Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 05/07/2012, 16:01 (GMT+7)
Một số vấn đề về nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học - công nghệ quân sự

Xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” là chủ trương chiến lược của Đảng nhằm tăng cường quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đây là vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài, đòi hỏi phải triển khai đồng bộ, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, bằng nhiều giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học – công nghệ quân sự là một trong những động lực trực tiếp.

alt
Ký kết thảo thuận hợp tác 2012 – 2015 giữa Viện Khoa học và Công nghệ quân sự và Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh (nguôn: Sở KH&CN TP. HCM)
 

Với nhiệm vụ góp phần xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng có trình độ khoa học - công nghệ (KH-CN) tiên tiến, hiện đại, có năng lực tự nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật (VK,TBKT), từng bước hiện đại hóa quân đội; đồng thời, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp CNH,HĐH đất nước, KH-CN quân sự đã và đang trở thành một trong những động lực trực tiếp của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và tham gia xây dựng đất nước. Những năm gần đây, trên cơ sở quán triệt và triển khai thực hiện đường lối, chủ trương phát triển KH-CN của Đảng và Nhà nước, của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, công tác nghiên cứu KH-CN quân sự đã có sự đổi mới, từng bước phát triển về chiều sâu, đạt được những kết quả quan trọng. Nổi bật là, KH-CN quân sự đã chủ động đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển công nghệ trên các lĩnh vực: nghiên cứu thiết kế, chế tạo (VK,TBKT, các hệ thống thiết bị phục vụ huấn luyện, diễn tập, giáo dục - đào tạo, các công nghệ về bảo quản, niêm cất trang bị, khí tài, các sản phẩm sinh học, hóa học, vật liệu xử lý môi trường); nghiên cứu sửa chữa, cải tiến, tăng hạn sử dụng đối với VK,TBKT hiện có và khai thác, làm chủ VK,TBKT mới, hiện đại,… góp phần quan trọng vào việc nâng cao khả năng, trình độ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của Quân đội. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị nghiên cứu KH-CN quân sự đã coi trọng phát huy dân chủ, tính năng động, sáng tạo của đội ngũ các nhà khoa học; tập trung vào các chương trình, dự án, đề tài trọng điểm; tăng cường hợp tác cả ở trong và ngoài nước; ứng dụng và phát triển thành công kỹ thuật công nghệ cao, tạo bước chuyển biến tích cực trong xây dựng và phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, xây dựng cơ sở hạ tầng của nền quốc phòng toàn dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN. Bên cạnh đó, KH-CN quân sự còn thực hiện có hiệu quả việc kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, nhất là ứng dụng những thành tựu của KH-CN quân sự trên một số lĩnh vực vào phục vụ đời sống dân sinh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, do trình độ công nghệ của nước ta còn thấp, tính cạnh tranh chưa cao, điều kiện kinh tế còn hạn hẹp, nên việc phát triển KH-CN nói chung, KH-CN quân sự nói riêng còn nhiều bất cập cả về đội ngũ cán bộ (nhất là những chuyên gia đầu ngành), cơ sở vật chất bảo đảm và cơ chế thực hiện. Công tác chỉ đạo nghiên cứu còn thiếu tính nhất quán cả về bước đi và biện pháp, dẫn đến một số chương trình, dự án còn thiếu tính liên kết để có thể tạo ra những thành quả mang tính đột phá. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp hiện đại hóa Quân đội và đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước, công tác nghiên cứu KH-CN quân sự phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trước mắt, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, thường xuyên quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội và thực tiễn đơn vị để xác định mục tiêu, nhiệm vụ và triển khai nghiên cứu một cách phù hợp, hiệu quả. KH-CN quân sự là một bộ phận hữu cơ của nền KH-CN quốc gia, một phần quan trọng của tiềm lực quốc phòng - an ninh (QP-AN) đất nước, nên đặc điểm, mục tiêu và trình độ của nó luôn phải đặt trong tổng thể tiềm lực KH-CN của cả nước. Song, do hoạt động trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng với độ mật và sự nhạy cảm chính trị cao, nên KH-CN quân sự cũng có những đặc thù, nhất là về kỹ thuật, công nghệ và mục tiêu quốc phòng, chính trị. Vì vậy, thường xuyên quán triệt sâu sắc đường lối quan điểm của Đảng, yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội và thực tiễn đơn vị là vấn đề quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu KH-CN quân sự trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Mọi dự án nghiên cứu KH-CN quân sự đều xuất phát từ mục tiêu tăng cường QP-AN, trực tiếp hiện đại hóa quân đội, do đó cần phải được thực hiện với một chiến lược thống nhất, bước đi phù hợp, bảo đảm đúng định hướng, đạt hiệu quả cao. Để thực hiện tốt, ngành KH-CN quân sự cần tiếp tục quán triệt, bám sát các chủ trương, định hướng phát triển KH-CN đã được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ Quân đội và các chỉ thị, nghị quyết, định hướng của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về phát triển KH-CN quân sự trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, cần tập trung xây dựng các định hướng, kế hoạch nghiên cứu cả trung, dài hạn trên các lĩnh vực và triển khai thực hiện một cách đồng bộ từ trên xuống dưới theo kế hoạch thống nhất, phù hợp; trong đó, chú trọng huy động mọi nguồn lực cho các nhiệm vụ, dự án trọng điểm; kiên quyết khắc phục tư tưởng chủ quan, nóng vội, “ăn đong”, manh mún hoặc trông chờ, ỷ lại trong nghiên cứu khoa học. Trong xây dựng chương trình, mục tiêu, dự án cần đầu tư hợp lý cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu đón đầu (những lĩnh vực công nghệ cao của thế giới); đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của các đơn vị trong toàn quân. Nghiên cứu khoa học là hoạt động đặc thù. Sản phẩm nghiên cứu khoa học chỉ thực sự có giá trị khi nó đáp ứng hoặc góp phần giải quyết có hiệu quả những yêu cầu do thực tiễn đặt ra. KH-CN quân sự cũng vậy, muốn phát triển, phải bám sát thực tiễn, nhất là thực tiễn huấn luyện, chiến đấu của các đơn vị trong toàn quân. Thông qua đó, xác định vấn đề cốt lõi cần nghiên cứu, giải quyết. Do đó, cần thực hiện kết hợp đề xuất, xây dựng đề tài, dự án nghiên cứu từ cơ sở với giao nhiệm vụ của trên, nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu KH-CN quân sự lên một bước mới.

