Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 20/03/2023, 13:57 (GMT+7)
Một số vấn đề về phối hợp giữa các lực lượng trong bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực biên giới biển

Bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực biên giới biển là nhiệm vụ rất phức tạp, diễn ra trên địa bàn đặc thù và được thực hiện bởi nhiều chủ thể; trong đó, Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách. Vì vậy, phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng với các lực lượng liên quan trong thực hiện nhiệm vụ này có ý nghĩa rất quan trọng, cấp thiết, cần được nghiên cứu thấu đáo cả về lý luận và thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả bảo đảm an ninh trật tự ở khu vực biên giới biển trong tình hình mới.

Trong bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực biên giới biển, theo quy định của Luật Biên phòng Việt Nam và Thông tư số 02/2022/TT-BQP, ngày 07/01/2022 của Bộ Quốc phòng, Bộ đội Biên phòng phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, trong đó có lực lượng trong Quân đội, gồm: Hải quân, Cảnh sát biển, các quân khu, v.v. Trong khi đó, khu vực biên giới biển1 của nước ta có chiều dài tương ứng chiều dài đường bờ biển (trên 3.260 km), thuộc 28 tỉnh, thành phố ven biển, với 137 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, 677 xã, phường, thị trấn (12 huyện đảo/53 xã đảo). Đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh; nơi sinh sống của hơn 28% dân số cả nước, gắn với 37 cửa khẩu cảng (279 bến cảng, bến neo đậu chuyên dùng, 12 bến cảng dầu khí ngoài khơi). Vì thế, việc phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng với các lực lượng liên quan trong bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực này càng trở nên cấp thiết.

Những năm qua, Bộ đội Biên phòng luôn tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong và ngoài Quân đội triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhờ đó, tình hình an ninh, trật tự ở khu vực biên giới biển nước ta cơ bản ổn định và được giữ vững, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước. Tuy nhiên, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, công tác phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng với các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng còn bộc lộ hạn chế, bất cập cả về nội dung, hình thức, phương pháp; cơ chế chỉ huy, chỉ đạo, trao đổi thông tin, tổ chức triển khai hoạt động chung, phạm vi không gian, lĩnh vực, nhiệm vụ gắn với đơn vị chủ trì, đơn vị tham gia phối hợp có mặt, có nơi chưa rõ ràng, cụ thể, còn chồng chéo, bất cập, dẫn đến hiệu quả phối hợp có nội dung chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, khu vực biên giới biển nhiều nơi còn khó khăn về kinh tế, văn hóa, xã hội, hạ tầng giao thông; là địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch, các loại tội phạm lợi dụng hoạt động, chống phá, tiềm ẩn yếu tố gây mất ổn định an ninh trật tự. Không chỉ vậy, ở khu vực ven biển và ngoài khơi, tình trạng tàu thuyền nước ngoài thường xuyên xâm phạm chủ quyền nước ta; tàu thuyền của ngư dân ta vi phạm các quy định về đánh bắt hải sản (IUU); hoạt động tội phạm xuyên quốc gia, buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, tội phạm sử dụng công nghệ cao, xuất, nhập cảnh trái phép; tranh chấp ngư trường, bãi triều ven biển, khai thác cát trái phép, thiên tai, tai nạn trên biển,… có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp.

Vì vậy, nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng với các lực lượng, nhất là các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng, nhằm bảo đảm an ninh, trật tự ngày càng tốt hơn ở khu vực biên giới biển là vấn đề vừa cấp thiết trước mắt, vừa cơ bản lâu dài. Phạm vi bài viết xin đề xuất một số giải pháp trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này để cùng nghiên cứu, trao đổi.

Một là, phải nhận thức rõ về chủ thể, mục đích phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng với các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng. Đây là nội dung quan trọng nhất, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa các lực lượng trên từng địa bàn hiệu quả, không chồng chéo. Về chủ thể, đối với lực lượng Bộ đội Biên phòng, thực hiện thống nhất theo khoản 1 Điều 21 Luật Biên phòng Việt Nam; bao gồm: Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các cơ quan, đơn vị trực thuộc, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh ven biển, Hải đoàn Biên phòng, Đồn Biên phòng tuyến biển, đảo, Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng, Hải đội Biên phòng. Mỗi chủ thể gắn với phạm vi quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo thuộc quyền quản lý trên cơ sở Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam; phạm vi quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo của Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển và các Hải đoàn Biên phòng được thực hiện theo sự phân công của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

Các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện thống nhất theo Thông tư số 02/2022/TT-BQP, ngày 07/01/2022 của Bộ Quốc phòng; chủ thể thực hiện phối hợp với Bộ đội Biên phòng gồm: lực lượng của các quân khu; Quân chủng Phòng không - Không quân; Quân chủng Hải quân; Tổng Cục II; Cảnh sát biển; Bộ Tư lệnh 86; Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; các binh chủng: Thông tin liên lạc, Đặc công, Công binh; các cơ quan, đơn vị khác có liên quan. Tổ chức của các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng và phạm vi hoạt động được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Về mục đích, hoạt động phối hợp là nhằm phát huy thế mạnh của mỗi lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, tổ chức, điều hành các nội dung phối hợp duy trì pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế mà Việt Nam là thành viên; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền, an ninh trật tự trên đất liền, biển, đảo thuộc khu vực biên giới biển, vùng nội thủy và lãnh hải nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ vững ổn định an ninh trật tự ở khu vực biên giới biển.

