Thứ Ba, 10/09/2024, 15:44 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế là quan điểm nhất quán của Đảng ta; đồng thời là sự kế thừa tư tưởng có tính quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc ta. Trong tình hình mới, trước yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là vấn đề cấp thiết, quan trọng.
Trên cơ sở kế thừa giá trị truyền thống của dân tộc và vận dụng có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trên thế giới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế được thực hiện có hiệu quả qua các thời kỳ cách mạng. Đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa vừa cấp bách, vừa lâu dài đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, nhiệm vụ này càng được coi trọng thực hiện nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường sức mạnh quốc phòng của đất nước. Việc quán triệt và tổ chức thực hiện được tiến hành ở tất cả các khâu, các bước, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, theo phương châm: mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội đều gắn với củng cố quốc phòng - an ninh và mỗi hoạt động quốc phòng đều gắn với đáp ứng nhu cầu tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đáng ghi nhận trong thực hiện là, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn chiến lược, vị trí trọng yếu,... xây dựng 26 khu kinh tế - quốc phòng, bảo đảm đồng bộ về hệ thống cơ sở hạ tầng và tổ chức quy hoạch, bố trí lại dân cư, tạo việc làm cho hàng vạn hộ dân, giúp dân xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất và góp phần tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn, nhất là khu vực biên giới, biển, đảo. Các doanh nghiệp Quân đội thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia sản xuất phát triển kinh tế gắn với tăng cường quốc phòng, phục vụ nhu cầu dân sinh và các hoạt động xã hội, chính sách hậu phương Quân đội, góp phần tăng thu ngân sách, xây dựng đời sống văn hóa ở các địa bàn đóng quân. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, Quân đội đã chủ động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, năng lực toàn diện, nhất là quản lý kinh tế cho đội ngũ cán bộ; đồng thời thu hút, sử dụng cán bộ chuyên ngành kinh tế từ bên ngoài kết hợp với bồi dưỡng về quân sự, quốc phòng cho số cán bộ này. Tuy nhiên, nhìn chung việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các bộ, ngành Trung ương và địa phương để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường quốc phòng - an ninh vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cả về nhận thức quan điểm, số lượng, chất lượng đào tạo, cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực,...; đồng thời chưa thu hút người có trình độ, năng lực tốt vào làm việc trong các ngành, lĩnh vực có tính lưỡng dụng, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh.
Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế thời kỳ mới, theo chúng tôi, cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong tình hình mới. Đây là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta trong quy luật xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này. Phải thấu suốt quan điểm của Đảng: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo”1. Đặc biệt chú trọng sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả trong các hoạt động kinh tế và quốc phòng, quốc phòng với kinh tế ngay từ trong quy hoạch phát triển của từng ngành và địa phương. Từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp, có tính khả thi, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với nhiệm vụ quốc phòng. Quá trình tiến hành cần có nội dung, phương thức phù hợp, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và liên kết giữa các vùng, nhất là những vùng, địa bàn chiến lược trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, v.v.
Hai là, thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Đây là vấn đề thiết thực nhằm đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho thực hiện nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong tình hình mới. Với việc sử dụng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất,... cách mạng công nghiệp 4.0 kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Những yếu tố cốt lõi của nó là: trí tuệ nhân tạo (AI); vạn vật kết nối - Internet of things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Vì vậy, chỉ khi làm tốt công tác bồi dưỡng, đào tạo; trong đó bao gồm cả đào tạo lại thì mới đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực cho sự phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung, nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế nói riêng. Về lâu dài, ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương cần có chiến lược quy hoạch đào tạo, sử dụng nguồn lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trước mắt, các ngành, lĩnh vực, đơn vị, địa phương trực tiếp liên quan đến nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, có thể tổ chức các lớp tập huấn, cử cán bộ đi đào tạo và đào tạo lại tại các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội; đồng thời, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ, cán bộ đầu ngành, cán bộ trẻ, v.v. Quá trình tiến hành, cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa “dạy người với dạy chữ và dạy nghề”; chú trọng dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học,.. giúp người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng làm việc, phát triển năng lực. Làm tốt việc đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức bồi dưỡng, đào tạo, như: thực hành, ngoại khóa, trải nghiệm các hoạt động xã hội, v.v. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ (nhất là tiếng Anh) trong dạy và học; cập nhập những thông tin, tri thức mới trong chương trình bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại,... bảo đảm chất lượng “sản phẩm” đầu ra cao, có đủ tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ tri thức, năng lực thực tiễn đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đối với mỗi cá nhân được lựa chọn để bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại phải tự học tập, rèn luyện nâng cao nhận thức, nhạy bén về chính trị, am hiểu kiến thức kinh tế, xã hội, sâu sắc kiến thức chuyên ngành,... để cống hiến trí tuệ, tài năng, sức lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ba là, tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Trước tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, việc hợp tác quốc tế nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung và nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế nói riêng đang là một tất yếu khách quan. Để làm được điều đó, đòi hỏi các ngành, đơn vị, địa phương, nhất là các doanh nghiệp Quân đội cần tích cực, chủ động hợp tác quốc tế trong phát triển nguồn nhân lực. Thực hiện tốt việc “Xây dựng chiến lược phát triển công nghệ của đất nước, chiến lược thu hút công nghệ từ bên ngoài và chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên đất nước ta. Tăng cường hợp tác về khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ cao, phải là hướng ưu tiên trong hội nhập quốc tế”2. Qua đó, vừa được tiếp cận, học tập kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, vừa có cơ hội thu hút, chuyển giao công nghệ hiện đại từ nước ngoài vào Việt Nam. Một ưu thế lớn hiện nay là uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng lên; nhất là từ thành công của Hội nghị APEC-2017 và Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF-26), đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho việc hợp tác quốc tế về mọi mặt, mọi lĩnh vực. Các doanh nghiệp Quân đội cần chủ động tận dụng tốt cơ hội, tranh thủ hợp tác với các nước có trình độ tiên tiến để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Đảng.
Bốn là, có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Trước tính chất cạnh tranh quyết liệt của nền kinh tế thị trường, hiện nay hầu hết những nhà quản lý giỏi, người lao động có trình độ cao, năng lực thực tiễn tốt,... luôn được các tập đoàn lớn săn đón về làm việc với mức ưu đãi vượt trội. Bởi thế, bên cạnh việc bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại, các ngành, đơn vị trực tiếp liên quan đến hoạt động kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, nhất là các doanh nghiệp Quân đội, cần có cơ chế, chính sách phù hợp, mức ưu đãi xứng đáng với trình độ, năng lực thực tiễn của người lao động và môi trường thuận lợi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh trên các lĩnh vực, ngành, nghề. Cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về “Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh”, Quân ủy Trung ương đã ra Nghị quyết 425-NQ/QUTW “Về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Bộ Quốc phòng xây dựng, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Quân đội giai đoạn 2016 - 2020”. Trong đó, trọng tâm là thực hiện sáp nhập, cơ cấu lại các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng có cùng ngành nghề; cổ phần hóa, thoái vốn triệt để đối với doanh nghiệp thương mại, xây dựng, dịch vụ, doanh nghiệp không hoặc ít có nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; giải thể, phá sản đối với các doanh nghiệp không đủ điều kiện cổ phần hóa hoặc không cổ phần hóa được. Đây được coi là một trong những cơ chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp Quân đội. Đồng thời, là quá trình tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
BÙI CHÍ HIẾU, Bộ Xây dựng
______________
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 149.
2 - Sđd, tr. 121.
kết hợp kinh tế,quốc phòng,nguồn nhân lực
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Mấy vấn đề về nâng cao hiệu quả quản trị các doanh nghiệp Quân đội trong tình hình mới 19/08/2024
Bàn về công tác bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho trang bị kỹ thuật thế hệ mới trong Quân đội 31/07/2024
Mấy giải pháp đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn chống phá trên lĩnh vực kinh tế hiện nay 29/07/2024
Một số giải pháp xây dựng lực lượng Đặc công đặc biệt tinh nhuệ về chính trị 25/07/2024
Bàn về trận then chốt tiến công địch đổ bộ đường không chiến dịch trong tác chiến phòng thủ quân khu 22/07/2024
Về mô hình tổ chức và hoạt động của lực lượng chính trị nòng cốt trong các doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương 11/07/2024
Một số vấn đề về bảo đảm hóa học đánh địch đổ bộ đường không chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 08/07/2024
Một số vấn đề về sử dụng lực lượng phòng không lục quân đánh phương tiện bay không người lái trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 27/06/2024
Mấy vấn đề về nâng cao hiệu quả quản trị các doanh nghiệp Quân đội trong tình hình mới
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh