Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 14/05/2012, 03:15 (GMT+7)
Một số vấn đề về nâng cao khả năng tác chiến bảo vệ biển, đảo của lực lượng pháo binh

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biển, đảo là một hoạt động tác chiến chiến lược diễn ra với nhiều hình thức và do nhiều lực lượng tham gia; trong đó, pháo binh, tên lửa là một thành phần quan trọng. Do đó, nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả tác chiến của lực lượng Pháo binh, Tên lửa bảo vệ biển, đảo có ý nghĩa quan trọng trong tình hình hiện nay.

alt
Ảnh minh họa

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng Pháo binh (LLPB) 3 thứ quân, mà nòng cốt là Bộ đội Pháo binh đã bắn chìm nhiều tàu chiến địch, bảo vệ biển, đảo miền Bắc. Nổi bật là chiến công của LLPB Quân khu 3, Quân khu 4, các trung đoàn pháo binh thuộc Sư đoàn 341, Sư đoàn 325, Đại đội Nữ dân quân xã Ngư Thuỷ (huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình)... Qua đó, LLPB đã rút ra kinh nghiệm là: phải nắm chắc tình hình, phán đoán chính xác âm mưu, thủ đoạn của địch; đồng thời, xác định nhiệm vụ phù hợp với khả năng tác chiến của từng lực lượng; phát huy sức mạnh tổng hợp của LLPB 3 thứ quân; tổ chức thế trận hiểm hóc, linh hoạt, bảo đảm đánh địch từ xa đến gần, tập trung hoả lực vào mục tiêu trọng điểm... Ngày nay, tác chiến biển, đảo có sự phát triển nhiều mặt, từ vũ khí, trang bị đến phương thức, thủ đoạn tác chiến, song những bài học kinh nghiệm đó vẫn còn nguyên giá trị mà các đơn vị pháo binh cần tiếp tục nghiên cứu vận dụng.

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) đối với nước ta, đối tượng tác chiến của Quân đội nói chung và của LLPB nói riêng là kẻ địch có tiềm lực quân sự, vũ khí, trang bị hiện đại, với nhiều thủ đoạn tác chiến xảo quyệt. Trên hướng biển, địch thường sử dụng các phương tiện trinh sát phát hiện lực lượng của ta trên đảo và ven bờ, bất ngờ dùng hoả lực không quân, hải quân tiến công với mật độ cao, làm “mềm” chiến trường, sau đó tổ chức đổ bộ đánh chiếm các đảo, quần đảo làm bàn đạp tiến công vào đất liền. Tuy nhiên, để tiến công các đảo của ta, chúng phải vượt biển, do đó lực lượng bị bộc lộ; nếu tác chiến kéo dài, công tác tiếp tế, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật sẽ khó khăn; chiến tranh ác liệt, tinh thần của địch dễ bị hoang mang, dao động,...

So với trên đất liền, tác chiến ở biển, đảo chúng ta có khó khăn là: lực lượng ít, địa hình trống trải, diện tích các đảo đa số nhỏ, không thuận lợi cho cơ động; khả năng hiệp đồng, chi viện trong tác chiến của các lực lượng bị hạn chế,... Do đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ tác chiến, bảo vệ biển, đảo, các đơn vị pháo binh phải phát huy sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân, dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân ven biển và trên biển thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cả trong thời bình và trong chiến tranh.

1. Trong thời bình.

Các đơn vị pháo binh cần tập trung đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho bộ đội về ý nghĩa chiến lược của biển, đảo; xây dựng cho bộ đội có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tư tưởng, ý chí chiến đấu cao trong điều kiện nhiệm vụ tác chiến bảo vệ biển, đảo nhiều khó khăn, gian khổ, ác liệt.

Việc tổ chức LLPB trên các đảo thực hiện theo hướng: gọn, mạnh, có khả năng cơ động cao, ưu tiên bảo đảm quân số từ 95 đến 100%; tổ chức pháo binh thành các khẩu đội, trung đội, đại đội trên từng hướng, từng khu vực dự kiến địch tiến công. Khu vực ven biển có sự tham gia của nhiều lực lượng, nhiều cấp nên việc tổ chức LLPB phải dựa vào phương án, kế hoạch của khu vực phòng thủ. Cùng với xây dựng các đơn vị pháo binh thường trực, tiếp tục xây dựng LLPB dân quân, tự vệ trên các đảo, các địa phương ven biển và các hải đoàn, hải đội, các đơn vị tàu biển, các đoàn khai thác kinh tế trên biển, phù hợp với vị trí, tính chất, yêu cầu của từng địa bàn, doanh nghiệp, bảo đảm sẵn sàng đánh địch ngay từ tuyến đầu.