Hai là, nắm vững phạm vi, nguyên tắc và tổ chức hoạt động phối hợp. Phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng với các lực lượng, nhất là các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng trong bảo đảm an ninh trật tự ở khu vực biên giới biển phải tuân thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, đây là địa bàn phức tạp, đặc thù, nên để đạt hiệu quả cao, các lực lượng phải nắm vững nguyên tắc và phạm vi phối hợp. Theo đó, các đơn vị Bộ đội Biên phòng sẽ đảm nhiệm vai trò lực lượng chủ trì, phối hợp với các lực lượng đồng cấp trên địa bàn thực hiện quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu cảng theo quy định của pháp luật.

Quá trình thực hiện, cần được điều hành một cách tập trung, thống nhất, chủ động, linh hoạt, bí mật, kịp thời, hiệu quả theo quy định của pháp luật. Trên cùng một địa bàn, khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều lực lượng thì lực lượng nào phát hiện trước phải xử lý theo thẩm quyền do pháp luật quy định; trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền của lực lượng mình thì xử lý ban đầu, chuyển giao hồ sơ, người, tang vật, tàu thuyền và phương tiện vi phạm cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chủ trì giải quyết. Lực lượng tiếp nhận có trách nhiệm thông báo kết quả điều tra, xử lý cho lực lượng chuyển giao biết. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nội dung phối hợp, Bộ đội Biên phòng và các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng xác định hình thức, phương pháp để phối hợp theo quy chế, kế hoạch đã ký, chú ý rà soát khắc phục những hạn chế, bất cập về: nội dung, hình thức, phương pháp phối hợp; cơ chế chỉ huy, chỉ đạo, trao đổi thông tin, tình hình tổ chức triển khai hoạt động chung; phạm vi không gian, lĩnh vực, nhiệm vụ xác định đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, bảo đảm rõ ràng, cụ thể, tránh chồng chéo, trùng nhiệm vụ.

Ba là, phát huy trách nhiệm của các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng trong phối hợp với Bộ đội Biên phòng, phù hợp chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Thực tiễn khu vực biên giới biển cho thấy, các lực lượng tham gia phối hợp với Bộ đội Biên phòng trong bảo đảm an ninh trật tự ở khu vực biên giới biển rất đa dạng về chủ thể, nhưng thường xuyên, trực tiếp và chủ yếu là các lực lượng: Hải quân, Cảnh sát biển; ngoài ra còn có các đơn vị thuộc quân khu (Bộ Chỉ huy Quân sự cấp tỉnh, huyện và lực lượng dân quân tự vệ). Vì vậy, phát huy trách nhiệm của chính các chủ thể này là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả phối hợp. Đối với lực lượng Hải quân, cần tiếp tục phát huy trách nhiệm trong trao đổi, thông báo thông tin, tình hình vi phạm của người, phương tiện nước ngoài, tội phạm, vi phạm pháp luật và tình hình khác về vùng biển, đảo có liên quan đến an ninh trật tự ở khu vực biên giới biển; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động tổ chức, cá nhân hoạt động trên biển tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Thường xuyên phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, đảo; phòng, chống cướp biển có vũ trang và các loại tội phạm khác trên vùng biển Việt Nam; hỗ trợ, tạo điều kiện về nơi neo đậu, kho hàng, bến bãi và các điều kiện khác trong địa bàn đơn vị Hải quân quản lý theo đề nghị của Bộ đội Biên phòng.

Đối với lực lượng Cảnh sát biển: cần phát huy trách nhiệm phối hợp với Bộ đội Biên phòng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về biển, đảo và bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên các vùng biển của Việt Nam; phối hợp tuần tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển; phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật trên biển theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, chủ động phối hợp bảo vệ tài sản của Nhà nước, tổ chức, tính mạng, tài sản của nhân dân hoạt động trên biển; bảo vệ công trình quốc phòng, quân sự, bảo vệ tài nguyên, chống ô nhiễm môi trường biển; tham gia phòng ngừa, ứng phó sự cố, tai nạn, thiên tai, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn xảy ra ở khu vực biên giới biển, v.v.

Đối với các quân khu, một mặt tăng cường trao đổi với Bộ đội Biên phòng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, tác chiến phòng thủ liên quan đến bảo đảm an ninh trật tự ở khu vực biên giới biển. Mặt khác, chủ động phối hợp trong tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì an ninh trật tự địa bàn; đồng thời, có kế hoạch tiếp nhận, bàn giao nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự, trực tiếp tổ chức hoặc tham gia ứng phó, phòng ngừa sự cố, tai nạn, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn ở khu vực biên giới biển theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định; hỗ trợ, tạo điều kiện về nơi neo đậu, kho hàng, bến bãi và các điều kiện khác trong địa bàn quân khu theo đề nghị của Bộ đội Biên phòng.

Phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng với các lực lượng, nhất là các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng trong bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên giới biển là vấn đề quan trọng, cấp thiết hiện nay. Những đề xuất giải pháp nêu trên mới là những nghiên cứu bước đầu, xin được nêu và trao đổi cùng bạn đọc.

Đại tá, PGS, TS. NGUYỄN XUÂN BẮC, Phó Giám đốc Học viện Biên phòng
________________

1 - Khoản 2 Điều 6 Luật Biên giới quốc gia quy định: “Khu vực biên giới trên biển tính từ biên giới quốc gia trên biển vào hết địa giới hành chính xã, phường, thị trấn giáp biển và đảo, quần đảo”.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.