Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 13/04/2023, 20:11 (GMT+7)
Một số vấn đề về lợi ích quốc gia - dân tộc

Tổng kết 30 năm đổi mới, Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng đã nêu 05 bài học kinh nghiệm, trong đó có bài học: “Phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết; kiên định độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi; kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”1. Theo đó, vấn đề lợi ích quốc gia - dân tộc cần tiếp tục được bàn luận, làm sâu sắc để thống nhất nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lợi ích quốc gia - dân tộc là vấn đề có nội hàm rộng, bao hàm trong đó tất cả những gì tạo thành điều kiện cần thiết cho sự trường tồn của cộng đồng với tư cách quốc gia - dân tộc có chủ quyền, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời, thể hiện sự phát triển đi lên về mọi mặt của quốc gia, dân tộc theo hướng làm cho đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng ngày càng phong phú, tốt đẹp hơn; không ngừng nâng cao sức mạnh tổng hợp, vị trí, vai trò, uy tín, năng lực cạnh tranh của quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế. Các dân tộc trên thế giới đều coi lợi ích quốc gia - dân tộc là cốt lõi, mà căn bản nhất là Tổ quốc độc lập, thống nhất, giàu mạnh, lãnh thổ toàn vẹn (bao gồm vùng đất, vùng trời, vùng biển, hải đảo, thềm lục địa,...), nhân dân làm chủ đối với Tổ quốc mình.

Các điều kiện cần thiết cho sự trường tồn của một quốc gia, dân tộc được hiểu là nội dung của lợi ích quốc gia - dân tộc, bao gồm: độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; chế độ chính trị gắn với dân tộc; hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, sức mạnh tổng hợp, năng lực cạnh tranh quốc gia trong cộng đồng quốc tế và vị thế, uy tín của quốc gia - dân tộc.

Lợi ích quốc gia - dân tộc được cấu thành bởi lợi ích của dân tộc và lợi ích của giai cấp, song các lợi ích này không phải lúc nào cũng đồng nhất với nhau. Khi lợi ích của giai cấp và lợi ích của dân tộc mâu thuẫn với nhau thì đất nước suy tàn, thậm chí bị diệt vong; khi lợi ích của dân tộc và giai cấp thống nhất với nhau thì đất nước hưng thịnh và phát triển. Lợi ích của dân tộc là trường tồn, lợi ích của giai cấp là hữu hạn.

Ở Việt Nam, trong lịch sử dựng nước, giữ nước của mình, dưới chế độ phong kiến đang thịnh trị, việc kết hợp hài hòa giữa lợi ích giai cấp, lợi ích giới cầm quyền với lợi ích dân tộc được chú trọng; hầu hết các triều đại phong kiến Việt Nam đều vì lợi ích quốc gia - dân tộc mà sẵn sàng gạt bỏ mọi hiềm khích cá nhân, dòng họ để “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước chung sức” bảo vệ, giữ gìn bờ cõi, biên cương đất nước. Vì vậy, đã phát huy cao độ sức mạnh của dân tộc, đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược hùng mạnh, giành lại độc lập, thống nhất, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cho dân tộc. Năm 1473, Vua Lê Thánh Tông căn dặn Thái Bảo Lê Huy Cảnh khi chuẩn bị đi đàm phán bang giao biên giới: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di”. Ngược lại, triều đại nào mà lợi ích của giai cấp phong kiến, giới cầm quyền không còn thống nhất với lợi ích của dân tộc (đại diện là nhân dân), không vì lợi ích của quốc gia - dân tộc, đều dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, mâu thuẫn giữa giới cầm quyền với nhân dân, nên quốc gia suy tàn, triều đại sụp đổ.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, lợi ích của giai cấp công nhân, mà đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thống nhất với lợi ích của quốc gia - dân tộc (đại diện là nhân dân); trong đó, điều quan trọng nhất, thiêng liêng nhất của Việt Nam chính là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Đảng ta chỉ rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Mục đích của Đảng là xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản. Ngoài ra Đảng không có mục đích nào khác. Nhờ kiên định mục đích đó, đất nước ta ổn định và phát triển, nhân dân được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, lợi ích quốc gia - dân tộc không thay đổi nhưng có nội hàm rộng hơn, đa chiều hơn, gồm lợi ích cơ bảnlợi ích phát triển. Trong khi kiên trì lợi ích cơ bản là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thì cũng rất cần coi trọng lợi ích phát triển là mở rộng hội nhập, hợp tác quốc tế, không ngừng nâng cao uy tín, vị thế đất nước và năng lực cạnh tranh quốc gia trong cộng đồng quốc tế. Lợi ích quốc gia - dân tộc được thể hiện trên một số lĩnh vực cơ bản.