Tổ chức thế trận pháo binh phải dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận phòng thủ bảo vệ biển, đảo; lập thế trận ban đầu (hệ thống trận địa, đài quan sát, đường cơ động...) phải linh hoạt, đa dạng, phù hợp với phương án tác chiến của người chỉ huy binh chủng hợp thành. Để nâng cao khả năng cơ động pháo binh, các đơn vị phải chuẩn bị đường cơ động ngay từ thời bình; xây dựng nhiều trận địa dự bị, đường hầm để cơ động di chuyển, dịch chuyển trong quá trình tác chiến. Mặt khác, phải nâng cao khả năng cơ động của trang bị, phương tiện kỹ thuật. Trên các đảo, quần đảo, nhất là đảo xa bờ, do địa hình trống trải nên việc tổ chức trận địa pháo binh cần tận dụng địa hình, địa vật, tạo sự che đỡ, coi trọng sử dụng các vật liệu kiên cố, như: bê tông cốt thép, bao cát... để xây dựng công sự, trận địa kiên cố, vững chắc, liên hoàn; đồng thời, tích cực ngụy trang bằng các loại vật liệu thô sơ kết hợp với hiện đại, làm giảm khả năng trinh sát, phát hiện của địch. Công tác hậu cần, kỹ thuật cần chuẩn bị đủ lượng dự trữ, nhất là đạn, nước ngọt, lương thực, thực phẩm; kết hợp với bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cao tuổi thọ của vũ khí, trang bị trong điều kiện môi trường biển, đảo.

Trên cơ sở phương hướng, phương châm huấn luyện đã xác định, các đơn vị pháo binh cần thực hiện nghiêm túc yêu cầu: huấn luyện sát với đối tượng, nhiệm vụ, địa bàn tác chiến, phù hợp với trang bị, nghệ thuật quân sự Việt Nam. Việc tổ chức huấn luyện, diễn tập nội dung biển, đảo, phải bắt đầu từ công tác bồi dưỡng lý luận về nghệ thuật tác chiến pháo binh; xây dựng cho người chỉ huy có trình độ, kiến thức cơ bản, có năng lực xử lý tình huống trên biển, đảo và khả năng tổ chức tác chiến bảo vệ biển, đảo trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Phải coi trọng huấn luyện đồng bộ cả chỉ huy, cơ quan và phân đội; đồng bộ các bộ phận trinh sát, kế toán, đo đạc, pháo thủ; chú trọng rèn luyện kỹ năng sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị, khí tài phục vụ bắn biển. Duy trì và đẩy mạnh phong trào “Xây dựng đơn vị pháo binh huấn luyện giỏi”, góp phần nâng cao trình độ và khả năng chiến đấu của đơn vị. Trong diễn tập, tập trung rèn luyện, nâng cao khả năng tác chiến trên biển, đảo trong điều kiện thời tiết phức tạp; xây dựng các tình huống diễn tập phù hợp với phương pháp tác chiến của binh chủng hợp thành trong từng hình thức chiến thuật, loại hình chiến dịch ở các quy mô, hình thức khác nhau, sát với điều kiện thực tế chiến đấu bảo vệ biển, đảo.

Trong lĩnh vực khoa học nghệ thuật quân sự, tập trung nghiên cứu lý luận tổ chức sử dụng lực lượng, cách đánh của pháo binh, tên lửa trong tác chiến bảo vệ biển, đảo; tổng kết kinh nghiệm truyền thống đánh địch trên sông, biển của dân tộc và tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm tác chiến biển, đảo của quân đội các nước trên thế giới. Trong công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự, trước hết tập trung vào việc ứng dụng khoa học, nâng cao hiệu quả sử dụng, làm chủ vũ khí, trang bị; chú trọng triển khai kết quả Đề tài “Phần mềm tính phần tử bắn và sửa bắn mục tiêu trên biển” vào thực tiễn công tác huấn luyện, diễn tập của các đơn vị. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất, cải tiến, mua sắm, hiện đại hoá vũ khí, trang bị pháo binh, tên lửa; đưa các loại khí tài hiện đại, như: máy đo xa la-de, khí tài hồng ngoại, ra-đa bắn biển vào sử dụng.

Trên cơ sở dự kiến về địch tiến công trong tác chiến phòng thủ chiến lược, cũng như phương án, kế hoạch của từng khu vực phòng thủ, từng địa bàn, các đơn vị pháo binh phải xây dựng phương án, kế hoạch chiến đấu cụ thể, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, tổ chức biên chế, khả năng trang bị hiện có và nghệ thuật quân sự, cách đánh của pháo binh, tên lửa.

2. Trong chiến tranh.

Tác chiến bảo vệ biển, đảo, LLPB có nhiệm vụ cơ bản là: chi viện cho các lực lượng giữ đảo và đánh địch thực hành đổ bộ tiến công đánh chiếm các khu vực ven bờ; chi viện cho các lực lượng đánh địch để giành lại các vùng biển, đảo trọng điểm; dùng hoả lực chống địch phong toả, bảo vệ giao thông vận tải ven bờ, bảo vệ bãi vật cản... Bên cạnh đó, LLPB còn phải nâng cao khả năng tác chiến độc lập dài ngày, nhằm bảo vệ vững chắc biển, đảo, tiêu hao sinh lực, phá huỷ các phương tiện chiến đấu của địch; tập kích hoả lực vào một số mục tiêu quan trọng... Trong điều kiện tác chiến biển, đảo có tính biến động cao, các mục tiêu trên biển phần lớn thuộc loại di động nên việc bảo đảm trinh sát, đo đạc pháo binh có nhiều khó khăn... Vì vậy, để nâng cao hiệu quả bảo đảm trinh sát, đo đạc, các đơn vị cần dựa vào mạng khống chế pháo binh đã lập sẵn để tiến hành trinh sát, đo đạc bằng nhiều hình thức, phương pháp, kết hợp nhiều loại khí tài khác nhau, như: ra-đa, máy đo xa,... Trong quá trình tác chiến của pháo binh, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt có ý nghĩa hết sức quan trọng. Vì vậy, các đơn vị pháo binh cần kết hợp chặt chẽ nhiều lực lượng, phương tiện thông tin và có nhiều phương án bảo đảm, tạo thành hệ thống thông tin liên hoàn, vững chắc; trong đó, cần ưu tiên thông tin chỉ huy, thông tin trên hướng chủ yếu, mục tiêu chủ yếu, các đảo xa bờ,… Mặt khác, từng đơn vị phải tích cực thực hiện các biện pháp ngụy trang, nghi binh, phòng chống trinh sát, chế áp điện tử của địch.

Khi địch tiến công, phải trên cơ sở thế trận ban đầu và thực tiễn tình hình địch (lực lượng, đội hình, hướng và thời gian tiến công) để người chỉ huy và cơ quan tham mưu bổ sung, điều chỉnh, hình thành thế trận trực tiếp đánh địch. Tổ chức, bố trí lực lượng phải linh hoạt, đa dạng, có khả năng cơ động, chuyển hoá nhanh chóng; coi trọng nguyên tắc “hoả khí phân tán, hoả lực tập trung”; tích cực thực hiện các biện pháp phòng tránh, đánh trả trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Hiện nay, chúng ta có nhiều lực lượng tham gia hoạt động bảo vệ biển, đảo, như: Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, Không quân, Dân quân tự vệ biển,... Do đó, trong tác chiến phải có sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, dưới sự chỉ huy, điều hành tập trung, thống nhất của tư lệnh chiến trường hoặc người chỉ huy binh chủng hợp thành. Người chỉ huy và cơ quan tham mưu pháo binh trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo, tổ chức hiệp đồng trong các đơn vị pháo binh thuộc quyền; trong đó, đặc biệt chú trọng tổ chức đơn vị pháo binh chuyên trách với trang bị gọn, nhẹ để đánh sâu, đánh hiểm vào các mục tiêu quan trọng trên biển. Phương pháp tổ chức hoả lực phải bảo đảm phát huy được khả năng, sở trường, cách đánh của từng LLPB 3 thứ quân, kết hợp pháo xe kéo với pháo mang vác để tạo sức mạnh tổng hợp về hỏa lực đánh địch ở nhiều tuyến khác nhau từ xa đến gần. Tuỳ theo yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến và các tình huống cụ thể để người chỉ huy và cơ quan tham mưu pháo binh vận dụng hình thức chỉ huy tập trung, phân cấp hoặc vượt cấp cho phù hợp. Để nâng cao khả năng hiệp đồng trong các đơn vị pháo binh, mỗi tập thể, cá nhân phải quán triệt sâu sắc yêu cầu "đoàn kết, hiệp đồng, lập công tập thể", nắm vững chức năng, nhiệm vụ, xây dựng tính kỷ luật cao, hiệp đồng chặt chẽ trong từng bộ phận (đài, trận địa), từng lực lượng (chỉ huy, pháo thủ, trinh sát, kế toán, thông tin,...), từng thời gian, từng công việc, đáp ứng yêu cầu chi viện hoả lực chính xác, kịp thời, đạt hiệu quả cao. Cùng với đó, phải chú trọng kết hợp hoả lực của pháo binh, tên lửa với hoả lực phòng không, bộ binh, xe tăng, thiết giáp... tạo thành các tuyến hoả lực có mật độ cao, nhằm ngăn chặn, tiêu diệt, phá huỷ tàu thuyền, phương tiện đổ bộ của địch.

Nghiên cứu nâng cao khả năng tác chiến bảo vệ biển, đảo của LLPB trong điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là một vấn đề quan trọng hiện nay. Thực tiễn chiến tranh luôn diễn ra với nhiều tình huống đa dạng, phức tạp, nhất là trong điều kiện tác chiến biển, đảo, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Do đó, trong tác chiến, người chỉ huy pháo binh phải vận dụng tổng hợp nhiều giải pháp, từ công tác chuẩn bị trong thời bình đến vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp tác chiến trong chiến tranh, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Thiếu tướng NGUYỄN VĂN CÔN

Tư lệnh Binh chủng Pháo binh

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.