Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:08 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Nghiên cứu, phát triển lý luận về đường lối, chiến lược quân sự, quốc phòng là nội dung rất quan trọng nhằm thực hiện chức năng dẫn đường cho hoạt động thực tiễn quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, việc triển khai công tác này đòi hỏi phải nghiên cứu công phu, chặt chẽ nhằm đề xuất các giải pháp mang tính nền tảng, tạo sự đột phá, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Lý luận về quân sự, quốc phòng bao gồm nhiều nội dung, như: đường lối, học thuyết, chiến lược, chính sách, pháp luật, tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật quân sự, chiến tranh và quân đội,…; trong đó, lý luận về đường lối, chiến lược quân sự, quốc phòng là bộ phận cơ bản, bao trùm, quan trọng nhất; là cơ sở nền tảng định hướng, dẫn dắt cho các nội dung khác; đồng thời, là kim chỉ nam để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về “Tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận về quốc phòng, quân sự, an ninh, nghệ thuật quân sự, nghệ thuật bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh xã hội trong tình hình mới”1, những năm qua, việc nghiên cứu, phát triển lý luận về đường lối, chiến lược quân sự, quốc phòng được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và bước đầu đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, lý luận về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố cùng những vấn đề mới về nghệ thuật quân sự,... được chú trọng nghiên cứu, bổ sung, phát triển. Hệ thống các chiến lược, như: Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự Việt Nam, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia,... được nghiên cứu, xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện, bước đầu khẳng định hiệu quả trong thực tiễn. Tuy nhiên, hiện nay tình hình thế giới, khu vực đã, đang có nhiều biến chuyển nhanh, diễn biến phức tạp và khó đoán định; xung đột vũ trang, chiến tranh ủy nhiệm, phi đối xứng, phi quy ước,… gia tăng. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển như vũ bão, tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực quân sự, quốc phòng; các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống,... đã và đang đe dọa nghiêm trọng sự ổn định và phát triển bền vững của các quốc gia, trực tiếp đe dọa nền hòa bình thế giới, khu vực, trong đó có Việt Nam, v.v.
Để công tác nghiên cứu, bổ sung, phát triển lý luận về đường lối, chiến lược quân sự, quốc phòng đúng hướng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước đối với công tác nghiên cứu, phát triển lý luận về đường lối, chiến lược quân sự, quốc phòng. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, là định hướng xuyên suốt cho hoạt động nghiên cứu, phát triển lý luận về đường lối, chiến lược quân sự, quốc phòng. Vì vậy, trong nghiên cứu, phát triển lý luận về lĩnh vực này cần quán triệt nắm chắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các nghị quyết, kết luận, chiến lược, hệ thống pháp luật, chính sách về quân sự, quốc phòng đã ban hành, trọng tâm là các nghị quyết và định hướng về phát triển kinh tế - xã hội kết hợp củng cố quốc phòng, an ninh tại một số địa bàn chiến lược; về phát triển công nghiệp quốc phòng thời kỳ mới; hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng; về phòng thủ dân sự; các luật sẽ ban hành, như: Phòng thủ dân sự, Công nghiệp quốc phòng, v.v. Bên cạnh đó, cần nắm chắc tình hình, xu hướng phát triển quốc phòng, an ninh của khu vực và thế giới; những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng những định hướng xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới để trên cơ sở đó, xác định phương hướng, mục tiêu, nội dung chủ yếu trong nghiên cứu, phát triển, bổ sung, hoàn thiện tư duy lý luận về quân sự, quốc phòng trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế một cách phù hợp. Hiện nay, việc ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là phát triển các nền tảng số trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, đặt ra cho công tác nghiên cứu phải vận dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại để phát triển lý luận, nhất là lý luận về lãnh đạo, quản lý, điều hành công tác quân sự, quốc phòng trong thời bình, thời chiến cũng như lý luận về tác chiến số, tác chiến bằng vũ khí công nghệ cao, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng thời đại công nghệ số, v.v.
Hai là, xây dựng chương trình, kế hoạch nghiên cứu, phát triển lý luận phù hợp, khả thi. Đây là khâu, bước quan trọng, không thể thiếu trong nghiên cứu phát triển lý luận nói chung, lý luận về đường lối, chiến lược quân sự, quốc phòng nói riêng. Vì vậy, việc xây dựng chương trình, kế hoạch nghiên cứu cần phải đảm bảo sát, đúng, phù hợp với trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, kinh phí, cơ sở vật chất, tư liệu, tài liệu,... nhằm đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước vào thực tiễn hoạt động quân sự, quốc phòng. Để kế hoạch sát thực tế, phải căn cứ vào định hướng của trên, thực lực của cơ quan chủ quản, rà soát những vấn đề lý luận cần nghiên cứu, đánh giá đúng thực trạng để xác định mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian, phương pháp triển khai nghiên cứu, biên soạn và công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan, xác định công tác tổ chức bảo đảm. Nghiên cứu lý luận khoa học phải tuân thủ đúng nguyên tắc, quy trình các bước của công trình nghiên cứu và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thực tiễn cho thấy, ở từng thời kỳ cách mạng và trong giai đoạn hiện nay, đường lối quân sự của Đảng luôn được quan tâm, hoạch định phù hợp với từng thời kỳ và được thể hiện trong các cương lĩnh, nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có văn bản riêng về đường lối quân sự, quốc phòng thời kỳ mới - thời kỳ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với tư cách là một văn kiện độc lập. Trong khi đó, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, “giữ nước từ khi nước chưa nguy” là vấn đề lớn, mang tính lâu dài, cần định hướng, dẫn dắt bằng một đường lối, học thuyết với một hệ thống quan điểm, nguyên lý cơ bản, hoàn chỉnh nhất. Thêm vào đó, một số chiến lược quan trọng về bảo vệ Tổ quốc đã được xây dựng và triển khai thực hiện, song hiện vẫn chưa hình thành một hệ thống hoàn chỉnh. Vì vậy, trên cơ sở các chiến lược cơ bản đã có, cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các chiến lược ngành, chuyên ngành, cũng như công tác quản lý nhà nước đối với các chiến lược trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng một cách đồng bộ, hiệu quả. Trong điều kiện hiện nay, lộ trình nghiên cứu lý luận về đường lối, chiến lược quân sự, quốc phòng phải bảo đảm tính đồng bộ với tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045; đồng thời, phù hợp với thực tế chất lượng nguồn nhân lực hiện có, các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng khác phải triển khai trên phạm vi toàn quốc.
Ba là, xây dựng cơ quan và đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận về đường lối, chiến lược quân sự, quốc phòng ngang tầm nhiệm vụ. Đây là vấn đề quan trọng, có vai trò quyết định đối với chất lượng các công trình nghiên cứu; sự vững mạnh của cơ quan, chất lượng của đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận là nhân tố then chốt bảo đảm cho các chương trình, kế hoạch nghiên cứu, bổ sung, phát triển lý luận về đường lối, học thuyết, chiến lược được triển khai đồng bộ, thông suốt và hiệu quả cao. Theo đó, cần tập trung xây dựng, kiện toàn cơ quan nghiên cứu lý luận quân sự, quốc phòng cấp quốc gia và chuyên ngành có cơ cấu phù hợp, chất lượng ngày càng cao, theo hướng “tinh, gọn, mạnh, hợp lý, đồng bộ, chuyên sâu”. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm cơ quan chủ trì tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ về công tác nghiên cứu, phát triển lý luận quân sự, quốc phòng trong Bộ Quốc phòng, bảo đảm tính tập trung, thống nhất và chuyên sâu. Đồng thời, chỉ đạo việc xây dựng, bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách, điều lệ công tác ngành chặt chẽ, xác định rõ vị trí, chức trách, nhiệm vụ của từng chức danh. Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của đội ngũ làm công tác nghiên cứu, phát triển lý luận về quân sự, quốc phòng, kiến thức về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ngoại ngữ, tin học,... để họ có thể làm việc được trong môi trường số, mạng internet, khi mọi quá trình lưu trữ, khai thác thông tin, tư liệu, hội thảo, đối thoại quân sự, quốc phòng đều là hoạt động “không giấy tờ”.
Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách để đội ngũ tri thức trong Quân đội tiếp cận các dịch vụ, tri thức về quân sự, quốc phòng, phát huy trí tuệ, tài năng trong mọi hoạt động, trong đó có hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, bổ sung, phát triển lý luận. Mặt khác, vấn đề chuyển đổi số cũng làm thay đổi phương thức tác chiến, phương thức bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi cán bộ nghiên cứu lý luận phải vừa hòa nhập, tận dụng thành tựu này trong cập nhật, khai thác thông tin tư liệu, vừa phải quán triệt vào trong các công trình nghiên cứu lý luận để đề xuất hệ thống quan điểm, phương châm, nguyên tắc, cơ chế, chính sách,… trong xây dựng đường lối, học thuyết, chiến lược về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, nhất là lý luận về phương thức chiến tranh, phương thức bảo vệ Tổ quốc thời đại 4.0.
Bốn là, đẩy mạnh hợp tác về nghiên cứu lý luận quân sự, quốc phòng. Trước sự biến động phức tạp về quân sự, quốc phòng của thế giới, khu vực cùng với tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hệ thống lý luận nói chung, lý luận về quân sự, quốc phòng nói riêng trên thế giới cũng như trong nước phát triển hết sức phong phú, đa chiều, đa lĩnh vực, đặt ra việc phải đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế để cung cấp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, sản phẩm, thành tựu nghiên cứu lý luận giữa các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài Quân đội, giữa cơ quan trong nước với các viện, trung tâm nghiên cứu, phát triển lý luận, khoa học quân sự, quốc phòng của thế giới. Thực tế hiện nay, trên thế giới có rất nhiều hệ tư tưởng, học thuyết, chiến lược về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, chiến tranh và quân đội. Đây cũng là lĩnh vực có nhiều nội dung nhạy cảm, liên quan đến bí mật quân sự, bí mật quốc gia, đặt ra cho việc hợp tác quốc tế cần lựa chọn các đối tác, nội dung, phạm vi hợp tác, chia sẻ thông tin tư liệu, chuyển giao,... sản phẩm nghiên cứu một cách thông minh, sáng tạo, phù hợp nhất. Vì vậy, cần tăng cường các hoạt động tọa đàm, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, cả trực tiếp và trực tuyến. Chủ động phối hợp nghiên cứu các công trình cả lý luận và thực tiễn về đường lối, học thuyết, chiến lược với các nước đối tác, nhất là các nước láng giềng, bạn bè truyền thống, đối tác chiến lược,... để trao đổi và học hỏi kinh nghiệm chuyên môn. Chú trọng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu lý luận với các nước có thế mạnh; đồng thời, quan tâm hợp tác xây dựng hiện đại hóa cơ quan nghiên cứu lý luận quân sự, quốc phòng, đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Đại tá, TS. NGUYỄN MINH THỨC - Đại tá LÊ VĂN HƯỞNG, Viện Chiến lược Quốc phòng ___________________
1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 159.
Đường lối,chiến lược quân sự,quốc phòng,hiệu quả nghiên cứu,phát triển lý luận,một số vấn đề
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc