nhiệm vụ, phương án chiến đấu, đối tượng tác chiến và môi trường, địa bàn hoạt động của từng loại đặc công, đúng chương trình, kế hoạch. Huấn luyện toàn diện cả quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật; trong đó, khâu then chốt là giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị đặc biệt trung thành, tin cậy cho lực lượng đặc công chuyên trách. Chú trọng huấn luyện chiến đấu viên đặc công chuyên trách CKB thuần thục về kỹ thuật, điêu luyện, tinh nhuệ về kỹ năng chiến đấu; có thể lực tốt, sức chịu đựng cao, giỏi võ thuật, giỏi tác chiến độc lập trên mọi địa hình, môi trường; tạo lập kỹ năng nghiệp vụ và sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị đặc chủng, các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Tăng thời gian huấn luyện đêm và diễn tập chiến thuật có bắn đạn thật cho đơn vị. Đối với cán bộ (tổ, mũi, đội đặc công), tập trung huấn luyện nâng cao trình độ chỉ huy tác chiến phối hợp, hiệp đồng cùng với các lực lượng khác, thống nhất nội dung, thứ tự các bước chuẩn bị và thực hành tác chiến. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các lực lượng của Bộ Công an, tổ chức tốt các cuộc diễn tập tác chiến CKB (có sự tham gia của các lực lượng tại chỗ), v.v..
Cùng với đó, các đơn vị đặc công chuyên trách CKB phải chủ động nghiên cứu địa bàn, dự kiến các khu vực mục tiêu quan trọng có thể xảy ra khủng bố…, xây dựng các phương án chiến đấu dự kiến, các tình huống luyện tập, diễn tập sát tình hình nhiệm vụ, đối tượng tác chiến. Các phương án chiến đấu cần tập trung vào các nội dung chủ yếu, như: dự kiến khu vực tập kết lực lượng khi khủng bố xảy ra, đường cơ động, tiếp cận mục tiêu, mục tiêu chủ yếu… Việc xây dựng các phương án chiến đấu của các đơn vị đặc công chuyên trách phải bảo đảm bí mật, có sự bổ sung, điều chỉnh phù hợp với sự phát triển của thực tiễn và tổ chức luyện tập theo phương án.
Để bảo đảm cho lực lượng đặc công chuyên trách đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ CKB trong điều kiện mới, cần tăng cường đầu tư nghiên cứu cải tiến, mua sắm vũ khí, trang bị kỹ thuật đặc chủng, hiện đại. Theo đó, cơ quan chức năng của Binh chủng Đặc công cần chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng cấp trên, các nhà khoa học nghiên cứu, sản xuất, mua sắm các loại vũ khí, trang bị chiến đấu cá nhân gọn nhẹ, hiện đại (có uy lực lớn, độ chính xác cao); các dụng cụ chuyên dùng tiếp cận mục tiêu; thông tin, liên lạc công nghệ cao, chống quan sát (có khả năng chống nhiễu cao, cự ly liên lạc xa, trong mọi điều kiện, địa hình, thời tiết, môi trường, kể cả môi trường nước). Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, cải tiến bảo đảm hậu cần, y học quân sự đặc công đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, nhất là trong môi trường nước, biển, đảo… Gắn liền với việc đổi mới vũ khí, trang bị, cần thường xuyên cập nhật, trang bị kiến thức về đối tượng tác chiến cho lực lượng chuyên trách CKB, nhất là những phát triển mới về phương thức, thủ đoạn tác chiến, vũ khí, trang bị của chúng.
Qua hoạt động thực tiễn, các cơ quan chức năng, đơn vị thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm; trước mắt, trong năm 2013, tổ chức tốt việc Tổng kết 10 năm thực hiện nhiệm vụ CKB ở các cấp, góp phần hoàn thiện lý luận về nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng đặc công chuyên trách trong CKB, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thiếu tướng TRẦN XUÂN HÒE
Tư lệnh Binh chủng Đặc công
________________
1 - Theo Thông tư số 60/2012/TT-BQP, ngày 29-6-2012 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc