Thứ Bảy, 23/11/2024, 14:07 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược là lực lượng nòng cốt, rường cột của Quân đội, giữ trọng trách lãnh đạo, chỉ huy, quản lý đơn vị; xây dựng, hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, quyết định kết quả hoàn thành nhiệm vụ của Quân đội. Vì vậy, đội ngũ cán bộ này cần được huấn luyện, trang bị hệ thống kiến thức khoa học nghệ thuật quân sự, đặc biệt là nghệ thuật chiến dịch, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Nghệ thuật quân sự Việt Nam gồm ba bộ phận: chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật, có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau; trong đó, nghệ thuật chiến dịch là bộ phận quan trọng chịu sự chỉ đạo của chiến lược quân sự và chỉ đạo trực tiếp chiến thuật. Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của nghệ thuật chiến dịch trong phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam, đáp ứng yêu cầu chiến tranh hiện đại, những năm qua, Học viện Quốc phòng luôn chú trọng huấn luyện cả về lý luận và thực hành tác chiến chiến dịch, coi trọng những vấn đề phát triển mới về nghệ thuật chiến dịch trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp huấn luyện tác chiến chiến dịch theo hướng mở, phát triển tư duy quân sự, coi trọng huấn luyện thực hành. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ đào tạo cấp chiến dịch, chiến lược từng bước nắm chắc nội dung, phương pháp tổ chức chuẩn bị và thực hành tác chiến chiến dịch và vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, trong quá trình huấn luyện, khả năng độc lập nghiên cứu và tư duy về nghệ thuật tác chiến chiến dịch của cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược còn hạn chế; gắn lý luận vào giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra chưa linh hoạt, sáng tạo; chưa làm nổi bật những nội dung phát triển mới trong nghiên cứu, đánh giá tình hình, xử trí các tình huống thực hành chiến dịch; chỉ huy, điều hành chiến dịch, phối hợp, hiệp đồng còn lúng túng,... chưa đạt được đầy đủ, toàn diện mục tiêu, yêu cầu huấn luyện đặt ra. Trong khi đó, theo thời gian, cùng sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các hình thái, phương thức tiến hành chiến tranh liên tục thay đổi, các yếu tố hình thành chiến dịch luôn vận động và phát triển, nhất là sự thay đổi, phát triển của đối tượng tác chiến. Vì vậy, vấn đề nâng cao chất lượng huấn luyện tác chiến chiến dịch cho cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược cần được luận bàn thấu đáo, đưa ra những giải pháp khoa học.
1. Huấn luyện chiến dịch phải gắn với tác chiến chiến lược, tác chiến phòng thủ quân khu và khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố. Tác chiến chiến lược là hoạt động tác chiến ở quy mô cao nhất, do cấp chiến lược chỉ đạo, điều hành để thực hiện mục tiêu chiến lược, được kết hợp chặt chẽ với các hình thức đấu tranh khác, trên cơ sở đấu tranh quân sự là nòng cốt. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, cấp chiến lược phải chỉ đạo thực hiện thắng lợi các trận đánh, chiến dịch, mà nòng cốt là chiến dịch có ý nghĩa chiến lược. Nói cách khác, thành công của tác chiến chiến lược phải trên cơ sở thắng lợi của các chiến dịch và ngược lại. Mặt khác, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), tác chiến chiến lược sẽ có bước phát triển mới, với nhiều loại hình tác chiến chiến lược được ra đời, đáp ứng yêu cầu chiến tranh hiện đại. Vì vậy, huấn luyện tác chiến chiến dịch phải gắn với tác chiến chiến lược, nhất là về bối cảnh, lực lượng, thế trận, sự phối hợp, hiệp đồng, bảo đảm,... của tác chiến chiến lược và hướng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà cấp chiến lược đề ra.
Cùng với đó, huấn luyện tác chiến chiến dịch cũng cần gắn liền với tác chiến phòng thủ quân khu - hình thức tác chiến mang tính tổng hợp cao, diễn ra ngay từ đầu và trong suốt quá trình chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Bởi lẽ, nếu chiến tranh xảy ra, các chiến dịch quy mô nhỏ thường do quân khu tổ chức, chiến dịch quy mô vừa và lớn thường do cấp trên tổ chức, nhưng dù ở quy mô nào cũng diễn ra trên địa bàn của các quân khu. Do vậy, tác chiến chiến dịch phải kết hợp, tận dụng hiệu quả lực lượng, thế trận của tác chiến phòng thủ quân khu.
Tác chiến khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố là sự phát triển mới của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Lực lượng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố không chỉ đơn thuần là lực lượng vũ trang mà còn có lực lượng của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân được tổ chức xây dựng vững mạnh từ thời bình, sẵn sàng chuyển sang thời chiến, hình thành thế trận chiến tranh nhân dân địa phương, bảo vệ vững chắc địa bàn. Vì vậy, chiến dịch mở ra ở địa bàn nào cũng phải kết hợp chặt chẽ với khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, đây là một lợi thế lớn khi tiến hành tác chiến chiến dịch trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Các vấn đề này cần huấn luyện cho cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược nắm vững, làm cơ sở vận dụng hiệu quả trong tổ chức và thực hành tác chiến chiến dịch.
2. Coi trọng huấn luyện tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành chiến dịch cho cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược. Để xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược có kiến thức, trình độ ngang tầm và thành thạo trong tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, đối phó thắng lợi với các phương thức tác chiến mới của đối phương, cần tập trung huấn luyện nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy, điều hành chiến dịch; kết hợp chặt chẽ tác chiến của lục quân với tác chiến của hải quân, các đòn đột kích của không quân,... tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện đánh tiêu diệt bộ phận quan trọng quân địch tạo ra đột biến về chiến dịch, chiến lược. Kết hợp huấn luyện các phương pháp tác chiến truyền thống với huấn luyện nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng trong điều kiện chiến tranh hiện đại; tác chiến quy mô lớn với tác chiến quy mô vừa và nhỏ, tiêu diệt địch; chú trọng nghiên cứu các chiến dịch tác chiến tổng hợp, chiến dịch trên hướng biển, phương pháp chỉ huy tác chiến hiện đại theo hướng tự động hóa trong điều kiện Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - Không quân đã phát triển mạnh cả lực lượng, phương tiện, trình độ tác chiến. Nghiên cứu, phát triển phương thức tổ chức bộ tư lệnh chiến dịch, hệ thống sở chỉ huy chiến dịch và vận dụng các phương pháp chỉ huy linh hoạt để chỉ huy chiến dịch. Gắn công tác tổ chức chuẩn bị chiến dịch với điều hành chiến dịch. Chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; điều hành linh hoạt, sáng tạo, quyết đoán, đánh thắng các trận then chốt chiến dịch; chú trọng nâng cao khả năng xử trí tình huống; kết hợp chặt chẽ các yếu tố “lực, thế, thời, mưu”, có nhiều mưu hay, kế hiểm để lừa địch, điều địch mới đánh thắng được địch.
3. Huấn luyện cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược tiến hành chiến dịch trong điều kiện mới. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đối tượng tác chiến của chiến dịch là quân địch có sự phát triển mới về mọi mặt, mục đích của chúng có nhiều thay đổi khác so với trước đây. Chúng có thể kết hợp bạo loạn lật đổ bên trong, ly khai với tạo cớ tiến công quân sự từ bên ngoài. Tiến hành đan xen, đa dạng, linh hoạt các hình thái chiến tranh: phi quy ước, biên giới, biển đảo, thông tin, không gian mạng, xâm lược hoặc hủy diệt hàng loạt. Kết hợp sử dụng vũ khí công nghệ cao với thay đổi, phát triển phương thức tác chiến, thực hiện chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh với lực lượng tổng hợp trên tất cả các mặt trận. Vì vậy, huấn luyện tác chiến chiến dịch cho cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược không chỉ đơn thuần về mặt quân sự mà phải kết hợp chặt chẽ với các hoạt động đấu tranh khác, như: chính trị, ngoại giao, kinh tế, binh vận, địch vận, v.v. Để làm được điều đó, cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp huấn luyện; trong đó, chú trọng xây dựng chương trình tổng thể với khung kiến thức trên từng lĩnh vực phù hợp với đối tượng đào tạo, nhất là đối với đối tượng đào tạo dài. Cùng với tập trung nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên, cần có kế hoạch mời các chuyên gia trên từng lĩnh vực khác nhau tham gia giảng dạy, kết hợp với các hoạt động tham quan, diễn tập theo từng lĩnh vực để nâng cao trình độ của người học.