Về chính trị, là sự lựa chọn chế độ chính trị, thể chế chính trị của dân tộc, ở đó lợi ích dân tộc và giai cấp thống nhất, người dân được hưởng độc lập, tự do, được làm chủ vận mệnh cuộc đời mình và làm chủ xã hội. Một chế độ chính trị mang tính áp đặt thì lợi ích quốc gia - dân tộc về chính trị không còn. Bởi, dân tộc bao giờ cũng gắn với một chế độ chính trị nhất định (sơn hà, xã tắc), chế độ chính trị phù hợp thì tồn tại, chế độ chính trị lỗi thời thì dân tộc (nhân dân) sẽ tự khắc thay chế độ chính trị khác phù hợp hơn, tiến bộ hơn. Đối với dân tộc Việt Nam, Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn chế độ xã hội chủ nghĩa, ở đó lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp thống nhất, lại không ngừng đổi mới, phát triển, bảo đảm phù hợp với dân tộc ta và xu thế của thời đại, đó là chế độ xã hội mà chúng ta cần bảo vệ, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc về chính trị.

Về kinh tế, là sự lựa chọn thể chế kinh tế, cơ chế kinh tế mà ở đó dân tộc (nhân dân) được tự do làm ăn, sinh sống, lực lượng sản xuất được giải phóng, phát triển, quan hệ sản xuất phù hợp, tiên tiến. Người dân được hưởng quyền lợi một cách công bằng thành quả của nền kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được nâng cao; quốc gia hùng cường, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Một nền kinh tế mang tính áp đặt, bóc lột, lao động cực hình, khổ sai thì lợi ích quốc gia - dân tộc về kinh tế bị chà đạp. Ở Việt Nam, việc lựa chọn nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là đúng đắn, chính sự lựa chọn này đã làm cho nền kinh tế của đất nước phát triển mạnh mẽ, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, an sinh xã hội được bảo đảm.

Về văn hóa, xã hội, là quyền được phát huy các giá trị văn hóa mang bản sắc riêng của dân tộc – nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, truyền thống tốt đẹp của dân tộc: tinh thần yêu nước, yêu quê hương, xứ sở, sự cố kết cộng đồng các dân tộc, ý chí kiên cường, bất khuất trong chống giặc ngoại xâm, tinh thần chịu thương, chịu khó, vươn lên; xã hội an ninh, an toàn, con người được làm chủ vận mệnh của mình. Đó còn là sự lựa chọn có chọn lọc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc.

Về đối ngoại, là vị thế và uy tín của quốc gia, dân tộc trong cộng đồng quốc tế, khả năng hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, sức cạnh tranh các lợi ích của quốc gia, dân tộc trong cộng đồng quốc tế. Đó là các quan hệ quốc tế bình đẳng, cùng có lợi với tinh thần độc lập, tự chủ, không đối đầu, lệ thuộc, không làm tổn hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc.

Về quốc phòng, an ninh, là sức mạnh tổng hợp quốc gia (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại), biểu hiện là sức mạnh quân sự của nhà nước, sức mạnh răn đe trong các tình huống quốc phòng, an ninh. Đó còn là hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước; là an ninh chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, đối ngoại; là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Nguyên tắc cơ bản của cách mạng Việt Nam là đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết. Lợi ích quốc gia - dân tộc là cơ sở cho sự ổn định, phát triển, đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên nguồn lực to lớn cho công cuộc đổi mới, chi phối mọi quyết định của quốc gia trong những vấn đề nội trị và hành động ứng xử của quốc gia trên trường quốc tế. Đồng thời, là yếu tố cơ bản chi phối việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đảng ta luôn khẳng định lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc là đồng nhất; lợi ích của giai cấp công nhân, đại diện là Đảng Cộng sản thống nhất với lợi ích của nhân dân lao động, của cả dân tộc và luôn đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết nên đã xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh.

Lợi ích quốc gia - dân tộc với vấn đề xác định mục tiêu trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới xác định mục tiêu chung là: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hóa,…”. Nếu nhận thức về lợi ích quốc gia - dân tộc như những gì đã trình bày ở trên, thì mục tiêu bảo vệ Tổ quốc đã xếp lợi ích quốc gia - dân tộc như là một nội dung ngang hàng với chính các nội dung của nó. Vì vậy, khi soạn thảo nghị quyết mới về mục tiêu chung của Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, có thể nghiên cứu diễn đạt lại như sau: “Phải đặt bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết, bao gồm: Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hóa; bảo vệ vị thế, uy tín và năng lực hội nhập quốc tế của đất nước; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình, để xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Trung tướng, PGS, TS. TRẦN THÁI BÌNH
____________________

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. CTQG, H. 2016, tr. 69 - 70.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.