Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:02 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Thế trận thông tin liên lạc trong tác chiến nói chung, tác chiến phòng thủ quân khu nói riêng là thành phần quan trọng, nền tảng vật chất quyết định bảo đảm thông tin liên lạc cho Bộ Tư lệnh quân khu chỉ đạo, chỉ huy, điều hành tác chiến giành thắng lợi. Vì thế, việc chuẩn bị thế trận này ngay từ thời bình là nội dung quan trọng, cấp thiết, cần được quan tâm nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra).
Chuẩn bị thế trận thông tin liên lạc phòng thủ quân khu là tổng thể các biện pháp triển khai, bố trí lực lượng và các thiết bị thông tin, được liên kết bằng hệ thống mạng cáp quang, trục truyền dẫn vi ba,... theo một ý định thống nhất, bảo đảm liên hoàn, rộng khắp, có chiều sâu, vững chắc ngay từ thời bình, trực tiếp phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang quân khu; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đồng thời, là nền tảng cơ bản để chuyển hóa thế trận thông tin liên lạc sang thời chiến, bảo đảm cho tác chiến phòng thủ quân khu giành thắng lợi. Bởi vậy, nghiên cứu phát triển lý luận về xây dựng, hoàn chỉnh thế trận thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt và sẵn sàng bảo đảm tác chiến phòng thủ khi có chiến tranh là vấn đề quan trọng, cấp thiết. Phạm vi bài viết đề cập một số giải pháp chuẩn bị thế trận thông tin liên lạc, tác chiến phòng thủ quân khu từ thời bình, đáp ứng yêu cầu chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới.
Một là, xây dựng thế trận thông tin liên lạc phòng thủ quân khu phù hợp, gắn với thế trận thông tin liên lạc phòng thủ chiến lược, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến phòng thủ. Hiện nay, trên cơ sở quyết tâm, kế hoạch bảo vệ Tổ quốc trên từng khu vực, địa bàn và cả nước, hệ thống thông tin liên lạc quân sự đã được tổ chức một bước cả ở cấp chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. Tuy nhiên, trước sự phát triển của đối tượng tác chiến; tổ chức biên chế, nghệ thuật tác chiến của ta; sự phát triển của khoa học, công nghệ và yêu cầu hiện đại hóa thông tin liên lạc quân sự,... đặt ra vấn đề khách quan đòi hỏi các quân khu phải nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, quy hoạch phát triển thế trận thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến phòng thủ quân khu. Theo đó, trên cơ sở các tuyến, trục cáp quang cấp chiến lược, các quân khu quy hoạch, phát triển các tuyến, trục truyền dẫn cáp quang trên địa bàn theo dạng mạng lưới liên kết giữa các trạm, tổng trạm thông tin; kết hợp xây dựng các tuyến trục truyền dẫn vi ba dự phòng. Chú trọng phát triển mạng thông tin tại các khu vực trọng điểm, dọc tuyến biên giới, vùng sâu, vùng xa, các đảo gần bờ thuộc quân khu quản lý, bảo vệ. Xác định lộ trình và từng bước xây dựng các thành phần hệ thống thông tin tại các sở chỉ huy, ưu tiên sở chỉ huy cơ bản. Chuẩn bị sẵn thông tin liên lạc tại khu vực phòng thủ then chốt, mục tiêu phòng thủ chủ yếu, các chốt chiến dịch; khu vực tiến hành các chiến dịch tiến công, phản công, các trận đánh quan trọng, sẵn sàng kết nối, phối hợp bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt cho thực hành tác chiến phòng thủ. Quá trình xây dựng thế trận thông tin liên lạc cần chú trọng xây dựng cả thông tin cố định và thông tin cơ động; trong đó, xây dựng thông tin cố định thực sự là cơ sở cho thông tin cơ động triển khai phát triển, khai thác nhằm nâng cao hiệu quả bảo đảm thông tin liên lạc đáp ứng mọi tình huống tác chiến; xây dựng lực lượng thông tin cơ động có chất lượng cao, hiện đại, đủ sức bảo đảm thông tin liên lạc trong điều kiện địch chiếm ưu thế về tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng và vũ khí công nghệ cao.