Hai là, coi trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành KH-CN quân sự trong tình hình mới. Trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước hiện nay, việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu đặt ra đối với mọi ngành, mọi lĩnh vực. Với ngành KH-CN quân sự, do tính đặc thù và yêu cầu xây dựng quân đội bảo vệ Tổ quốc nên vấn đề về nguồn nhân lực chất lượng cao lại càng cần thiết, quan trọng. Hơn nữa, nó còn xuất phát từ thực trạng đội ngũ cán bộ KH-CN quân sự hiện nay còn nhiều bất cập, thiếu cán bộ đầu ngành, các chuyên gia có trình độ chuyên sâu phục vụ các chương trình, dự án trọng điểm; cơ cấu cán bộ nghiên cứu còn thiếu cân đối ở các chuyên ngành, khoảng cách về độ tuổi, trình độ còn khá lớn... Vì thế, đẩy mạnh xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định tiến trình phát triển KH-CN quân sự và CNQP của đất nước. Để làm tốt nội dung này, các cơ quan, đơn vị, viện nghiên cứu cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quan điểm của Đảng, Quy chế của Quân ủy Trung ương về công tác cán bộ. Cùng với các tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức, việc xây dựng đội ngũ cán bộ cần đi sâu bồi dưỡng về trình độ chuyên môn, năng lực tổ chức thực tiễn, có số lượng và cơ cấu hợp lý, bảo đảm nguồn kế cận và kế tiếp theo hướng trẻ hóa đội ngũ ngay trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 và những năm tiếp theo. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo sau đại học và đào tạo ngoại ngữ, tin học; gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học tại các cơ sở nghiên cứu; trong đó, chú trọng đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ đầu ngành, kỹ sư thiết kế và thiết kế công nghệ, các chuyên gia giỏi, hình thành các tập thể KH-CN có trình độ khu vực và quốc tế đủ sức giải quyết các nhiệm vụ do thực tiễn công tác kỹ thuật và sản xuất quốc phòng đặt ra. Để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, cần làm tốt các khâu: tuyển chọn đầu vào; xây dựng nội dung, chương trình đào tạo sát với nhu cầu thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng, từng lĩnh vực; thực hiện đào tạo, bồi dưỡng bằng nhiều hình thức kết hợp (ngắn hạn, dài hạn, ở trong nước và nước ngoài); gắn đào tạo với bố trí, sử dụng cán bộ có hiệu quả, bảo đảm dân chủ, công tâm, khách quan, đáp ứng nhu cầu cán bộ cho từng ngành nghề. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp để duy trì và phát huy đội ngũ cán bộ hiện có; đồng thời, kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng, công tác tổ chức và công tác chính sách để thu hút cán bộ có trình độ cao ở các bộ, ngành trong Nhà nước và các chuyên gia nước ngoài tham gia nghiên cứu KH-CN quân sự trên từng lĩnh vực.

