Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Sáu, 28/04/2023, 13:45 (GMT+7)
Một số vấn đề về gắn nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn với đấu tranh tư tưởng, lý luận ở các nhà trường Quân đội

Nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn trong các nhà trường Quân đội không chỉ phục vụ trực tiếp cho giảng dạy, học tập mà còn góp phần cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học cho công tác quản lý, giáo dục và đào tạo; kịp thời tham mưu với cấp trên giải quyết các vấn đề lý luận - thực tiễn đặt ra trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nói chung, đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận nói riêng. Vì vậy, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao sự gắn kết này trong các nhà trường Quân đội hiện nay là vấn đề khách quan, cấp thiết.

Hiện nay, việc gắn nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn với đấu tranh tư tưởng, lý luận ở các nhà trường Quân đội được diễn ra dưới nhiều hình thức đa dạng với quy mô, tính chất và các cấp độ khác nhau. Hoạt động này được xác định như một nhiệm vụ vừa mang tính tự giác, vừa mang tính đặc thù của quá trình giáo dục và đào tạo. Thực hiện tốt sự gắn kết nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn với đấu tranh tư tưởng, lý luận sẽ mang lại hiệu quả “kép” cả về nghiên cứu khoa học và đấu tranh tư tưởng, lý luận ở nhà trường Quân đội. Thực tiễn cho thấy, nếu kết hợp tốt hai nhiệm vụ này sẽ làm cho hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, học viên ngày càng tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, kịp thời giải quyết các vấn đề tư tưởng, lý luận nảy sinh từ thực tiễn; đồng thời, góp phần cung cấp luận cứ, dự báo khoa học để cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo đúng trong đấu tranh, phê phán quan điểm sai trái, thù địch.

Những năm qua, lãnh đạo, chỉ huy các nhà trường Quân đội đã nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của sự gắn kết giữa thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn với đấu tranh tư tưởng, lý luận trong quá trình giáo dục và đào tạo. Nội dung, đối tượng nghiên cứu đã hướng vào giải quyết các vấn đề mà thực tiễn cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận đang đặt ra. Đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên các nhà trường Quân đội đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong việc gắn nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn với nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng, lý luận. Những sản phẩm, công trình nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn gắn với đấu tranh tư tưởng, lý luận ở các nhà trường Quân đội dưới các hình thức khác nhau đã góp phần tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao trình độ lý luận và hiệu quả đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch.

Tuy nhiên, việc định hướng gắn nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn với đấu tranh tư tưởng, lý luận ở nhà trường Quân đội có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng, hiệu quả chưa thật đồng đều. Mặc dù cấp ủy, chỉ huy các cấp đều xác định đúng đắn tầm quan trọng của việc gắn kết này nhưng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có nơi chưa thực sự quyết liệt. Có thời điểm triển khai, định hướng nội dung nghiên cứu chưa bám sát trọng tâm, trọng điểm, tính cấp thiết của nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng, lý luận, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là vào các dịp Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, Quân đội. Việc lựa chọn, đăng ký nội dung nghiên cứu của nhiều đề tài, nhất là các đề tài cấp cơ sở chưa mạnh dạn đột phá vào các vấn đề về tư tưởng, lý luận mà các thế lực thù địch đang tập trung chống phá; chưa giải quyết kịp thời yêu cầu từ thực tiễn của cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận đặt ra, như: đường lối chính trị và thể chế chính trị; mối quan hệ mật thiết giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước; định hướng xã hội chủ nghĩa trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; bản chất đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa trong hội nhập quốc tế của Đảng ta, v.v.

Cùng với đó, năng lực, phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn gắn với đấu tranh tư tưởng, lý luận của một bộ phận cán bộ, giảng viên, học viên ở nhà trường Quân đội có mặt chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Một số đề tài khoa học xã hội nhân văn đã thể hiện sự gắn kết với đấu tranh tư tưởng, lý luận, nhưng chất lượng nghiên cứu, việc luận giải, phân tích làm rõ đối tượng, nhiệm vụ chưa thực sự sâu sắc, tính khoa học, thuyết phục của lý luận chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo. Một số ban đề tài còn lúng túng trong xác định mục tiêu nghiên cứu, đề xuất phương pháp giải quyết vấn đề nghiên cứu đã lựa chọn. Việc truyền tải kết quả nghiên cứu thành các hình thức khác (sách, báo, tạp chí, blog, tin,…) để đưa nội dung đến với bạn đọc còn chưa kịp thời, v.v. Do đó, mức độ lan tỏa, phát huy giá trị nghiên cứu của các đề tài trong tuyên truyền, phổ biến thông tin, kiến thức góp phần cung cấp căn cứ khoa học để đấu tranh tư tưởng, lý luận còn thấp, tính ứng dụng, tính thực tiễn chưa cao.

