Thứ Năm, 24/04/2025, 16:32 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Lực lượng dự bị động viên là một thành phần của Quân đội nhân dân, có vị trí, vai trò chiến lược trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao chất lượng tổng hợp nói chung, chất lượng huấn luyện cho lực lượng này nói riêng là vấn đề quan trọng.
Quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, nắm vững nhiệm vụ được giao, những năm qua, Sư đoàn 355 (Quân khu 2) triển khai đồng bộ nhiều chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng huấn luyện quân nhân dự bị và đạt được kết quả quan trọng. Nổi bật là, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong Sư đoàn, nhất là quân nhân dự bị từng bước được nâng lên; việc đổi mới nội dung, chương trình, quản lý, điều hành và bảo đảm cơ sở vật chất huấn luyện có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác tập huấn, bồi dưỡng, diễn tập được đổi mới theo hướng sát với đặc điểm, nhiệm vụ của từng đối tượng, địa bàn. Quá trình huấn luyện, Sư đoàn đã bám sát phương châm “thiết thực, từng bước vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, toàn diện cả quân sự và giáo dục chính trị, rèn luyện kỷ luật, bộ binh, binh chủng. Đặc biệt, đột phá vào khâu yếu và những mặt còn bất cập, Sư đoàn chú trọng huấn luyện chuyển loại chuyên nghiệp quân sự nhằm đảm bảo cho các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhờ đó, kết quả huấn luyện của Sư đoàn không ngừng được nâng cao. Tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên (1996 - 2016), kết quả huấn luyện cán bộ khung B tăng 5,2%, huấn luyện quân nhân dự bị tăng 4,8% so với năm 1996. Đây là yếu tố quan trọng để lực lượng dự bị động viên nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Khẩu đội ĐKZ tiêu diệt lô cốt (trong diễn tập chiến thuật có bắn đạn thật của lực lượng dự bị động viên thuộc Trung đoàn 752, ngày 21- 9-2017). Ảnh: quankhu2.vn
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác huấn luyện của Sư đoàn còn bộc lộ những hạn chế là, nhận thức của một số cán bộ, chiến sĩ và quân nhân dự bị về nhiệm vụ huấn luyện chưa đầy đủ; chất lượng chuyên nghiệp quân sự, trình độ quản lý, chỉ huy đơn vị của cán bộ khung B chưa thật vững, v.v. Để nâng cao hơn nữa chất lượng huấn luyện, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng dự bị động viên, đáp ứng yêu cầu cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, chúng tôi xin nêu một số giải pháp chủ yếu để cùng nghiên cứu, trao đổi.
Trước hết, cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ đối với nhiệm vụ huấn luyện. Đứng chân và làm nhiệm trên địa bàn các tỉnh: Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Sư đoàn 355 có nhiệm vụ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương quản lý, động viên và huấn luyện quân nhân dự bị ở địa bàn phân tán, đối tượng đa dạng, thời gian huấn luyện tập trung ngắn, v.v. Trong khi đó, công tác huấn luyện đòi hỏi phải chuẩn bị chu đáo, tổ chức chặt chẽ, phương pháp khoa học, phù hợp với từng đối tượng. Vì thế, tăng cường công tác giáo dục để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ và quân nhân dự bị về nhiệm vụ huấn luyện là vấn đề quan trọng hàng đầu.
Để thực hiện tốt điều đó, Sư đoàn coi trọng việc phát huy vai trò của cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan huấn luyện các cấp trong giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ và xác định đó là nhân tố quan trọng, tác động trực tiếp đến chất lượng huấn luyện quân nhân dự bị của đơn vị. Điều đó càng được khẳng định khi hiện nay, đội ngũ cán bộ khung A, nhất là cán bộ trung đội, đại đội - lực lượng trực tiếp tham gia huấn luyện phần lớn là mới ra trường, ít kinh nghiệm huấn luyện. Đối với quân nhân dự bị, mặc dù được lựa chọn kỹ nhưng trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế, chưa thấy hết sự cần thiết và tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng huấn luyện ngay từ thời bình. Do vậy, công tác giáo dục chính trị cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, bảo đảm toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với từng đối tượng. Trên cơ sở quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về quân sự, quốc phòng, trực tiếp là Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, Sư đoàn tập trung giáo dục cho bộ đội nắm chắc nhiệm vụ của Quân đội, đơn vị và âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch hoạt động trên địa bàn, nhất là yêu cầu đặt ra đối với công tác huấn luyện lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới. Qua đó, làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc đối với việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Trên cơ sở đó, xây dựng quyết tâm, trách nhiệm cho cán bộ khung A, khung B và quân nhân dự bị nỗ lực, phấn đấu đạt thành tích cao nhất trong huấn luyện. Quá trình thực hiện, phải vận dụng nhiều hình thức, biện pháp, phù hợp với từng đối tượng, cần kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục cơ bản, thường xuyên với giáo dục theo nhiệm vụ, đợt đột kích. Chú trọng giáo dục truyền thống, nghệ thuật đánh giặc giữ nước,… lựa chọn những quân nhân dự bị có trình độ nghiệp vụ, phẩm chất, đạo đức tốt làm nhân cốt trong tuyên truyền, giáo dục, nhân rộng trong đơn vị. Thực hiện tốt phong trào Thi đua Quyết thắng theo hướng: khách quan, thực chất và hiệu quả; kết hợp với sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng, biểu dương, nhân điển hình tiên tiến kịp thời, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, chiến sĩ trong huấn luyện.
