Thứ Sáu, 22/11/2024, 20:25 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Sư đoàn 304 là đơn vị có bề dày truyền thống. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, các đơn vị của Sư đoàn đã có mặt ở hầu hết các chiến trường, lập nên nhiều chiến công vẻ vang. Bước sang thời kỳ cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), Sư đoàn được tổ chức thành đơn vị bộ binh cơ giới, với nhiệm vụ trung tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Chấp hành các chỉ thị, quyết định của Bộ Quốc phòng về tổ chức biên chế, xây dựng quân đội trong tình hình mới, từ năm 2008, Sư đoàn tổ chức thành đơn vị khung thường trực, thực hiện các nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiệm vụ phối hợp với các địa phương xây dựng lực lượng DBĐV.
Thực hiện Chỉ thị số 06/CT-BQP và Kế hoạch số 360/KH-TM của Bộ Tổng tham mưu về thí điểm xây dựng các đơn vị DBĐV trong tình hình mới, Sư đoàn chuyển giao toàn bộ số khung cán bộ tiểu đoàn, đại đội (theo biên chế khung thường trực) cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Phúc. Số cán bộ này được biên chế trực tiếp trong cơ quan quân sự các huyện, thị và tổ chức thành khung đơn vị DBĐV. Theo đó, địa phương sẽ đảm nhiệm toàn bộ các khâu: được giao chỉ tiêu xây dựng lực lượng DBĐV, chủ động thực hiện việc tổ chức đăng ký, sắp xếp quân nhân DBĐV và phương tiện kỹ thuật vào các đơn vị DBĐV; hằng tháng tổ chức sinh hoạt, kiểm tra, phúc tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị; phong, thăng quân hàm cho sĩ quan làm nhiệm vụ DBĐV và sĩ quan DBĐV; tổ chức thâm nhập, nắm quân nhân DBĐV và phương tiện kỹ thuật; tổ chức huấn luyện lực lượng DBĐV. Khi có quyết định của cấp trên về huy động, động viên thời chiến thì tỉnh Vĩnh Phúc sẽ bàn giao toàn bộ đơn vị DBĐV cho Sư đoàn, trong đó gồm cả khung (số cán bộ của Sư đoàn chuyển ra) và quân nhân DBĐV của địa phương. Sau khi tiếp nhận, Sư đoàn tổ chức biên chế vũ khí, trang bị và đưa vào thực hiện các nhiệm vụ được giao. Theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng, Sư đoàn 304 và tỉnh Vĩnh Phúc là nơi thực hiện đầu tiên, và là một trong 3 đơn vị, địa phương đại diện cho 3 vùng, miền trong cả nước thực hiện lộ trình làm thí điểm để rút kinh nghiệm chung.
Sau khi nhận được Chỉ thị số 06/CT-BQP của Bộ Quốc phòng, Hướng dẫn số 493/HD-TM của Bộ Tổng tham mưu và Chỉ thị số 295/CT-BTL của Tư lệnh Quân đoàn 2, Đảng uỷ Sư đoàn đã triển khai quán triệt và ra Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện Chỉ thị; tiếp đó, chỉ đạo các cấp uỷ, chi bộ quán triệt chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên. Đồng thời, Sư đoàn tổ chức triển khai chặt chẽ công tác chuẩn bị, như: tổ chức điều tra, rà soát lại chất lượng, nắm tâm tư, nguyện vọng của cán bộ; kiểm tra lại hồ sơ cán bộ, đảng viên và giải quyết tốt các chế độ chính sách... Trong đó, các đơn vị đặc biệt chú trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức về nhiệm vụ xây dựng lực lượng DBĐV, nhất là đối với các đồng chí cán bộ trong diện điều chuyển từ Sư đoàn sang tỉnh Vĩnh Phúc làm công tác xây dựng lực lượng DBĐV. Vì vậy, các đồng chí được điều chuyển đều chấp hành nghiêm túc, yên tâm, phấn khởi nhận nhiệm vụ.
Sau khi chuyển giao cán bộ, một mặt, Sư đoàn ổn định tổ chức trong đơn vị; mặt khác, tiếp tục hiệp đồng với địa phương để thống nhất, hoàn chỉnh kế hoạch tiếp nhận đơn vị DBĐV. Sau hơn một năm thực hiện thí điểm, theo kế hoạch đã xác định, cuối năm 2011, Sư đoàn đã tiếp nhận đơn vị DBĐV và thực hành tổ chức diễn tập. Để đạt kết quả cao, trước khi diễn tập, Sư đoàn đã chủ động tổ chức đoàn cán bộ với thành phần cấp sư đoàn, trung đoàn đến phối hợp với địa phương theo dõi huấn luyện và giúp địa phương điều chỉnh, bổ sung những nội dung cần thiết. Đồng thời, căn cứ vào ý định diễn tập, Sư đoàn thành lập Ban chỉ đạo diễn tập, chuẩn bị trạm tiếp nhận, xây dựng đầy đủ hệ thống văn kiện tiếp nhận, diễn tập; chuẩn bị thao trường diễn tập đúng với yêu cầu, nhiệm vụ đề ra...
Trong bước tiếp nhận quân DBĐV, Sư đoàn thực hiện nghiêm túc 5 bước quy định tại trạm tiếp nhận; tổ chức biên chế vũ khí, trang bị và tổ chức huấn luyện bổ sung những nội dung sát với nhiệm vụ diễn tập; trong đó, chú trọng huấn luyện đội ngũ chiến thuật, nhất là những phần liên quan đến bắn chiến đấu. Trong thực hành diễn tập, Sư đoàn tiến hành đầy đủ các bước theo kế hoạch; các tình huống bảo đảm sát với thực tiễn chiến tranh BVTQ trong điều kiện mới. Mặc dù cuộc diễn tập có bắn đạn thật với yêu cầu cao, nhưng do chuẩn bị chu đáo cả về con người và vật chất bảo đảm, nên đã diễn ra đúng phương án, kế hoạch; công tác hiệp đồng chiến đấu tốt, các hướng mũi đều tiêu diệt được mục tiêu; từng cá nhân, phân đội có ý thức chiến thuật tốt. Bộ phận đạo diễn đã dẫn dắt tình huống phù hợp. Cuộc diễn tập được đánh giá đã đạt kết quả tốt (chiến thuật: khá, kỹ thuật: giỏi), an toàn tuyệt đối.
Về thuận lợi, ưu điểm: theo phương thức đang thí điểm, địa phương phải thực hiện “tròn khâu”, nên trách nhiệm cao hơn, chủ động hơn trong công tác đăng ký, quản lý nguồn; nắm chắc cả số lượng và chất lượng quân nhân DBĐV, nhất là những trường hợp di, biến động khỏi địa phương. Việc khôi phục lực lượng và bàn giao nhanh, gọn hơn, vì bàn giao cả đơn vị DBĐV (cả cán bộ, chiến sĩ), chứ không phải bàn giao từng quân nhân dự bị cho đơn vị thường trực như phương thức cũ.
Trong công tác tiếp nhận: theo phương thức cũ thì đơn vị tiếp nhận phải thành lập trạm tiếp nhận với tổng số 46 cán bộ, chiến sĩ; tiến hành tiếp nhận theo 6 bước, ở 6 vị trí khác nhau (tạm dừng, đón tiếp, tiếp nhận, cấp phát quân trang, hậu cần, chỉ huy); như vậy, số người ở trạm tiếp nhận đông và mất nhiều thời gian. Theo phương thức thí điểm, ở trạm tiếp nhận chỉ duy trì 5 vị trí, tương ứng với 5 bước (không có vị trí cấp phát quân trang) và khối lượng công việc trong từng bước được giảm bớt nên quân số trong trạm tiếp nhận chỉ còn 13 đồng chí. Thực tế cho thấy, thời gian tiếp nhận quân DBĐV nhanh, gọn hơn; công tác quản lý sau tiếp nhận chặt chẽ hơn (vì cán bộ khung từ Sư đoàn chuyển ra vẫn liên tục quản lý quân nhân DBĐV).
Về khó khăn, nhược điểm: giai đoạn tiếp nhận, khôi phục lực lượng, do quân số của đơn vị thường trực ít, nên gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc tổ chức vận chuyển, cấp phát vũ khí, trang bị. Thực tiễn tổ chức diễn tập vừa qua còn nảy sinh một số vấn đề, như: đơn vị DBĐV huấn luyện tại địa phương sử dụng loại vũ khí khác; bước vào diễn tập chiến đấu đơn vị thường trực lại biên chế loại vũ khí khác (về thế hệ, nước sản xuất...) dẫn đến khi sử dụng bị lúng túng, buộc phải bồi dưỡng thêm. Bên cạnh đó, chất lượng huấn luyện tại địa phương không cao bằng huấn luyện tại đơn vị thường trực (do điều kiện tổ chức, thao trường, vũ khí, trang bị...).
Qua 2 năm thực hiện thí điểm xây dựng lực lượng DBĐV theo phương thức mới, chúng tôi thấy có một số vấn đề đặt ra và hướng giải quyết sau:
Trong thời gian địa phương quản lý, huấn luyện lực lượng DBĐV, do chưa xác lập rõ cơ chế phối hợp, quyền hạn kiểm tra của đơn vị thường trực, nên việc phối hợp kiểm tra của Sư đoàn (đơn vị thường trực) không thường xuyên, dẫn đến không nắm chắc chất lượng các đơn vị DBĐV (thực chất là nguồn thuộc Sư đoàn quản lý). Do đó, cần có quy định cụ thể hơn để đơn vị thường trực chủ động phối hợp với địa phương trong công tác thâm nhập, kiểm tra, nắm chất lượng của lực lượng DBĐV ở mọi thời điểm, nhất là khi địa phương tổ chức tập huấn, huấn luyện cán bộ và đơn vị DBĐV.
Trong giai đoạn chuyển trạng thái từ tăng cường lên cao (hoặc toàn bộ ngay), theo kế hoạch, địa phương làm công tác động viên quân dự bị và chuẩn bị mọi mặt của đơn vị DBĐV để bàn giao; đơn vị thường trực củng cố trạm tiếp nhận và tiếp nhận quân nhân DBĐV. Do đó, để công tác khôi phục lực lượng chặt chẽ, nhanh gọn hơn thì Bộ Quốc phòng cần xác định rõ cơ chế thông báo, phối hợp, hiệp đồng giữa đơn vị và địa phương (cấp thông báo, nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi bên…) và hằng năm cần tổ chức luyện tập thực hành động viên, bàn giao, nhận quân tại trạm tiếp nhận. Mặt khác, cần tiếp tục nghiên cứu để giảm bớt hơn nữa khối lượng công việc và thời gian ở trạm tiếp nhận, bảo đảm cho lực lượng DBĐV có thể nhanh chóng di chuyển đến khu tập trung của đơn vị. Như vậy, sẽ nâng cao hiệu quả phòng tránh, bảo toàn lực lượng trong điều kiện chiến tranh BVTQ, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, có hoả lực mạnh, chính xác.
Sư đoàn 304 là đơn vị nằm trong đội hình của quân đoàn chủ lực cơ động, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu luôn đặt ra những yêu cầu rất cao, đòi hỏi mỗi cá nhân, đơn vị phải có trình độ kỹ thuật, chiến thuật tốt. Vì vậy, theo chúng tôi, cần tăng thời gian huấn luyện của lực lượng DBĐV và hằng năm cần tổ chức diễn tập có bắn đạn thật do Sư đoàn chủ trì phối hợp với địa phương tổ chức. Mặt khác, theo Chỉ thị 06 thì tại đơn vị thường trực sẽ không có thời gian huấn luyện bổ sung, nhưng thực tế thí điểm vừa qua cho thấy, rất cần phải có thời gian huấn luyện bổ sung trước khi diễn tập hoặc bước vào chiến đấu. Bên cạnh đó, nên để Sư đoàn (đơn vị thường trực) hằng năm tổ chức tập huấn cán bộ khung làm công tác DBĐV; như vậy, chất lượng huấn luyện sẽ cao hơn và cập nhật được những phát triển mới về nghệ thuật quân sự và vũ khí, trang bị.
Xây dựng lực lượng DBĐV là một chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước ta; là nhiệm vụ quan trọng, khi mà số lượng quân thường trực được duy trì ở mức độ hợp lý. Hiện nay, yêu cầu xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” luôn đòi hỏi phải xây dựng lực lượng DBĐV mạnh, được quản lý chặt chẽ, tổ chức huấn luyện tốt, có trình độ và khả năng chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu cao. Thực hiện thí điểm xây dựng đơn vị DBĐV tại Sư đoàn 304 và tỉnh Vĩnh Phúc vừa qua đã khẳng định những ưu điểm và hiệu quả so với phương thức cũ. Tuy nhiên, các cấp cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ; đặc biệt là, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách để không ngừng nâng cao chất lượng lực lượng DBĐV, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới.
Đại tá TRỊNH QUANG ĐỈNH
Sư đoàn trưởng
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc