Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 27/07/2015, 15:08 (GMT+7)
Một số vấn đề về nhận diện và phòng, chống khủng bố hiện nay

Trong những năm qua, hoạt động khủng bố trên thế giới không ngừng gia tăng cả về số vụ, quy mô, phương thức và tính chất nguy hiểm, đe dọa an ninh của nhiều quốc gia. Đáng chú ý là, lợi dụng chống khủng bố, một số thế lực hiếu chiến đã, đang can thiệp vào các quốc gia có độc lập, chủ quyền. Vì vậy, nghiên cứu, nhận diện và đề ra cách phòng, chống khủng bố ở nước ta là vấn đề cấp thiết.

Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, tính từ năm 2001 đến nay, trên thế giới đã xảy ra trên 5.770 vụ khủng bố ở các quy mô khác nhau, cướp đi sinh mạng của hơn 48.170 người, làm bị thương gần 86.000 người, gây bất ổn về chính trị - xã hội, thiệt hại lớn về cơ sở vật chất và làm tổn thương sâu sắc về tinh thần đối với xã hội tại nhiều quốc gia. Ở nước ta, mặc dù chưa xảy ra khủng bố do các tổ chức khủng bố quốc tế tiến hành, nhưng những biểu hiện của các hoạt động tội phạm có tổ chức gần đây cũng tiềm ẩn mầm mống, nguy cơ khủng bố. Đặc biệt, lợi dụng chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, một số đối tượng trong nước đã liên lạc, móc nối với một số tổ chức nước ngoài liên quan đến khủng bố. Gần đây, cơ quan an ninh đã phát hiện hàng trăm đối tượng phản động lưu vong người Việt ở nước ngoài xâm nhập nội địa có mang theo vũ khí, phương tiện kỹ thuật và không loại trừ nhằm sử dụng vào mục đích khủng bố, v.v. Vì thế, việc sớm nhận diện và có biện pháp phòng, chống khủng bố có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, do nguyên nhân phát sinh, quy mô, tính chất và phương thức hoạt động khủng

bố rất đa dạng, phức tạp; trong đó, ở từng nhóm khủng bố khác nhau thủ đoạn hoạt động cũng khác nhau, thậm chí mang tính đột biến, khó lường nên việc nhận diện, dự báo về khủng bố gặp nhiều khó khăn. Xuất phát từ đặc điểm, quy luật của hoạt động khủng bố ở khu vực và thế giới; điều kiện cụ thể, tình hình nội tại đất nước cùng những biểu hiện về khủng bố và liên quan đến khủng bố ở nước ta, bước đầu có thể dự báo một số vấn đề về đối tượng, mục đích, âm mưu, thủ đoạn và phương thức hoạt động khủng bố.

Về đối tượng khủng bố ở nước ta có thể bao gồm: lực lượng khủng bố quốc tế do một số tổ chức tôn giáo cực đoan hoặc thế lực hiếu chiến thù địch tiến hành. Lực lượng này có thể tổ chức ra các nhóm khủng bố vũ trang, tổ, đội đặc nhiệm để thực hiện hoạt động: đánh bom tự sát, đột kích đường không hoặc khủng bố trên không, trên biển. Đó là lực lượng người Việt phản động lưu vong kết hợp với các nhóm khủng bố từ ngoài xâm nhập vào nước ta. Đó còn là các nhóm khủng bố cực đoan trong một số dân tộc, tôn giáo trên các vùng, miền; tội phạm hình sự nguy hiểm, cùng đường; phần tử thoái hóa biến chất, bất mãn với chế độ,… bị thế lực thù địch, hiếu chiến kích động, mua chuộc. Tùy theo tình hình và điều kiện địa bàn cụ thể, những đối tượng này có thể độc lập hoặc câu kết với nhau, tạo sự đan xen về đối tượng rất phức tạp.

Về mục đích, ở từng loại đối tượng khủng bố khác nhau, mục đích của chúng cũng khác nhau, song về cơ bản thường nhằm: sát hại, bắt giữ, khống chế công dân nước ngoài, lãnh đạo cấp cao; phá hoại các mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng - an ninh trọng yếu, v.v. Thông qua đó, gây tâm lý hoảng loạn trong nhân dân, làm rối loạn xã hội, nhất là ở một số khu vực, địa bàn trọng yếu, tạo “cú sốc” về tâm lý xã hội, phá hoại sự ổn định bên trong, làm mất lòng tin của nhân dân và  nhà đầu tư đối với cấp ủy, chính quyền các cấp. Trên cơ sở đó, tạo cớ và thời cơ cho hoạt động xâm lấn lãnh thổ, kích động bạo loạn trong nước, làm ta suy yếu, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Để thực hiện mục đích đó, khủng bố thường nhằm vào những mục tiêu và thời điểm nhạy cảm, như: trung tâm chính trị, kinh tế, đầu mối giao thông, trung tâm thương mại, thông tin, phát thanh - truyền hình, công trình thủy lợi, thủy điện, các kho nhiên liệu, hóa chất, thuốc nổ, v.v.

Về phương thức, thủ đoạn, thường đẩy mạnh tuyên truyền, xuyên tạc, kích động quần chúng nhân dân hòng mua chuộc, lôi kéo, tập hợp lực lượng từ các phần tử dân tộc, tôn giáo cực đoan, đối tượng có tư tưởng hận thù, phần tử cơ hội, bất mãn, thoái hóa biến chất, một bộ phận quần chúng nhẹ dạ, cả tin,… để hình thành tổ chức bí mật ở trong và ngoài nước. Tiếp đó, chúng bí mật tiếp cận nắm bắt tình hình, lựa chọn mục tiêu, lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của ta (nhất là trong các dịp lễ hội, sự kiện chính trị lớn của đất nước), sử dụng lực lượng “đặc nhiệm”, bất ngờ tiến công đánh chiếm mục tiêu, bắt giữ con tin,… gây chấn động trong xã hội. Các đòn tiến công khủng bố này có thể diễn ra đồng thời hoặc kế tiếp nhau vào một số khu vực, nhằm tạo hiệu ứng lan truyền, kích động tập hợp thêm lực lượng. Quá trình thực hiện, các phần tử khủng bố thường kết hợp tuyên truyền, tung tin thất thiệt, nhằm vu cáo, đổ lỗi cho Đảng, Nhà nước ta, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân, nâng cao hiệu ứng khủng bố để sớm đạt được mục tiêu đề ra. Đồng thời, triệt để thực hiện các hoạt động nghi binh, đánh lạc hướng điều tra, truy bắt của ta, như: mạo danh, đứng đằng sau chỉ đạo từ xa, trà trộn vào nhân dân hoặc lực lượng tham ra ứng cứu để dễ bề tẩu thoát. Thủ đoạn chúng thường sử dụng là, phối hợp các đòn tiến công khủng bố với các hoạt động chống phá về chính trị, kinh tế, ngoại giao và gây sức ép về quân sự để thực hiện mục tiêu chính trị của chúng.

Từ những phân tích nêu trên cho thấy, phòng, chống khủng bố là cuộc đấu tranh hết sức gay go, phức tạp, quyết liệt và lâu dài, đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai chặt chẽ, toàn diện, khẩn trương, thận trọng cả trong chuẩn bị và thực hành xử lý các vụ việc cụ thể. Theo chúng tôi, để đấu tranh có hiệu quả, trước hết, việc phòng, chống khủng bố phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, chỉ đạo, điều hành thống nhất của Nhà nước, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc; lực lượng Công an chủ trì, phối hợp với lực lượng Quân đội làm nòng cốt; lấy phòng ngừa là chính, thực hiện ngăn chặn, xử lý ngay từ gốc là quan trọng, với nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho cấp ủy, chính quyền, các cấp, ngành, lực lượng vũ trang và toàn dân nhận thức đúng đắn, đầy đủ về nguyên nhân, sự nguy hiểm cùng tác hại, ảnh hưởng to lớn do khủng bố gây ra đối với an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong phòng, chống khủng bố cho các tổ chức, lực lượng và toàn dân trên địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược, trọng yếu về quốc phòng - an ninh, góp phần làm trong sạch địa bàn, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở. Cùng với đó, coi trọng việc kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động chỉ đạo, quản lý, điều hành của ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố các cấp; tích cực xây dựng, hoàn chỉnh các phương án, kế hoạch cũng như cơ chế phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng tham gia phòng, chống khủng bố. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện mô hình tổ chức và đầu tư trang, thiết bị cho từng lực lượng, bảo đảm đủ sức đối phó kịp thời, hiệu quả với những tình huống khủng bố có thể xảy ra.