Cùng với đó, cần chú trọng bố trí lực lượng thông tin liên lạc phù hợp trên các khu vực, hướng phòng thủ, đảm bảo đủ lực lượng, phương tiện tại chỗ nhanh chóng triển khai bổ sung các thành phần thế trận kịp thời theo các tình huống; đồng thời, dự kiến các phương án triển khai lực lượng, phương tiện nhằm khôi phục các đoạn, tuyến thông tin của hệ thống thông tin cố định bị địch đánh phá. Ngoài ra, cần có phương án phối hợp chặt chẽ với lực lượng thông tin của Bộ bố trí trên các vùng, hướng chiến lược để tăng khả năng bảo đảm thông tin liên lạc kịp thời trong mọi tình huống.
Hai là, xây dựng thế trận thông tin liên lạc gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trên địa bàn quân khu. Ngay từ thời bình, trên cơ sở quyết tâm tác chiến phòng thủ quân khu và căn cứ tình hình cụ thể của từng địa phương, lực lượng thông tin có thể chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với quân khu kiến nghị việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên từng địa bàn, địa phương kết hợp với củng cố, phát triển, hoàn thiện thế trận thông tin liên lạc. Tổ chức phân bố hợp lý nhân lực, vật lực và quy hoạch phát triển hệ thống thông tin quân sự, thông tin các doanh nghiệp viễn thông theo một kế hoạch thống nhất theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Trong đó, với hệ thống thông tin quân sự cần nghiên cứu, quy hoạch tổng thể trong thời bình và thời chiến; xác định phương án tổ chức các tuyến truyền dẫn song song, vòng tránh, kết hợp ngầm hóa một số đường trục, tuyến nhánh truyền dẫn qua các địa bàn trọng yếu có khả năng địch sẽ đánh phá ngay từ thời kỳ đầu và trong suốt quá trình chiến tranh. Qua đó, nâng cao tính vững chắc của thông tin liên lạc và tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối bổ sung, phát triển hệ thống thông tin bảo đảm cho bộ tư lệnh quân khu chỉ huy, điều hành tác chiến phòng thủ, đánh bại quân địch tiến công vào địa bàn.
Cùng với đó, cần coi trọng xây dựng mạng thông tin liên lạc của các doanh nghiệp viễn thông gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế của các doanh nghiệp với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trong thời bình, có tính đến khả năng phục vụ khi có chiến tranh xảy ra trên địa bàn các quân khu. Trong đó, chú trọng các tỉnh, thành phố trên hướng, khu vực phòng thủ chủ yếu; các khu vực xác định bố trí sở chỉ huy; các căn cứ: chiến đấu, hậu phương, hậu cần, kỹ thuật; địa bàn đoàn kinh tế quốc phòng, vùng biên giới, ven biển, đảo,... để cùng thông tin quân sự xây dựng mạng lưới thông tin rộng khắp, hình thành các tuyến trục, nút thông tin liên hoàn, vững chắc, có khả năng kết nối, hỗ trợ giữa thông tin quân sự với thông tin dân sự. Chú trọng đầu tư phát triển mạng viễn thông có tính lưỡng dụng, vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa tham gia cùng lực lượng thông tin quân sự bảo đảm trong thời bình, tăng khả năng huy động hạ tầng viễn thông bảo đảm cho tác chiến phòng thủ khi chiến tranh xảy ra.
Ba là, chuẩn bị tốt thế trận thông tin liên lạc khu vực phòng thủ của địa phương. Chuẩn bị thế trận thông tin liên lạc khu vực phòng thủ địa phương là xây dựng hệ thống thông tin theo địa giới hành chính trong địa bàn quân khu; trong đó, sự hợp nhất hệ thống thông tin của các ngành theo kế hoạch phòng thủ trong tỉnh, thành phố do lực lượng thông tin quân sự làm nòng cốt. Quá trình tác chiến phòng thủ quân khu, thông tin khu vực phòng thủ địa phương là một bộ phận hữu cơ của thông tin quân khu, tạo thế trận thông tin liên lạc tại chỗ cho các trung đoàn, sư đoàn chủ lực phối hợp khai thác, sử dụng, tăng thêm tính vững chắc của thông tin liên lạc. Mặt khác, thông tin của khu vực phòng thủ địa phương còn đóng vai trò nền tảng để lực lượng thông tin cơ động của quân khu kết hợp, kết nối, tạo thế trận thông tin rộng khắp bảo đảm thực hiện các chiến dịch, trận đánh cả trong dự kiến và diễn ra đột xuất; đồng thời, bảo đảm cho bộ tư lệnh quân khu chỉ huy các lực lượng tác chiến ở các khu vực xa sở chỉ huy, nơi không có điều kiện triển khai thông tin liên lạc từ các tổng trạm, trạm thông tin quân khu đến các đơn vị nhằm giữ bí mật, tăng tính kịp thời, vững chắc trong suốt quá trình tác chiến phòng thủ.
Bên cạnh đó, việc chuẩn bị thế trận thông tin liên lạc khu vực phòng thủ phải trên cơ sở tổ chức hệ thống thông tin tác chiến phòng thủ quân khu, phù hợp với đặc điểm từng tỉnh, thành phố. Vì thế, cần nghiên cứu dự kiến trước các địa bàn có thể mở các chiến dịch, trận đánh địch tiến công đường bộ, đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không để có những chuẩn bị cần thiết về thông tin liên lạc. Khi chiến tranh xảy ra, trên cơ sở mạng thông tin cố định, lực lượng thông tin cơ động sẽ tiến hành phát triển thêm các đường trục mới bằng vi ba số, cáp dã chiến đến khu vực tác chiến của các lực lượng; kết hợp tổ chức mạng thông tin dã chiến do lực lượng thông tin quân sự ở địa phương phối hợp ngành viễn thông thực hiện, kết nối với mạng thông tin gốc đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy tác chiến phòng thủ quân khu và các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố. Ngoài ra, lực lượng thông tin cơ động của quân khu cũng có thể phối hợp với thông tin khu vực phòng thủ địa phương tổ chức các tổng trạm, trạm, đường thông tin giả, kết hợp với các hoạt động nghi binh khác theo một kế hoạch thống nhất để lừa địch, giữ bí mật ý định tác chiến phòng thủ và an toàn thông tin liên lạc.
Cùng với đó, các công trình thiết yếu thông tin liên lạc quân sự, như: các tổng trạm, trạm thông tin, hệ thống kho tàng, cơ sở hậu cần, kỹ thuật, trạm sửa chữa trang bị thông tin,... cũng phải được chuẩn bị từ thời bình. Việc tổ chức, bố trí các thành phần đó cần gắn với quy hoạch tổng thể của thế trận thông tin liên lạc tác chiến phòng thủ. Theo đó, tại các tổng trạm, trạm thông tin có thể triển khai hạ tầng truyền dẫn, vị trí bố trí thiết bị, phương tiện thông tin; triển khai một số đường truyền dẫn đến khu vực bố trí lực lượng cơ động, các chốt chiến dịch, khu vực phòng thủ then chốt của địa phương trên hướng phòng thủ chủ yếu,... sẵn sàng kết nối bảo đảm liên lạc khi cần thiết. Đối với hệ thống kho tàng cần chuẩn bị đủ nguồn dự trữ lương thực, thực phẩm, trang thiết bị thông tin. Đồng thời, tổ chức chặt chẽ các trạm sửa chữa để bảo đảm sửa chữa kịp thời cho lực lượng thông tin quân khu và các khu vực phòng thủ trong suốt quá trình tác chiến.
Chuẩn bị thế trận thông tin liên lạc tác chiến phòng thủ quân khu đáp ứng yêu cầu chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là một nội dung lớn, gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn, liên quan đến nhiều cấp, ngành, địa phương. Do vậy, quá trình chuẩn bị thế trận thông tin liên lạc, chủ nhiệm, cơ quan thông tin quân khu thường xuyên nắm chắc tình hình phát triển thông tin liên lạc quân sự và của các ngành trên địa bàn, trong từng khu vực phòng thủ, xu hướng đổi mới trang bị thông tin quân sự và sự phát triển của đối tượng tác chiến để chủ động tham mưu đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong xây dựng thế trận thông tin liên lạc. Đồng thời, tổ chức luyện tập, diễn tập kết nối, phối hợp, huy động, kịp thời rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả bảo đảm thông tin liên lạc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến phòng thủ quân khu trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá, TS. LÊ XUÂN HÙNG, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Thông tin
Chuẩn bị thế trận,thông tin liên lạc,phòng thủ quân khu,bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc