Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 26/06/2023, 07:37 (GMT+7)
Một số vấn đề về nâng cao hiệu quả thực hiện công tác tôn giáo của Quân đội trong tình hình mới

Tôn giáo, công tác tôn giáo luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và xác định là một trong những nội dung quan trọng, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, cùng với các cấp, ngành, lực lượng, cả hệ thống chính trị và toàn dân, Quân đội cần tiếp tục nghiên cứu, có nhiều giải pháp phù hợp, thiết thực để không ngừng nâng cao hiệu quả thực hiện công tác quan trọng này.

Nước ta là quốc gia đa tôn giáo cùng tồn tại và bình đẳng với nhau. Theo các số liệu thống kê, hiện cả nước có 16 tôn giáo với 43 tổ chức được công nhận và đăng ký hoạt động, gồm hơn 26 triệu tín đồ, trên 54 nghìn chức sắc, trên 135 nghìn chức việc, hơn 20 trường đào tạo chức sắc tôn giáo. Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo của nhân dân; thực hiện bình đẳng, đoàn kết lương - giáo và giữa các tôn giáo; lên án thái độ hẹp hòi, thành kiến, phân biệt đối xử với đồng bào có đạo; đồng thời, nghiêm cấm lợi dụng tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, trái pháp luật, cũng như các hoạt động kích động chia rẽ nhân dân, gây rối, chống phá Đảng, Nhà nước, v.v. Thực hiện chủ trương đó, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp uỷ, tổ chức đảng, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chức năng các cấp luôn chú trọng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác này một cách nghiêm túc, chặt chẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn giáo, công tác tôn giáo được các cơ quan, đơn vị thực hiện hiệu quả. Nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng về công tác tôn giáo trong tình hình mới của cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng các cấp ngày càng được nâng lên. Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào tôn giáo được đẩy mạnh, đạt hiệu quả thiết thực. Quân đội tích cực giúp đỡ đồng bào tôn giáo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư; phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, nhân tai; phát huy tốt vai trò chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo, v.v. Do vậy, đã góp phần quan trọng vào xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần, “thế trận lòng dân”, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác dự báo, nghiên cứu, nắm tình hình địa bàn tôn giáo; việc tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, người có uy tín trong đồng bào tôn giáo; trình độ, năng lực, kiến thức của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm công tác tôn giáo ở một số cơ quan, đơn vị có mặt còn hạn chế; việc phối hợp tham gia xử lý các vụ việc liên quan đến tôn giáo ở một số điểm nóng còn lúng túng, bị động, v.v. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện công tác tôn giáo của Quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, theo chúng tôi cần làm tốt một số nội dung, giải pháp cơ bản sau:

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp, bảo đảm công tác tôn giáo luôn được thực hiện đúng pháp luật và có hiệu quả cao. Đây là giải pháp có tính nguyên tắc, quan trọng hàng đầu, đưa các hoạt động thực hiện công tác tôn giáo trong Quân đội đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp thực tiễn nơi có tôn giáo hoạt động. Để thực hiện, trước hết, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp cần quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng về tôn giáo và công tác tôn giáo1. Chủ động đề ra các giải pháp khoa học, sát thực trong việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương, chính sách về tôn giáo và công tác tôn giáo, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Để công tác lãnh đạo, chỉ đạo đạt hiệu quả thiết thực, cần thường xuyên nắm vững các hoạt động tôn giáo trong địa bàn; nhất là nhận diện và dự báo đúng hoạt động của các tổ chức, nhóm tôn giáo phức tạp, hoạt động không theo hiến chương, điều lệ của giáo hội, không đúng pháp luật,... ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh, như: hoạt động của tà đạo, đạo lạ, hiện tượng tôn giáo mới, vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng công trình tôn giáo, thuyên chuyển, bổ nhiệm chức sắc, chia tách tổ chức tôn giáo trái quy định, v.v. Từ đó, cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp vận dụng linh hoạt, chủ động đề ra chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động về công tác tôn giáo ở cơ quan, đơn vị bảo đảm đúng đường lối, chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước và sát yêu cầu thực tiễn, đạt hiệu quả cao, phát huy được sức mạnh đoàn kết toàn dân, không để xảy ra điểm nóng trên địa bàn. Đặc biệt, với địa bàn nhạy cảm, nơi các thế lực thù địch có thể lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đơn vị phụ trách cần nghiên cứu kỹ tình hình mọi mặt, dự báo chính xác các tình huống có thể xảy ra, chủ động tham mưu với cấp có thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý kịp thời, đúng pháp luật các hoạt động gây rối, chống phá, không để bị động, bất ngờ. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, giúp cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này.

2. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành công tác dân vận ở vùng đồng bào tôn giáo phù hợp với thực tiễn. Nội dung chủ yếu công tác tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta là công tác vận động quần chúng, gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung, tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thực hiện chủ trương này, trong thời gian qua, công tác dân vận của toàn quân nói chung, ở các cơ quan, đơn vị Quân đội ở vùng đồng bào tôn giáo nói riêng được tiến hành với nhiều nội dung, hình thức phong phú, như: “Hành quân dã ngoại làm công tác dân vận”, phong trào “Họ đạo gương mẫu”, “Gắn kết yêu thương giữa lương và giáo”,... đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đây là cơ sở để các cơ quan, đơn vị cùng lực lượng chuyên trách thực hiện công tác dân vận trong toàn quân tiếp tục nghiên cứu, phát triển, vận dụng cho phù hợp thực tiễn mới. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng đổi mới cả về nội dung, hình thức và cách thức, biện pháp tiến hành. Cái cũ không phù hợp cần mạnh dạn thay đổi bằng nội dung, hình thức, phương pháp mới phù hợp với thực tiễn. Để có được nội dung, hình thức, phương pháp mới, phù hợp, hiệu quả, thì một trong những nguyên tắc cơ bản là phải bám sát đời sống của đồng bào tôn giáo; tăng cường tiếp xúc với chức sắc, chức việc, người có uy tín,... để phát hiện những bất cập, thấy được cái mà đồng bào cần để xác định nội dung, hình thức, phương pháp làm công tác dân vận cho phù hợp, hiệu quả. Quá trình thực hiện, cần lấy mục tiêu quan trọng, trên hết là củng cố mối quan hệ đoàn kết, tin cậy giữa lực lượng vũ trang với đồng bào tôn giáo; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững chắc; khơi dậy, phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nhân ái, giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp các tôn giáo; vận động đồng bào tôn giáo tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Trung ương và địa phương, sống “tốt đời, đẹp đạo”, tạo sự đồng thuận, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó, cấp ủy các cấp cần quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn cơ quan, cán bộ làm công tác dân vận, đảm bảo đủ số lượng, có chất lượng cao; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng mô hình, gương điển hình tiên tiến. Tích cực đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy ở các học viện, nhà trường cũng như hoạt động tập huấn, bồi dưỡng ở các cơ quan, đơn vị, nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng công tác dân vận và kiến thức về tôn giáo cho cán bộ, chiến sĩ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nâng cao hiệu quả công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, phát triển lý luận, công tác tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo.

3. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống những nhận thức, tư tưởng lệch lạc và hoạt động lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước và Quân đội. Cùng với tín ngưỡng, tôn giáo là vấn đề rất nhạy cảm, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Vì vậy, tăng cường đấu tranh phòng, chống những nhận thức, tư tưởng lệch lạc về tôn giáo cũng như hoạt động lợi dụng tôn giáo để chống phá của các thế lực thù địch là rất quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện công tác tôn giáo của Quân đội; đồng thời, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Theo đó, các cơ quan, đơn vị và lực lượng chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa, triển khai thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ Quân đội; tăng cường tuyên truyền, giáo dục làm cho cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân nhận thức đúng về nguồn gốc, bản chất của tôn giáo cũng như quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn giáo; tránh phân biệt, kỳ thị hoặc ngại tiếp xúc với bà con có đạo. Tập trung nâng cao chất lượng công tác tuyển quân, tuyển sinh, quản lý, giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng những thanh niên có đạo và gốc đạo trở thành những quân nhân ưu tú, tạo nguồn cán bộ cho Quân đội và địa phương. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng quy định, nhất là chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo và đồng bào theo đạo. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên vùng đồng bào tôn giáo vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Chăm lo xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân; xây dựng, củng cố các khu vực phòng thủ vững chắc trên từng địa bàn, địa phương, nhất là địa bàn chiến lược. Ra sức xây dựng Quân đội ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ sức hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; trong đó, luôn chủ động đấu tranh trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để chống phá. Chủ động xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống biểu tình, bạo loạn; tăng cường kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh phương án bảo vệ an ninh ở địa phương, cơ sở. Tham gia giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp liên quan đến tôn giáo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, không để hình thành điểm nóng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn đóng quân.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị Quân đội cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng chuyên trách, nhất là Công an, kịp thời phát hiện, dập tắt mọi âm mưu, hành động lợi dụng vấn đề tôn giáo để kích động, lôi kéo đồng bào gây rối, bạo loạn; xử lý thích đáng, đúng pháp luật những phần tử quá khích, phản động, chống phá Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tá, TS. TẠ DUY CHÍNH, Học viện Quốc phòng
__________________

1 - Trong đó, tập trung vào Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016; Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới”; Chỉ thị số 1006-CT/QUTW, ngày 27/9/2019 của Quân ủy Trung ương “Về tiếp tục đổi mới và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo Quân đội thực hiện công tác tôn giáo trong tình hình mới”.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.