Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Chủ Nhật, 17/12/2023, 21:56 (GMT+7)
Một số vấn đề phát triển lý luận về tổ chức ngành Kỹ thuật Quân đội trong tình hình mới

Trước sự phát triển của nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc và khoa học, công nghệ quân sự, trang bị kỹ thuật có bước phát triển nhảy vọt, thúc đẩy sự xuất hiện các phương thức tác chiến mới đã và đang làm nảy sinh, bộc lộ những bất cập trong tổ chức ngành Kỹ thuật Quân đội. Vì vậy, nghiên cứu phát triển lý luận về tổ chức ngành Kỹ thuật Quân đội là vấn đề cấp thiết.

Vũ khí, trang bị kỹ thuật và con người là hai thành tố cơ bản quyết định sức mạnh chiến đấu của Quân đội; trong đó, yếu tố con người có vai trò quyết định. Tuy nhiên, do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ nên vị thế của vũ khí, trang bị kỹ thuật ngày càng được nâng lên và tỏ rõ là yếu tố đặc biệt quan trọng trên chiến trường. Để phát huy tối đa hiệu quả thành tố này, quân đội nhiều nước trên thế giới đã có bước đi cụ thể nhằm cải tổ, điều chỉnh tổ chức ngành kỹ thuật. Đối với nước ta, hệ thống tổ chức ngành Kỹ thuật Quân đội (sau đây gọi tắt là ngành Kỹ thuật) được xây dựng, phát triển khá hoàn chỉnh từ cấp chiến lược, chiến dịch đến chiến thuật và luôn có sự điều chỉnh, củng cố, phù hợp với tổ chức, nhiệm vụ, sự phát triển của Quân đội trong từng giai đoạn cách mạng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, trước sự phát triển về lý luận quân sự, phương thức tác chiến, trang bị kỹ thuật và mục tiêu xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, mô hình tổ chức ngành Kỹ thuật đã bộc lộ một số hạn chế cần được nghiên cứu về lý luận để bổ sung, hoàn thiện, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bài viết tập trung nghiên cứu, trao đổi một số nội dung về cơ sở lý luận và đề xuất hướng khắc phục bất cập trong mô hình tổ chức ngành Kỹ thuật hiện nay, được thể hiện ở một số nội dung cơ bản sau.

Một là, tổ chức ngành Kỹ thuật tuân thủ tổ chức chung của Quân đội, song cần phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan liên quan đến trang bị kỹ thuật. Hiện nay, Quân đội ta chưa thực hiện nhất thể hóa công tác bảo đảm trang bị và bảo đảm kỹ thuật cho trang bị như phần lớn các nước khác. Các lĩnh vực điều hành sản xuất trang bị kỹ thuật, tổ chức đào tạo cán bộ kỹ thuật, nghiên cứu và quản lý khoa học kỹ thuật, động viên kỹ thuật,… được giao cho nhiều cơ quan khác ngoài ngành Kỹ thuật chủ trì. Như vậy, thực chất cơ quan đầu ngành Kỹ thuật chỉ đảm đương trách nhiệm tổ chức bảo đảm kỹ thuật cho trang bị, còn các nhiệm vụ khác phải phối hợp chỉ đạo với các mức độ khác nhau.

Thực tiễn các cuộc chiến tranh gần đây cho thấy, trang bị kỹ thuật càng hiện đại thì yêu cầu bảo đảm càng phức tạp; công tác kỹ thuật, bảo đảm kỹ thuật đòi hỏi rất khẩn trương, luôn phải đi trước một bước; mối quan hệ giữa tác chiến với bảo đảm càng trở nên chặt chẽ và mức độ phụ thuộc lẫn nhau lớn hơn bao giờ hết. Trong điều kiện như vậy, việc phân khúc quản lý và chỉ đạo các hoạt động liên quan đến trang bị kỹ thuật như hiện nay sẽ gặp khó khăn cho điều hành công tác kỹ thuật; tính tổng thể, đồng bộ và kịp thời trong tham mưu và xử lý các vấn đề liên quan trang bị kỹ thuật có ứng dụng công nghệ cao không tối ưu. Do đó, nếu có hoặc không điều chỉnh về tổ chức, thì cũng cần phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan liên quan, xác lập cơ chế vận hành, phối hợp. Đặc biệt, cần tổ chức một cơ quan ở Bộ Tham mưu Tổng cục Kỹ thuật có chức năng và thẩm quyền phối hợp hoạt động các mảng công tác kỹ thuật hiện không nằm trong Tổng cục, giúp cho Tổng cục có khả năng tham mưu với Bộ Quốc phòng về mọi mặt công tác kỹ thuật trong Quân đội, thể hiện đúng vai trò cơ quan đầu ngành kỹ thuật toàn quân.

Hai là, tổ chức chuyên ngành kỹ thuật theo đặc điểm công nghệ chế tạo của trang bị kỹ thuật, đảm bảo không chồng chéo và trùng lặp nhiệm vụ trong tổ chức hệ thống cơ quan, cơ sở kỹ thuật. Phân định chuyên ngành kỹ thuật là vấn đề cốt lõi của tổ chức ngành Kỹ thuật. Hiện nay, việc phân định này được thực hiện đồng thời theo đặc điểm của trang bị kỹ thuật, gồm: theo công nghệ chế tạo (chuyên ngành xe - máy, vũ khí - đạn, tăng - thiết giáp, v.v) và theo chức năng sử dụng cho cùng một nhiệm vụ (phòng không - không quân, hải quân, công binh, thông tin, v.v), hay còn gọi là phân định chuyên ngành theo đặc điểm hành chính (theo Điều lệ Công tác kỹ thuật mới ban hành đã có điều chỉnh một phần, nhưng chưa triệt để và trên thực tế chưa triển khai). Với sự phát triển của trang bị kỹ thuật công nghệ cao, khi tính tổ hợp và tích hợp của trang bị ngày càng phổ biến thì việc phân định chuyên ngành theo đặc điểm hành chính tuy có quan hệ mật thiết giữa công tác chỉ huy tham mưu với công tác kỹ thuật, song gây nên sự trùng lặp, thậm chí chồng chéo trong bảo đảm kỹ thuật cho trang bị có cùng công nghệ chế tạo nằm ở các quân chủng, binh chủng và chuyên ngành khác nhau. Ngược lại, nhiều loại trang bị kỹ thuật công nghệ cao thuộc quản lý của các ngành tham mưu, chính trị, hậu cần (trang bị mô phỏng, huấn luyện, phát thanh, truyền hình, in, xăng dầu, quân y,...) lại không được coi là trang bị kỹ thuật và việc bảo đảm kỹ thuật hoàn toàn phụ thuộc vào các hãng sản xuất; trong khi ngành Kỹ thuật có thể giải quyết, hỗ trợ được trong nhiều vấn đề liên quan, như: đào tạo, huấn luyện, khai thác và bảo đảm kỹ thuật.

Để phân định chuyên ngành kỹ thuật theo đặc điểm công nghệ chế tạo, cần nghiên cứu kỹ từ 3 góc độ: (1). Xác định rõ công nghệ chế tạo và phân loại trang bị kỹ thuật theo đặc điểm này để quy về cùng một chuyên ngành; (2). Xác định và điều chỉnh một số quyền hạn liên quan công tác bảo đảm trang bị và khai thác trang bị kỹ thuật cho các đầu chuyên ngành quân sự (tư lệnh quân chủng, binh chủng) và người chỉ huy các cấp; điều chỉnh một phần chức năng, nhiệm vụ của đầu chuyên ngành kỹ thuật; (3). Xác lập mối quan hệ và cơ chế vận hành giữa đầu chuyên ngành kỹ thuật (chịu trách nhiệm bảo đảm kỹ thuật) với đầu chuyên ngành quân sự và chỉ huy đơn vị (chịu trách nhiệm về bảo đảm trang bị, phân nhóm sử dụng, huấn luyện sử dụng trong đội hình chiến thuật, khai thác trang bị kỹ thuật cho các nhiệm vụ, kiểm tra tình trạng kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ, xây dựng lực lượng, phương tiện kỹ thuật động viên, v.v). Với cách tổ chức ngành Kỹ thuật theo đặc điểm công nghệ chế tạo của trang bị kỹ thuật, sẽ hạn chế việc tổ chức và đầu tư hệ thống cơ sở kỹ thuật tràn lan, tập trung đầu tư công nghệ và nhân lực cho bảo đảm kỹ thuật chuyên sâu, hình thành hệ thống bảo đảm liên binh chủng, bao phủ được mọi loại trang bị kỹ thuật có trong biên chế Quân đội. Tuy nhiên, theo hướng này, một chuyên ngành kỹ thuật sẽ liên quan tới nhiều hoạt động tác chiến của các chuyên ngành quân sự, nên sự phối hợp, kết hợp sẽ phải hết sức chặt chẽ thì mới hoàn thành được nhiệm vụ.