Tác chiến chiến dịch trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chúng ta có điều kiện chuẩn bị trước một phần thế trận từ thời bình và được bổ sung, hoàn thiện khi có chiến tranh. Trong đó, việc lựa chọn địa bàn chiến dịch được dự kiến trước trên cơ sở quyết tâm tác chiến chiến lược, cùng những dự kiến địch tiến công trên các hướng. Đây là điều kiện thuận lợi bảo đảm cho tác chiến chiến dịch hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cấp chiến lược đã đề ra. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể xuất hiện bạo loạn vũ trang hoặc bạo loạn lật đổ, ly khai trên địa bàn chiến dịch, đây là vấn đề rất mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, phải huấn luyện cho cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược nắm vững những nguyên tắc và phương pháp đánh giá, kết luận tình hình, xử trí hiệu quả các tình huống trong thực hành chiến dịch, nhằm phá thế kết hợp trong và ngoài cùng đánh của địch.
4. Tiếp tục đổi mới tổ chức, phương pháp huấn luyện chiến dịch đối với cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược. Công tác huấn luyện tác chiến chiến dịch cho cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược phải đổi mới toàn diện, trong đó trọng tâm đổi mới về phương pháp huấn luyện lý luận, thực hành chiến dịch và đánh giá kết quả huấn luyện. Trong huấn luyện lý luận, cần kết hợp nhiều phương pháp, cả phương pháp giảng dạy truyền thống (thuyết trình) với phương pháp giảng dạy tích cực (nêu vấn đề), chú trọng phương pháp tích cực, nhằm phát huy khả năng tư duy của cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Quá trình huấn luyện, giảng viên phải gắn những bài học kinh nghiệm trong lịch sử với thực tiễn nhiệm vụ quốc phòng, quân sự và đưa ra những vấn đề có tính dự báo về nghệ thuật quân sự, giúp người học phát triển tư duy mang tính dự báo. Khắc phục tình trạng huấn luyện thụ động, xuôi chiều, tăng cường tương tác với người học, kích thích tư duy của họ, buộc họ phải nghiên cứu và lựa chọn những giải pháp thích hợp để giải quyết vấn đề của bài tập.
Huấn luyện thực hành tác chiến chiến dịch chính là vận dụng lý luận vào giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Thực hành chiến dịch bao gồm tập bài chiến dịch và diễn tập chiến dịch. Tập trung thay đổi cách thức tiếp cận của người học để giải quyết những vấn đề về nghệ thuật chiến dịch trong mỗi đề mục huấn luyện, giúp người học không chỉ hiểu và làm theo lý luận chỉ ra, mà phải nâng tầm tư duy, khả năng vận dụng lý luận vào giải quyết những nội dung của bài tập. Giảng viên cần chú trọng sử dụng phương pháp nêu vấn đề, câu hỏi để định hướng nhận thức, phát huy trí tuệ tập thể của học viên, giải quyết những vướng mắc, mâu thuẫn phát sinh; nắm vững tình hình, chủ động “mở rộng” hay “thu gọn” vấn đề, nội dung thảo luận và kết luận, đưa ra phương án tối ưu vào thời điểm thích hợp; theo dõi, điều hành các vai tập theo đúng ý định, sử dụng tình huống để lái hướng người tập vào đúng vấn đề cốt lõi của bài tập.
Cùng với đó, cần tiếp tục đổi mới việc đánh giá kết quả huấn luyện nói chung, huấn luyện tác chiến chiến dịch nói riêng, bảo đảm tính trung thực, khách quan, xác định rõ các tiêu chí, không chạy theo thành tích,... góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược trong tình hình mới.
Đại tá, TS. TRẦN HÙNG CƯƠNG, Học viện Quốc phòng
Học viện Quốc phòng,huấn luyện tác chiến chiến dịch
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc