Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 09/02/2012, 07:15 (GMT+7)
Một số vấn đề về nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới

Với 4.658,5 km đường biên giới đất liền và 3.260 km bờ biển, nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia của nhân dân ta; trong đó, Bộ đội Biên phòng là một lực lượng nòng cốt, chuyên trách rất nặng nề. Vì vậy, nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, cần được đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai thực hiện.


Ảnh mang tính minh họa
 
Biên giới nước ta là ranh giới pháp lý quốc tế, là “phên dậu” xác định không gian sinh tồn của dân tộc Việt Nam; đồng thời, là không gian hợp tác, mở rộng giao lưu giữa nước ta với các nước trên thế giới. Vì vậy, biên giới quốc gia (BGQG) có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh (QP-AN) và đối ngoại đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG, nhất là trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố QP-AN; đàm phán phân giới cắm mốc và tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc giới với các nước láng giềng; xây dựng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) vững mạnh toàn diện, làm nòng cốt trong xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Do đó, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh BGQG luôn được giữ vững. Tuy vậy, chúng ta vẫn còn một số hạn chế. Đó là: nhận thức về vị trí chiến lược của biên giới trong các ngành, các cấp còn hạn chế; cơ sở chính trị, kinh tế, xã hội ở khu vực biên giới (KVBG) còn nhiều bất cập; việc thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển, đảo có nơi kém hiệu quả; đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Công tác ban hành văn bản pháp luật về quản lý, bảo vệ BGQG còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ. Khả năng bảo đảm trang bị, vật chất kỹ thuật cho hoạt động quản lý, khai thác, bảo vệ vùng biển, đảo còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, tình hình an ninh, trật tự trên biên giới đất liền và vùng biển, đảo, nhất là các tranh chấp trên Biển Đông đang có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ khó lường. Các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo” và các điểm nhạy cảm, phức tạp ở KVBG để chống phá cách mạng nước ta. Tình hình các loại tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, buôn lậu ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em có chiều hướng gia tăng, đe dọa hòa bình, ổn định KVBG…

Tình hình đó đặt ra cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nói chung, công tác quản lý, bảo vệ BGQG nói riêng những yêu cầu mới cao hơn, nặng nề hơn. Vì vậy, nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ BGQG trong tình hình mới là nội dung quan trọng, xuyên suốt cần được tập trung nghiên cứu và triển khai thực hiện. Đây là Đề án mới nhằm mục tiêu xây dựng biên giới vững mạnh toàn diện trên các tiêu chí: có kinh tế phát triển nhanh, bền vững, nâng cao tính cạnh tranh; ổn định về chính trị - xã hội, vững về QP-AN; có lực lượng chuyên trách vững mạnh, đủ sức làm nòng cốt cho toàn dân bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới. Mặt khác, BGQG là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, là nơi hợp tác, giao lưu quốc tế trên nhiều lĩnh vực, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp CNH,HĐH đất nước. Do đó, nâng cao năng lực quản lý bảo vệ BGQG cho phù hợp với yêu cầu mới của thời kỳ hội nhập quốc tế phải chú trọng vào các nội dung: xây dựng tổ chức, biên chế lực lượng BĐBP phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; đảm bảo trang bị, phương tiện cho hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới; củng cố, nâng cấp các công trình và hệ thống trang, thiết bị quản lý, bảo vệ; tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ BGQG; bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện bảo vệ biên giới phù hợp... Để thực hiện có hiệu quả các nội dung này, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; trong đó, tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau.

1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các lực lượng trong quản lý, bảo vệ BGQG. Bảo vệ BGQG là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thực hiện tốt vấn đề đó vừa là yêu cầu, vừa là điều kiện tiên quyết để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quan trọng này. Trong quá trình triển khai, phải tuân thủ nguyên tắc: Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với nhiệm vụ bảo vệ BGQG. Sự lãnh đạo của Đảng phải tập trung, thống nhất từ Ban Chấp hành Trung ương, mà thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương đến các tỉnh ủy, thành ủy và các cấp ủy đảng trong BĐBP; thực hiện lãnh đạo toàn diện trên các nội dung và phạm vi của các cấp. Trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch xây dựng, quản lý và bảo vệ BGQG dài hạn, ngắn hạn và thống nhất quản lý, điều hành với bước đi phù hợp; chú trọng xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật và thực hiện quản lý, bảo vệ BGQG bằng pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về BGQG. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng và hoàn thiện các quy chế phối hợp giữa các ngành, các lực lượng, nhất là quy chế phối hợp giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao; giữa Đảng ủy BĐBP với các tỉnh ủy, thành ủy; giữa Bộ Tư lệnh BĐBP với các quân khu và Quân chủng Hải quân…; trong đó, lấy Bộ Quốc phòng làm chủ trì, BĐBP làm nòng cốt, nhằm phối hợp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các cấp, các ngành, các địa phương, tạo sức mạnh tổng hợp để xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG trong tình hình mới.

2. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về biên giới và bảo vệ BGQG. Quản lý và bảo vệ biên giới là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên và rất phức tạp, bao hàm nhiều nội dung, nhiều lực lượng tham gia, nhưng để các lực lượng tham gia có hiệu quả, phải có sự thống nhất về nhận thức và hành động. Có như vậy mới tạo nên sức mạnh tổng hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Để các cấp, các ngành, các địa phương và toàn dân nhận thức sâu sắc về biên giới và bảo vệ BGQG cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục. Yêu cầu đối với công tác này là phải làm cho mọi người nhận thức đúng về biên giới, nhất là vị trí, vai trò và các quy chế, hiệp ước, hiệp định,… về biên giới, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; nhận thức rõ mối quan hệ giữa phát triển kinh tế – xã hội với yêu cầu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững ổn định chính trị ở KVBG. Qua đó, mỗi tổ chức, lực lượng và công dân thấy rõ tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược của công tác quản lý, bảo vệ BGQG; trong đó, BĐBP là lực lượng nòng cốt; từ đó, xác định rõ quyết tâm, trách nhiệm tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh BGQG. Để thực hiện tốt yêu cầu đó, Bộ Tư lệnh BĐBP cần làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân đội và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ BGQG trong tình hình mới. Đồng thời, các cấp ủy, chỉ huy BĐBP đẩy mạnh công tác giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền thấu suốt nhiệm vụ của Quân đội, của đơn vị; xác định rõ đối tượng, đối tác; nắm vững các văn bản pháp luật của Nhà nước liên quan đến quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQG cùng những kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ công tác biên phòng. Trong quá trình thực hiện, phải thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp cho phù hợp với từng đối tượng; kết hợp giữa giáo dục thường xuyên và giáo dục trọng điểm nhân dịp các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, nhất là Ngày Biên phòng toàn dân; đồng thời, sớm đưa nội dung giáo dục về xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG vào chương trình giáo dục phổ thông, nhằm dấy lên phong trào cả nước hướng về biên giới, biển, đảo.

3. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và các văn bản pháp lý về biên giới. Những năm qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả quan trọng, song nhìn chung công tác xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật về biên giới còn nhiều hạn chế, bất cập. Đến nay, chúng ta vẫn chưa có văn bản pháp luật về quản lý biên giới vùng trời và trong lòng đất; nhiều văn bản còn chồng chéo, mâu thuẫn, nhất là các văn bản về biển và quản lý biển. Thời gian tới, việc xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn, bảo đảm tính cơ bản, hệ thống, có trình tự từ “gốc đến ngọn” và mang tính khả thi cao. Trước hết, tập trung nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để sớm xây dựng, ban hành Chiến lược bảo vệ BGQG; trên cơ sở đó, xây dựng chương trình dài hạn hoàn thiện hệ thống pháp luật về BGQG và quản lý, bảo vệ BGQG trong tình hình mới. Trong quá trình xây dựng, phải làm cho các điều ước quốc tế được nội luật hóa bằng hệ thống pháp luật của Việt Nam để bảo đảm có thể thực thi trên thực tế. Đồng thời, luật hóa các văn bản quy phạm pháp luật về các lực lượng quản lý, bảo vệ BGQG (BĐBP, Cảnh sát biển…) thành Luật về biên phòng và Luật về bảo vệ BGQG, làm cơ sở để xây dựng các lực lượng này ngày càng vững mạnh, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật về xuất, nhập cảnh qua biên giới, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý, bảo vệ BGQG trong bối cảnh hội nhập quốc tế.   