Ba là, tổ chức ngành Kỹ thuật đáp ứng khả năng bảo đảm kỹ thuật cho trang bị đan xen nhiều thế hệ; trong đó, trang bị kỹ thuật có ứng dụng công nghệ cao làm nòng cốt. Quân đội ta đang quản lý, sử dụng nhiều loại trang bị kỹ thuật, gồm cả thế hệ cũ và mới đan xen; trong đó, thế hệ cũ chiếm tỉ lệ tương đối lớn mà việc thay thế không thể sớm. Thực tế hiện nay, ngành Kỹ thuật đáp ứng tốt nhiệm vụ bảo đảm cho trang bị kỹ thuật thế hệ cũ, song với trang bị kỹ thuật hiện đại thì vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Để đáp ứng yêu cầu, cần quy hoạch, tổ chức mới ngành Kỹ thuật hoặc giao nhiệm vụ cho các tổ chức (cơ quan, viện nghiên cứu, học viện, nhà trường, trung tâm) kiện toàn nhân sự, trang thiết bị đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ: quản lý và điều phối hoạt động kỹ thuật công nghệ cao của mọi chuyên ngành kỹ thuật; nghiên cứu khai thác và huấn luyện, đào tạo, chuyển giao công nghệ bảo đảm kỹ thuật cho trang bị kỹ thuật công nghệ cao; nghiên cứu chế tạo trang bị kỹ thuật và vật tư kỹ thuật thế hệ mới; tổ chức hệ thống cơ sở dữ liệu, cơ sở hạ tầng công nghệ phục vụ quản lý trang bị kỹ thuật theo vòng đời và chuyển đổi số ngành, v.v. Trước mắt, cần sớm hình thành Trung tâm Công nghệ cao đầu ngành (ở Học viện Kỹ thuật Quân sự), làm nòng cốt trong nghiên cứu, khai thác và huấn luyện làm chủ trang bị kỹ thuật công nghệ cao, cơ sở thực tập trong đào tạo đội ngũ cán bộ và nhân viên kỹ thuật công nghệ cao các chuyên ngành; hỗ trợ bảo đảm kỹ thuật cho trang bị của các ngành. Bên cạnh đó, có thể nghiên cứu thành lập các trung tâm liên kết dịch vụ kỹ thuật,... đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bốn là, xây dựng tổ chức cơ quan, cơ sở kỹ thuật tập trung, đồng bộ theo chuyên ngành, có quy mô phù hợp đủ khả năng thực hiện cơ chế quản lý, chỉ huy theo cấp và quản lý, chỉ đạo, bảo đảm theo chuyên ngành. Cho đến nay, so với các ngành tham mưu, chính trị, hậu cần, việc tổ chức cơ quan ngành Kỹ thuật với chức năng quản lý mọi chuyên ngành của mình chưa đồng bộ ở cả 3 cấp (chiến lược, chiến dịch, chiến thuật). Trong trường hợp tổ chức lại các chuyên ngành kỹ thuật theo đặc điểm công nghệ của trang bị kỹ thuật, việc tổ chức và quản lý, điều hành các chuyên ngành tập trung ở cơ quan kỹ thuật của cả 3 cấp sẽ thuận lợi và khả thi. Theo đó, chủ nhiệm kỹ thuật (hậu cần - kỹ thuật) các cấp sẽ có điều kiện và khả năng đảm đương chức trách, nhiệm vụ được giao đúng nghĩa. Tuy nhiên, việc tổ chức các cơ quan bao gồm những chuyên ngành nào, quy mô tổ chức ra sao cần được nghiên cứu kỹ. Đối với cấp chiến lược, chiến dịch, trong trường hợp cần thiết vẫn phải thành lập thêm đầu mối cấp cục tại cơ quan cấp chiến lược và cấp phòng, ban ở cơ quan cấp chiến dịch bảo đảm đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ, không vì lý do phải giảm đầu mối mà dồn hết mọi chuyên ngành vào một cơ quan, khiến cho khối lượng công việc lớn, không thể đảm đương. Khối cơ sở sửa chữa lớn, tổ chức theo chuyên ngành, song hoạt động có thể mang tính liên ngành, với sự điều phối của cơ quan trung tâm và quản lý tập trung ở cấp tổng cục. Hệ thống cơ sở sửa chữa vừa, kho đầu ngành và các cơ sở đo lường, kiểm định giao cho các chuyên ngành quản lý. Với cấp chiến thuật, cần xây dựng tổ chức có tính tập trung, tổng hợp và có khả năng cơ động cao, đáp ứng phương thức bảo đảm kỹ thuật tại chỗ kết hợp cơ động, hình thành bảo đảm kỹ thuật theo khu vực hoàn chỉnh. Hệ thống cơ sở sửa chữa, kho tàng, đo lường, kiểm định tổ chức mang tính tổng hợp, đáp ứng yêu cầu chỉ huy thống nhất của chủ nhiệm kỹ thuật (hậu cần - kỹ thuật), kế hoạch thống nhất của cơ quan tham mưu hậu cần - kỹ thuật và bảo đảm thống nhất của các chuyên ngành. Đối với cấp này, có thể tổ chức hệ thống cơ sở bảo đảm kỹ thuật dưới hình thức đơn vị chiến đấu (trung đoàn, lữ đoàn, tiểu đoàn, đại đội,…) để sẵn sàng bảo đảm cơ động trong điều kiện dã chiến.

Nghiên cứu phát triển cơ sở lý luận về tổ chức ngành Kỹ thuật Quân đội trong tình hình mới là vấn đề hết sức quan trọng, song cũng có nhiều khó khăn, phức tạp, cần có sự tham gia tích cực của các cơ quan chức năng, các nhà khoa học, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Thiếu tướng, PGS, TS. PHẠM DŨNG TIẾN

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.