Ba là, tích cực đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu KH-CN quân sự. Trong những năm qua, mặc dù được Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng quan tâm đầu tư, nhưng kinh phí và cơ sở vật chất kỹ thuật dành cho nghiên cứu KH-CN quân sự còn nhiều bất cập, nhất là trong đầu tư nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu đón đầu và bảo đảm cho các chương trình, dự án mang tính chiến lược trọng điểm; thậm chí nhiều sản phẩm tạo ra có hàm lượng khoa học cao nhưng không có kinh phí sản xuất, thử nghiệm để đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. Trong khi đó, KH-CN thế giới đã và đang phát triển mạnh mẽ, tác động sâu sắc đến các mặt của đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực QP-AN. Vì vậy, đầu tư cho nghiên cứu, phát triển KH-CN quân sự có ý nghĩa quan trọng đối với yêu cầu hiện đại hóa quân đội trong tình hình mới. Trong điều kiện kinh phí đầu tư còn hạn hẹp, chúng ta cần tiếp tục duy trì, khai thác và đầu tư nâng cấp các phòng thí nghiệm hiện có, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, thường xuyên, như: nghiên cứu, thử nghiệm, kiểm chuẩn, chế thử để tiêu chuẩn hóa sản phẩm. Đồng thời, tập trung đầu tư có trọng điểm một số phòng thí nghiệm mới, đặc thù, kỹ thuật cao thuộc các lĩnh vực: điện tử chuyên dụng, vật lý kỹ thuật và tự động điều khiển,… phục vụ cho triển khai nghiên cứu các dự án, đề tài về kỹ thuật quân sự. Trong quá trình đầu tư phát triển tiềm lực, cần phối hợp với các tổ chức, lực lượng khoa học của Nhà nước để huy động lực lượng, nguồn vốn và cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật cho các nhiệm vụ trọng điểm; đồng thời, có cơ chế tài chính trong khai thác, quản lý và sử dụng các nguồn vốn cho nghiên cứu khoa học phù hợp. Theo đó, cần mạnh dạn thực hiện cơ chế khoán kinh phí cho từng đề tài, nhiệm vụ nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao tính tự chủ trong nghiên cứu KH-CN quân sự.

Đi đôi với việc phát huy nội lực, lấy nguồn lực trong nước là chủ yếu, cần tranh thủ tận dụng nguồn lực từ bên ngoài. Bằng nhiều hình thức, chủ động mở rộng hợp tác quốc tế về KH-CN quân sự nhằm trao đổi thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, tiếp thu công nghệ mới, tiên tiến và phương thức quản lý sản xuất hiện đại của các đối tác nước ngoài, tạo bước chuyển biến về chất đối với công tác nghiên cứu KH-CN quân sự và sản xuất quốc phòng. Trong quá trình hợp tác, cần chủ động tìm kiếm, phân tích thông tin để lựa chọn đối tác phù hợp; đồng thời, chủ động “đi tắt, đón đầu” tập trung vào các ngành then chốt, đặc thù, công nghệ cao, như: công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh  học, công nghệ vật liệu mới,… để nghiên cứu, phát triển một số VK,TBKT đáp ứng yêu cầu chỉ huy – tham mưu tác chiến, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và công tác của các đơn vị, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.

Thiếu tướng ĐOÀN NHẬT TIẾN

Giám đốc Viện Khoa học - Công nghệ quân sự

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.