Để việc gắn nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn với đấu tranh tư tưởng, lý luận ở các nhà trường Quân đội thời gian tới đạt được hiệu quả thiết thực hơn, cần thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, lãnh đạo, chỉ huy các nhà trường Quân đội cần tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa vai trò, tầm quan trọng của việc gắn kết giữa nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn các cấp với đấu tranh tư tưởng, lý luận trong quá trình giáo dục và đào tạo, nhất là quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo 35 các cấp về vấn đề này. Trên cơ sở đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với cơ quan khoa học (phòng, ban khoa học quân sự), phát huy vai trò, khả năng của các tổ chức, lực lượng tham gia nghiên cứu khoa học dưới hình thức đề tài gắn với đấu tranh tư tưởng, lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Các văn bản, nghị quyết, kế hoạch nghiên cứu khoa học hằng năm của các Nhà trường cần tập trung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất chủ trương, biện pháp lồng ghép việc gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn với nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng, lý luận. Đồng thời, phát huy vai trò của cơ quan khoa học quân sự trong tham mưu, xây dựng, ban hành nội dung định hướng các vấn đề tư tưởng, lý luận cần tập trung nghiên cứu theo tính chất, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.

Hai là, nội dung, đối tượng nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn ở các nhà trường Quân đội phải hướng vào giải quyết các vấn đề mà thực tiễn cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận đang đặt ra. Các đề tài nghiên cứu cần tập trung luận giải rõ bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng với những nội dung chủ yếu, như: thời đại ngày nay và sự phát triển của dân tộc trong một thế giới đang biến đổi; chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa xã hội; dân chủ và pháp luật, Nhà nước pháp quyền trong điều kiện Đảng Cộng sản cầm quyền; bản chất, sự điều chỉnh thích nghi của chủ nghĩa tư bản hiện đại, v.v. Từ đó, rút ra những luận cứ, kết luận khoa học có giá trị, làm cơ sở để phản bác, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch. Các số liệu, tư liệu sử dụng trong nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn ở các nhà trường Quân đội phải được phân loại và xử lý để ứng dụng thực tiễn một cách khoa học, chặt chẽ, phục vụ có hiệu quả cho việc chứng minh, khẳng định tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng. Qua đó, góp phần cung cấp những luận cứ quan trọng giúp Đảng, Quân đội hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị trong tình hình mới; đồng thời, làm cơ sở để cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong Quân đội xây dựng chương trình, nội dung đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận bảo đảm sát, đúng, thiết thực, phù hợp, hiệu quả.

Ba là, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên các nhà trường Quân đội trong gắn nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn với nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng, lý luận. Đội ngũ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, học viên ở các nhà trường Quân đội phải coi việc gắn nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn với nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng, lý luận là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng, niềm vinh dự, tự hào, gắn liền với mục tiêu, yêu cầu đào tạo và sứ mệnh của người đảng viên - nhà khoa học - người lính “Bộ đội Cụ Hồ”. Từ đó, chủ động đăng ký, đề xuất vấn đề nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, tổ chức lựa chọn nhân sự các ban đề tài phù hợp với vấn đề nghiên cứu đã được xét duyệt, thông qua. Trong quá trình nghiên cứu khoa học phải phát huy bản lĩnh chính trị, đạo đức khoa học cùng ý chí tiến công, bảo vệ tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam; về xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, v.v. Qua đó, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong Quân đội; kiên quyết, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị.

Bốn là, kết quả nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn gắn với đấu tranh tư tưởng, lý luận ở các nhà trường Quân đội phải được đa dạng hóa dưới các hình thức khác nhau để tuyên truyền, phổ biến kiến thức lý luận, tạo hiệu ứng tích cực trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Những đề tài khoa học xã hội nhân văn liên quan đến đấu tranh tư tưởng, lý luận do các nhà trường Quân đội chủ trì sau nghiệm thu phải nhanh chóng biên tập, bổ sung, chỉnh sửa, xuất bản thành sách tham khảo, chuyên khảo bảo đảm đa dạng về hình thức, phạm vi, cấp độ, phù hợp với từng đối tượng để tạo sức lan tỏa rộng rãi, góp phần quan trọng đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch. Qua đó, củng cố niềm tin trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự vững vàng của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Gắn nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn với đấu tranh tư tưởng, lý luận ở nhà trường Quân đội có ý nghĩa thiết thực, góp phần vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, đồng thời trực tiếp bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp nghiên cứu khoa học và năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên. Bởi vậy, đòi hỏi các nhà trường Quân đội cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng, quan tâm tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng viên, học viên trong thực hiện nhiệm vụ này./.

Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN VỊHọc viện Chính trị

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.