4. Tập trung xây dựng BĐBP vững mạnh, đủ sức làm nòng cốt trong xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG. Các đơn vị BĐBP cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; Nghị quyết 11/1995-NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng BĐBP trong tình hình mới, tập trung xây dựng lực lượng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong quá trình xây dựng, cần nâng cao chất lượng về chính trị, nhất là xây dựng bản lĩnh chính trị, lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Đồng thời, coi trọng quy hoạch, xây dựng tổ chức biên chế và xây dựng đội ngũ cán bộ theo hướng tinh, gọn, có chất lượng cao, giỏi về nghiệp vụ, quân sự, đối ngoại và năng lực vận động quần chúng. Trong đó, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chỉ huy, chuyên môn kỹ thuật; chú ý nâng tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số trong cơ cấu đội ngũ cán bộ, nhất là quân nhân chuyên nghiệp ở các đồn biên phòng.

Cùng với đó, chú trọng tăng cường trang bị, vũ khí, phương tiện kỹ thuật cho BĐBP, nhất là các phương tiện vận tải, tuần tra, kiểm soát, cơ động lực lượng trên bộ, trên biển; phương tiện trinh sát thám không, thông tin liên lạc để nâng cao khả năng chỉ huy, chỉ đạo tác chiến và xử trí kịp thời, có hiệu quả các tình huống phức tạp, đột xuất trên biên giới và biển, đảo.

5. Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình bảo vệ biên giới, gắn với điều chỉnh đưa dân ra sát biên giới, bảo đảm vừa phát triển sản xuất, vừa bảo vệ đường biên, mốc giới. Trên cơ sở điều tra, khảo sát, quy hoạch từng tuyến biên giới và vùng biển, đảo, Nhà nước dành một khoản ngân sách thích đáng, kết hợp với huy động mọi nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở KVBG, nhất là trên các tuyến trọng điểm. Trong đó, tập trung củng cố, xây dựng hệ thống đường giao thông, đường tuần tra biên giới, mạng lưới y tế, bưu điện và hệ thống thủy lợi,… bảo đảm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ biên phòng, QP-AN và đời sống dân sinh. Cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng, chú trọng quy hoạch, xây dựng các công trình phòng thủ về quân sự, dân sự ở KVBG, nhất là củng cố, xây dựng mới hệ thống đồn, trạm biên phòng; hệ thống đài quan sát và trinh sát kỹ thuật; hệ thống công sự trận địa trên từng tuyến biên giới, vùng biển phù hợp với ý định bảo vệ BGQG. Đi đôi với xây dựng phải có kế hoạch, phân cấp bảo vệ, kiểm tra và tu bổ thường xuyên, bảo đảm tuổi thọ của các công trình, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ BGQG trong mọi tình huống.

6. Tăng cường công tác đối ngoại biên phòng, phối hợp giải quyết tốt những vấn đề xảy ra, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Các cấp, các ngành, các lực lượng nhất là lực lượng BĐBP tiếp tục quán triệt và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại của Đảng; đa dạng hóa các hình thức quan hệ hợp tác với các nước về kinh tế, văn hóa, xã hội và QP-AN; giải quyết các vấn đề về BGQG thông qua đàm phán, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau. Trong quan hệ đối ngoại cũng như trong đàm phán giải quyết các vấn đề về biên giới, lãnh thổ, phải nắm vững luật pháp quốc tế, nghệ thuật đàm phán, chuẩn bị chu đáo thế trận tác chiến, đấu tranh cùng các chứng cứ pháp lý và lịch sử; luôn kiên định về nguyên tắc chiến lược, nhưng linh hoạt, mềm dẻo về sách lược. Trong mọi trường hợp, phải chú trọng giữ gìn mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tìm ra điểm tương đồng để phát huy, chọn điểm khác biệt để cùng nhau thương lượng, giải quyết; lấy việc bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia là mục tiêu cao nhất, tuyệt đối không vì lợi ích địa phương, lợi ích kinh tế mà quên đi chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Bên cạnh đó, tiếp tục xác định rõ phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền của từng cấp đối với từng nội dung đàm phán, giải quyết về biên giới, lãnh thổ để vận dụng các hình thức đối ngoại cho phù hợp; trong đó, kết hợp chặt chẽ giữa ngoại giao nhà nước với đối ngoại nhân dân và đẩy mạnh các hoạt động phối hợp giữa lực lượng chuyên trách của các bên, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội hai bên biên giới.

Trung tướng, ThS. TRẦN HOA

Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.