Hai là, tăng cường huấn luyện, diễn tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng cơ động tác chiến trong điều kiện môi trường, địa hình, thời tiết phức tạp cho các lực lượng, nhất là đối với lực lượng chống khủng bố chuyên trách, như: cảnh sát cơ động, đặc nhiệm, bộ đội đặc công, công binh, hóa học và không quân,… bảo đảm có thể cơ động, triển khai nhằm khống chế, vô hiệu hóa âm mưu, thủ đoạn khủng bố ngay từ đầu. Tiếp tục coi trọng công tác quản lý, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên từng địa bàn; kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất, nhập cảnh qua biên giới, tình hình giao thông đường bộ, đường không và đường biển; kiểm duyệt và bảo đảm an toàn thực phẩm, dịch bệnh cùng hoạt động thông tin - truyền thông, nhất là hoạt động xuất bản, báo chí, phát thanh truyền hình, in-tơ-nét. Các cơ quan, đơn vị Công an, Quân đội, cần phối hợp chặt chẽ với nhau trong quản lý địa bàn, nắm vững tình hình, đánh giá, dự báo sát đúng tình huống khủng bố có thể xảy ra để chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng trong hệ thống chính trị và toàn dân làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn và đối phó có hiệu quả với khủng bố ngay từ địa phương, cơ sở.

Ba là, tích cực mở rộng hợp tác quốc tế về phòng, chống khủng bố, trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, tuân thủ pháp luật Nhà nước và phù hợp với nguyên tắc, luật pháp quốc tế. Trong đó, chú trọng hợp tác với một số tổ chức chống khủng bố quốc tế có uy tín, các nước láng giềng, các quốc gia có năng lực, trình độ đối phó với khủng bố, nhằm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác đào tạo cán bộ và hỗ trợ  trang, thiết bị chống khủng bố hiện đại. Qua đó, vừa thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề an ninh mang tính toàn cầu, vừa nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

Bốn là, coi trọng xây dựng quy trình; vận hành cơ chế, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, nhằm đối phó có hiệu quả khi khủng bố xảy ra. Theo đó, nếu khủng bố xảy ra ở địa bàn nào, cấp ủy, chính quyền nơi đó phải bình tĩnh đánh giá đúng tình hình, dự kiến diễn biến tiếp theo của chúng, trên cơ sở đó có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các lực lượng thực hành chống khủng bố theo phương án đã phê duyệt. Đối với các ban, ngành, đoàn thể địa phương, cần căn cứ vào kế hoạch, phương án của cơ quan, địa phương và tình hình cụ thể để triển khai  biện pháp bảo vệ cơ quan, nhân dân cùng các cơ sở kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; đồng thời, phối hợp với các lực lượng triển khai hoạt động đấu tranh về chính trị, kinh tế, dân vận, pháp lý,… nhằm ngăn chặn, hạn chế và làm thất bại âm mưu, hành động khủng bố trên địa bàn.

Với những địa phương gần nơi xảy ra khủng bố, thực hiện khoanh vùng, điều chỉnh giao thông để cách ly khu vực xảy ra khủng bố với các vùng lân cận; đồng thời, tiếp nhận nhân dân (nơi bị khủng bố) đến sơ tán; sẵn sàng chi viện cho địa phương bạn bảo vệ mục tiêu, truy bắt những kẻ khủng bố đang lẩn trốn; tích cực tham gia khắc phục hậu quả kịp thời, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, hạn chế tác động tiêu cực của vụ khủng bố ra địa bàn khác.

Đối với lực lượng đặc nhiệm, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ, kiên quyết chiến đấu bảo vệ mục tiêu, truy bắt, tiêu diệt các phần tử khủng bố theo kế hoạch, phương án tác chiến đã đề ra; đồng thời là lực lượng xung kích trong bảo vệ, sơ tán nhân dân và khắc phục hậu quả. Riêng lực lượng đặc công, đặc nhiệm của Quân đội và Công an, phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng tại chỗ đánh bắt, tiêu diệt những tên cầm đầu, ổ, nhóm nguy hiểm, giải thoát con tin, khôi phục mục tiêu, khi cần có thể tiến công ngay vào sào huyệt của bọn khủng bố. Lực lượng Phòng không - Không quân sẵn sàng phong tỏa vùng trời, tiêu diệt các phương tiện khủng bố trên không; bảo đảm cơ động cho lực lượng chống khủng bố chuyên trách và tham gia cứu hộ, cứu nạn khắc phục hậu quả khi cần thiết.

Phòng, chống khủng bố là lĩnh vực mới, phức tạp, trong khi đó ta chưa có nhiều kinh nghiệm. Vì thế, công tác này rất cần tiếp tục được nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn. Chúng tôi có mấy dòng, xin trao đổi cùng bạn đọc.

Đại tá, TS. NGUYỄN ĐỒNG THỤY

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.