Trong điều kiện hiện nay, để công tác giáo dục đi vào chiều sâu, vững chắc, các cơ quan, đơn vị thuộc Sư đoàn cần căn cứ vào tình hình cụ thể, chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự địa phương và gia đình quân nhân dự bị (nếu có điều kiện) trong giáo dục, động viên quân nhân dự bị thực hiện tốt nhiệm vụ động viên, huấn luyện. Khi thực hiện, cần coi trọng kết hợp chặt chẽ với công tác tư tưởng và chính sách; chú trọng tham gia tháo gỡ những khó khăn về hoàn cảnh gia đình của quân nhân dự bị, v.v. Đây là cách làm đòi hỏi sự kiên trì, công phu; nếu làm tốt sẽ tạo chuyển biến vững chắc trong việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho lực lượng quan trọng này.
Hai là, chú trọng đổi mới toàn diện công tác huấn luyện, trọng tâm là đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện quân nhân dự bị. Đây là vấn đề rất quan trọng, tác động trực tiếp đến chất lượng huấn luyện lực lượng dự bị động viên của Sư đoàn. Hằng năm, trên cơ sở quán triệt mệnh lệnh huấn luyện chiến đấu của Tư lệnh Quân khu, Sư đoàn chủ động xây dựng kế hoạch, tiến trình biểu huấn luyện và tổ chức triển khai cho các cơ quan, đơn vị thực hiện. Tuy nhiên, do đối tượng quân nhân dự bị mà Sư đoàn huấn luyện rất đa dạng, với trình độ, tuổi đời, sức khỏe,… không giống nhau, nên việc nâng cao chất lượng huấn luyện, nhất là trong huấn luyện đồng bộ gặp nhiều khó khăn. Với thực trạng này, nếu chỉ tổ chức huấn luyện theo một kế hoạch, chương trình chung, từ trên xuống sẽ khó có chất lượng tốt. Vì thế, để nâng cao chất lượng huấn luyện cho quân nhân dự bị, Sư đoàn kết hợp chặt chẽ giữa định hướng, chỉ đạo của cấp trên với nghiên cứu, đề xuất chương trình, nội dung của các đơn vị. Với cách làm này, không chỉ bảo đảm huấn luyện sát đối tượng, địa bàn, mà còn tạo điều kiện để các đơn vị tập trung vào khâu yếu, mặt yếu, tăng thời gian huấn luyện thực hành cho từng đối tượng.
Cùng với đổi mới nội dung, chương trình, Sư đoàn coi trọng việc rà soát, kiện toàn tổ chức biên chế, phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện; đồng thời, nâng cao chất lượng công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ cả khung A và khung B. Đối với cán bộ khung B, cần bảo đảm cho lực lượng này nắm vững phương pháp, kỹ năng chuẩn bị giáo án và năng lực thực hành huấn luyện phân đội theo phân cấp. Theo đó, các đơn vị thường xuyên tổ chức cho cán bộ bám sát, bồi dưỡng đối tượng này nhưng không làm thay, nhằm giúp họ nắm chắc yêu cầu, nội dung và phương pháp huấn luyện, đủ khả năng huấn luyện phân đội theo phân cấp. Sư đoàn chỉ đạo các đơn vị coi trọng huấn luyện đúng, đủ nội dung theo quy định; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện tập trung và chia nhóm theo từng nội dung, ưu tiên thời gian huấn luyện cho nhóm đối tượng không đúng và gần đúng chuyên nghiệp quân sự. Đồng thời, yêu cầu cán bộ các cấp làm tốt khâu thông qua giáo án trước khi huấn luyện, nhất là cán bộ khung B, theo quy định: chưa thông qua thì chưa được huấn luyện. Quá trình huấn luyện, ngoài việc giao nhiệm vụ, các đơn vị có thể phân công cán bộ khung A có trình độ chuyên môn giỏi theo dõi, kèm cặp, giúp đỡ khi cần thiết.
Trước sự phát triển của tình hình nhiệm vụ, để nâng cao chất lượng huấn luyện quân nhân dự bị, nên chăng, cần nghiên cứu, bồi dưỡng cho cán bộ khung B kiến thức về công tác tham mưu, động viên sẵn sàng chiến đấu,… cũng như năng lực tư duy trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời, thực hiện tốt việc kết hợp huấn luyện với rèn luyện bản lĩnh, thể lực, kỷ luật, thực hiện tốt dân chủ trong huấn luyện, xây dựng nền nếp chính quy, chấp hành các chế độ quy định.
Ba là, làm tốt công tác bảo đảm huấn luyện. Yêu cầu đối với công tác này là phải bảo đảm toàn diện, đầy đủ, chất lượng, phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị. Vì thế, phải chú trọng đầu tư xây dựng thao trường, bãi tập, mô hình, học cụ,… bảo đảm đạt chuẩn, đủ để các đơn vị huấn luyện. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp, việc đầu tư cơ sở vật chất của các đơn vị huấn luyện lực lượng dự bị động viên thường gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, Sư đoàn cần tận dụng cơ sở vật chất huấn luyện có sẵn, tích cực cải tạo, nâng cấp để bảo đảm cho huấn luyện. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến mô hình, học cụ để phục vụ huấn luyện sát thực tế chiến đấu, đạt hiệu quả cao. Với sự chủ động, tích cực, những năm qua, Sư đoàn đã có nhiều sáng kiến về cải tiến mô hình, học cụ, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng huấn luyện. Điển hình là sáng kiến “Giá gấp đa năng” phục vụ diễn tập, được Bộ Tư lệnh Quân khu 2 đánh giá cao và đã phổ biến rộng rãi, vận dụng trong toàn Quân khu. Đây là cách làm sáng tạo, vừa khắc phục được tình trạng thiếu về vật chất, thao trường, vừa bảo đảm chất lượng huấn luyện. Bên cạnh đó, cần quan tâm, bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn, chế độ, nhất là tiền lương, phụ cấp của quân nhân dự bị trong thời gian huấn luyện và thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội để quân nhân dự bị yên tâm công tác, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ và khả năng động viên sẵn sàng chiến đấu của lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới.
Đại tá LÊ TRỌNG THỂ, Sư đoàn trưởng
dự bị động viên,Sư đoàn 355
Mấy vấn đề về xây dựng ý chí quyết tâm cho học viên các trường sĩ quan Quân đội hiện nay 24/04/2025
Bàn về sử dụng đặc công nước trong tác chiến bảo vệ biển, đảo 16/04/2025
Một số vấn đề về đổi mới phương pháp dạy, học của Trường Sĩ quan Lục quân 1 14/04/2025
Đánh địch chuyển hướng tiến công trong chiến dịch phòng ngự, bảo vệ Tổ quốc - mấy vấn đề cần quan tâm 26/03/2025
Bàn về tạo, lập thế trận quân sự trong tác chiến phòng thủ quân khu 20/03/2025
Về tổ chức, sử dụng lực lượng đánh trận then chốt, chiến dịch tiến công trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 17/03/2025
Mấy vấn đề về “xây dựng điểm” công tác kỹ thuật toàn quân 13/03/2025
Một số vấn đề về công tác tuyên truyền đặc biệt của Quân đội hiện nay 10/03/2025
Mấy vấn đề về nâng cao hiệu quả đấu tranh của lực lượng tác chiến thông tin, Bộ Tư lệnh 86 28/02/2025
Giải pháp nâng cao chất lượng phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở trong nhà trường Quân đội hiện nay 20/02/2025
Đánh địch chuyển hướng tiến công trong chiến dịch phòng ngự, bảo vệ Tổ quốc - mấy vấn đề cần quan tâm
Một số vấn đề về đổi mới phương pháp dạy, học của Trường Sĩ quan Lục quân 1
Bàn về sử dụng đặc công nước trong tác chiến bảo vệ biển, đảo
Mấy vấn đề về xây dựng ý chí quyết tâm cho học viên các trường sĩ quan Quân đội hiện nay